Thấm thoát đã hơn hai mươi năm từ ngày KTS Lê Hiệp nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Đằng sau mỗi giải thưởng là bao chuyện đời, chuyện nghề mòn mỏi thời gian. ngày mai còn đó. Năm 2022 này, “KTS Tượng đài” tròn tuổi Tám mươi. Hỏi thăm sức khoẻ? – Ông cười! Hỏi chuyện đau yếu? – Ông lại cười! Phải rồi, vẫn tiếng cười ấy, tiếng cười của một “KTS hiền lương”, như có lần ông tự nhận trong một trả lời phỏng vấn. Nhân dịp KTS Lê Hiệp thượng thọ, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam trích đăng bài viết “Từ Bắc Sơn mà ra” của KTS Đoàn Khắc Tình; cũng là để nhắn gửi bạn đọc ít lời tri kỷ về những tháng năm sáng tác truân chuyên – và hạnh phúc, của KTS Lê Hiệp khả kính. Trân trọng giới thiệu!
Dạo tháng Tám, tình cờ tôi ghé qua Tượng đài Bắc Sơn. Hà Nội mùa thu đã lên đèn, không đợi chiều vàng chạng vạng. Một quầng sáng rực chói, óng ánh. Kiến trúc tượng đài là thứ kiệm lời. nhưng lại khiến lòng dạ con người đến được cái vô thường. Phải nói Lê Hiệp là người chịu chơi vì đã dám lao vào cái khó mà thành công chỉ là muôn một ấy. Người ngoại đạo thật khó tiếp xúc với nghệ thuật của Lê Hiệp?! Chỉ biết sở thị tác phẩm của ông…
Đài tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang nức tiếng ngay khi vừa ra đời. Tiếng tăm đưa nó một mạch đến Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 1996. Lê Hiệp nói: “Cây đa là cái hồn, cái lõi của đài Tưởng niệm”. Tầng tầng lớp lớp tán cây mây bay, dạt dào tình nghĩa sáng trong, trời đất cuộn cơn bão tố “rũ bùn đứng dậy”. Cồn cào nỗi niềm hớn hở ngày nào. Tinh chất dồn cả cho Cây Đa – Hồi quang của lịch sử không chút phôi pha. Kiến trúc mới tráng lệ làm sao, lại in chìm vào mặt nước gương trong như ngầm tự kiêu hãnh. Bệ nền, tường rẽ lối xây đá tảng,; dưới chân đài là dải đồi bằng phẳng, cây cối thâm thấp, xanh rì không thể khác. Tất cả đẩy công trình vươn cao, chất ngất giữa núi non kỳ vĩ “Việt Bắc Thủ đô Gió ngàn”… Vệt đỏ hồng tuyến bậc thang trực chỉ, thôi thúc chân ta bước tới Cây Đa.
Lê Hiệp thật có nghề, tiếp sức cho Cây Đa chiếm lĩnh đất trời, hướng thượng cao vời – cái Tất yếu Cách Mạng. Có lẽ chút lạc lõng là hai dãy đèn, mỗi chùm dăm ngọn tú cầu, kiểu đèn đường dạo công viên. Một vết mờ khó nhận ra của viên ngọc sáng, có thể chỉnh sửa sau, nếu muốn. Thật tình, trong số hàng chục Kiến trúc tượng đài Bắc Trung Nam của Lê Hiệp, đến nay tôi vẫn thấy cái Tuyên Quang ghi lòng tạc dạ hơn cả.
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Ninh – Quảng Ninh. Ở công trình này, Lê Hiệp dùng lại “bố cục Tuyên Quang”, nhưng gọn ghẽ. Cái hay của Hải Ninh hoá ra lại ở sự dè sẻn một thức, một kiểu. Những nếp cuộn vừa đủ, có cữ trên dưới, tụ bạ bên trên các bó nhóm cột ở góc đài liệt sĩ. Hơi tiếc bốn khung cửa cách điệu thiếu rành mạch, ngoại trừ tăng sức níu giữ tượng đài bám đất cho chặt. Đồ rằng, những khung cửa ấy làm tượng đài mất đi tính bay bổng, hoàn vũ. Lại thêm các hàng mộ liệt sĩ quy tập ở trung tâm nghĩa trang hơi lộn xộn. Khối tứ trụ tam quan phía ngoài quá lớn, dàn hàng ngang hết dung đạo đổ bê tông và thiếu hẳn tường bao lấy khuôn giới cấm địa (La thành), nên vai trò trung tâm của tượng đài thiếu chắc chắn. Hai trụ chính và hai trụ bên chênh nhau cái lớn lớn gần gấp đôi cái bé. Phần đầu trụ khoét rỗng hiểu là đèn lồng đá hay ngọn cây hương đều được. Nghĩa trang Hải Ninh lúc nào cũng như vương vấn bóng người, ngan ngát khói hương đền ơn đáp nghĩa…
Thoạt nhìn Bia Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ thị xã Bắc Ninh dễ bị cái duyên mới đập vào mắt: Thay cho đài liệt sĩ là nhà bia. Không riêng công trình này KTS Lê Hiệp phải vất vả lội ngược dòng thói nhàm chán của những trụ biểu xây gạch quét vôi ve trên khắp đất Bắc thời xa vắng. Trang trí mỹ thuật của chúng quanh đi quẩn lại chỉ thấy viền đắp nổi bốn chữ quốc ngữ Tổ Quốc Ghi Công tô tượng hình gượng gạo trên thân trụ trắng, vàng. Trông xa chỉ thấy mấy vệt vuông tròn đỏ lựng. Nhà bia là một ngôi nhà khá đặc biệt. Toàn bộ kết cấu do một vành khuyên bê tông cốt thép chịu trách nhiệm và nhấc bổng bộ mái dốc có cả các hoa đao lẫn thu hồi. Trích đoạn Trời tròn Đất vuông?! Đại thể nhà bia được dàn dựng theo kịch bản ngầm: Bộ mái ghép với bẩy lớp văn bia xếp sít hàng dọc thành một cụm, cùng với hai chân vành khuyên bê tông, thêm hai khoảng rỗng hai bên tạo thành hình… chùa Một cột. Có thể đó là lý do khiến bộ mái sà xuống quá sát cụm bia hàng dọc?! Người ngoại đạo dễ cảm thông thủ pháp “không cố ý” của tác giả và hình tượng chùa Một Cột chẳng qua là liên tưởng tự phát của người quan sát. Màu ngói roi rói của mái “chùa Một Cột” và “hàng cột” (cụm bia đá) làm cho Bia tưởng niệm anh hùng Liệt sĩ thị xã Bắc Ninh mất đi tính kín đáo, chưa kể tứ trụ thân tròn trơn, đứng quây lấy bệ đài liệt sĩ xa lạ với kiểu dáng nhà bia.
Bia Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Ninh vừa khánh thành thì Lê Hiệp “lao” tiếp vào thể nghiệm mới: Đài Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh. Tuy tên gọi thì na ná nhưng tác phẩm mới hoàn toàn khác. Theo thiết kế, công trình này nằm trên trục trung tâm quy hoạch của thành phố Bắc Ninh tương lai, rất đắc địa. Về tầm cỡ, nó có thể vượt lên trên địa vị đài tưởng niệm của một tỉnh, vì Bắc Ninh là đất Phật, đất phủ Thiên Đức đời Lý. Cái hay của Đài liệt sĩ Bắc Ninh là hòa được nhiều giọng điệu mà không đa ngôn và như ẩn trong một vần thơ có khổ. Hình búp sen đẹp, gọt giũa kỹ, không thể nói do đục đẽo mà thành. Bác ái, thơ mộng, chầm chậm, lôi cuốn theo dòng. Búp sen mãn khai khổng lồ trằng tinh khiết được chọn làm cái thiêng liêng, hình tháp đá báo nghiêm chùa Bút Tháp “dán” lên đó rất ngọt. Đỉnh tháp thêm vòng hào quang minh triết, chuyển hóa mọi tín điều thành thiện tâm. Đứng trước tượng đài càng thêm thương nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nếu tôi không lầm, Lê Hiệp khai phóng kiến trúc theo ý niệm Tam Thế, cho giả quan, vô quan chạy vòng ra sau tượng đài, lâng lâng cao lên. Nhác trông tổng mặt bằng đài tưởng niệm hao hao bình đồ đền Lý Bát đế. Đài liệt sĩ Bắc Ninh cao 20m. Quây quần xa xa quanh đó là Trụ sở Tỉnh uỷ, UBND, Bảo tàng tỉnh – Khối nhà ba dãy nhất đường nhị vu bao bọc phía sau Đài tưởng niệm làm hậu chẩm. Có hệ lụy phát sinh từ kiến trúc bảo tàng: Ba bộ mái dốc không thu hồi và hai dãy hành lang của nó ăn theo tuyến suốt nóc lượn cong. Cấu trúc gian điện bên trong bị phá vỡ. Tất cả các bộ vì sáu hàng chân bị biến dạng, kèm theo vô số phối cảnh ngược rất khó xử lý (trên bản vẽ thiết kế đã thấy tác giả bỏ qua điều này). Thêm vào đó quy hoạch dàn trải, các hạng mục phụ trợ rời rạc, tẻ nhạt. Tam quan tứ trụ trang trọng, hơi tiếc phần đế không làm ngấn trúc cách cổ lâu. Đài tưởng niệm Bắc Ninh là tác phẩm lãng mạn nhất của Lê Hiệp. Cần nói rõ công trình này hiện còn chờ quy hoạch mới cho thành phố Bắc Ninh.
Màu xám nhạt thay màu sa thạch ở Đài tưởng niệm Núi Nhạn (phố Lê Trung Kiên, P1, TP Tuy Hòa – Phú Yên) thật sáng giá. Tượng đài như được sinh sôi từ miền gốc rễ Champa. Không phải sự dàn trải sử thi mà đất và người ở đó mới là lựa chọn của Lê Hiệp. Đến với đài tưởng niệm Núi Nhạn, người ta dễ đồng cảm với cái bay bổng vời vợi của những tháp Chàm phong cách Muộn vừa gói ghém tâm linh, vừa hoá thân hoàn vũ. Núi Nhạn, còn gọi là Nhạn Tháp, cuối năm 1946 là nơi đóng trụ sở Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Phú Yên. Trong trận đánh ác liệt với quân Pháp bảo vệ cơ quan tỉnh rút về làng Phước Hậu – Tuy Hòa, bộ đội ta đã chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, đài tưởng niệm sừng sững, ken dày, chấp chới muôn cánh buồm cánh chim. Cái đẹp giàu nữ tính lẩn quất tiếng kêu than suy vong nhiều thế kỷ. Biết đâu đời sống mới vẫy gọi được quá khứ xa vời…
Trong số các công trình cấp tỉnh cùng loại thì Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Cà Mau gây được ấn tượng. Bộ mái nhiều lớp không dấu diếm vần điệu của một khúc tráng ca. Song le việc lấy đường chéo của bình đồ vuông làm trục thần đạo hướng thẳng vào chính diện – khối âm tưởng tượng, với bề mặt chất liệu và bóng thay cho không gian đã làm gián đoạn mối liên hệ của sáu vòm cuốn nhỏ hai bên với cõi thiêng bên trong. Làm vậy là kỵ vì dồn ép cõi tâm linh vào bát quái đồ. Phần bệ và nền Đài tưởng niệm thiếu gọn khối, mâu thuẫn với kiểu dáng stupa của chính nó. Chưa kể những luyến láy quá đà, màu sắc nhí nhảnh mà có lẽ trong ngày tháng thi công các nghệ nhân Cà Mau đã thêm vào.
Đài tưởng niệm Lâm Hà – Lâm Đồng. Nếu không nhìn kỹ, dễ cho đây là một kiểu Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ thị xã Bắc Ninh, tuy mảnh mai hơn. Có chăng đài tưởng niệm Lâm Hà hạ thấp trọng tâm trông như bông sen đại đóa cuối mùa hạ (liên đắc tàn hà) rộ sát mặt hồ. Tại sao lại là một hình hài quá giống Khuê văn các Hà Nội? Rất có thể ý tưởng của Lê Hiệp xuất phát từ một thực tế: Huyện Lâm Hà là vùng chuyển cư của hàng nghìn người dân ngoại thành Hà Nội hồi đầu thập niên 1980. Biết đâu mô phỏng của anh đem lại ít nhiều ấm áp cho người Hà thành trên quê hương mới! Thiển nghĩ, Đài tưởng niệm Lâm Hà là kết quả của giải pháp tạo hình “chuyển vùng truyền thống”!
Bắc Sơn, Bắc Sơn!
Lê Hiệp bảo tôi: Mình nặng tình nặng nghĩa với cái Bắc Sơn. Có thể chia vui cùng Lê Hiệp, giờ thì nơi ấy đã thành chốn hành hương của những ai muốn lắng nghe lòng mình, chiêm nghiệm nhân tình thế thái. Ai có cái tình của người ấy. Khi dàn giáo đang cao ngất, gạch đá ngổn ngang, người ta đã túm năm tụm ba xì xào to nhỏ như đứng trước một dự báo nghệ thuật. Nghe nói, quá trình làm tượng đài cũng lắm gian nan, có lúc Lê Hiệp còn phải đi trốn, để khỏi bị eo sèo, đòi sửa chỗ này chỗ nọ. Hỏi anh trốn đi đâu, Lê Hiệp cười hiền: “Ôi dào, nằm khoèo ở nhà chứ đi đâu. Gọi không thưa, mời không tới. Khi không đừng được thì đánh bài dây dưa. Những lúc nước sôi lửa bỏng như thế, tôi xa cái Bắc Sơn sao đành. Bất kể sớm tối, tiện là đảo qua cho đỡ nhớ, và còn để …nghe ngóng”. Cứ thế cho đến ngày Bắc Sơn hoàn thành.
Lê Hiệp tâm sự, có lúc anh còn muốn chỉnh sửa tượng đài Bắc Sơn – “Mà không ai cho, ông ạ! Đầu đuôi thế này. Sát ngày khởi công, tôi vẫn chưa yên tâm. Nhiều lần đứng hàng giờ từ đường Hoàng Diệu hay ngược lại từ quảng trường Ba Đình ngắm nghía, tôi phát hiện ra vị trí tượng đài quá sát đường Hoàng Diệu. Giá đẩy thêm một chút về phía Ba Đình thì tỉ lệ, khi ấy nhìn chính diện từ đường Hoàng Diệu cái Bắc Sơn trông điềm đạm hơn. Mấy ngày đêm vẽ đi vẽ lại, sau cùng tìm ra đáp số 12,50 mét. Cả mừng, tôi liền trình bày với ban quản lý dự án, nhưng không được chấp nhận. Lý do: việc khảo sát địa chất đã hoàn tất, không thể thay đổi vị trí quy hoạch đã được phê duyệt. Rồi còn nhiều chuyện liên đới khác, kể cả chuyện…tiếc mươi mét vườn đào ở dải phân luồng! Rốt cuộc cái Bắc Sơn vẫn nằm tại chỗ như hiện nay. Tiếc quá! Hóa ra chuyện đục đẽo gian nan đến mấy, cứ việc lao tâm khổ tứ, sớm muộn gì cũng xong – Đằng này chuyện hành chính, chuyện quản lý. Khó lắm!”. Giá làm như Lê Hiệp nói thì hay biết mấy, vì khi ấy chính giữa khoảng trống đỉnh đồng và mái khối âm của tượng đài lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hiện ra trước mắt người quan sát; một khi nhìn chính diện Bắc Sơn từ đường Hoàng Diệu. Bất giác, tôi liên tưởng: Không ai khác chính Bác Hồ là anh hùng số một của sự nghiệp đấu tranh giành Độc lập Tự do của Tổ quốc Việt Nam thế kỷ 20. Đến đây cho phép tôi được nói leo anh Lê Hiệp: Tiếc quá!
Bắc Sơn của Lê Hiệp mà xướng đầy đủ họ tên thì dài dòng lắm: Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập Tự do của Tổ quốc. Nhiều người gọi là Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Vô danh. Có lần học trò hỏi tôi về tượng đài Bắc Sơn. Bị bất ngờ, tôi đáp cho qua chuyện: Bắc Sơn ấy à? – Một bài ca chống xâm lăng hào sảng! Nói là vậy, nhưng khi lặn lội từ ngoài vào trong cái khối âm rực rỡ của Lê Hiệp tôi mới thấy bối rối. Tưởng niệm làm sao sau bao nhiêu bom đạn chiến tranh, bao nhiêu tan nát. Những cuộc đời có thật và không có thật với muôn vàn số kiếp. Ông Vũ Cao năm xưa chỉ có mấy lời “Anh viết tên em thành liệt sỹ…” đã khiến người đời dân dấn nước mắt. Nhưng đắp đổi thành kiến trúc tượng đài thì khó lắm! Lấy gì viết lên bia trắng? Có cần đủ cả “tượng” lẫn “đài” hay chỉ còn đọng lại ở khối hình câm lặng chất chứa nỗi niềm muôn thuở, cả gào thét lẫn tiếng thì thầm, cả nỗi đớn đau thương cảm lẫn tiếng ngậm ngùi. Lê Hiệp đã làm được điều đó!
Tượng đài Bắc Sơn đứng đó phong trần, chế ngự thanh thiên bạch nhật và gây ấn tượng huy hoàng chói lọi về đêm. Chơi khối âm, nếu được thì được nhiều mà mất thì mất cả bởi nó chênh vênh ngữ nghĩa, khiến người quan sát phân tâm bởi cái siêu hình. Khối âm hàm chứa một thứ ngôn ngữ đặc biệt, chỉ bằng cái câm lặng nó có thể diễn tả đến cùng những điều không thể diễn tả bằng lời. Ở Bắc Sơn, cái ít bọc lấy cái nhiều, cái tượng trưng bọc cái phong phú, cái trơ gan bọc cái đa sầu đa cảm. Khối âm phơi mình ngoài trời, ba bề bốn bên bị ánh sáng ban ngày soi mói, hiệu quả bóng tổn thất nhiều. Lê Hiệp thật cơ trí dát vàng cho bề mặt khối âm, trả lại cho nó cái siêu hình bất hủ. Việc “bào vát” khuôn hình dạng cổng ngõ, cổng nhà truyền thống, dát đồng lá lấp lánh ánh vàng đã khắc phục mọi nhạt nhoà. Trang nghiêm. Tĩnh lặng. Da diết. “Đài tưởng niệm Bắc Sơn ăn ở phần âm đục vào khối đá này”. Có lần KTS Ngô Viết Thụ thốt lên như vậy. Nói thêm việc chọn Đỉnh đồng ba chân hai quai làm bái vật tượng trưng cho Thời đại và những anh hùng liệt sĩ Thiên thu kể ra thật cơ trí. Có điều không hiểu sao, ở tượng đài Bắc Sơn, Đỉnh đồng lại đứng 1 chân lên phía trước còn 2 chân bằng ngang đằng sau chứ không không ngược lại theo đúng tập quán Á Đông nghìn năm. Ấy là hai chân bằng ngang ở đằng trước và chân còn lại đằng sau?! Đành cam chịu u minh chuyện ất giáp chứ biết sao. Người ngoại đạo được nghệ sĩ phi ngựa trong đầu kể cũng là may mắn. Lời khen chê chưa vội vì Bắc Sơn đã ở quá gần cái tâm. Lẽ phải xộc thẳng vào tâm can nhờ cái khối hình lúc nào cũng như ngưng đọng. Tình sâu nghĩa nặng trong mong manh kiếp người. Lê Hiệp cũng phải 17 lần đổi ý, đục đi đẽo lại mới “ra” được cái Bắc Sơn. Đành rằng ranh giới đặc thù không thể quá đà, nhưng vẫn băn khoăn vì không thấy bóng dáng ảnh tượng, hình người chạm sâu, chạm nông đều không thấy. Chẳng lẽ đây là một cách ứng xử? Có lần tôi mạo muội hỏi anh: Đài tưởng niệm Bắc Sơn trông như cái phương đình thờ cái đỉnh đồng? Lê Hiệp cười hiền: “Hẵng biết thế!” Biết đâu người xưa ưa khắc lên văn bia văn hay chữ tốt chỉ vì ghi tạc bia trắng khó hơn nhiều. Đỉnh đồng thay bia trắng hẳn là có lý do của nó: Đạo vô thường phảng phất. Trước Bắc Sơn, ta quên bẵng nhu cầu về cái hai năm rõ mười. Ở gần mà dõi được rất xa, tại chỗ mà như thấy mình bảng lảng. Lúc đó chiếc đỉnh cỡ lớn bày ở chính giữa tượng đài bỗng như bất ngờ xuất hiện giữa trời đất Thăng Long, thu hút tâm tư về cõi nhớ tổ tiên làm thơ và đánh giặc. Liệu tôi biết được đến đâu điều Lê Hiệp muốn, việc Lê Hiệp làm? Liệu mớ cảm xúc của tôi có thể bám dính được những cái không thể phân xẻ giữa kiến trúc và điêu khắc? Thực ra lúc đầu tôi cố thử lục lọi trong trí nhớ vài ba tên tuổi lẫy lừng…Vô ích. Lê Hiệp khác! Anh có đình, chùa, đền, tháp trong mắt. Tên anh – Lê Hiệp, ai nghe cũng thành quen, người ta sẽ đón nhận kiến trúc tượng đài của anh như đón nhận bầu tâm sự hào sảng. Tôi hỏi nữa về Bắc Sơn, Lê Hiệp cười hiền: “Giờ thì tôi không muốn nói gì về nó cả. Mới sáu, bẩy năm liệu nói được gì. Tốt hơn, để Bắc Sơn tự nói. Uống với tôi một chén đi…”
Rồi anh lặng thinh.
Và rượu? – Rượu là để mừng những kiến trúc tượng đài lần lượt đăng quang của anh, là để tưới tắm những khối hình câm lặng mà bao ngày dài đêm thâu anh vần vò đục đẽo…Tôi cứ thế miên man trên chặng đường sáng tạo của Lê Hiệp.
KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)
The post Từ Bắc Sơn mà ra appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/VjseZRc
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét