Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Thích ứng BĐKH để phát triển đô thị biển vùng Tây Nam Bộ, Việt Nam

Ngày nay, xu hướng mới của các đô thị trên thế giới đang chuyển dịch từ phát triển dựa vào đất liền (land-based) sang phát triển dựa vào biển (ocean-based) nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh tế từ đại dương. Tuy nhiên, các đô thị biển đang chịu tác động ngày càng gia tăng của BĐKH (BĐKH) và chính những tác động này sẽ là trở lực chính cho phát triển của chính đô thị. Việc tìm hiểu những giải pháp thích ứng BĐKH và vấn đề đầu tiên cần đặt ra trong phát triển đô thị biển.

Việt Nam là quốc gia biển với chỉ số biển khoảng 0,01 (gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới), với 3.260km đường bờ biển, trên 1 triệu km2 vùng lãnh hải; với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trên 3.000 đảo, quần đảo khác. Các khu kinh tế, công nghiệp và cảng biển kết nối các đô thị biển sẽ trở thành động lực hình thành các trung tâm đổi mới, các mô hình phát triển theo cơ hội hậu công nghiệp. Vùng Tây Nam Bộ nằm ở vùng cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm các tỉnh tiếp giáp biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, vốn là những khu vực rất hiếm khi chịu tác động của thiên tai. Thế nhưng gần đây, hàng loạt tổ hợp các thiên tai xảy ra ở các địa phương này ngày càng nhiều. Đây như một hồi chuông đáng báo động về vấn đề cần phải có những giải pháp để các đô thị biển vùng Tây Nam Bộ có thể thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững trong tương lai.

Bài viết sẽ tập trung vào việc đề xuất những bước đi khoa học đầu tiên trong việc tích hợp nội dung BĐKH trong phát triển đô thị biển dưới góc nhìn cấu trúc đô thị.

Các thành phố ven biển và sự tích tụ dân cư giai đoạn năm 1945 – 1954
(Nguồn: https://ift.tt/8eR5Dwu)
Các thành phố ven biển và sự tích tụ dân cư giai đoạn năm 2005 – 2012
(Nguồn: https://ift.tt/8eR5Dwu)

Thế giới và kinh tế biển thế kỷ 21

“Thế kỷ của biển và đại dương” là một trong những tên gọi dành cho Thế kỷ 21, bởi lẽ kinh tế biển đang dần trở thành nội dung hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Các ngành kinh tế biển mới nổi (năng lượng sạch, khai thác dầu và khí vùng biển sâu, hàng hải và cảng cực lớn quốc tế, công nghệ sinh học biển, du lịch biển, dịch vụ biển công nghệ cao,…) đã có tốc độ phát triển rất nhanh dựa trên nền tảng hậu hiện đại. Nhìn vào hai hình sau, ta có thể thấy rõ xu hướng phát triển đô thị biển như vũ bão và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đó.

Các xu thế phát triển đô thị biển trên thế giới cũng ngày càng đa dạng: Thứ nhất, tích tụ dân cư ven biển trong các đô thị ven biển trên quy mô toàn cầu (Hugo, 2011; Balk, 2009; Small, 2003); Thứ hai, đổi mới liên kết đô thị – cảng biển quốc tế. Các đại đô thị thế giới ven biển gắn với cảng biển – tạo dòng chảy kinh tế nối quốc tế vào sâu nội địa (mặc dù xu hướng khoảng cách không gian địa lý kéo giãn giữa cảng biển với trung tâm đô thị (Ducruet, 2005; Ducruet và Lee, 2006); Thứ ba, xu thế phát triển du lịch sinh thái biển. Các giá trị nổi trội của các cảnh quan thiên nhiên biển, hải đảo và hệ sinh thái tự nhiên đã tạo ra tiềm năng lớn này cho biển Việt Nam.

Đô thị biển Việt Nam là những cực phát triển kinh tế biển

Cực kinh tế từ đô thị biển: Hệ thống các chuỗi đô thị biển (một chỉnh thể không gian kết nối: Ven biển – biển – đảo – theo PGS Chu Hồi) cần trở thành “bàn đạp” và hạt nhân tiến biển. Theo tư duy chiến lược, các đô thị biển có thể xây dựng “nồi cơm biển” theo đặc thù địa lý và chuỗi kết nối của mình: Đô thị nông nghiệp biển (đánh bắt, nuôi trồng và chế biến); Đô thị năng lượng sạch; Đô thị hải cảng (đóng tàu, dịch vụ sau cảng và logistic); Đô thị du lịch sinh thái biển; Đô thị tài chính quốc tế; Đô thị nghệ thuật và sáng tạo.

Những đô thị này dựa trên 4 lĩnh vực đóng góp tới 98% kinh tế biển Việt Nam (khai thác dầu khí chiếm 64%; hải sản 14%; giao thông vận tải 11% và du lịch biển trên 9%). Chắc chắn tương lai đô thị biển Việt Nam sẽ gắn chặt với Chiến lược phát triển kinh tế biển đã được xác định rõ trong Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu “kinh tế biển đóng góp 53 – 55% GDP, 55 – 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển”.

Các tuyến đường vận chuyển hàng hải chính trên Thế Giới (Nguồn: https://ift.tt/g8ClxjK

Đô thị biển đa chiều thích ứng với BĐKH

Khi bàn luận về hệ sinh thái đô thị biển, chúng ta không thể phủ nhận đô thị biển nói riêng hay một đô thị nói chung luôn luôn tồn tại bên trong nó một hệ sinh thái (HST) với bốn yếu tố Tự nhiên – Kinh tế – Con người – Văn hóa, tương tác trong dòng chảy nội tại của nó.

Một đô thị phát triển mà không cân bằng động giữa bốn yếu tố này sẽ phá vỡ đi HST vốn có, hiển nhiên sẽ đưa các hạt nhân phát triển bị mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau. Ví dụ, suy thoái HST tự nhiên đang đe dọa đến phát triển của loài người, ngược lại sự biến đổi nhận thức bảo vệ tài nguyên môi trường lại góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn và phúc lợi môi trường sống.

Thiết lập xu hướng phát triển cân bằng hệ sinh thái đô thị biển có sự tham gia đa chiều và liên ngành được đề xuất theo hình 6 như sau:

  • Phương hướng tái cân bằng HST tự nhiên: Gồm các nhiệm vụ chính như bảo tồn chức năng sinh thái, hồi sinh và hoàn trả hệ sinh thái bản địa và phát triển gia nhập HST đảm bảo cân bằng đa chiều, hài hòa với vòng tuần hoàn tự nhiên;
  • Phương hướng tái cân bằng HST xã hội: Gồm các nhiệm vụ chính như phát triển tiếp nối, việc làm và cấu trúc dân cư, hạ tầng xã hội,…
  • Phương hướng tái cân bằng môi trường xây dựng: Gồm các nhiệm vụ chính như nguồn tái tạo, hạ tầng, năng lượng,…
Quan niệm về phát triển bền vững của phát triển bền vững năm 1987 (bên trái) và sau 2015 (bên phải)

Dựa trên các khái niệm đa chiều để xây dựng mô hình phát triển, PGS.TS.KTS.Nguyễn Hồng Thục đã đưa ra một Mô hình phát triển HST đô thị biển đa chiều như sau:

Xây dựng mô hình phát triển Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều

Các tác động đa chiều sẽ gồm tác động theo chiều ngang và tác động theo chiều dọc:

  • Tác động theo chiều dọc: Đánh giá theo hai chiều chính: (1) Từ trên xuống sẽ là Mô hình cân bằng da chiều và (2) Từ trên xuống sẽ là Mô hình hiện trạng. Các tác động này sẽ thông qua cơ chế liên kết của Nhà nước –

Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp và Cộng đồng dân cư bản địa;

  • Tác động theo chiều ngang: Đây là các đánh giá thông qua các cấu trúc đô thị như: Thể chế và sự tham gia; Môi trường – Tự nhiên – Rừng ngập mặn; Tổ chức không gian đô thị và nông thôn theo mô hình đàn hồi (resilience); theo nền kinh tế tuần hoàn; Kinh tế tuần hoàn và giá trị gia tăng, đổi mới Hệ sinh thái Tự nhiên – Xã hội; Xã hội – Định cư con người – Di sản; Hạ tầng – Giao thông – Năng lượng sạch.

Đô thị biển thích ứng với BĐKH – Tiền đề cho phát triển bền vững

Bên cạnh việc thiết lập mô hình phát triển cân bằng đa chiều, các đô thị biển đồng thời cần phải có khả năng thích ứng với BĐKH. Nội hàm “Thích ứng BĐKH” của một đô thị là làm tăng khả năng chống chịu tự nhiên, tăng khả năng chống chịu xã hội và tăng khả năng chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới cho đô thị đó. Đơn lẻ, từ “Thích ứng” đã thể hiện rõ việc đô thị phải điều chỉnh để thích nghi được với các tác động của BĐKH, tuy nhiên đây cũng mới là một giải pháp bị động để phát triển. Trong xu hướng tích hợp liên ngành, các nội dung BĐKH có thể được lồng ghép vào các nội dung quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT). Từ đó, khả năng thích ứng với BĐKH của đô thị sẽ được nâng cao một cách hiệu quả và chủ động hơn.

Phương pháp đánh giá khả năng thích ứng của đô thị trước BĐKH

Xét về mặt nguyên tắc, khi tích hợp BĐKH vào QHPTĐT cần thiết phải đảm bảo được các yếu tố phát triển bền vững, duy trì được các lợi ích từ việc khai thác HST tự nhiên – xã hội địa phương (đặc biệt là các đô thị ven biển) và hài hòa được các lợi ích phát triển khu vực, vùng. Lộ trình để tích hợp BĐKH vào QHPTĐT cần thiết phải trải qua từng bước sau:

  • Bước 1: Khảo sát hiện trạng đô thị và xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị cho BĐKH;
  • Bước 2: Đánh giá khả năng thích ứng và đánh giá mức độ tổn thương do BĐKH;
  • Bước 3: Dựa vào khả năng thích ứng và mức độ tổn thương của đô thị, đề xuất các nội dung BĐKH và đưa vào nội dung quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị biển;
  • Bước 4: Xây dựng lộ trình và khung tích hợp BĐKH vào phát triển đô thị thích hợp với mỗi đô thị;
  • Bước 5: Từ khung tích hợp sẽ đề xuất các nội dung tích hợp trong các khía cạnh về Kinh tế – Xã hội – Không gian cho bốn yếu tố chính: Tự nhiên – Kinh tế – Con người – Văn hóa;
  • Bước 6: Đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH vào phát triển đô thị biển (qui hoạch, chương trình, kế hoạch) nhằm giảm mức độ tổn thương do BĐKH.

Với lộ trình tích hợp này, một số các phương pháp được sử dụng như sau:

(1) Phương pháp thu thập và hệ thống hóa số liệu;

(2) Sử dụng Các bộ chỉ số đánh giá khả năng thích ứng của đô thị với BĐKH và Phương pháp đánh giá tổn thương do BĐKH.

Lồng ghép nội dung thích ứng BĐKH vào đô thị biển – góc nhìn từ thiết kế đô thị

Lồng ghép nội dung BĐKH

Theo lý thuyết M.G.Cougen – cha đẻ của bộ môn hình thái học đô thị cho rằng có 3 yếu tố bất biến đổi và 5 yếu tố biến đổi tác động tới việc xác định hình thái của một đô thị:

  • Ba yếu tố bất biến đổi: (1) thiên nhiên; (2) di sản; (3) lối sống;
  • Năm yếu tố biến đổi: (1) mặt bằng tổng thể; (2) cách chia ô, mảnh; (3) cấu trúc đặc, rỗng; (4) phân chia sử dụng đất; (5) Ngôn ngữ kiến trúc, địa hình và cảnh quan.
Lồng ghép nội dung BĐKH

Với lý thuyết của Thiết kế đô thị thì trong đô thị sẽ gồm 3 lớp cấu trúc chính tương ứng ba khía cạnh quan trọng nhất của đô thị gồm: Kinh tế – Xã hội – Môi trường. Trong đó, các lớp cấu trúc trong từng lớp vấn đề sẽ được thể hiện trong không gian thông qua phương pháp Bóc tách phân lớp bản đồ và Chồng lớp bản đồ. Từ các lớp bản đồ, các nhà QLPTĐT có thể nhận ra xu hướng phát triển cũng như những thế mạnh, thế yếu, cơ hội và những đe dọa đến sự phát triển của đô thị. Đặc biệt những khu vực trọng yếu cho sự phát triển của đô thị cũng sẽ được dễ dàng nổi lên trên các lớp bản đồ.

Bảng 1- Các lớp cấu trúc đô thị của một đô thị dưới góc nhìn Thiết kế đô thị

Lồng ghép phương pháp đánh giá khả năng thích ứng BĐKH vào các lớp cấu trúc đô thị

Trong lộ trình tích hợp BĐKH vào phát triển đô thị, cần tuân thủ các bước theo Bảng 2

Bảng 2- Quy trình đánh giá khả năng thích ứng BĐKH

Áp dụng chiến lược thích ứng BĐKH

Đây là vấn đề đầu tiên trong hoạch định phát triển đô thị biển: Trong quá trình phát triển, các đô thị biển Vùng Tây Nam Bộ cần liên kết vùng và thích ứng với BĐKH trên quy mô toàn cầu, quốc gia. Chiến lược tích hợp để thích ứng BĐKH cho hệ thống đô thị biển với trọng tâm là các cực kinh tế biển cần khắc phục cách tiếp cận đơn ngành và ứng phó có tính địa phương. Trong tương lai, vấn đề thích ứng BĐKH cần đưa ra đầu tiên trong các chiến lược phát triển đô thị quốc gia và địa phương.

NCS.KTS Nguyễn Thị Tuyết Trinh
Khoa Liên ngành, Đại học Quốc Gia Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)

The post Thích ứng BĐKH để phát triển đô thị biển vùng Tây Nam Bộ, Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/pJkEMdo
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét