Thiết kế cabin lấy cảm hứng từ rùa này là vịnh rùa Hua-Hin, một nhà nghỉ sinh thái nằm ở khu vực ven biển ở Thái Lan.
Thiết kế cabin lấy cảm hứng từ rùa tại vịnh rùa Hua – Hin, Thái Lan.
Nhà nghỉ bao gồm một quán ăn hữu cơ, quán cà phê, khu hội thảo, cửa hàng lưu niệm của nghệ nhân địa phương, cũng như chỗ ở kiểu homestay.
Thiết kế được xây dựng giống như một chiếc ao sen với những nhà nghỉ có mái nhà hình dạng mai rùa.
Tấm lợp được sử dụng làm vật liệu lợp mái vì chúng có khả năng tạo ra bề mặt giống mai rùa.
Tre được chọn làm vật liệu lợp mái và vách ngăn do khả năng uốn cong của nó, đồng thời là vật liệu dễ gia công đối với các nghệ nhân địa phương mà không cần sử dụng máy móc hạng nặng.
Thiết kế của nhà nghỉ cũng sử dụng vật liệu xây dựng của nghệ nhân địa phương có tên là “Poon-Tum”, mang lại kết quả bền vững vì vật liệu này làm cho bức tường mát mẻ bất cứ lúc nào và là một trong những vật liệu chính khi tạo hoặc sửa chữa kiến trúc cổ như những ngôi chùa.
Nội thất có trần nhà cao và cửa sổ ở hai đầu đối diện, cho phép thông gió tự nhiên.
Căn phòng được bày trí đơn giản nhưng hiện đại với những bức tường tối màu và đồ nội thất bằng gỗ đơn giản.
Vào lúc hoàng hôn, nhà nghỉ sinh thái được thắp sáng bằng ánh sáng bên ngoài làm nổi bật thiết kế của các cabin, cũng như lối đi và ao sen.
Gần 100 năm trở về trước, nhà phố Pháp đã xuất hiện tại các khu phố cổ, chứng kiến hết những quá trình đô thị hóa của thủ đô Hà Nội. Là một bộ phận của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội, song khác với biệt thự và công thự, nhà phố Pháp chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống.
Bảo tồn kiến trúc Pháp cổ:
Ngôi nhà Pháp cổ nằm trên phố Hàng Bông. Ảnh:T.H
Lịch sử – kiến trúc độc đáo
Nhà phố Pháp được xây dựng trên quy mô lớn trong các khu phố Tây đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và/hoặc sinh hoạt kết hợp với kinh doanh của một bộ phận thị dân thời bấy giờ, nhất là giới trí thức và tư sản người Việt – những người tiếp xúc sớm với nền giáo dục và văn minh Pháp, có đời sống văn hóa tinh thần và quan niệm thẩm mỹ riêng, chịu ảnh hưởng của phương Tây ở các mức độ khác nhau, kể cả trong thẩm mỹ kiến trúc.
Bên cạch tính lịch sử, nét độc đáo nằm ở kiến trúc của nhà cổ Pháp. Những họa tiết, hoa văn điêu khắc, trạm trổ cầu kì thường được giữ lại ở tầng hai, bên dưới lại là những cửa hàng cửa hiệu kinh doanh tập nập vốn có. Như vậy, tạo nên một nét phố vô cùng đặc trưng, một sự đối lập giữa hai khung cảnh, hai lối kiến trúc khác nhau.
Trao đổi với PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ông Minh cho biết, những ngôi nhà phố Pháp đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng trong giai đoạn 1920 – 1925, là thời kỳ mà công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp được tiến hành trên quy mô lớn trên toàn xứ Đông Dương. Cùng thời điểm đó, các nhà thầu xây dựng của Pháp đã được cấp phép xây dựng nhiều dãy nhà phố thương mại mang phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp trong các khu phố phía Tây (địa bàn quận Ba Đình ngày nay) và phía Nam (một phần quận Hoàn Kiếm và một phần quận Hai Bà Trưng ngày nay).
“Dễ nhận biết nhất đó là những ngôi nhà phố Pháp thường được sơn bằng vôi màu vàng nhạt, cửa gỗ màu xanh; có đỉnh mái vươn cao hoặc nhô lên vừa phải và có hoa văn viền quanh; ban công hình bán nguyệt ôm trọn cửa ra vào hoặc chạy dài suốt mặt tiền của ngôi nhà, lan can trang trí khá đơn giản kiểu con tiện và được đắp các hình nổi phía trên bằng vữa hoặc xi măng tạo thành những hình nổi lên. Đây là lối kiến trúc khá cầu kì, mang tính mỹ thuật cao” – PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh nói.
Chỉ 381 căn có giá trị
Theo PGS. TS. KTS Nguyễn Quang Minh, qua công tác khảo sát thực địa, trong đại đa số các trường hợp, giá trị kiến trúc của ngôi nhà phố Pháp được thể hiện chủ yếu qua mặt đứng công trình. Cần có sự nhìn nhận đầy đủ và toàn diện giá trị của công trình, lấy chính các giá trị đó làm tiêu chí đánh giá.
“Có thể phân thành hai hạng mục: nhà phố Pháp có giá trị kiến trúc và ít có giá trị kiến trúc. Nhà phố Pháp ít có giá trị kiến trúc là những ngôi nhà rơi vào một trong ba trường hợp sau: Đã bị cải tạo, cơi nới, hiện đại hóa hầu hết mặt tiền, chỉ còn lộ diện một vài chi tiết chứng tỏ đó là công trình do người Pháp xây dựng trước năm 1954; Chưa được cải tạo hay sửa chữa nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng đến mức rất khó, hoặc không có khả năng khôi phục/bảo tồn; Vẫn còn nguyên vẹn, hoặc tương đối nguyên vẹn, nhưng có hình khối và chi tiết quá đơn giản, tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật không cao” – TS.KTS Nguyễn Quang Minh phân tích.
Qua công tác khảo sát và đánh giá sơ bộ riêng về kiến trúc công trình, trong số 1.213 nhà phố Pháp trong khu phố cổ Hà Nội còn tồn tại thì có đến 832 ngôi nhà ít có giá trị, chiếm tỷ lệ 68,6%. Số còn lại – 381 căn – được coi là có giá trị về kiến trúc.
Ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt có thể coi như “hoàn hảo” khi ngôi nhà vừa có tỷ lệ chuẩn mực, vừa có điểm nhấn và đường viền rõ nét, kết hợp hài hòa các thành phần, chi tiết trang trí rất đẹp, cao hơn nữa là ấn tượng, còn nguyên vẹn, chưa bị chỉnh sửa hoặc cải tạo sau hơn 80 năm sử dụng dù có thể bị xuống cấp hoặc hư hại đôi chút.
381 ngôi nhà với lối kiến trúc Pháp trong phố cổ tuy vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp và giá trị của nó song công cuộc bảo tồn vẫn chưa thực sự có hiệu quả, bởi vẫn chưa được công nhận là di sản vì thiếu một số căn cứ vững chắc, bởi vậy cho nên quá trình bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần phải cải tạo một cách có hiệu quả nhưng vẫn phải giữ được dấu ấn trong lối kiến trúc Pháp bởi mỗi một kiến trúc, một vẻ đẹp đều tượng trưng cho một thời kỳ lịch sử.
Được tạo ra từ nhiều loại vật liệu cũng như cách thức xây dựng khác nhau, những ngôi nhà này sẽ đưa bạn đi từ ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác.
Trên khắp thế giới, những ngôi nhà với cấu trúc sáng tạo đang góp phần định nghĩa lại lối sống của chúng ta. Dưới đây là một số ví dụ về những ngôi nhà độc đáo khiến ai cũng phải kinh ngạc.
Plugin House (Trung Quốc)
Trong những khu vực chật hẹp của một số khu đô thị cũ ở Bắc Kinh, ngôi nhà với cấu trúc đặc biệt đang được xây dựng, chen vào phần tàn tích còn lại của những căn hộ được dỡ bỏ.
Theo kiến trúc sư, ngôi nhà được lắp ghép từ những bức tường đúc sẵn sẽ giúp việc vận chuyển qua những con phố chật hẹp trở nên dễ dàng hơn. Nhiều gia đình đã sống ở khu vực này suốt nhiều thế hệ, và phương pháp xây dựng này giúp họ có thể giữ được mảnh đất của gia đình khi ngôi nhà cũ đã quá xuống cấp.
Villa Vals (Thụy Sĩ)
Ngôi nhà “dưới lòng đất” này được xây dựng bằng cách lấn sâu vào một sườn đồi, với cửa ra vào là một đường hầm nối với nhà kho gần đó. Phần mái hình tròn giúp căn nhà thu được nhiều ánh sáng mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.
Flat House (Anh)
Ngôi nhà đặc biệt này thuộc sở hữu của một người chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ cây gai dầu, chính vì thế mà ông ấy cũng muốn xây dựng cho mình một ngôi nhà làm từ loại cây này.
Các cây gai dầu ban đầu được xử lý để tạo thành những khối lớn, sau đó mới được ghép vào khung gỗ thông qua các vật liệu kết dính. Về mặt lý thuyết, các vật liệu này đều có khả năng phân hủy sinh học, vậy nên ngôi nhà hoàn toàn có thể tháo dỡ mà không hề xả thải ra môi trường.
House for Trees (Việt Nam)
Để phù hợp với cuộc sống đô thị đông đúc và tình trạng thiếu cây xanh ở thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã tạo ra ngôi nhà với phần mái có thể trồng được cây xanh ở trên.
Thiết kế độc đáo này đã đạt được giải AR House Awards, giải thưởng kiến trúc quốc tế nổi tiếng do tạp chí kiến trúc lâu đời Architectural Review của Anh tổ chức hàng năm để chọn ra công trình nổi bật và xuất sắc nhất trong năm của thế giới.
Presence in Hormuz 2 (Iran)
Những tòa nhà đầy màu sắc với hình dáng đa dạng này được chế tạo bằng hệ thống SuperAdobe của tổ chức phi lợi nhuận CalEarth. Những bao cát ẩm sẽ được sắp xếp lại và được gia cố bằng dây thép gai, xi măng, vôi hoặc nhựa đường. Bao phủ bên ngoài là một lớp thạch cao để bảo vệ cấu trúc khỏi sự xói mòn.
Thực chất, đây là hệ thống hơn 200 ngôi nhà được xây dựng gần nhau để tạo ra một ngôi làng nghỉ dưỡng cho du khách ở vùng Eo biển Hormuz của Iran.
Phòng thí nghiệm sinh thái nổi (California)
Dù trông không giống như một ngôi nhà đúng nghĩa, nhưng tòa kiến trúc này đang cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về tương lai của các loài sinh vật biển.
Cấu trúc polime của ngôi nhà hoạt động như một đê chắn sóng để giảm xói mòn bờ biển, trong khi hình dạng cong được thiết kế để thu nước mưa trên bề mặt và cung cấp môi trường sống cho các loài động vật không xương dưới đại dương.
Kiến trúc này đang được thử nghiệm thêm ở Maldives để bảo vệ bờ biển và thu thập thêm nhiều chất dinh dưỡng cho các khu rừng ngập mặn.
HEHE Home là một ngôi nhà phố điển hình với kích thước cơ bản 5m mặt tiền, sâu 25m tọa lạc tại TP.HCM. Ngôi nhà của 2 kiến trúc sư được thiết kế với lối kiến trúc hiện đại tối giản. Điểm nhấn của căn nhà là thiết kế cây xanh và ánh sáng gần gũi với thiên nhiên.
Thông tin dự án:
Tên công trình: HEHE HOME
Địa điểm: TP.HCM, Việt Nam
Diện tích khu đất: 125m2
Thiết kế Thi công : SKN DESIGN
Kiến trúc sư chủ trì: KTS Nghiêm Đình Hiệp
Quản lý dự án: KTS. Trương Mai Phương
Hoàn thành: 12/2022
Ngôi nhà được xây dựng trong khu nhà ở phân lô, xung quanh đều là các ngôi nhà được thiết kế xây dựng hết diện tích đất,ít tiếp xúc với thiên nhiên, cây xanh và có ít không gian thoáng. Vậy nên khi lên ý tưởng thiết kế, KTS thống nhất HEHE Home sẽ là ngôi nhà ở đô thị tiếp xúc nhiều với cây xanh, thiên nhiên, dễ đón gió và có nhiều ánh sáng tự nhiên nhất có thể bằng cách tận dụng lô đất có chiều sâu tương đối lớn, phù hợp cho một ngôi nhà có nhiều lớp không gian từ ngoài vào trong.
Nhìn bên ngoài, hình khối công trình thiết kế đơn giản, khá riêng tư, bố trí cửa ra vào và cửa sổ kích thước vừa phải ở những vị trí cần thiết, tương phản với bên ngoài. Bên trong công trình là một không gian rất thoáng với khoảng thông tầng rộng và sân sau trồng cây.
Khu đất được chia thành 5 phần kích thước khác nhau đan xen giữa không gian mở và công năng sử dụng. Trong đó có phần đầu tiên là sân trước trồng cây xanh, tiếp đến là không gian phòng khách và nối tiếp là khoảng thông tầng mái kính lấy ánh sáng tự nhiên khá rộng, chiếm 1/3 diện tích tổng ngôi nhà. Khu vực bếp kế tiếp là sân sau. 5 khoảng nối tiếp tạo nên một ngôi nhà có không gian xuyên suốt từ ngoài vào trong với các lớp không gian sống đan xen cây xanh.
Điểm nhấn của ngôi nhà là cầu thang và khu vực thông tầng mái kính lấy nắng và ánh sáng tự nhiên. Khi di chuyển từ ngoài vào trong, hoặc từ dưới lên trên, chúng ta sẽ liên tục bắt gặp những khoảng không gian mở, giúp con người được tiếp xúc với thiên nhiên, cây xanh và ánh sáng tự nhiên một cách tốt nhất…
Đồ dùng và nội thất trong nhà được lựa chọn và bố trí hợp lý, đơn giản nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt. Các không gian đều được sắp đặt với mục tiêu hướng vào thiên nhiên và hướng vào nhau, tạo sự kết nối giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Từ mọi vị trí trong nhà, con người đều có thể nhìn thấy nhau và nhìn thấy cây xanh, từ đó cảm nhận chân thực không khí, âm thanh, và ánh nắng mặt trời.
Công trình sử dụng kết cấu bê tông cốt thép phổ biến và sẵn có. Tường ngoài bằng gạch sơn hiệu ứng bê tông Konpa, kết hợp với bồn cây và trần bê tông tạo chất cảm mộc mạc, bền với thời gian, tương phản với vật liệu nhôm kính hiện đại bên trong. Tổng thể công trình rất đơn giản, mọi chi tiết thừa đều được loại bỏ, từ cách sắp xếp cấu trúc mặt bằng cho đến xử lý chi tiết, công năng sử dụng.
KTS thiết kế cũng chính là chủ nhà quan tâm đến vòng đời lâu dài của công trình và muốn rằng sau nhiều năm, ngôi nhà sẽ không cũ đi mà chỉ có cây cối ngày một xanh tốt, mát mẻ hơn.
Sự lan truyền văn minh phương Tây diễn ra mạnh mẽ ở Sài Gòn và được thể hiện rõ rệt qua các công trình với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư chuyên nghiệp.
Những công trình trọng đại đầu tiên được khởi tạo ngay khi người Pháp đến Sài Gòn trong cuối thập niên 1860 (điển hình là công trình Dinh Thống đốc Nam Kỳ), đạt đến mật độ cao ở thời kỳ 1880-1910 với sự ra đời của các công trình quan trọng bậc nhất.
Sự lan truyền của văn minh phương Tây đến kiến trúc Nam Bộ
Kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Sài Gòn, đã điều phối việc thiết kế một loạt các công thự trọng yếu của thành phố, bao gồm Tòa án, Sở Thuế quan, Dinh Thống đốc Nam Kỳ, và tiêu biểu nhất là Bưu điện Trung tâm thành phố.
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn và Dinh Thống đốc Nam Kỳ là hai công trình tiêu biểu nhất của KTS Alfred Foulhoux. Sự đặc dụng những trang trí dày đặc, cầu kỳ cùng tính cách trang nghiêm, đường bệ của tổng thể có ảnh hưởng đến thị hiếu sau này của những chủ nhà người Việt ở miền Nam. Ảnh: Nhã Nam.
Và rồi từ đô thị trung tâm Sài Gòn, các sáng tạo và văn hóa ứng xử vốn xa lạ từ phương Tây đã trở thành các đợt sóng cảm hứng mới mẻ cho kiến trúc của nhiều đô thị khắp các tỉnh miền Nam.
Có lẽ từ các dinh thự công và tư nhân của người Pháp, những ảnh hưởng châu Âu dần khuếch tán ra cộng đồng người Việt. Trong số các công trình chúng tôi đã tiếp cận và thống kê, có một sự bùng nổ về số lượng các công trình xây dựng mới theo ảnh hưởng Pháp bởi chủ nhân người Việt, khởi đầu từ giữa thập niên 1910, đạt đỉnh điểm ở các thập niên 1920-1930.
Giai đoạn này trùng khớp với thời kỳ khai thác thuộc địa dẫn theo sự phát triển kinh tế ở miền Nam. Cùng lúc đó, các phong trào trí thức như phong trào Minh tân đã khuyến khích người Việt gia nhập thương trường, dẫn theo sự xuất hiện hàng loạt các công ty lớn nhỏ do người Việt có học, có địa vị và sản nghiệp làm chủ.
Từ những nảy nở về kinh tế, một giới trung lưu mới nổi có điều kiện xây cất nhà cửa cũng nở rộ. Giữa họ có sự học hỏi và sao chép lẫn nhau, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều công trình tương đồng về kiểu dáng. Cảm quan và cá tính của từng chủ nhân đem lại cho những biệt thự của họ đôi nét chấm phá riêng biệt.
Khuynh hướng “Tân thời”: một quan niệm mới về không gian sống
Đầu thế kỷ 20, những ảnh hưởng từ kiến trúc phương Tây trở thành hình mẫu cho khuynh hướng “Tân thời”: hướng về cái mới. Giới ưu tú thụ hưởng nền giáo dục mới theo khuynh hướng châu Âu có cơ hội tiếp xúc với không gian sống Tây phương thông qua quá trình học tập tại châu Âu hoặc tại các đô thị do người Pháp xây dựng tại Đông Dương.
Từ đây, họ hấp thu những thị hiếu mới. Một ông con Tây học về tiếp quản gia sản tổ tiên để lại, muốn đưa vào cá tính thời đại mà ông hấp thu được, nhưng không ai lại phá bỏ nhà thờ tổ tiên, vậy nên ông bao bọc ngôi nhà bằng một mặt tiền mới nhưng không phá hủy những giá trị cũ.
Khi thống kê các đời chủ nhân khởi tạo công trình, chúng tôi nhận thấy lượng lớn các công trình Tây hóa trong thời gian này thuộc về các trí thức và quan chức Tây học, và nhà cửa đôi khi biểu đạt ý hướng của họ về thời đại năng động mà mình đang sống.
Hiệu đề “Nhựt Tân” đã được trưng lên trên mặt tiền nhà ông Lê Quang Xoát, xây dựng vào cuối thập niên 1910 tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phải chăng là một tuyên bố cho tầm nhìn hướng về tương lai của gia chủ?
Sau khi bao bọc phủ thờ bằng gỗ từ tổ tiên truyền lại bằng một mặt tiền tân thời kiểu Tây, người chủ gia tộc họ Lê đã cho sơn một hiệu đề “Nhựt Tân” với một thông điệp lạc quan hướng về ngày mới. Ảnh: Nhã Nam.
Ở phương diện vật chất, nhà Tây mang đến tiện nghi và thị hiếu mới mẻ, vì vậy trở thành đối tượng đáng mơ ước. Nền lót gạch bông sạch sẽ và rực rỡ hơn, không gian cao ráo và đa sắc, hàng loạt những vật dụng tân thời từ đèn măng sông (manchon), máy hát, đồng hồ đến những nhà vệ sinh bên trong khiến không gian sống tương phản với sự trầm ngâm của ngôi nhà gỗ thời trước.
Với kỹ thuật và vật liệu mới, những ngôi nhà ở hai tầng, ba tầng đã xuất hiện khắp nơi. Lúc này, những nếp nhà truyền thống có sự bành trướng về chiều cao và nhắm đến sự phô trương. Nhà Tây trở thành hình mẫu mới cho ước mơ về một đời sống sung túc.
Chiếc cổng đường bệ với những ảnh hưởng Tân cổ điển đánh dấu lối vào của một không gian tân thời, sang trọng. Ảnh: Nhã Nam.
Chiết trung – sự hòa trộn của các phong cách và các nguồn văn hóa
Chiết trung (eclecticism) chỉ việc hòa trộn nhiều phong cách và ảnh hưởng để tạo ra một hướng tiếp cận riêng. Sự hòa trộn này có thể bao gồm đặc trưng kết cấu, hướng xử lý trang trí, vật liệu, các đặc điểm mượn từ các nước hay nền văn hóa khác, cùng với các đồ án trang trí từ văn hóa bản địa.
Không chỉ diễn ra tại riêng miền Nam, xu hướng chiết trung cũng được bắt gặp trên thế giới trong khoảng từ năm 1870 đến 1930. Tại Việt Nam, tuy hầu như bất cứ công trình Việt – Pháp nào cũng có một mức độ hòa trộn nhất định, nhưng một số đã tham khảo từ một tập hợp rất rộng các mẫu để gắn kết thành những mặt tiền đặc biệt.
Chúng ta không rõ sự gắn kết này là chủ ý với những quan niệm thẩm mỹ cụ thể, hay là ngẫu hứng và vô thức, nhưng khuynh hướng này đã định hình diện mạo kiến trúc của vùng đất suốt một thời kỳ. Trong số các công trình tiêu biểu, chúng tôi lựa chọn mô tả thêm cho trường hợp nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Nhà ông Huỳnh Thủy Lê là một trong những nhà cổ nổi tiếng nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long vì sự xuất hiện của nó trong tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras, sau này trở thành một điểm tham quan du lịch được yêu thích.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê thể hiện sự hòa trộn của nhiều trường phái và thời kỳ trang trí. Ảnh: Nhã Nam.
Đây là một công trình có sự hòa trộn phong cách thú vị. Cấu trúc gỗ và nội thất có từ trước (cuối thế kỷ 19), mặt tiền gạch vữa là một bổ sung sau này, nhưng được bổ ba theo ba gian nhà truyền thống có sẵn. Chi tiết trang trí phương Tây xuất hiện dày đặc.
Đỉnh mái uốn cong phản ánh kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa vùng Phúc Kiến. Họa tiết khảm bằng các mảnh sành sứ nhiều màu, thường hay bắt gặp ở các miếu vũ Phúc Kiến, nay xuất hiện lại trên diềm và nóc, mô tả các đồ án tĩnh vật, dơi ngậm đồng tiền, hoa lá, các Hán tự biểu thị ý nghĩa cát tường cùng các hoa văn song tiền.
Như vậy một tổ hợp các yếu tố có nguồn gốc Pháp, Hoa, Việt được lựa chọn đưa vào khu vực mặt tiền, khiến công trình trở thành một tấm gương phản chiếu những làn sóng văn hóa ảnh hưởng qua lại tại địa phương.