Ngày nay, thế giới không chỉ nói đến “địa chính trị”, mà đã và đang nói đến khái niệm mới: “Địa kinh tế – Văn hóa”. Khái niệm này chỉ ra những nhận thức mới, những hiểu biết mới với khả năng tổng hợp ban đầu về địa lý văn hóa và kinh tế, trong nghiên cứu văn hóa và các chuỗi lý thuyết kinh tế mới. Văn hóa, hiện nay, không chỉ là động lực cho sự phát triển kinh tế, mà đã phát triển sâu hơn, được nhìn nhận trong cả chiều cạnh không gian địa lý, do đó, văn hóa đang tiến đến như một động lực trong phát triển các không gian kinh tế và đô thị.
Kiên Giang nằm ven biển Tây Nam thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, lớn thứ hai ở Nam Bộ, lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Kiên Giang là nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hoá Kiên Giang vì thế mà rất phong phú, thể hiện trong văn học, nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân… Cơ hội nào để yếu tố văn hóa tham gia như một trong những động lực chính trong phát triển kinh tế và đô thị của vùng biển giàu tiềm năng này?
Trong bài viết này, chúng tôi phân tích và đề xuất hướng khai thác tích hợp các giá trị của Di tích Lịch sử và Thắng cảnh Ba Hòn, đưa văn hóa trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và đô thị khu vực Ba Hòn (huyện Hòn Đất) trong tầm nhìn liên kết dải đô thị dịch vụ – sinh thái từ TP. Rạch Giá đến TP. Hà Tiên.
Kiên Giang là tỉnh nằm ven biển Tây Nam thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, lớn thứ hai ở Nam Bộ, lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Kiên Giang là nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền cả nước, bản sắc văn hoá Kiên Giang vì thế mà rất phong phú, thể hiện trong văn học, nghệ thuật, các hoạt động văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân…
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang xác định tập trung nguồn lực phát triển, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Qua 3 năm thực hiện nghị quyết này, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030.
Song song với thực hiện 4 khâu đột phá, Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trong đó xác định rõ yêu cầu: “Tập trung phát triển các đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển”, tạo cơ chế, định hướng phát triển đô thị toàn tỉnh, đặc biệt là chuỗi đô thị ven biển, ven bờ của tỉnh.
Kế hoạch phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, Tỉnh tập trung phát triển các đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, với các yêu cầu:
- Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành TP du lịch biển – đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế;
- Xây dựng TP. Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
- Xây dựng TP. Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa – du lịch lớn của tỉnh và khu vực;
- Xây dựng Kiên Lương là đô thị – công nghiệp có quy mô lớn và hiện đại; trung tâm du lịch cấp tỉnh;
- Xây dựng An Biên là đô thị vùng U Minh Thượng; Giồng Riềng là đô thị vùng Tây Sông Hậu.
Giai đoạn 2020 – 2025, Kiên Giang duy trì là tỉnh phát triển dẫn đầu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, tỉnh đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 41,45%, tập trung xây dựng các đô thị động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở hệ thống đô thị toàn tỉnh gồm 34 đô thị, Kiên Giang sẽ phát triển 6 đô thị động lực gồm: 2 đô thị loại I là TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc; 1 đô thị loại II là TP. Hà Tiên; 1 đô thị loại III là Kiên Lương và 2 đô thị loại IV là Giồng Riềng và An Biên. Có thể thấy rất rõ tầm nhìn phát triển đô thị hướng biển của Kiên Giang, với các đô thị động lực / đô thị trọng điểm cấp Vùng (Rạch Giá), cấp Tỉnh (Hà Tiên, Kiên Lương), đô thị du lịch cấp Quốc gia (Phú Quốc) đều là các TP ven biển / hoặc TP đảo.
Động lực văn hóa trong phát triển kinh tế và đô thị
Văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Những nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã được thể hiện trong nhiều Nghị quyết, Chỉ thị. Sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế ngày càng sâu rộng hơn. Theo PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu – Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển: “Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa đã tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện: 1/ Hệ giá trị văn hóa điều tiết các hoạt động kinh tế theo hướng nhân văn; 2/ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế; 3/ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công nghiệp văn hóa dựa trên sự khai thác tổng hợp các yếu tố: Sáng tạo, khoa học – công nghệ, thị trường và vốn văn hóa. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa chính là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển.
Trong các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (SGDs), di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong Chương trình 2030 vì sự phát triển bền vững. Được đề cập rõ ràng trong mục tiêu 11 khi nói đến các TP, đặc biệt là nhu cầu xây dựng các TP và các khu định cư của con người “Hòa nhập, an toàn, chống chịu và bền vững”, thông qua “đô thị hóa, quy hoạch và quản lý bao trùm và bền vững” (Mục tiêu 11.3) và nhiều hơn nữa “nỗ lực bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới” (Mục tiêu 11.4).
Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Văn hóa được công nhận “Là một thành phần ưu tiên của các quy hoạch và chiến lược đô thị trong việc thông qua các công cụ quy hoạch”. Chương trình Nghị sự Đô thị Mới (NUA) của Liên hiệp quốc nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa trong việc phát triển các nền kinh tế đô thị sôi động, bền vững và hòa nhập, duy trì và hỗ trợ các nền kinh tế đô thị chuyển đổi tiến bộ theo hướng năng suất cao hơn.
Ngày nay, nhiều chuyên gia đề cao tầm quan trọng của Văn hóa đô thị và Di sản đô thị trong tạo dựng hình ảnh và sức cạnh tranh của đô thị. Một đô thị đáng sống, ngoài việc xây dựng những hệ thống cấu trúc hạ tầng và kiến trúc thượng tầng tốt, còn cần hun đúc được những phẩm chất, lối sống, tâm hồn đô thị đáng ngưỡng vọng. Chính hình ảnh một đô thị đáng sống, một tầm nhìn phát triển đáng mơ ước cho nhiều đô thị khác, đã làm nên sự khác biệt trong sức hút nhân lực – vật lực, sức cạnh tranh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội.
Theo TS. Martin Rama, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới: “Nhiều TP ở những đất nước có thu nhập cao là một điểm hội tụ cho sáng tạo chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất. Các TP lớn nhất trên thế giới là những TP thu hút tài năng hàng đầu: Các doanh nhân lớn, nhà nghiên cứu đầy sáng tạo, nghệ sĩ nổi tiếng… Những người này thường kỹ tính, tinh tế trong chọn lựa vì họ có nhu cầu cao. Và họ không thật quan tâm đến các đô thị chức năng, họ muốn sống ở những TP thú vị, những đô thị có tính cách. Họ tìm kiếm một khung cảnh văn hóa rực rỡ, những bảo tàng hấp dẫn với kiến trúc đẹp… Vì vậy, ở nấc thang phát triển cao này, bảo tồn lại chính là một tài sản kinh tế cực kỳ quan trọng…”
Chúng tôi cho rằng, trong những động lực phát triển kinh tế, không gian đô thị là môi trường vật chất quan trọng, văn hóa là động lực tinh thần chủ yếu, cùng song hành, cùng nâng đỡ, cùng là bệ phóng phát triển cho một quốc gia, một dân tộc.
Tài nguyên văn hóa trong phát triển đô thị khu vực Ba Hòn (huyện Hòn Đất)
1. Vị trí Ba Hòn trong liên kết chuỗi đô thị từ Rạch Giá đến Hà Tiên
Khu vực Ba Hòn thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, có không gian được xác định bởi ba núi hòn: Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo. Khu vực này có địa hình đa dạng, phong phú, vừa có núi, vừa có biển, vừa có rừng, vừa có đồng ruộng… do đó, khu vực này còn có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài thực vật điển hình của vùng đất ven biển. Di tích Ba Hòn được hình thành, tôn tạo trong không gian khu vực của 3 ngọn núi Hòn, vừa có giá trị lịch sử – cách mạng to lớn, lại có giá trị cảnh quan, địa chất – địa mạo đa dạng, phong phú.
Ngay từ thời kháng chiến, khu vực Ba Hòn đã có vị trí chiến lược khi lòng chảo này nằm trong không gian tam giác Rạch Giá – Bảy Núi – Hà Tiên, tiếp giáp giữa biển và đất liền. Núi Hòn Đất, núi Hòn Me, và núi Hòn Quéo tạo thành hình tam giác có cạnh lớn hướng ra biển với Hòn Đất là vị trí tiền tiêu cách TP Rạch Giá khoảng 40km. Khu vực Ba Hòn đươc lựa chọn là vị trí chiến lược quan trọng làm bàn đạp tấn công địch, là giao điểm của 3 tuyến đường quan trọng:
- Tuyến 1 là trục hành lang chính từ Trung ương Cục về miền Tây;
- Tuyến 2 là kênh Hòn nối với kênh xáng đi An Giang;
- Tuyến 3 là kênh Hòn nối với kênh Hà Tiên-Rạch Giá đi Tân Hội, Tân Hiệp.
Trong các cuộc chiến tranh, nơi đây được chọn là trạm dừng chân dưỡng quân, điểm tiếp đón cán bộ cách mạng từ Trung ương vào để kết nối với tuyến đường 1C từ Campuchia và kênh Vĩnh Tế về đến Căn cứ cách mạng U Minh Thượng. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, đây là nơi tập kết tại chỗ tốt nhất những cán bộ Cách mạng ở lại tiếp tục chiến đấu. Ba Hòn là nơi đặt cơ quan của lực lượng cách mạng của tỉnh Kiên Giang và huyện Châu Thành A / Hòn Đất để trường kỳ kháng chiến, tiến tới giành độc lập.
Trong thời hòa bình, Ba Hòn dường như chưa phát huy được vị thế địa điểm và sức hấp dẫn nội tại của khu vực trong phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa nông thôn và đô thị. Khu vực Ba Hòn có hệ giá trị di sản văn hóa giàu giá trị và tiềm năng khai thác, phát huy, cùng hệ sinh thái tự nhiên phong phú, có lợi thế phát triển lớn. Thời gian tới đây, khi tỉnh Kiên Giang hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ (tuyến đường ven biển kết nối Rạch Giá – Kiên Lương – Hà Tiên), có thể triển khai các tuyến giao thông thủy cự li tầm trung, vừa khai thác du lịch vừa vận tải nội tỉnh, khu vực Ba Hòn sẽ được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trong Kế hoạch phát triển các đô thị động lực của Tỉnh. Động lực văn hóa cần được xác định đầy đủ các giá trị hữu hình và vô hình, để xây dựng quy hoạch phát triển xứng tầm cho vùng đất có nhiều giá trị đặc biệt này.
2. Động lực văn hóa trong phát triển đô thị khu vực Ba Hòn
Có thể khẳng định, khu vực Ba Hòn có giá trị lâu dài về lịch sử cách mạng và văn hóa. Trước Cách mạng tháng 8, khu vực Ba Hòn (hòn Đất, hòn Me, hòn Quéo) là cơ sở cách mạng, là nơi chứa vũ khí, tài liệu chuẩn bị cho Nam Kỳ tổng khởi nghĩa. Sau này, nơi đây là căn cứ kháng chiến, là cơ sở cách mạng của huyện Châu Thành A và thị xã Rạch Giá. Tại khu vực Ba Hòn, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đã diễn ra với nhiều trận đánh ác liệt, nhiều chiến công oanh liệt, tiêu biểu có trận 11 ngày đêm năm 1962, trận 78 ngày đêm năm 1969, trận đánh 5/5/1971. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Hòn Đất đã anh dũng đánh trả hơn 300 cuộc càn quét quy mô lớn của địch. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng đã diễn ra tại đây, trong đó có nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (bí danh Tư Phùng), nguyên mẫu xây dựng hình tượng chị Sứ trong tác phẩm “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức, đã làm rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước, trở thành bản hùng ca bất tử về chân dung người phụ nữ Nam Bộ anh dũng, kiên trung, bất khuất.
Khu vực Ba Hòn còn là một không gian bảo tàng mở trải rộng trên địa bàn hơn 1.000 ha, là nơi lưu giữ những kỷ vật, sự kiện gắn với cuộc chiến đấu anh dũng của của quân và dân Hòn Đất.
Di tích Ba Hòn có giá trị kép với đặc thù là di tích lịch sử cách mạng kết hợp thắng cảnh thiên nhiên có giá trị cao:
- Về giá trị lịch sử – cách mạng: Nơi đây ghi dấu những địa điểm lịch sử, giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần bất khuất, khích lệ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Di tích là nơi minh chứng cho tình quân dân gắn bó, minh chứng đoàn kết giữa dân tộc Kinh và Khmer cùng đồng lòng chống giặc;
- Về giá trị cảnh quan: Di tích Ba Hòn được hình thành, tôn tạo trong không gian khu vực của 3 ngọn núi Hòn Đất – núi Hòn Me – núi Hòn Quéo có giá trị tích hợp về cảnh quan lớn. Vùng đất này có núi, có biển, có hệ sinh thái ngập nước ven biển, có nhiều điểm di tích lịch sử cách mạng trong khu vực, nhiều đền, chùa, miếu với sự đa dạng văn hóa Việt, Hoa, Khmer có độ hấp dẫn cao. Những phong tục, tập quán, hoạt động sống của người dân Ba Hòn là chất xúc tác cùng tạo nên tổng phổ cảnh quan hữu tình, đậm bản sắc một không gian cộng đồng sinh thái – nhân văn bên vùng biển Tây Nam.
Quy hoạch phát triển khu vực Ba Hòn và huyện Hòn Đất phải được đặt trong tổng thể không gian phát triển dải ven bờ và khả năng tương tác – tương hỗ với các đảo ven bờ của tỉnh Kiên Giang. So với các khu vực lân cận, tài nguyên văn hóa, tiềm năng khai thác – phát huy của di tích Lịch sử và Thắng cảnh Ba Hòn phải được quan tâm, xem xét kỹ lưỡng và đưa thành một động lực quan trọng trong các kế hoạch phát triển.
Một số gợi mở về phát huy giá trị di tích ba hòn trong phát triển kinh tế và đô thị
Di tích lịch sử và thắng cảnh Ba Hòn có giá trị tổng hợp, vừa được nhìn nhận ở tính chất địa điểm lưu niệm, vừa có cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo đẹp, có sự đa dạng về địa chất – địa hình, có lợi thế phát triển nhiều hình thức du lịch cộng hưởng. Do đó, cần làm rõ các giá trị nội hàm, xác định giá trị tiêu biểu, tính toán khả năng phối kết nội vùng, nội tỉnh và liên tỉnh trong thu hút khách tham quan. Từ đó, đưa ra được các giải pháp khai thác, phát huy độc đáo, sáng tạo trong phát triển kinh tế và du lịch văn hóa, du lịch về nguồn gắn với bối cảnh không gian cụ thể của khu di tích.
1. Định hướng phát triển không gian đô thị khu vực Ba Hòn
Tỉnh Kiên Giang và huyện Hòn Đất đã có chủ trương di dời trung tâm hành chính của huyện Hòn Đất về khu vực Ba Hòn, kết hợp phát triển đô thị lấn biển. Kế hoạch này phù hợp xu thế tích tụ dân cư ven biển và phát triển hiện nay thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị các cơ quan chuyên môn cần làm rõ hơn phạm vi, ranh giới, qui mô, hình thái phát triển đô thị trong khu vực Ba Hòn. Lòng chảo Ba Hòn là khu vực đã được xếp hạng một phần, có không gian hết sức nhạy cảm với những hình thái phát triển xa lạ. Nếu không có định hướng, giải pháp, tổ chức, quản lý phát triển tốt, không gian tổng thể của khu vực Ba Hòn có nguy cơ bị hủy hoại, biến dạng. Chúng tôi đề xuất một số định hướng sau:
- Tổ chức không gian theo vùng, quản lý chặt chẽ những biến đổi về hình thái, cấu trúc và không gian cảnh quan trong khu vực vùng bảo tồn tại xã Thổ Sơn, đặc biệt hai mặt núi Hòn Đất và núi Hòn Me hướng cánh đồng Ba Hòn;
- Gìn giữ tối đa cấu trúc tự nhiên cánh đồng, kênh nước, rạch, vườn cây ăn trái… Bảo tồn cấu trúc sinh thái của khu vực, khai thác và đưa các cấu trúc này trở thành giá trị cảnh quan – sinh thái gia tăng cho sản phẩm du lịch địa phương;
- Kiểm soát mật độ, chiều cao, hình thức kiến trúc các công trình xây dựng ở khu vực ven chân núi, giữ độ che phủ rừng phòng hộ tối đa, chỉ phát triển các tuyến trekking bộ hành dưới tán rừng, các tuyến xe trượt nhẹ (nếu có) nhẹ dưới tán cây để đưa du khách lên các điểm di tích / điểm tham quan trên các núi hòn;
- Các công trình cũ và mới trong di tích được bố trí hài hòa, ăn nhập, không phá hủy và đối chọi cảnh quan sinh thái, cảnh quan tự nhiên của khu vực bảo tồn;
- Các khu chức năng phục vụ khai thác, phát huy giá trị di tích, phục vụ du lịch cần được thiết kế cảnh quan theo chủ đề từng khu vực (zone), các điểm di tích, điểm tham quan, điểm dịch vụ nằm trên trục tuyến tham quan cần được chỉnh trang, tôn tạo, kiện toàn chức năng hoạt động, chất lượng và thẩm mỹ để tạo nên tổng thể khu di tích tuy rộng nhưng không loãng, tuy phân tán nhưng đan xen hài hòa với đời sống thường nhật của người dân địa phương, đúng tinh thần đấu tranh cách mạng lấy dân làm gốc của các thế hệ đi trước.
2. Đẩy mạnh liên kết vùng và phát triển các đô thị ven biển
Đến nay, Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, TP ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của đất nước tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương chưa phát triển và hình thành được đô thị biển xứng tầm với tiềm năng và vị thế của biển, hải đảo của nước ta. Do đó, cần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo các hành lang phát triển kinh tế – du lịch để kết nối các tuyến ngang trong chuỗi đô thị Rạch Giá – Ba Hòn – Kiên Lương – Hà Tiên, và tuyến dọc từ sâu trong đất liền ra biển, đưa dòng chảy hàng hóa, kinh tế, du khách từ các tỉnh miền Tây tiếp cận thuận lợi các khu kinh tế, logistic, các điểm du lịch biển của tỉnh, từ Hà Tiên đến Rạch Giá.
Hệ thống giao thông của khu vực Ba Hòn cần được kiện toàn, nâng cấp theo các đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị và kế hoạch đầu tư của tỉnh Kiên Giang và huyện Hòn Đất. Song song với hoàn thiện đường ven biển và mở rộng các đường nội khu quanh ba núi Hòn Đất – Hòn Me – Hòn Quéo, cần bổ sung một số tiện ích / công trình giao thông để khai thác, phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Chuỗi đô thị biển Rạch Giá – Ba Hòn – Kiên Lương – Hà Tiên cần thể hiện rõ tư duy xây dựng đô thị biển làm hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển. Các đô thị này cần được định hướng quy hoạch không gian kiến trúc biển trong liên kết vùng để khai thác tổng hợp nguồn lực biển, nhằm hình thành hệ thống chuỗi đô thị biển với năng lực phối kết, nâng cao khả năng đóng góp tạo dựng cực kinh tế biển Tây Nam. Đặc biệt, các không gian mặt tiền biển cần được quy hoạch và khai thác một cách qui mô, có tầm nhìn xa, khoa học. Cần xác định tầm nhìn quy hoạch phát triển tương hỗ giữa các đô thị ven biển và đảo, quần đảo ven bờ (Hòn Tre) theo mô hình tam giác: Đảo (Phú Quốc, Hòn Tre) – Bãi biển sạch – Điểm tham quan núi / điểm di tích / làng biển (Ba Hòn, Chùa Hang – Kiên Lương).
3. Phát triển kinh tế du lịch, biến du lịch thành động lực phát triển quan trọng
Các giá trị nổi trội của các cảnh quan thiên nhiên biển và hải đảo (bãi cát, đảo, hang động…), hệ sinh thái tự nhiên (rừng ngập mặn, rạn san hô, rong cỏ biển, bãi triều,…) đã tạo ra tiềm năng lớn cho phát triển ngành du lịch biển của các quốc gia có biển. Ngành du lịch biển của thế giới đã phát triển nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “không khói” của nhiều quốc gia.
Di tích Ba Hòn có quần thể núi Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo giữa vùng đồng bằng ven biển, tạo thế đứng hùng vĩ trong vùng căn cứ cách mạng Ba Hòn. Các điểm di tích ẩn mình, hài hòa trong bối cảnh tự nhiên tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp, hữu tình, hấp dẫn khách du lịch. Nếu được đầu tư mở rộng, bổ sung chức năng, tổ chức quản lý khai thác khoa học, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, phối kết với các điểm du lịch biển nổi tiếng của Kiên Giang như Phú Quốc, Hòn Tre, chùa Hang – Hòn Phụ Tử…, chắc chắn khu vực Ba Hòn sẽ phát huy mạnh mẽ các giá trị tiềm năng trong phát triển du lịch và kinh tế của huyện Hòn Đất nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
Trong bối cảnh mới, khai thác phát huy giá trị là tiền đề để bảo tồn di tích và di sản gắn liền với di tích. Phải bảo tồn một cách chủ động và linh hoạt, coi phát triển là động lực để thực thi các kế hoạch bảo tồn. Cần chú ý khai thác phát huy hợp lý các giá trị kinh tế của di tích và di sản văn hóa phi vật thể, để khu di tích có thể tham gia hài hòa vào đời sống đương đại, phát huy tiềm năng có sẵn trong phát triển du lịch di sản văn hóa, du lịch về nguồn của tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Chú ý khả năng phối kết các di tích và di sản văn hóa vật thể / phi vật thể trong vùng để gia tăng giá trị cộng hưởng của tổng thể di tích, tạo điểm đến hấp dẫn, độc đáo tầm khu vực.
Giá trị kinh tế của khu vực Ba Hòn sẽ được gia tăng thông qua phát huy trong các hoạt động du lịch văn hóa, là địa điểm về nguồn, du lịch tâm linh quan trọng của tỉnh Kiên Giang và khu vực Nam Bộ trong tổ chức liên tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng. Khi hoạt động du lịch sôi động, có nhu cầu cao từ du khách, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến đầu tư các dự án tại khu vực, tạo ra động lực phát triển rất lớn cho huyện Hòn Đất và lân cận.
Cần kiện toàn chức năng, hoàn thiện điểm đến cung cấp nhiều loại hình du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú, từ đó tăng giá trị và nguồn thu cho du lịch địa phương; phát huy vai trò của các không gian cư trú ven biển có bản sắc và hình thái độc đáo trong phát triển du lịch cộng đồng; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch có chất lượng cho cộng đồng địa phương. Thông qua phát triển du lịch, có thể mang lại nguồn lợi thực chất và tại chỗ cho cộng đồng, từ đó hình thành ý thức bảo tồn, gìn giữ, khai thác hợp lý và bền vững di sản thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng dân cư khu vực Ba Hòn.
Kết luận
Sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế ngày càng sâu rộng hơn. Với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa đã tham gia điều tiết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nhiều phương diện. Đầu thế kỷ 21, chúng ta đã ghi nhận mối liên hệ giữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo và sự phát triển của các đô thị. Ngày nay, thế giới không chỉ nói đến “địa chính trị”, mà đã và đang nói đến khái niệm mới: “Địa kinh tế – văn hóa”. Khái niệm này chỉ ra những nhận thức mới, những hiểu biết mới với khả năng tổng hợp ban đầu về địa lý văn hóa và kinh tế, trong nghiên cứu văn hóa và các chuỗi lý thuyết kinh tế mới.
Với những cơ sở lý thuyết và thực tiễn đã có, chúng tôi nhận định Văn hóa không chỉ là động lực cho sự phát triển kinh tế, mà đã phát triển sâu hơn, được nhìn nhận trong cả chiều cạnh không gian địa lý, do đó, văn hóa đang tiến đến như một động lực trong phát triển các không gian kinh tế và đô thị.
Khu vực Ba Hòn có hệ giá trị kép của một di tích lịch sử và thắng cảnh, giàu tiềm năng, chúng ta cần có giải pháp đúng đắn kích những tiềm năng này phát triển. Trong các kế hoạch phát triển đô thị tại khu vực Ba Hòn, Chính quyền nên cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng hệ giá trị di sản, không gian di tích hiện hữu, cũng như cần có giải pháp thông minh để biến các giá trị văn hóa đặc biệt nơi đây trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ – Điều mà không phải bất cứ nơi đâu cũng có thể làm được.
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân
Uỷ viên BCH Hội KTS Việt Nam
Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – công trình, Trường ĐH Phương Đông
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)
Tài liệu tham khảo
1. Lưu Thế Anh và tổ chuyên gia (2021). “TP HCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” – Kỷ yếu Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP HCM đồng tổ chức, TPHCM;
2. Trúc Giang (2022). “Kiên Giang đặt mục tiêu có 2 đô thị loại I trong giai đoạn 2021 – 2025” – Báo Đầu tư, Hà Nội;
3. Hồng Hà (2022). “Phát huy vai trò văn hóa là động lực phát triển kinh tế” – Cổng thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội;
4. Liên hiệp quốc (2016). “Chương trình Nghị sự Đô thị mới (New Urban Agenda)” – United Nations Conference on Housing and Sustainable Urban Development (Habitat III), Quito, Ecuador;
5. Liên hiệp quốc (2000). “Mục tiêu Thiên niên kỷ (SGDs) – Tuyên ngôn Thiên niên kỷ” – New York, USA;
6. Nguyễn Hoa (2022). “Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” – Tạp chí Tuyên Giáo, Ban Tuyên Giáo Trung ương, Hà Nội;
7. Nguyễn Chu Hồi (2021). “Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều với các cực không gian kinh tế biển” – Kỷ yếu hội thảo Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức;
8. Sở Văn hóa, Thể thao Kiên Giang. “Hồ sơ di tích Lịch sử và Thắng cảnh Ba Hòn”;
9. Nguyễn Quốc Tuân (2021). “Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản biển đảo Phú Yên” – Kỷ yếu hội thảo, Phú Yên;
10. Leszek Butowski (2012). “Sustainable Tourism – A Model Approach” – Sách Visions for Global Tourism Industry, NXB. IntechOpen;
11. Huibin, Marzuki A. and Razak A. Ab (2013), “Conceptualizing a Sustainable development model for cultural heritage tourism in Asia”- Theoritical and empirical research in Ubban management, Volume 8, Issue 1.
The post Phát huy vai trò văn hoá là động lực quan trọng trong phát triển đô thị ven biển tây nam trường hợp di tích lịch sử và thắng cảnh ba hòn (Hòn Đất, Kiên Giang) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/vpjS8QT
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét