Trong những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu, nguy cơ mực nước biển dân cao và thiên tai xảy ra rất bất thường. Mặc dù chính phủ hết sức quan tâm và đẩy mạnh công tác quy hoạch đặc biệt là công tác quy hoạch đối với các đô thị ven biển và hải đảo, song trên thực tế những đề xuất vẫn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, đặc biệt các vấn đề quy hoạch định hướng, quy hoạch kết nối vùng và các nghiên cứu chuyên sâu trong việc phát huy các thế mạnh bản địa… Chính vì thế, trong nghiên cứu này chúng tôi mong muốn chia sẻ một số đề xuất, giải pháp mang tính định hướng tương ứng, nhằm phát huy những tiềm năng và giảm thiểu các hạn chế, kết hợp giữa quy hoạch và khoa học công nghệ số để phát triển bền vững các đô thị ven biển của Việt Nam, đặc biệt là khu vực biển đảo miền Tây Nam Bộ.
Theo quy định tại Điều 23 Luật Quy hoạch 2017, nội dung của quy hoạch không gian biển quốc gia xác định phân khu chức năng, bố trí, tổ chức không gian của các ngành trên đất liền ven biển, hải đảo, quần đảo và vùng, biển, vùng trời thuộc chủ quyền. Theo khái niệm của UNESCO, quy hoạch không gian biển là quá trình phân tích và định hướng các hoạt động của con người nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế, và thường đạt được thông qua sự đồng thuận chính trị: “Quy hoạch biển là quy hoạch không gian biển và vùng ven biển xác định các khu vực phù hợp nhất cho các loại hình và mức độ hoạt động nhằm phát triển kinh tế biển với tầm nhìn dài hạn, môi trường bền vững và được bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo”.
Vùng Tây Nam Bộ nước ta là một vịnh lớn của biển Thái Bình Dương rộng khoảng 400.000km2, trầm tích sông Mê Kông mới chỉ bồi lấn kiến tạo đất liền gần 40.000km2, còn không gian biển đảo rộng 360.000km2 có tiềm năng phong phú về nguồn lợi thủy sản, sinh vật biển, khoáng sản và lợi thế giao thương quốc tế. Nhìn vào bản đồ khu vực có thể thấy rõ miền Tây Nam Bộ của Việt Nam không chỉ bó hẹp trong đất liền mà hoàn toàn có thể vươn ra không gian biển đảo rộng lớn, kết nối với các nước láng giềng trong khối ASEAN. Do đó, việc nhận diện những tính chất cụ thể của từng khu vực để từ đó có hướng triển khai thực hiện một cách có hiệu quả cho việc phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là kinh tế du lịch cho vùng biển đảo Tây Nam Bộ là rất cần thiết. Để thực hiện được những vấn đề đó thì việc nghiên cứu đề xuất cần được tiến hành ngay từ trong lộ trình hoạch định chiến lược, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển bền vững đặc biệt là công tác quy hoạch từ quy hoạch định hướng phát triển không gian đến quy hoạch đô thị khu vực Tây Nam Bộ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 của chính phủ.
Hiện trạng du lịch biển khu vực tây nam bộ và những vấn đề quy hoạch biển
1. Hiện trạng, quy hoạch biển đảo vùng Tây Nam Bộ
Vùng biển Tây Nam được tính từ cửa sông Gềnh Hào (Bạc Liêu) đến TP. Hà Tiên (Kiên Giang) kéo xuống phía Nam. Ranh giới biển tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, có bờ biển dài 450km, diện tích mặt nước biển 150km2 với hơn 130 đảo lớn, nhỏ thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du và Thổ Chu. Vùng biển Tây Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, xây dựng các cơ sở dịch vụ nghề cá, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh.
Nhìn ra biển Tây Nam, hơn 150 hòn đảo phân bố từ biển Đông bọc qua mũi Cà Mau vào vịnh Thái Lan tới giáp biên giới Campuchia là hệ thống thành trì bảo vệ chủ quyền lãnh hải, để miền Tây vươn ra mở rộng giao thương, phát triển. Quy mô những hòn đảo trong hệ thống đảo biển Tây Nam là đảo nhỏ, hệ sinh thái nước ngọt, nằm trong vùng biển cạn, mật độ các đảo phân bố tương đối đều trên vùng biển, chỉ cách nhau trên dưới 30km, địa hình, địa mạo thuận thế liên hoàn giữa các điểm đảo với bờ biển và đất liền, để tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, ứng cứu khi có thiên tai và triển khai các dịch vụ biển. Các vùng biển Tây Nam gần, dễ đi, chi phí bỏ ra ít. Mỗi đảo đều có nét đẹp riêng, vùng biển trong xanh, hoang sơ, mát mẻ. Quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) nối với quần đảo Thổ Chu và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, cũng đã tạo nên trục “tam giác” du lịch hấp dẫn ở giữa Biển Tây.
Theo Nghị quyết 36 NQ/TW về việc quy hoạch, phát triển kinh tế biển thì đối với vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang – Cà Mau – Kiên Giang): Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Song song với đó là việc xây dựng TP Cà Mau và Rạch Giá trở thành những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, xứng tầm đô thị vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, làm căn cứ vững chắc để đẩy mạnh khai thác toàn diện vùng biển Tây Nam. Đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế, phục vụ phát triển các vùng kinh tế biển.
Ngoài việc tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Bộ GTVT cũng đã có những kế hoạch phát triển và định hình hạ tầng giao thông để định vị vị thế cho khu vực Tây Nam Bộ. Cụ thể thì trong giai đoạn 2021-2025, toàn vùng sẽ triển khai đầu tư xây dựng khoảng 400km cao tốc, gồm các trục chính kết nối TP HCM với Cần Thơ và từ Cần Thơ kết nối đến điểm cuối của đất nước là mũi Cà Mau. Ngoài ra, còn có tuyến cao tốc quan trọng khác là An Hữu (Cao Lãnh, Đồng Tháp) nối với Rạch Giá (Kiên Giang)… Nếu đạt kế hoạch đề ra, dự kiến đến cuối nhiệm kỳ này, toàn vùng sẽ có hơn 500km đường cao tốc. Đối với hàng không, Bộ GTVT dự kiến sẽ đầu tư nâng cấp 4 cảng hàng không trong vùng, gồm: Phú Quốc, Rạch Giá (Kiên Giang), TP Cần Thơ và Cà Mau, nâng công suất từ 7,45 triệu hành khách/năm hiện nay lên 18,5 triệu hành khách/năm.
Có thể nói vùng biển, đảo Tây Nam bộ đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các bộ ngành trong việc kiến thiết và quy hoạch không gian biển với mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khu vực sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm về phát triển du lịch – kinh tế biển của cả nước. Tuy nhiên, ngoài TP.Phú Quốc đang được đầu tư mạnh, nhiều dịch vụ cho khách du lịch, còn lại những đảo khác đa phần đang phát triển theo kiểu tự phát, môi trường, cảnh quan cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Nhìn chung, tiềm năng du lịch biển của vùng Tây Nam Bộ Việt Nam rất đa dạng và phong phú với những thế mạnh cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, cùng với lợi thế về vị trí địa lý, nhất là điều kiện giao thông bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển, địa bàn này rất có triển vọng trở thành điểm du lịch quan trọng hàng đầu của vùng ĐBSCL.
2. Những vấn đề quy hoạch biển Tây Nam Bộ
Mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính phủ, từ các nhà đầu tư cũng như tiềm năng về điều kiên tự nhiên, phát triển kinh tế – du lịch biển là rất lớn tuy nhiên khu vực Tây Nam của ĐBSCL chưa có quy hoạch dài hơi và liên kết vùng bền vững. Thực tế này đã khiến khu vực này phải chịu cảnh “lép vế” về kinh tế biển suốt một thời gian dài. Lâu nay tiềm năng du lịch ven biển các tỉnh thành phía Tây Nam vẫn chưa được đánh thức, hoặc có khai thác nhưng chưa hiệu quả…
Khó khăn và hạn chế
Những con số thống kê về lượng khách du lịch đến với các địa phương ven biển Tây Nam Bộ đã chỉ ra: Lượng khách du lịch đến các tỉnh ven biển như Tiền Giang hiện ở vị trí 5/13; Bến Tre là 9/13; Trà Vinh là 12/13;…. Số lượng du khách đến với các tỉnh này còn thấp so với các tỉnh/thành khác trong khu vực, với nguyên nhân là các tỉnh vùng duyên hải có vị trí chưa cao và chưa nổi bật trong việc xếp hạng số lượng du khách đến với ĐBSCL.
Hiện nay, lượng khách đến khu vực biển Tây Nam Bộ này so với toàn vùng ven biển của cả nước còn hạn chế, theo đó: 7,6% tổng số lượt khách quốc tế, 12,4% tổng số lượt khách nội địa; chiếm 5,2% tổng thu nhập du lịch; 9,2% tổng số buồng lưu trú; và 6,3% số lao động trực tiếp trong du lịch của toàn vùng ven biển.
Thực trạng kể trên được tạo nên bởi những hạn chế sau:
- Sản phẩm du lịch đơn điệu, nhàm chán, chủ yếu dựa vào tài nguyên có sẵn, chưa có sự đầu tư chiều sâu, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, mang tính địa phương cao;
- Hạn chế về giao thông kết nối: Hệ thống giao thông vận tải kết nối đến các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương còn hạn chế; nhiều địa phương trong tiểu vùng chưa có các sân bay, nhà ga, trong khi cũng không có đường sắt, hệ thống đường thủy khai thác không hiệu quả là những bất lợi về thu hút du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách.
- Chưa có sự liên kết giữa các địa phương trong khai thác tài nguyên kinh tế biển, quảng bá du lịch biển, sản phẩm du lịch biển. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch trong khu vực chưa được chú trọng đúng mức, thiếu sự kết hợp trong quản lý hoạt động du lịch giữa các tỉnh thành trong khu vực, tạo ra sự thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thiết kế tour, tuyến tạo ra sự hấp dẫn trong hoạt động của du khách. Hệ thống dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, thiếu tính liên kết, thiếu đồng bộ;
- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn chưa được đào tạo bài bản, một số doanh nghiệp lĩnh vực du lịch chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực,… Hiện nay, nước ta có hơn 20.000 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng cụ thể tại Cà Mau vẫn chưa có doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế mà phải thông qua những đơn vị chuyên nghiệp khác để thực hiện các tour;
- Công tác quy hoạch chi tiết các khu du lịch, giải tỏa bồi hoàn và tái định cư mất nhiều thời gian, nên nhà đầu tư không thể triển khai nhanh các dự án.
Vấn đề biến đổi khí hậu
Tương ứng với sự nóng lên của Trái đất, băng tan ở hai cực gây ra nước biển dâng và biến đổi khí hậu, các tỉnh miền Tây Nam Bộ phải đối mặt với chế độ khí hậu thất thường, ngập úng, sạt lở, cạn kiệt nguồn nước …
Những năm qua, tình hình sạt lở khu vực đê biển Tây tỉnh Cà Mau diễn biến rất nghiêm trọng. Khu vực thuộc địa bàn hai huyện Trần Văn Thời, U Minh bị sạt lở 5 vị trí, với tổng chiều dài là 2.692m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển Tây. Trong khi đó tại tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nhiều, nên toàn tỉnh có khoảng 69,8km bờ biển bị sạt lở, trong đó có khoảng 30,7km sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân.
Việc suy thoái hệ sinh thái nước ngọt trên hệ thống đảo biển Tây Nam cũng đang diễn ra vô cùng trầm trọng. Nguồn lợi vùng biển xung quanh bị khai thác mạnh dẫn đến cạn kiệt. Nước ngọt trên các đảo vùng biển miền Tây Nam bộ bị cạn kiệt và ô nhiễm, cư dân trên các đảo nhỏ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nhất là vào mùa khô hạn.
Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình bờ kè vùng sạt lở, triều cường chưa phải là phương pháp tối ưu, vì cần kinh phí lớn và không thể làm bờ kè theo kịp tình hình sạt lở như hiện nay. Đối mặt với những vấn đề về biến đổi khí hậu, quy hoạch biển khu vực Tây Nam bộ đang đòi hỏi những giải pháp vô cùng cấp thiêt đặc biệt là các giải pháp về phát triển bền vững, tôn trọng môi trường và cảnh quan tự nhiên, phát huy tối đa các giá trị bản địa.
Đề xuất một số định hướng và giải pháp quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững cho giai đoạn 2021-2035, tầm nhìn 2050
Đối với khu vực biển đảo miền Tây Nam Bộ, để hướng đến phát triển du lịch bền vững cho tương lai, trước hết cần có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi môi trường để có thể ổn định phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật và kinh tế – du lịch.
Như vậy, cần chia ra hai định hướng chính là định hướng vĩ mô trên tổng thể quy hoạch tỉnh (mô hình hóa thành phố nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu) và định hướng vi mô (các đề xuất cụ thể về giải pháp quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, hạ tầng cũng như chiến lược phát triển du lịch).
1. Định hướng vĩ mô: Mô hình TP thích ứng biến đổi khí hậu
Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng nóng lên toàn cầu và những hệ quả khó lường của chúng trong tương lai, về lâu dài, các giải pháp nhằm chống lại và chế ngự thiên nhiên sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó, cần những tư duy khác đi và có cái nhìn cởi mở và tích cực hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng tôi đưa tới quan điểm về thiết kế quy hoạch: Phát triển bền vững, tuân thủ pháp luật và phục vụ người dân, bao gồm:
- Quy hoạch xây dựng dựa trên quy hoạch tích hợp nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên – xã hội của khu vực Tây Nam Bộ và thích ứng biến đổi khí hậu;
- Khai thác hợp lý, các giải pháp quản lý sử dụng nguồn nước ngọt và bảo vệ vùng đất ven bờ, cửa biển, cửa sông;
- Cân nhắc mức độ can thiệp đối với sử dụng đất hiện trạng, tránh tác động tiêu cực đối với các vùng nhạy cảm của địa phương.
Từ những bài học về quy hoạch biển trên thế giới, chúng tôi đề ra một số nguyên tắc định hướng quy hoạch đô thị biển theo quan hệ “cộng sinh” nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:
- Quy hoạch đô thị sinh thái (Ecocity): Giảm tác nhân gây biến đổi khí hậu. Khu đô thị sinh thái Confluence tại Lyon, Pháp là một ví dụ điển hình với 60% diện tích đô thị là không gian xanh và không gian công cộng. Giải pháp thiết kế nhà thông minh đã giúp các công trình đều tiết kiệm 50% năng lượng so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành…
- Mô hình Smart city: Ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành đô thị. Ví dụ điển hình kể đến là dự án đô thị sinh thái thông minh Fujisawa tỉnh Kanagawa, Nhật Bản do Tập đoàn Panasonic và một số công ty khác xây dựng với khoảng 1.000 nhà ở trang bị thiết bị thông minh nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả với mục tiêu cắt giảm 70% lượng phát thải carbon và 30% lượng cấp nước.
2. Định hướng vi mô
Định hướng phát triển tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái, đảm bảo thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên và phát huy lợi thế hiện đại hóa bản địa.
Với cảnh quan đảo và thiên nhiên hoang sơ, quỹ đất này được định hướng quy hoạch để xây dựng đô thị nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển. Trong tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp sẽ bao gồm đa dạng các chức năng như: Khu khách sạn (4,5 sao); Khu nghỉ dưỡng; Trung tâm hội nghị Quốc tế; Sân golf links 18 lỗ; Trung tâm thương mại bên bờ biển…Việc xây dựng tổ hợp du lịch không chỉ mang lại nhiều lượt du khách đến cho tỉnh mà còn tăng thời gian lưu trú của du khách tại đây.
Mục tiêu đề ra trước tiên là cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của khu vực; tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng; kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí kết hợp thương mại, dịch vụ,…); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát,…; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch ban đêm;
Liên kết vùng chặt chẽ, định hình các loại tour du lịch, các sản phẩm du lịch đặc thù.
Thế mạnh biển, ven biển và hải đảo, cũng như tầm nhìn xa hơn về kinh tế biển Tây Nam chính là phát triển du lịch sinh thái biển-đảo, đây cũng là một lợi thế đặc thù so với các tỉnh Nam Bộ. Vùng ven biển và hải đảo có nhiều danh lam thắng cảnh, với nhiều khu du lịch nổi tiếng như Hòn Chông, Hà Tiên, Phú Quốc, mũi Cà Mau. Ðặc biệt, đảo Phú Quốc đang có cơ hội phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao không chỉ cho ĐBSCL, TP HCM, cả nước, mà còn với cả khu vực Ðông – Nam Á. Liên kết giữa các địa điểm du lịch trong khu vực cũng cần triển khai một cách chặt chẽ, đồng bộ cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Lấy ví dụ cụ thể như cụm quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) kết nối với quần đảo Thổ Chu và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, tạo nên trục “tam giác” du lịch hấp dẫn ở giữa Biển Tây Nam Bộ.
Ứng dụng công nghệ 4.0: Đối với phát triển tour du lịch: Ngành du lịch trong khu vực cần tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh như một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng các phần mềm hỗ trợ du khách như phát triển ứng dụng thông minh Chatbot (Đà Nẵng cùng với Singapore là những nơi triển khai ứng dụng đầu tiên ở Đông Nam Á). Đây là một nền tảng tin nhắn tự động cho phép người dùng đặt câu hỏi tra cứu về dữ liệu du lịch ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ thời gian nào. Người sử dụng có thể tra cứu tên khách sạn, nhà hàng, món ăn mà họ muốn tìm. Chatbot tự động đưa ra những thông tin hữu ích. Ứng dụng sẽ hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Bên cạnh đó, có thể quảng bá về du lịch qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, đây đều là các ứng dụng được đông đảo người sử dụng, độ phổ biến cao, chi phí thấp. Đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP HCM, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến, quảng bá du lịch…
Kết luận
Khu vực Tây Nam Bộ là nơi có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch biển, góp phần đưa kinh tế khu vực phát triển, mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa trên trường quốc tế. Bên cạnh những lợi thế sẵn có, những tiềm năng còn ẩn chứa cần được phát hiện để thúc đẩy du lịch biển đảo khu vực Tây Nam bộ phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch biển đảo khu vực Tây Nam Bộ phát triển ngang tầm một khu vực hiện đại, thực sự là “Điểm đến du lịch An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” đòi hỏi cần có những giải pháp sáng tạo, đổi mới hơn trong việc hoạch định chính sách phát triển phù hợp với tình hình thực tế. Phát triển đô thị du lịch biển bền vững du lịch tại khu vực Tây Nam Bộ sẽ góp phần ổn định kinh tế – xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế khu vực, tạo sự bình đẳng xã hội, phân chia lợi ích công bằng, tạo sự bình đẳng xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội về văn hóa, truyền thống dân tộc, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái.
Kết quả phân tích thực trạng phát triển đô thị du lịch biển bền vững tại khu vực Tây Nam Bộ, nghiên cứu đã xác định được sáu giải pháp nhằm phát triển bền vững đô thị du lịch biển cần ưu tiên thực hiện, bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; đa dạng hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc văn hóa cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ; xây dựng các chính sách phát triển ngành kinh tế chủ lực một cách hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được tài nguyên và môi trường cho phát triển lâu dài; tăng cường, nâng cao tính trách nhiệm và khả năng tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị du lịch biển.
TS.KTS Nguyễn Việt Huy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Thị Trinh: Tổng quan về quy hoạch không gian biển. Trung tâm dữ liệu thông tin biển và hải đảo (2016);
2. Bùi Thị Hải Yến & Phạm Hồng Long (2011), Tài nguyên du lịch, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
3. Chương trình nghị sự Đô thị mới về Nhà ở và Phát triển đô thị bền vững (2016), Habitat III, Quito, Ecuado;
4. Chương trình Phát triển đô thị bền vững (Sustainable Urban Development Programme) (2016), Viện Môi trường Stockholm Thụy Điển;
5. Luật Du lịch Việt Nam, 2017;
6. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
7. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;
8. Nguyễn Danh Nam & Uông Thị Ngọc Lan (2020), Hoạch định chiến lược phát triển du lịch thành phố đảo Phú Quốc, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Số 15;
9. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2001), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam;
10. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2019), Phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam – hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngành du lịch;
11. Vũ Tuấn Hưng, Nguyễn Danh Nam & Uông Thị Ngọc Lan (2021), “Phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang”, Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Số 8;
12. Đ.K.Hà: Smart city: Thành phố thông minh là gì?. Trang thông tin Đổi mới sáng tạo (2017).
The post Một vài suy nghĩ về quy hoạch đô thị biển nhằm đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của khu vực biển đảo Tây Nam bộ – Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/Mg0tuIO
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét