Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Kiến trúc trong chương trình học cấp trung học phổ thông tại Việt Nam

Vai trò của giáo dục nghệ thuật trong chương trình học phổ thông

Viktor Lowenfeld (1) có quan điểm cho rằng: lấy sự hoàn thiện của ý thức thẩm mĩ làm mục tiêu của việc dạy học mĩ thuật là vì bất kỳ một suy nghĩ, cảm giác, năng lực cảm nhận hay bất kỳ một hình thức giao tiếp nào đều chịu sự tác động của ý thức thẩm mĩ. Theo đó, việc dạy môn mĩ thuật có thể tác động, thúc đẩy sự trưởng thành về ý thức thẩm mĩ của người học. Ý thức thẩm mĩ mà người học có được đó tất nhiên sẽ theo quy luật về cái đẹp, chuyển hoá thành động lực bên trong và năng lực thực tiễn.Vì vậy, ở các cấp học phổ thông, việc dạy học mĩ thuật là quan trọng và cần thiết, bởi nếu như ý thức thẩm mĩ của toàn xã hội đều được nâng cao, không chỉ khiến môi trường xung quanh chúng ta trở nên đẹp hơn, cuộc sống trở nên tươi đẹp mà còn khiến toàn xã hội, khiến cuộc đời con người trở nên tốt đẹp hơn. Việc dạy tư duy trong môn Mĩ thuật còn giúp học sinh có kiến thức đủ để hình thành kĩ năng suy nghĩ hiệu quả, có ý thức sáng tạo và logic khi giải quyết một vấn đề của bài học. Khi có tư duy tốt, học sinh biết tìm kiếm thông tin, có khả năng vận dụng dữ liệu của bài học một cách khéo léo và linh hoạt, nhất quán, dự kiến được kết quả có thể và lựa chọn phù hợp với năng lực thực hiện của bản thân, tạo nên hứng thú tự học, tự tìm hiểu.

Ngoài ra, theo Trung tâm cung ứng nguồn lao động, Bộ GD&ĐT, số liệu thống kê năm 2020 cho thấy: Nghệ thuật nói chung và ngành kiến trúc nói riêng luôn nằm trong top 10 lĩnh vực ngành nghề đào tạo có cơ hội việc làm cao. Điều này cho thấy, cần thiết phải coi giáo dục nghệ thuật là một nội dung quan trọng trong chương trình học của các cấp phổ thông nhằm đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực đóng góp cho nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Top 10 ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất năm 2020
Top 10 ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất năm 2021

Từ năm học 2022 – 2023, lần đầu tiên, Mĩ thuật sẽ là một nội dung giáo dục ở cấp THPT

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản: Mĩ thuật là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật

Môn Mĩ thuật cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mình. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, có khả năng phản biện phân tích và sáng tạo nghệ thuật; hiểu được vai trò và ứng dụng của mĩ thuật trong đời sống; từ đó tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

Nội dung môn học Mĩ thuật cấp THPT bao gồm 10 học phần, trong đó có 3 nội dung mỹ thuật tạo hình là : Hội hoạ, đồ hoạ tranh in và điêu khắc là học sinh đã được tiếp cận làm quen từ cấp tiểu học . Ba nội dung liên quan tới mĩ thuật ứng dung là : TK Công nghiệp, thiết kế đồ hoạ, thiết kế thời trang thì học sinh đã được làm quen từ cấp THCS. Nội dung lí luận và lịch sử nghệ thuật, học sinh cũng được làm quen xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9. Như vậy, ở cấp THPT có 3 học phần mới đó là: thiết kế mĩ thuật sân khấu điện ảnh, TKMT đa phương tiện và Kiến trúc .

Tuy nhiên, về cơ bản thì các nội dung giáo dục đều được giới thiệu ở mức độ phổ thông, không chuyên sâu; thuận tiện trong việc triển khai dạy và học đại trà, với mục đích định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ niềm yêu thích nghệ thuật thị giác (Visual Art), nhằm hướng đến xây dựng nền tảng cho một thế hệ công chúng nghệ thuật đúng nghĩa.

Bảng: Nội dung môn Hoạ cở cấp THPT – Bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống

Có nên đưa nghệ thuật kiến trúc vào chương trình Mĩ thuật ở cấp học THPT?

Kiến trúc dường như là một ngành nghề rất được ưa chuộng trong thời kỳ xã hội phát triển như ngày nay. Có lẽ vì thế mà số lượng các thí sinh dự thi vào các trường kiến trúc đang ngày càng gia tăng. Thế nhưng có những công việc mà chỉ sau khi chúng ta trải qua hay va chạm vào thì mới biết được mình có thích hợp với nó hay không, và khi nhận ra được thì rất có thể bạn sẽ phải thất vọng và hối hận vì đã lựa chọn theo đuổi. Hơn nữa, hoạt động nghề nghiệp thuộc lĩnh vực kiến trúc rất đa dạng, bao gồm từ cấp độ vi mô đến cấp độ vĩ mô: như thiết kế đồ đạc nội thất, thiết kế nội thất, thiết kế công trình đến quy hoạch đô thị, quy hoạch bảo tồn kiến trúc v.v…

Sau nhiều năm giảng dạy đại học, tôi nhận thấy một thực tế là nhiều bạn trẻ có những ngộ nhận nhất định về định hướng nghề nghiệp- rất nhiều bạn có ý định thi vào các trường chuyên ngành kiến trúc, nhưng lại không biết nhiều lắm về ngành này, hoặc hiểu rất phiến diện về nó dẫn tới tâm lý chán nản trong quá trình học đại học, bỏ học, hoặc sau khi tốt nghiệp thì chuyển sang ngành nghề khác, lãng phí quãng thời gian học Đại Học.

Vì vậy, việc tạo điều kiện cho các em học sinh sớm tiếp cận với các kiến thức kiến trúc nói riêng và định hướng nghề nghiệp nói chung là điều rất cần thiết, để các em có thể sớm xác định được con đường sự nghiệp của mình trong tương lai phù hợp với tinh cách cũng như năng lực của bản thân. Ở nước ngoài, các em học sinh thậm chí còn được tiếp cận với các hoạt động thiết kế kiến trúc rất sớm, từ cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Chương trình giảng dạy Kiến trúc của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (“AIA”) Michigan / Michigan Architecture Foundation (“MAF”) cho các lớp tiểu học.

Đối với các bạn học sinh không có định hướng trở thành Kiến trúc sư trong tương lai thì việc hiểu về kiến trúc, cũng chính là hiểu về môi trường sống thứ 2 (sau môi trường tự nhiên) là điều cần thiết, giúp các em chủ động hơn trong việc kiến tạo, trang trí, giải quyết các vấn đề liên quan tới không gian sinh hoạt của chính mình, cũng như cảm thụ được vẻ đẹp của các công trình kiến trúc.

Học phần kiến trúc nói riêng và các học phần thuộc môn học Mĩ thuật khác đều được biên soạn dựa trên quan điểm thống nhất: ”Quan điểm đổi mới SGK theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của người học, nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức. Kiến thức trong SGK không chỉ cần hiểu và ghi nhớ, mà phải là chất liệu quan trọng nhắm đến mục tiêu của giáo dục giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực mà các em cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai.”

Năm 2015, chương trình “Arquitectura Para Niños” (Kiến trúc cho trẻ em), sáng kiến giáo dục của một dự án địa phương, đã lần đầu tiên tổ chức khóa học kiến trúc dành cho các học sinh lớp 4 của trường tiểu học Ceip Praza de Barcelos ở Galicia, Tây Ban Nha.

Hoạt động vận dụng trong học phần Kiến trúc cấp THPT-bộ sách “kết nối tri thức với cuộc sống”: Học sinh thể hiện ý tưởng thiết kế công trình kiến trúc bằng mô hình với những vật liệu tự nhiên, vật liệu tái chế …

Nội dung của học phần Kiến trúc chỉ đưa ra ở mức độ vừa phải, giáo viên và học sinh hoàn toàn có khả năng tổ chức thực hiện trong chương trình dạy, cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Ở lớp 10, học sinh sẽ được tiếp cận với các kiến thức thuộc chủ đề “kiến trúc công trình”, lớp 11- Kiến trúc Nội thất, lớp 12- Bảo tồn si sản kiến trúc. Mỗi chủ đề của học phần kiến trúc đều được biên soan theo bốn hoat động: Khám phá – Nhận biết – Thảo luận – Vận dụng, dựa trên đặc điểm tâm sinh lí và trải nghiệm của người học. Qua đó học sinh hiểu được ý nghĩa và vai trò của nghệ thuật kiến trúc trong cuộc sống cũng như hình thành tình yêu, niềm yêu thích đối với lĩnh vực này.

Hoạt động vận dụng trong học phần Kiến trúc cấp THPT-bộ sách “kết nối tri thức với cuộc sống”: Học sinh thể hiện ý tưởng thiết kế công trình kiến trúc bằng mô hình với những vật liệu tự nhiên, vật liệu tái chế

Th.S.KTS. Trần Ngọc Thanh Trang
Giảng viên khoa Nội thất-ĐH Kiến Trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)


Chú thích: Viktor Lowenfeld (1903 – 1960), chuyên gia ngành giáo dục nghệ thuật nổi tiếng người Áo, giáo sư tại Đại học bang Pennsylvania (Hoa Kì).

Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình giáo dục phổ thông môn Mĩ thuật, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo .
2. Học phần Kiến Trúc, SGK mĩ thuật 10, bộ sách “kết nối tri thức với cuộc sống”.

The post Kiến trúc trong chương trình học cấp trung học phổ thông tại Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/SNtiBhF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét