Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Tìm hướng đi bền vững cho phát triển đô thị biển Việt Nam – một số đề xuất cho Kiên Giang

Một số nét tổng quát

Trên thế giới hiện nay, xu hướng tập trung, ưu tiên phát triển đô thị biển đối với 153 quốc gia, lãnh thổ có biển, từ nơi có bờ biển dài nhất là Canada (202 080 km), đến nơi có bờ biển ngắn nhất là Monaco (4,1km) ngày càng phổ biến, với nhiều đột phá sáng tạo, nhiều thành công vượt trội. Đô thị biển với 3 loại hình cơ bản: Đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị thuần biển, đều được thế giới đẩy mạnh phát triển theo Hướng xanh – Thông minh – Bền vững.

Đô thị biển phát triển thành hình mẫu năng động, sáng tạo và hiệu quả trên thế giới có thể thấy rất nhiều. Về mục đích cho tăng trưởng và đóng góp GDP quốc gia, các đô thị này cơ bản là giống nhau, nhưng lại phát huy, khai thác thế mạnh khác nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy các quốc gia nổi trội về phát triển thành công đô thị biển đó là Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), Hàn Quốc. Tại các quốc gia này, các đô thị biển đã đều đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp tỷ lệ lớn vào GDP của mỗi nước (từ 20-70%).

Rotterdam – TP Cảng có hơn 90% diện tích được hình thành từ nền đất thấp hơn mặt biển

Các đô thị biển phát triển thành công, có thể tìm thấy hàng trăm hình mẫu, có thể đơn cử một số đô thị dạng này:

  • Istanbul – Thổ nhĩ Kỳ, là TP với dân số hơn 14 triệu người, lớn nhất Châu Âu, nơi kết tạo tuyến giao thông biển nhộn nhịp nhất thế giới. Mỗi năm, Istanbul đóng góp hơn 25% GDP cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ;
  • Thâm Quyến – Trung Quốc, từ một làng chài nghèo nàn lạc hậu trở thành một TP có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới vào cuối thế kỷ 20. Là trung tâm tài chính tốp 10 thế giới, một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới;
  • Miami – Mỹ, ngay đầu thế kỷ 20 đã phát triển cực kỳ tốc độ nhờ các khu nghỉ mát, dịch vụ. Cảng biển cũng là một trong những nơi tấp nập nhất của thế giới. TP còn được mệnh danh là “Thủ đô du thuyền của thế giới”, “Cổng hàng hóa của Châu Mỹ”;
  • Rotterdam – Hà Lan, ngày nay là cảng lớn thứ 2 thế giới;
Kansai Airport (Osaka) – Sân bay lớn nhất thế giới được xây dựng hoàn toàn mới trển biển

Quốc đảo Singapore, từ một vùng đất ô nhiễm, nghèo nàn, lạc hậu, không ai biết đến trên bản đồ thế giới, sau gần 60 năm tách ra và kiến tạo, đã thành một quốc gia phát triển trong tốp đầu 1 của thế giới: Là điểm đến hàng đầu cho kinh doanh, đứng đầu Châu Á trong bảng xếp hạng, với sự nhập cuộc của 100 tập đoàn công nghệ đa quốc gia; là nơi giữ vị trí số 1 trong 3 năm liền 2019, 2020, 2021 với danh hiệu TP thông minh nhất thế giới, trở thành TP Xanh hàng đầu thế giới. Một trong 10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới…

Một trong những vấn đề có tầm quan trọng, đóng góp không nhỏ cho việc phát triển đô thị biển, chính là vấn đề lấn biển để tăng diện tích đất sử dụng, tương tác, điều này đã đạt nhiều kết quả ngoạn mục ở các quốc gia. Hà Lan là nơi có lịch sử lấn biển lâu đời nhất từ thế kỷ 14. Chỉ riêng vùng sông Zuiderzee đã lấn biển với diện tích 1650 km2 trong thế kỷ 20, gần 7770 km2 đất nông nghiệp của quốc gia này hiện tại là vùng đất ngập sâu trong biển vào năm 1200. TP cảng Rotterdam, thương cảng lớn thứ 2 thế giới hiện nay, vốn được xây dựng từ hầu hết diện tích nằm dưới mực nước biển. Đứng đầu danh sách lấn biển để mở rộng các TP biển, tập trung vào cảng biển là Trung Quốc. Riêng 3 TP lớn là Thượng Hải, Thiên Tân và Đường Sơn, diện tích lấn biển đã đạt 1040 km2. Diện tích lấn biển tại vịnh Tokyo Nhật Bản cũng đã đạt tới 250 km2; Incheon Hàn Quốc 220 km2; vịnh San Francisco Mỹ là 150 km2; Mumbai Ấn Độ 148 km2; Singapore 145 km2 và đang tiếp tục mở thêm 116 km2; Dubai lấn biển tạo thành các đô thị đặc sắc hàng đầu thế giới với diện tích hàng trăm km2… Tất cả các diện tích đất lấn biển của các quốc gia đều đã được khai thác cực kỳ hiệu quả, giải quyết được cơ bản nhu cầu phát triển đô thị biển hướng tới cân bằng chức năng hoạt động hoàn hảo và tạo nguồn lợi ích kinh tế đột phá. Tất nhiên, vẫn còn những hệ lụy lấn biển khi tiến hành chưa lường hết được. Song các đô thị lấn biến ở các quốc gia này hiện nay đã giải quyết được các hạn chế khá cơ bản, ổn thỏa.

Vậy thì, qua phát triển của các đô thị biển tại các quốc gia trên thế giới, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm gì? Trên cơ sở ý kiến chuyên gia và quan điểm cá nhân, chúng tôi thấy mấy vấn đề sau đây:

  • Một là, cần có một hệ thống quy định pháp lý chặt chẽ và toàn diện làm nền tảng cơ sở khi tiến hành xây dựng và phát triển đô thị biển. Hệ thống này cần tích hợp từ hai khía cạnh: Hệ thống quy định pháp lý chung và chuỗi quy định càng chi tiết lường hết các tình huống cho riêng dạng đô thị không thể đòi hỏi một hệ thống chuẩn chỉ ngay từ đầu mà vừa làm vừa bổ sung hoàn thiện kịp thời;
  • Hai là, xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể có tính bắc cầu lâu dài cho việc hướng tới và đạt được của các đô thị biển. Các mục tiêu này được xác lập riêng cho từng đô thị biển xuất phát từ hiện trạng, tính toán khoa học, xác định tiềm năng lợi thế khả thi để tiến hành lập và triển khai;
  • Ba là, mọi đô thị biển đều phải đảm bảo toàn vẹn nhất, nếu có hi sinh phần nào thì vẫn phải cân bằng được lợi ích chung cho phát triển bền vững. Phát triển bền vững vừa là nền tảng, vừa là động lực, vừa là mục tiêu quan điểm xuyên suốt ở việc tạo dựng và phát triển mỗi đô thị biển;
  • Bốn là, đề ra được giải pháp phù hợp có tính thời điểm và lâu dài. Giải pháp có tính ổn định cơ bản, khả năng biến đổi linh hoạt ở một mức độ nhất định;
  • Năm là, tất cả phát triển này phục vụ tốt nhất nhu cầu cộng đồng và tăng trưởng kinh tế. Có khả năng chống chịu cao với những thay đổi bất lợi đặc biệt là tự nhiên, khí hậu. Phải đảm bảo toàn vẹn được lợi ích quốc gia, an toàn an ninh;
  • Sáu là, nguồn lực tiến hành – Lựa chọn phương án khả thi, giải quyết hướng thích ứng khi gặp rủi ro. Nguồn lực chủ yếu là tài chính và con người, nhưng không xem nhẹ các nguồn lực khác. Việc xác định nguồn lực dựa trên tính toán bài toán hoàn vốn có thời hạn, khai thác đầy đủ công suất vận hành.

Singapore – Vùng đô thị xanh hiện đại được hình thành từ vùng đất lấn biển

Tình hình, thực tiễn, triển vọng và đề xuất cho Việt Nam

Việt Nam, quốc gia đứng thứ 33 thế giới, thứ 5 Châu Á về chiều dài bờ biển (3444 km), với 839 đô thị (thống kê ngày 31/7/2020), trong số 187 đô thị từ cấp IV trở lên, có 41 đô thị có biển. Với lợi thế về gắn với biển đặc sắc như vậy, nước ta thực sự có tiềm năng và cơ hội rất lớn để phát triển đô thị biển, gắn với phát triển kinh tế biển. Đây là con đường tương lai tươi sáng của Việt Nam, một hướng quan trọng bậc nhất để tạo nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế, vươn tầm GDP. Về cơ sở pháp lý, chúng ta đã có nền tảng cơ bản được xác lập – Đó là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Chính phủ đã ra các văn bản thực hiện các Nghị quyết này; Nghị định của Chính phủ riêng về vấn đề lấn biển đã soạn thảo, ban hành trong thời gian tới; quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 20/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh đến 2030; cùng với Luật đất đai sửa đổi đang được Quốc hội bàn thảo. Hệ thống đường lối và quy định trên đã đầy đủ cho chiến lược phát triển thời gian tới.

Đất nước ta, từ truyền thống đã có, quan niệm “Rừng vàng – biển bạc”. Do đó, đã tập trung phần lớn để xoay xở, khai thác, tìm nguồn lợi từ rừng là chủ yếu! Nhưng rồi thấy nguồn lợi tiềm năng từ biển, dù bấp bênh hơn, nên ngoài chủ động đánh bắt hải sản, giao thương thế giới, cũng đã có một truyền thống “quai đê lấn biển” từ ngót 1000 năm nay, vừa để mở rộng bờ cõi, vừa tạo lập đời sống ngụ cư của dân sinh, vừa đẩy xa nguy cơ thiên tai khỏi dân lành. Đến thời đại ngày nay, với tinh thần lấn biển để tạo quỹ đất phát triển đô thị và các khu dịch vụ chuyên sâu, từ Bắc chí Nam đã đạt nhiều thành tựu. Ngoài các mục đích như đã nói ở trên, việc lấn biển ở ta đã tạo được sự cân bằng chức năng và mở rộng quy mô đáng kể cho sự phát triển các đô thị biển. Góp phần tạo sự tăng trưởng kinh tế rất tốt, nhiều nơi còn mang tính đột phá, thu hút đầu tư vượt trội như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Đặc biệt, Kiên Giang là địa phương mạnh dạn sáng tạo lấn biển với diện tích đã lên đến gần năm km2 tại Rạch Giá, đưa một đô thị nhỏ bé phát triển đạt tầm trung tâm vùng miền. Quảng Ninh cũng nhờ lấn biển, kết hợp phát triển đồng bộ, đã đưa TP Hạ Long đạt tầm tương tự. Hải Phòng với khu Nam Đình Vũ hình thành từ đầm lầy hoang hóa thành khu công nghiệp hiện đại tầm quốc tế…

Khu Đô thị Công nghiệp Nam Đình Vũ – Vùng lấn biển hiệu quả, đột phá của
TP Hải Phòng

Sự thành công của giai đoạn vừa qua về phát triển đô thị biển, mà nổi trội là vấn đề lấn biển phải nói là nhờ nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó có 3 yếu tố cốt lõi: Thực hiện theo chủ trương đường lối của Đảng và hành lang pháp lý quốc gia, vận dụng linh hoạt, sáng tạo của các tỉnh, thành; lựa chọn được những vị trí và xác định quy mô phù hợp với giai đoạn; biết huy động tổng thể, hiệu quả và hài hòa kịp thời nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, do quy hoạch và nền tảng pháp lý chưa đầy đủ, nếu vẫn tiếp tục như vậy, một thời gian không xa nữa, sự hỗn loạn chồng chéo trong phát triển đô thị biển, dẫn đến lãng phí, cùng nguy cơ mất bền vững trở nên khó cứu vãn. Muốn cải thiện, ngoài 6 điều cần thực hiện theo mô hình chung quốc tế như phần trên, cần chú trọng:

  • Hoàn thiện ổn định hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó có quy hoạch hệ thống đô thị biển có tính liên vùng, kết nối và tích hợp. Quy hoạch phân vai rõ nhiệm vụ từng đô thị, không để mục tiêu, chiến lược phát triển đô thị chung chung với những tiềm năng và triển vọng ảo ảnh. Chia rõ các đô thị theo cụm, vùng theo tiềm năng lợi thế, để từ đó định hướng phát triển riêng;
  • Xác định khả năng kết nối, giao thương quốc tế là một bài toán phải được đưa vào từ đầu, cho từng vùng, từng đô thị một cách cụ thể. Giải đáp chính xác cho việc xây dựng trọng tâm trọng điểm, tránh lãng phí cảng biển như hiện nay;
  • Tuyệt đối tránh tư duy cục bộ, cát cứ trong việc xây dựng đô thị biển. Từng đô thị biển cần xác định chiến lược dài hạn có điểm dừng về quy mô đất đai để tính toán cân bằng, hài hòa, khả thi về xây dựng và phát triển bền vững. Hạn chế tối đa phát triển nóng, tính toán đầy đủ tính khả thi về cung ứng nhân lực;
  • Phân rõ loại hình đô thị biển theo các dạng để chọn mô hình phát triển đúng, quan tâm đến loại hình đô thị biển pha sông và đô thị đảo là những mô hình có những lợi thế đặc sắc riêng. Việc phát triển cảng biển, và công nghiệp gắn với cảng là một lợi thế của đa số đô thị nhưng phải lựa chọn quy mô thích ứng, những đô thị bất lợi tuyến lưu thông thì yếu tố này vẫn phải xem rất thứ yếu;
  • Việc lấn biển là một yêu cầu nên xem xét nghiên cứu để lựa chọn phù hợp với mô hình từng đô thị ven biển hiện nay. Việc lấn biển này phải được tính toán từ đặc điểm địa hình địa mạo, điều kiện tự nhiên, khí hậu và nhu cầu thực sự của đô thị đó. Cần đưa từ đầu vào quy hoạch dự báo để chọn quy mô và vùng, cũng như phương thức lấn biển thích hợp là kết nối đất liền hay dạng đảo. Gắn với đảm bảo nền móng xây dựng công trình và tránh sụt sạt, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước ngọt cho toàn đô thị, khả thi về vật liệu lấn biển, ảnh hưởng môi trường sinh thái khi lấn biến, khả năng chống biến đổi khí hậu;
  • Phát triển các chức năng đô thị hài hòa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững dài hạn. Tránh đóng kín bờ biển bằng tư nhân hóa, phát triển thiếu kiểm soát, nhất là loại hình bất động sản. Tránh quá tải về hạ tầng khi phát triển. Tránh phát triển không đồng đều, phá vỡ cân bằng sinh thái. Chú ý lợi ích cộng đồng về vật chất và văn hóa tinh thần trong phát triển;
  • Với các đô thị trọng tâm là cảng – công nghiệp tập trung: Dự báo chính xác quy mô, tốc độ tăng trưởng và loại hình của hàng hóa, tính toán kỹ việc cung ứng. Đặc biệt chú trọng đến an toàn và vệ sinh công nghiệp, điều kiện ô nhiễm. Tính khả thi về phát triển áp dụng công nghệ thông minh, hiện đại;
  • Với các đô thị biển bị ảnh hưởng trực tiếp biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng trong tương lai, nhất là các tỉnh Nam Bộ, thì việc lập kịch bản biến đổi khí hậu khoa học và đầy đủ cho từng đô thị trước khi bàn về phát triển sắp tới là một yêu cầu bắt buộc. Cứ liệu biến đổi khí hậu là một nền tảng quan trọng để thiết lập mục tiêu, giải pháp phát triển. Tránh hậu quả phần đô thị hiện hữu thì ngập sâu trong nước biển, phần lấn biển (được tính toán từ đầu) thì lại “nổi chơi vơi””trên biển. Kết hợp yếu tố này với đáp ứng cân bằng sinh thái cho mỗi đô thị biển sẽ góp phần tạo lập phát triển bền vững;
  • Về quy mô lấn biển và hình thức lấn biển: Cùng với quy hoạch sử dụng diện tích lấn biển này chưa được tích hợp công năng và giải bài toán tính rõ ràng. Các yếu tố đảm bảo vẫn dừng ở cách thống kê dự báo nhiều hơn là tính toán. Những điều này sẽ tạo nên hệ lụy vô cùng lớn về sau, nhất là về huy động nguồn lực tài chính, dễ bị sử dụng lãng phí kém hiệu quả, hạ tầng không đảm bảo đồng bộ. Vì vậy, nên tính toán thật đầy đủ với quy hoạch chuẩn mực cho tương lai trước khi hoạch định và tiến hành chương trình lấn biển. Nên hướng tới cân đong đo đếm để diện tích lấn biển ở mỗi đô thị là tối thiểu, nhưng khai thác diện tích này lại tối ưu và tối đa, kể cả giải pháp hướng tới dạng đô thị nén, cao tầng (Singapore đã làm rất tốt điều này). Giải pháp lấn biển cũng cần lựa chọn hợp lý về kỹ thuật và kinh tế dựa trên các mô hình thế giới.

Một số đề xuất cho phát triển đô thị biển Kiên Giang

Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63000 km2, cùng với bờ biển dài hơn 200km, có 143 đảo nổi rất giàu tiềm năng kinh tế. Là ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước. Vùng biển đảo Kiên Giang còn có tiềm năng lớn về phát triển các lĩnh vực kinh tế quan trọng: Du lịch công nghiệp, hàng hải, năng lượng tái tạo… Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Tỉnh ủy Kiên Giang đã kịp thời ban hành chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 21/02/2019 với 4 đột phá; Trong đó chú trọng hạng mục thứ 3 là: “Phát triển mạnh các đô thị đảo và ven biển; phát triển kinh tế hàng hải”. Theo chương trình hành động, thời gian qua tỉnh đã đạt kết quả vượt trội ấn tượng và khá toàn diện. Khi Nghị quyết 06/NQ-TW, với nội dung nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng các vùng đô thị, hành lang đô thị, giải đô thị ven biển… Phát triển chuỗi đô thị biển, đô thị hải đảo gắn với thực hiện chiến lược kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng, an ninh; Quy hoạch các đô thị ven biển trên các địa bàn có nền móng vững chắc và cao độ ổn định, thuận tiện giao thông và cung cấp nước ngọt trong tương lai; Kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc lấn biển để phát triển đô thị. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổ khí hậu của các đô thị ven biển…”. Tỉnh ủy Kiên Giang đã kịp thời thực hiện chương trình hành động nhấn mạnh tiềm năng lợi thế, đề ra các mục tiêu chiến lược, giải pháp thực hiện phù hợp với đặc thù địa phương. Quyết định 892/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến 2030. Trong đó, khu vực vùng biển Tây Nam (Kiên Giang-Cà Mau) được xác định là một vùng trọng tâm cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Vân Phong – Khu đô thị phát triển Kinh tế chuyên dụng Khánh Hoà, đang đề nghị lấn biển thêm hàng ngàn héc ta

Việc phát triển đô thị biển tại Kiên Giang, về căn cứ pháp lý cơ sở như vậy đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một trọng tâm khi phát triển đô thị biển là vấn đề lấn biển, thì hiện vẫn còn khoảng trống về pháp lý: Nhà nước chưa có chế tài cụ thể quy định về quản lý, khai thác đất đai tại các khu lấn biển, kể cả ở đô thị biển và các vùng khác. Một vấn đề mang tầm quốc gia nữa là quy hoạch chung quốc gia chưa được phê duyệt. Theo đó mục tiêu chiến lược, cũng như khống chế về “định tính” và “định lượng” cho từng đô thị biển, trong đó có các đô thị của tỉnh cũng chưa có quy định pháp luật. Việc khảo sát đánh giá kỹ lưỡng địa hình, địa mạo, khí tượng, thủy văn vùng biển, cũng như tính toán cụ thể, sát thực về chống chọi với biến đổi khí hậu ở nước ta nói chung, ở tỉnh Kiên Giang nói riêng mới dừng ở tổng phổ, chưa có tính toán, cung cấp cứ liệu khoa học đầy đủ. Kiên Giang đã có kinh nghiệm quý 20 năm tiên phong lấn biển gần đây, nhưng việc tổng kết rút kinh nghiệm mang tính khoa học chuyên sâu, soi chiếu với mặt bằng chung quốc tế, rút ra những bài học thật khách quan cũng còn là một vấn đề.

Vậy thì, để thành công phát triển đô thị biển tại Kiên Giang hiện nay muốn cần cập nhật và đáp ứng những nội dung nào? Với cách nhìn nhận của chúng tôi, dựa trên tham chiếu tích hợp kết quả toàn cầu, các ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực, xin đề xuất một số ý :

  • Trước hết, cần nghiên cứu rút ra những nội dung cần tuân thủ thực hiện từ kinh nghiệm và thực tiễn trên thế giới và Việt Nam, cơ bản gồm 15 điểm ở 2 phần trên. Đó là nền tảng của mọi phát triển đô thị biển ở Việt Nam, ở Kiên Giang;
  • Hai là, với khung của phát triển đô thị biển tại Kiên Giang cần chú ý thêm: Ở đây hiện hữu cả 3 loại đô thị biển, đều rất phát triển. Việc cân đối hài hòa chức năng, hợp phần kinh tế và lợi ích cộng đồng cần tính toán toàn diện với tích hợp cụ thể, để tránh chồng chéo ngay trong tỉnh;
  • Ba là, với từng loại đô thị biển: Các đô thị Kiên Giang, kể cả Phú Quốc có nằm trên tuyến giao thương hàng hải quan trọng không? Phải nói là không! Dựa vào đó, xác định cảng trung chuyển một cách hợp lý, nhất là công suất phục vụ nhu cầu quốc tế. Hiện nay, nói đến Kiên Giang là phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, nhưng đề nghị không nhầm lẫn đó là một vấn đề thế mạnh của toàn tỉnh, mà cơ bản dành cho Phú Quốc, và một phần nào đó Hà Tiên. Còn các vùng khác thì cũng chỉ ở mức tương tự miền đồng bằng Sông Cửu Long, ven biển Tây Nam Bộ. Vì vậy, không nên dàn trải mà có trọng tâm trọng điểm, mục tiêu rõ ràng;
  • Bốn là, hiện tại xác định các thế mạnh của tỉnh, ngoài du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng (chủ yếu là Phú Quốc) như đã nói ở trên. Các thế mạnh khác đều hao hao vùng miền, chưa xác lập được thế mạnh mỗi đô thị rõ ràng, nhất là đô thị biển. Cần nghiên cứu xác định thực sự các thế mạnh, để tập trung đầu tư đột phá;
  • Năm là, xác định rõ nguồn lực khai thác sử dụng để đáp ứng kịp, đủ, không bị thừa. Chẳng hạn như trong lĩnh vực bất động sản, hiện nay tại các TP lớn việc mất cân bằng nhu cầu đang rất nghiêm trọng, nguồn cung lại có những mảng rất lãng phí. Xác định rõ về nguồn lực tài chính để không bị ảo (đây là hiện tượng phổ biến ở tất cả các đô thị lớn nhỏ của Việt Nam hiện nay). Các nguồn lực khác cũng cần cân đối, hài hòa.
TP Phú Quốc – Đô thị du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam đang tiệm cận tầm vóc thế giới

Vấn đề lấn biển để phát triển đô thị và các khu chức năng chuyên dụng tại tỉnh:

  • Lưa chọn quy hoạch lấn biển: Cần căn cứ từ quy hoạch chung quốc gia cho các đô thị biển để xác lập quy mô chính xác cho nhu cầu tương lai tại tỉnh, cần chú ý nhu cầu này không nên là vô tận mà phải có giới hạn. Từ nhu cầu phát triển đô thị, với các chức năng chung và chức năng chuyên biệt được “chỉ định” từ hệ tích hợp quy hoạch quốc gia này, hướng đến xây dựng chuẩn quy hoạch tương lai của từng đô thị. Trên cơ sở đó, xác định quy mô diện tích yêu cầu lấn biển của từng đô thị và khu chức năng từng vùng của tỉnh. Quy hoạch và xây dựng các khu lấn biển, khi lựa chọn chức năng cần tính đến hiệu quả kinh tế, khả năng hoàn vốn và tạo động lực phát triển. Chẳng hạn như khu lấn biển tại Rạch Giá hiện nay, chủ yếu là xây dựng các khu ở và công cộng nhỏ thấp tầng, khả năng phát huy lợi ích kinh tế và thu hồi vốn nếu đặt ra là khó hiệu quả;
  • Lựa chọn hình thức lấn biển: Các vùng biển gắn với đất liền của tỉnh thường có mực nước nông, nên có thể sử dụng hình thức lấn cạp, tức là đắp bồi dần ra biển. Nhưng do phương pháp này khả năng cao làm thay đổi diện mạo và hệ sinh thái dọc bờ biển, do đó chỉ nên triển khai cục bộ và với quy mô nhỏ (dưới 1000 ha). Khi cần lấn biển với những quy mô lớn, nên triển khai dạng đảo lớn hoặc kết nối tổ hợp đảo (như cách làm ở Dubai), cách này vừa chủ động được hoàn toàn, hầu như ít ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động đô thị và các khu chức năng hiện hữu. Đồng thời, các điều kiện cân bằng sinh thái biển cũng dễ xử lý hơn. Khả năng phân đợt đầu tư cũng tốt hơn;
  • Với các đô thị và khu chức năng dạng đảo, nên lựa chọn giải pháp kết nối cho những khu chức năng mới, ví dụ sân bay, khu công nghiệp biển… Chẳng hạn Phú Quốc đang phát triển rất mạnh, liệu có tính đến, khi nguồn đất hiện tại cạn kiệt, cần đưa sân bay thành một hòn đảo dạng như Kansai của vùng Osaka của Nhật Bản?
  • Tính khả thi về vật liệu lấn biển, cung cấp nước ngọt đủ cho vùng lấn biển, cần đặt ra để giải quyết ngay từ đầu, kết hợp với tính toán về cân bằng sinh thái, phát triển bền vững. Ở Kiên Giang, không có lợi thế về núi đồi, hay xỉ than như vùng Quảng Ninh. Bài toán ở đây nên ưu tiên tạo hồ nước ngọt lõi cho mỗi vùng lấn biển, tức là đào hồ trữ nước ngọt để lấy vật liệu đắp bồi vùng đất lấn, với tính toán kỹ bài toán cân bằng đào đắp.
  • Phương pháp kỹ thuật lấn biển: Trên thế giới, lịch sử lấn biển diễn ra với hai hình thức cơ bản: Lấn “bồi đẩy” và lấn “Khoanh đắp”. Lấn bồi đẩy tức là đổ vật liệu xuống bồi đầy dần từng khu vực, đẩy bùn đáy và nước biển hiện hữu ra khỏi vùng lấn; lấn khoanh đắp là làm bờ bao khép kín quanh vùng lấn trước (thường là đắp đê biển hoặc làm tường kè bê tông), sau đó xử lý nạo, gia cố nền móng, đắp bồi lõi vùng lấn. Các nước tiên tiến như Hà Lan, Nhật Bản hầu hết đều chọn cách 2, vì cách này kiểm soát hoàn toàn chủ động quá trình và xử lý nền móng đạt tiêu chuẩn cho tất cả các loại công trình, kể cả cao tầng, khả thi về cung cấp nước ngọt theo yêu cầu cho vùng lấn biển. Tuy nhiên, cách này chi phí ban đầu lớn và phải dồn lực; Cách 1 thường xuất hiện ở các nước kém phát triển hơn, nguồn lực huy động khó khăn, dựa nhiều vào sức dân (Ở nước ta trong quá khứ lấn biển chủ yếu sử dụng cách này). Cách 1 này ưu điểm là tốn kém kinh phí ít hơn khá nhiều, có khả năng làm dần. Tuy nhiên nhược điểm là rất thụ động về quy hoạch, không kiểm soát được nền móng xây dựng giải pháp cung cấp nước ngọt hạn chế. Với Kiên Giang, do vùng biển Tây ít khắc nghiệt, mực nước biển khá nông so với các vùng khác, do đó nên kết hợp cả hai cách. Trong đó các vùng quan trọng của đô thị nên ứng dụng cách 2;
  • Kỹ thuật tạo nền móng vùng lấn biển phù hợp xây dựng công trình lên trên, yêu cầu cần đặt ra ngay từ đầu, giải quyết thấu đáo. Cách làm của Hà Lan, Nhật Bản, Singapore rất khoa học, bài bản, kinh tế. Cần nghiên cứu gạn lọc, lựa chọn ứng dụng thích ứng cho mỗi vùng lấn biển;
  • Cần chú ý khả năng tạo lập đa dạng tổ chức không gian và xác định về chiều cao tầng tại từng khu vực đô thị vùng lấn, để giải quyết nền đất ngay từ khi tiến hành thiết kế thi công nền lấn. Đô thị nén với các công trình cao tầng cũng là yêu cầu rất cần đặt ra đối với mỗi khu vực lấn biển của đô thị phù hợp.
  • Cần công nhận và sử dụng, phát huy khôn khéo các giá trị văn hóa vùng đất, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái vùng biển chính là nguồn vốn sẵn có và nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn. Yếu tố tạo lập đô thị Xanh – Thông minh – Thân thiện – Hiện đại và có khả năng hội nhập cao, luôn phải là mục tiêu cao nhất cho sự phát triển, kể cả khía cạnh phát triển từ lấn biển.
  • Được biết, mong muốn của tỉnh về mở rộng quy mô đất đai bằng lấn biến là rất lớn (chỉ riêng Hà Tiên chẳng hạn đã là 10847ha). Đây là một nhu cầu chính đáng, nhưng cần được tính toán kỹ sát với nguồn lực tài chính huy động và công năng, công suất sử dụng phù hợp tránh lãng phí. Lấn biển với diện tích đủ cho khai thác tương lai, nhưng với tính toán thật hiệu quả, khai thác được tối đa phù hợp phát triển diện tích đất lấn. Cũng không nên dàn hàng ngang đô thị, huyện dọc biển nào cũng lấn. Cách tích hợp số lượng cảng biển và sân bay trên đất lấn quá nhiều vừa lãng phí nguồn kinh phí xây dựng, vừa bị thừa, khó khai thác hết công suất các loại công trình này, dẫn đến lãng phí tổng thể. Việc phát triển ồ ạt với quy mô lớn cũng không cung thuận chiều với yêu cầu phát triển bền vững như đường lối ưu tiên cao nhất của Đảng, nhà nước.

Trên đây là một số nhận định, đánh giá và đề xuất của chúng tôi về một chủ đề rất lớn, quan trọng, cần thiết, mang tính thời sự là phát triển các đô thị biển tại Việt Nam hiện nay. Một số đề xuất riêng muốn góp phần với Kiên Giang, tỉnh đi tiên phong vùng và cả nước trong xây dựng và phát triển đô thị biển – Hướng tới giải quyết một vấn đề rất quan trọng còn gây nhiều tranh cãi: Lấn Biển.

Rạch Giá – Vùng kì tích lấn biển trong 20 năm qua

TS. KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)

The post Tìm hướng đi bền vững cho phát triển đô thị biển Việt Nam – một số đề xuất cho Kiên Giang appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/icKq1Dg
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét