Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

New Holland – Sự hồi sinh một di sản kiến trúc công nghiệp trong trung tâm lịch sử St.Petersburg

New Holland (Новая Галландия) là một quần thể di sản kiến trúc công nghiệp quốc phòng mang phong cách kiến trúc cổ điển Nga sơ kỳ của TP St.Petersburg (LB Nga). Với diện tích gần 8 ha nằm giữa trung tâm lịch sử của TP nhưng chỉ hơn 10 năm trở lại đây New Holland mới có thể mở cửa và trở thành một điểm đến ưa thích cho các hoạt động cộng đồng của người dân. Lịch sử xây dựng hơn 300 năm cùng chặng đường gần nửa thế kỷ tái thiết của New Holland là một ví dụ sinh động trong việc chuyển đổi các di sản kiến trúc công nghiệp trong đô thị với trọng tâm trở thành cơ sở hạ tầng tiện ích công cộng. Hi vọng đây sẽ là bài học kinh nghiệm cũng như động lực góp phần đưa đến sự chuyển mình cho định hướng chuyển đổi các kiến trúc công nghiệp trong đô thị Việt Nam theo hướng tiếp nối và phát huy các giá trị văn hoá đô thị tiềm năng vốn có.

Toàn cảnh hiện trạng đảo New Holland trước khi tái thiết (ảnh sưu tầm)

Lịch sử xây dựng New Holland

Sự hình thành New Holland bắt đầu từ khi Pyotr I đặt nền móng xây dựng TP Saint Petersburg và thành lập Hạm đội phương Bắc cho nước Nga vào năm 1703. Một năm sau đó, năm 1704, các nhà đóng tàu Hà Lan đã được mời đến đây để xây dựng một xưởng đóng tàu tại một khu vực nằm cách không xa trụ sở Bộ hải quân ở tả ngạn sông Neva. Từ đây, cái tên New Holland cũng bắt đầu xuất hiện để gọi tên cho khu vực này. Để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ và các vật liệu cần thiết khác phục vụ công việc đóng tàu cũng như phòng trường hợp hỏa hoạn lan rộng ra TP, người ta đã cho đào 2 con kênh Admiralty và Kryukov nối sông Neva và Moyka, biến khu nhà kho và xưởng tàu thành một hòn đảo nhân tạo với tên gọi đảo New Holland, được bao quanh bởi 2 kênh đào nhân tạo nói trên và con sông tự nhiên Moyka. Năm 1721, sau sắc lệnh của Pyotr I, một quân cảng đầu tiên của quân đội Nga đã được thành lập đặt trên đảo.

Mặt bằng vị trí các kiến trúc tiêu biểu hiện hữu trên đảo New Holland

Năm 1730, đảo được chuyển giao cho Bộ hải quân Nga. Từ thời điểm này, trong suốt thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, nhiều công trình với các chức năng khác nhau đã được xây dựng, tạo ra một quần thể phức hợp mang phong cách kiến trúc cổ điển Nga sơ kỳ có chức năng phục vụ cho các hoạt động đóng tàu, nghiên cứu, thử nghiệm phát triển kỹ thuật hàng hải của hải quân Nga. Vào thời kì Xô viết giữa hai cuộc Thế chiến, New Holland tiếp tục là một trung tâm nghiên cứu về hàng hải quân sự của Liên Xô, tại đây đã thành lập Viện nghiên cứu khoa học đóng tàu quân sự.

Cổng vòm Vallin de la Mothe (ảnh sưu tầm).

Trong thời gian Chiến tranh thế giới II và gần 900 ngày đêm vây hãm Leningrad của phát xít Đức, hầu hết các công trình trên đảo đã bị tàn phá nghiêm trọng. Sau chiến tranh các công trình này không còn được sử dụng với chức năng ban đầu. Đến trước năm 2004, đảo với diện tích gần 8ha vẫn là một khu vực thuộc quản lý của quân đội, chủ yếu sử dụng làm nhà kho của Hải quân hạm đội Baltic và hoàn toàn đóng cửa, tách biệt với các hoạt động xã hội dân sự dù nằm ngay chính trung tâm TP văn hóa lịch sử du lịch hàng đầu của Liên Xô là Leningrad, ngày nay là Saint-Petersburg, LB Nga.

Đến đầu thế kỷ 21, quần thể New Holland còn lưu giữ 11 hạng mục và công trình các loại được công nhận là di tích cấp Liên bang, trong số đó có thể kể đến một số kiến trúc tiêu biểu như sau:

Các nhà kho bảo quản gỗ đóng tàu

Đầu TK 18, những dãy nhà kho bằng gỗ đầu tiên đã được dựng dọc theo các cạnh chu vi của đảo. Năm 1765, theo dự án cải tạo của KTS Chevakinsky với ý tưởng sáng tạo về việc sấy gỗ không theo chồng xếp ngang mà dựng gỗ thẳng đứng giúp tăng khả năng lưu trữ và tránh gỗ bị mục nát, các nhà kho bằng gỗ đã được xây dựng lại, sử dụng nền và cột bằng đá, tường gạch đỏ để trần, không có lớp vữa hoàn thiện mặt ngoài. Sân trong và bến tàu được tổ chức thành các không gian kỹ thuật dành để cắt xẻ gỗ, bốc dỡ vật liệu và đóng các loại tàu nhỏ.

Cổng vòm Vallin de la Mothe

Năm 1788, việc thiết kế mặt đứng các tòa nhà được giao cho KTS của hoàng gia Nga lúc bấy giờ là Jean Baptiste Vallin de la Mothe. Nổi bật nhất trong các hạng mục sử dụng phong cách kiến trúc cổ điển của Vallin de la Mothe là công trình Cổng vòm, một cửa đường thủy sau này mang chính tên của KTS – Vallin de la Mothe, đặt trên con kênh nối hồ nước trung tâm trong đảo với sông Moyka. Cổng vòm cao 23m, khẩu độ 8m, là một công trình độc đáo sử dụng thức cột cổ điển Toscan, kết hợp hài hòa giữa gạch xây màu đỏ và đá granite xám. Với vẻ đẹp tráng lệ, lãng mạn của phong cách kiến trúc cổ điển, vòm Vallin de la Mothe đã là nguồn cảm hứng và đề tài của nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ Nga và ngày nay được coi là biểu tượng kiến trúc của đảo New Holland.

Hồ nước trung tâm

Năm 1721, cùng với các dãy nhà kho, một hồ nước trung tâm cũng được xây dựng làm nơi neo đậu, bốc dỡ hàng cho tàu bè bên trong đảo. Hồ nước trung tâm này được nối thông với hệ thống mặt nước bao quanh đảo bằng 2 con kênh, tạo thành 2 thủy đạo ra vào cho New Holland. Một trong số đó chính là nơi đặt kiến trúc Cổng vòm Vallin de la Mothe hướng về phía mặt sông Moyka.

Hiện trạng một nhà kho bảo quản gỗ năm 2006 (ảnh tác giả)

Nhà tù “Cái chai”, nhà Rèn và nhà Chỉ huy

Năm 1828, một nhà tù 500 chỗ của Bộ Hải quân Nga được xây dựng tại góc phía Tây của đảo theo thiết kế của KTS A.E. Shtaubert. Công trình được xây gạch, mặt bằng tròn hình nhẫn, cao ba tầng, đặt tại góc giao nhau giữa sông Moyka và kênh Admiralteisky. Với hình thức mặt bằng khá đặc biệt của mình, nhà tù đã mang một cái tên dân gian là “Cái chai” và tên này đã tồn tại cho đến ngày nay. Các tù nhân tại đây của hải quân Nga sẽ làm việc ở các xưởng và bến tàu trên đảo với nhiều ngành nghề khác nhau như mộc, rèn, tiện, khuân vác, vận chuyển… Năm 1852, cạnh Nhà tù “cái chai”, Nhà Chỉ huy hình chữ nhật cùng một nhà Rèn có mặt bằng cong tròn đồng tâm với mặt bằng nhà tù được xây dựng.

Phương án kiến trúc của WorkAC

Ngoài các công trình nêu trên, quần thể kiến trúc New Holland còn có một số công trình khác mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhưng đến nay đã bị tháo dỡ, có thể kể đến như:

Bể thử nghiệm mô hình tàu và các phòng thí nghiệm của Mendeleev

Bể thử nghiệm mô hình tàu được xây dựng năm 1892 theo đề xuất của nhà khoa học lỗi lạc Dmitry Mendeleev. Đây là bể thử nghiệm mô hình tàu đầu tiên ở Nga và thứ sáu trên thế giới. Cùng với bể thử nghiệm, một hệ thống các phòng thí nghiệm vật lý, hóa học, cơ học, điện học cũng lần lượt được xây dựng góp phần to lớn trong việc phát triển kỹ thuật hàng hải của Nga cũng như Liên Xô sau này.

Trạm phát sóng liên lạc hải quân

Năm 1915, tòa nhà trạm phát sóng liên lạc hải quân 3 tầng được xây dựng trên đảo với nhiệm vụ giữ liên lạc với các tàu ngoài khơi của hạm đội Baltic. Trạm phát sóng đã có vai trò rất quan trọng cho người Bolshevik trong cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Từ đây, Lenin đã truyền đi lời kêu gọi của mình tới tất cả các binh lính, thủy thủ về thành quả của cuộc cách mạng. Những năm sau đó, trạm cũng là nơi phát đi nhiều thông tin của Chính phủ lâm thời của Lenin trong cuộc chiến giữa Hồng quân và phe Bạch vệ.

Chặng đường tái thiết New Holland

Từ đầu thế kỷ 20, các nhà sử học, nghệ thuật, nghệ sỹ bắt đầu quan tâm nghiên cứu về quần thể kiến trúc của New Holland, điều này đã giúp nhiều di tích lịch sử trên đảo sau đó đã được công nhận và đưa vào danh sách bảo vệ. Tuy nhiên, trong suốt nhiều thập kỷ, đảo vẫn là một khu vực quân sự đóng cửa, về cơ bản không có bất cứ sự trùng tu phục hồi đáng kể nào.

Năm 1977, KTS Veniamin Fabritsky đã đề xuất một ý tưởng biến New Holland thành một trung tâm văn hóa và hợp tác cùng với một dự án bảo tồn và phát triển các di tích kiến trúc độc đáo trên đảo. Ý tưởng như một cú huých tạo ra một làn sóng quan tâm mới đến New Holland và đã có được sự ủng hộ từ chính quyền TP Leningrad. Cho đến những năm cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, mối quan tâm đến New Holland ngày càng tăng. Nhiều dự án, các cuộc thi kiến trúc đã được tiến hành, xem xét đề xuất chuyển đổi New Holland thành các khu phức hợp chung cư, trung tâm thương mại – triển lãm, biểu diễn nghệ thuật… nhưng những biến động về chính trị, kinh tế tài chính phức tạp ở nước Nga vào thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 đã khiến các kế hoạch không được thực hiện. Hiện trạng New Holland vẫn không có sự chuyển biến, thậm chí nó còn tiếp tục bị tổn hại hơn sau một đám cháy vào cuối năm 2004 trước thời điểm được quân đội chuyển giao quyền quản lý cho chính quyền TP. Sau đám cháy, một số các công trình lịch sử như bể thử nghiệm tàu, hệ thống phòng thí nghiệm của Mendeleev và đài phát sóng hải quân đã bị tháo dỡ vào năm 2006 gây ra rất nhiều tranh cãi.

Cuộc thi Kiến trúc

Năm 2010, công tác trùng tu, tái thiết New Holland một lần nữa được khởi động trở lại với các dự án mới. Tháng 01/2011, cuộc thi kiến trúc “Ý tưởng mới cho New Holland” được công bố với nội dung tạo ra một quần thể phức hợp văn hóa xã hội đa chức năng trên đảo. Mục tiêu của dự án là xác định và triển khai một cách tiếp cận mới trong việc cải tạo thích nghi, hướng đến các chức năng mới cần thiết và hiện đại cho toàn bộ tổng thể kiến trúc đảo với vai trò là một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Đồng thời, dự án cũng phải đảm bảo New Holland hài hòa một cách hữu cơ với cơ sở hạ tầng Saint Petersburg, sẽ là một phần lịch sử, đặc trưng và sự tiếp nối đến tương lai của TP không chỉ ở cấp quốc gia mà còn trên bình diện quốc tế.

Cuộc thi có sự tham gia của các công ty kiến trúc đến từ nhiều nước như Yuri Avvakumov (Nga), David Chipperfield Architects (Anh-Đức), Dixon Jones (Anh), Lacaton&Vassal (Pháp), MVRDV (Hà Lan), OMA (Hà Lan), Studio44 (Nga), WorkAC (Hoa Kỳ). Tháng 7/2011, các phương án dự thi đã được tổ chức triển lãm để công chúng tham khảo và đóng góp ý kiến, sau đó phương án của văn phòng kiến trúc Hoa Kỳ WorkAC được lựa chọn. Trong ý tưởng của WorkAC, New Holland với khái niệm “TP trong TP” sẽ bao gồm các trung tâm văn hóa, biểu diễn, bảo tàng, triển lãm, cơ sở giáo dục, thí nghiệm khoa học, kèm với đó là hạ tầng dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu cho mỗi chức năng.

Các hoạt động ngoài trời của người dân trong thời gian diễn ra chương trình thử nghiệm “Mùa hè New Holland”. (hình sưu tầm)

Chương trình thử nghiệm “Mùa hè ở New Holland”

Song song với phát triển phương án kiến trúc, một chương trình văn hóa xã hội thử nghiệm mang tên “Mùa hè ở New Holland” cũng được tiến hành. Trong thời gian mùa hè các năm 2011-2013, các không gian ngoài trời trên đảo với diện tích khoảng 3ha không thuộc các công trình kiến trúc lịch sử đã được mở cửa cho công chúng tổ chức thực hiện các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giáo dục, ẩm thực, nghiên cứu đô thị… Từ đó, người ta tiến hành các nghiên cứu xã hội học ở nhiều khía cạnh để xác định chính xác hơn các chức năng, hoạt động có thể có cho dự án trong tương lai. Trong 3 mùa hè với thời gian hơn 9 tháng diễn ra chương trình, đã có hơn 700.000 lượt khách ghé thăm (trong đó 90% là cư dân TP) và hơn 1200 sự kiện được tổ chức. Các số liệu tổng hợp đã xác định cụ thể hơn mục tiêu cho dự án, chân dung của du khách và các yếu tố cơ bản khác làm cơ sở cho các kế hoạch kế tiếp.

Thành công của chương trình thử nghiệm “Mùa hè New Holland” đã cho thấy một không gian ngoài trời của công viên công cộng đúng nghĩa, nơi thư giãn, nghỉ ngơi cho người dân giữa trung tâm lịch sử của TP, nơi chỉ cách tượng “Kị sỹ đồng” Pyotr I hơn 0.5km, cách quảng trường Cung điện và Bảo tàng Ermitage 1,5km là thực sự cần thiết và đáng giá. Vì lí do này, phương án thiết kế ban đầu của WorkAC xây dựng một số công trình mới dọc kênh Admiralty gồm bãi đậu xe và đồi khinh khí cầu bao phủ bên trên (tại vị trí này trước đây là bể thử nghiệm và các phòng thí nghiệm của Mendeleev đã bị tháo dỡ sau vụ cháy năm 2004) đã được điều chỉnh, thay thế bằng một công viên với cơ sở hạ tầng hiện đại và tiện nghi. Hãng kiến trúc quy hoạch cảnh quan đô thị West8 của Hà Lan đã được chọn để triển khai các thay đổi này trên cơ sở tổng mặt bằng của WorkAC. Định hướng phát triển đảo đã được cụ thể hóa, bao gồm các nội dung chính:

  • Tổ chức quy hoạch các không gian ngoài trời bên trong đảo thành một công viên cây xanh công cộng của TP bao gồm vườn cảnh, khu vui chơi, không gian tổ chức sự kiện;
  • Bảo tồn thích ứng các kiến trúc lịch sử hiện hữu với các công năng hiện đại phù hợp;
  • Phục hồi và nâng cấp bờ kè kênh Admiraty, hồ nước trung tâm cùng hệ thống mặt nước trong đảo;
  • Xử lý các ô nhiễm đất và nước còn tồn tại. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ đáp ứng các chức năng sử dụng;
  • Không đề xuất xây dựng các công trình mới.

Toàn bộ Dự án Tái thiết New Holland được chia thành 3 giai đoạn và kéo dài trong 10 năm từ 2016-2025. Tháng 8/2016, giai đoạn I của dự án được triển khai bao gồm xây dựng công viên cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trùng tu thích nghi một số tòa nhà ban đầu. Trong ba năm 2017-2021, công tác trùng tu nhà tù “Cái chai”, Nhà Rèn, Nhà Chỉ huy, Nhà 12 (một trong các kho gỗ) đã từng bước hoàn thành.

Phân đoạn tái thiết New Holland

Đến thời điểm năm 2022, tuy công tác trùng tu các kho gỗ trên đảo thuộc giai đoạn III vẫn đang được tiếp tục nhưng những hạng mục thuộc giai đoạn I và II của dự án đã được mở cửa đưa vào sử dụng từ năm 2016, qua thời gian đã đạt được những thành công nhất định, nhận được những phản hồi tốt của người dân TP. Các công trình kiến trúc được trả lại dáng vẻ lịch sử ban đầu với mặt đứng đồng bộ xây gạch đỏ để trần đặc trưng. Trang thiết bị nội thất, hệ thống kỹ thuật tòa nhà được cải tạo nâng cấp, đáp ứng các yêu cầu mới:

  • Nhà tù “Cái chai”: Với mặt bằng hình nhẫn, công trình trở thành nhà hàng, phòng triển lãm và cửa hàng nghệ thuật, trung tâm luyện tập thể thao và chăm sóc sắc đẹp. Sân trong hình tròn trở thành một sân khấu hòa nhạc nhỏ;
  • Nhà “Rèn”: Trở thành trung tâm hoạt động xã hội của New Holland với các câu lạc bộ và nhà hàng hiện đại, nơi mọi người có thể hội họp, giao lưu, làm việc, thưởng thức âm nhạc và ẩm thực từ sáng sớm cho đến nửa đêm.
  • Nhà 12: Một trong số các kho gỗ dọc theo kênh Kryukov, trở thành văn phòng, cửa hàng, café, nhà hàng, phòng trưng bày, hội thảo nghệ thuật kỹ thuật số.
  • Nhà Chỉ huy: Trở thành không gian dành cho trẻ em, là nơi tổ chức các khóa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, đào tạo kỹ năng mềm với không gian nội thất vui tươi và mang tính giáo dục.
  • Công viên trung tâm: Trọng tâm giai đoạn 1-2 của dự án chính là việc cải tạo các cảnh quan, không gian ngoài trời của New Holland thành công viên công cộng với 2.7ha thảm cỏ, hàng nghìn cây xanh các loại cùng đầy đủ hạ tầng và tiện ích hiện đại, tiện nghi. Ở đây có các đường dạo lát đá với nhiều loài cây trồng phong phú, không gian dành cho nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc, kiosk, ghế nghỉ chân, đèn chiếu sáng và trang trí nghệ thuật. Khu vui chơi trẻ em với nhiều hoạt động thể thao, mô hình vui chơi được thiết kế mô phỏng gắn liền với lịch sử New Holland rất thu hút như mô hình 8/10 bộ khung gỗ khinh hạm “Pyotr and Pavel”. Trung tâm của không gian ngoài trời là bãi cỏ lớn cùng sân khấu ca nhạc – điện ảnh, nơi có thể tổ chức các sự kiện ngoài trời cùng các hoạt động cộng đồng được người dân rất ưa thích ngay từ giai đoạn thử nghiệm. Vào mùa đông, đây sẽ trở thành một sân trượt băng với mặt băng tự nhiên có thiết kế âm nhạc, ánh sáng đồng bộ.

Với những thành công đã đạt được, quần thể kiến trúc đảo New Holland đã nhận được giải thưởng của Viện hàn lâm Bernhard Remmers trong đề cử “Dự án quốc tế”. Giải được trao vào tháng 11/2018, trong khuôn khổ triển lãm Châu Âu về bảo tồn, trùng tu và tái thiết các công trình cổ DENKMAL tại TP Leipzig, CHLB Đức.

Mùa hè năm 2021, New Holland đã kỷ niệm 10 năm tái thiết với chuỗi hơn 200 sự kiện với các lễ hội, hòa nhạc, hoạt động nghệ thuật, chương trình biểu diễn ca nhạc, chiếu phim ngoài trời… Trong vòng 10 năm từ khi dự án tái thiết bắt đầu (trong đó có ba năm từ 2013-2016 đóng cửa hoàn toàn phục vụ công tác trùng tu) đã có 11 triệu lượt khách ghé thăm đảo, 4000 sự kiện biểu diễn, triển lãm, diễn thuyết, lễ hội văn hóa… được tổ chức.

Với các số liệu thống kê ở trên, có thể thấy rằng quá trình tái thiết New Holland đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, mang đến những lợi ích to lớn cho người dân cũng như kiến trúc trung tâm lịch sử TP từ các giá trị nhân văn, lịch sử – văn hóa, không gian cảnh quan, tiện ích hạ tầng đô thị, đến các lợi ích kinh tế, du lịch… Vẫn còn 2 tòa nhà lớn cuối cùng đang được trùng tu thuộc giai đoạn 3, hứa hẹn trong tương lai tiếp tục có thêm nhiều điều thú vị, hấp dẫn dành cho du khách.

Công viên trung tâm mới trên đảo New Holland với các thảm cỏ vào mùa hè và sân trượt băng vào mùa đông. (hình sưu tầm)

Lời kết

Tìm hiểu lịch sử hình thành xây dựng hơn ba thế kỷ cũng như quá trình tái thiết kéo dài hàng thập kỷ của New Holland chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

  • Sự thành công của New Holland là một trong nhiều ví dụ sinh động cho thấy việc chuyển đổi các di sản kiến trúc công nghiệp trong đô thị với trọng tâm trở thành cơ sở hạ tầng tiện ích công cộng của TP là một hướng tiếp cận thích hợp, mang lại nhiều lợi ích bền vững cho cộng đồng và bản thân kiến trúc đô thị;
  • Việc nhận diện các giá trị phi vật thể như văn hóa, lịch sử, giá trị kết nối giữa quá khứ hiện tại, giá trị kết nối cộng đồng… của các di sản kiến trúc công nghiệp làm cơ sở cho các định hướng tái thiết là một quá trình đòi hỏi sự tỉnh táo, cẩn trọng, thấu đáo bởi các giá trị hữu hình mang ý nghĩa kinh tế – thương mại thường là rõ ràng và vượt trội, trong khi kiến trúc vật chất hiện tại đã phai mờ, xuống cấp qua thời gian nên dễ bị lãng quên;
  • Để xác định giải pháp kiến trúc, chức năng thích ứng mới cho các di sản công nghiệp, bên cạnh các cuộc thi kiến trúc tìm kiếm ý tưởng từ giới chuyên môn, việc điều tra và tham vấn cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Công việc này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: điều tra xã hội học, trưng bày triển lãm thu thập ý kiến người dân hay các chương trình mang tính tương tác trực tiếp giữa di sản với cộng đồng. Quá trình thực hiện công việc này càng cẩn trọng và tỉ mỉ, kết quả và lợi ích nhận được về sau sẽ càng đáng giá.

Trong 2 thập kỷ gần đây, rất nhiều các quần thể kiến trúc công nghiệp lớn ở Việt Nam đã được chuyển đổi nhưng các yếu tố văn hoá, lịch sử, cộng đồng, không gian kiến trúc đô thị còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa có một dự án nào chứa đựng được sự chuyển đổi uyển chuyển, mang tính kết nối văn hóa – lịch sử, tăng thêm chiều sâu văn hóa xã hội cho không gian và hạ tầng đô thị mà phần lớn đều chuyển hoá thành các giá trị mang tính thương mại. Với danh mục nhiều nhà máy được di dời khỏi khu vực nội đô Hà Nội đã được thông qua, hi vọng thành công của New Holland cũng như rất nhiều các trường hợp đã được biết đến khác trên thế giới sẽ mang đến nhiều bài học kinh nghiệm cũng như động lực cho TP, góp phần đưa đến sự chuyển mình cho định hướng chuyển đổi các kiến trúc công nghiệp trong đô thị Việt Nam theo hướng tiếp nối và phát huy các giá trị văn hoá đô thị tiềm năng vốn có.

Toàn cảnh tổng thể kiến trúc New Holland sau tái thiết giai đoạn I và khu trung tâm lịch sử St.Petersburg năm 2017 (ảnh sưu tầm)

TS.KTS. Hồ Hải Nam
Khoa Kiến trúc – Công trình, trường đại học Phương Đông
Ths. Trần Trúc Ly
Khoa Đông Phương học, trường đại học KHXH&NV Hà nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)


Tài liệu tham khảo:
1. Соловьева Т. А. (2015), Новая Голландия и ее окружение. СПб.: Крига, 2015.
2. Курбатов Ю. И. (2006), «Голландия» в центре Петербурга, журнал «Наше Наследие» № 79-80 2006.
3. https://ift.tt/itZyGlR

The post New Holland – Sự hồi sinh một di sản kiến trúc công nghiệp trong trung tâm lịch sử St.Petersburg appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/1Cca394
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét