Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

GS. KTS Akihisa Hirata – Người truyền cảm hứng “Khơi nguồn chất mới” trong kiến trúc

Ngày 17/12/2022, tại Khách sạn Lotte Hà Nội, Công ty TNHH TOTO Việt Nam đã tổ chức TOTO Architect Talk 2022 với sự tham gia của diễn giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản – GS.KTS. Akihisa Hirata. Buổi diễn thuyết đã thu hút sự quan tâm của đông đảo KTS trên cả nước, với gần 1000 KTS tham dự. Tại đây, KTS Akihisa Hirata đã có những chia sẻ triết lý về “chất mới” trong kiến trúc mà ông đúc kết qua nhiều năm, cách ông “thổi hồn”, tạo ra hấp dẫn kỳ lạ cho từng công trình của mình. Nhằm lan tỏa tinh thần triết lý thiết kế độc đáo này, Tạp chí Kiến trúc xin giới thiệu tới bạn đọc cuộc trò chuyện thú vị với KTS Akihisa Hirata bên thềm buổi diễn thuyết TOTO Architect Talk 2022. 

GS.KTS. Akihisa Hirata

GS.KTS. Akihisa Hirata sinh năm 1971 tại Osaka, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc Đại học Kyoto năm 1994 và Cao học Đại học Kyoto, Khoa nghiên cứu Kỹ thuật năm 1997. Sau khi làm việc tại văn phòng kiến trúc Toyo Ito & Associates, GS.KTS Akihisa Hirata thành lập văn phòng thiết kế kiến trúc Akihisa Hirata vào năm 2005. Hiện tại, ông đang là giáo sư giảng dạy tại Đại học Kyoto, Nhật Bản.Trong hơn 20 năm làm nghề, ông đã tạo nên nhiều công trình có tính biểu tượng như: Bloomberg Pavilion (2011); Art Museum & Library Ota (Bảo tàng nghệ thuật và thư viện thành phố Ota) (2017); Tree-ness House (Ngôi nhà cây xanh) (2017); Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn dân gian Thành phố Yatsushiro; Taipei Roofs (Mái nhà Đài Bắc); Global Bowl (Chiếc tô toàn cầu) – dự án pavilion phục vụ Thế vận hội Olympics Tokyo 2021…

GS.KTS. Akihisa Hirata từng giành Giải thưởng Gương mặt mới của JIA (Hội Kiến trúc sư Nhật Bản) lần thứ 19 năm 2008; Giải Sư Tử Vàng của Triển lãm Kiến trúc Quốc tế Venice Biennale lần thứ 13 năm 2012 (đồng cộng tác với Toyo Ito, Naoya Hatakeyama và 2 người khác); Giải thưởng Hiệp Hội Kiến trúc Nhật Bản năm 2022,…

PV: “Discovering New – Khơi nguồn chất mới” cũng là chủ đề được ông chia sẻ tại sự kiện TOTO Architect Talk 2022 là một khái niệm khá mới về triết lý “chất nới” trong kiến trúc. Ông có thể nói rõ hơn về triết lý này?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Tôi quan niệm, cái mới là bản chất của sự sống. Cái mới tồn tại, luôn chuyển động và đôi khi chúng bị ẩn giấu đâu đó trong cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy, tôi muốn tìm hiểu sâu và khám phá những “chất mới” trong những điều hiện hữu thường ngày. Nói cách khác, đó là việc tạo ra kiến trúc bằng cách khám phá cái mới từ những điều có sẵn. Đây cũng là điều tôi mong muốn chia sẻ tại sự kiện TOTO Architect Talk 2022 tại Việt Nam.

GS.KTS. Akihisa Hirata diễn thuyết tại TOTO Architect Talk 2022

PV: Vậy ông đã tìm “chất mới” từ những-điều-có-sẵn như thế nào? Ông có thể chia sẻ về một công trình cụ thể mà ông và team đã thực hiện?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Tại buổi diễn thuyết, tôi nói về hình ảnh những loài thực vật biển hòa quyện, gắn bó chặt chẽ với nhau bên dưới đáy đại dương. Tương tự như vậy, tôi luôn cố gắng lồng ghép, đan xen các yếu tố khác nhau một cách phân cấp vào trong những công trình. Tree-ness House (Ngôi nhà cây xanh) là một ví dụ như vậy. Cây xanh là một sinh vật được tích hợp hữu cơ thông qua sự kết hợp của các bộ phận, mỗi bộ phận lại có các đặc điểm khác nhau, như thân, cành và lá. Với ý tưởng này, tôi đã cố gắng thiết kế một tòa nhà với kiến trúc hữu cơ giống như một cái cây bằng cách kết hợp nhiều bộ phận khác nhau như thảm cây xanh, những khoảng tường mở xếp nếp và những hộp bê tông, tất cả tạo thành một cấu trúc nhiều lớp.

Công trình “Tree-ness House” nằm ở Otsuka, Tokyo (Ảnh: Vincent Hetch)

Không chỉ phần nội thất, tôi bố trí toàn bộ cấu trúc ngôi nhà thành không gian ba chiều, bao gồm cả khu vườn và phần ngoại thất giống như con đường. Tổng thể lại, tôi đã cố gắng tạo ra một ngôi nhà mang hơi hướng của chủ nghĩa vị lai, ở đó phần không gian nội thất và ngoại thất dường như bị đảo ngược và hòa lẫn với nhau, đồng thời tạo ra một tòa nhà với nhiều yếu tố thiên nhiên hoang sơ gợi bản năng tự nhiên của chính chúng ta.

PV: Ông gọi những mảng ba chiều là “Karamari shiro” (sự tương thích phức tạp). Ông có thể nói cụ thể hơn về khái niệm này trong kiến trúc?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Trong tiếng Nhật, “karamari” nghĩa là sự chuyển động theo một cách đan quyện vào với nhau, còn “shiro” chỉ sự tương thích, hay khả năng. Hai yếu tố chuyển động và tương thích ấy khi có sự hòa quyện sẽ mở ra những khả năng mới. Có thể hình dung sự đan quyện đó như việc những con bướm bay lượn quanh bông hoa, không có một không gian ba chiều nào được xác định rõ ràng giữa những bông hoa nơi đàn bướm bay lượn, nhưng những sinh vật sống ấy lại cùng tồn tại và tương tác trong mối quan hệ mật thiết với nhau. Tôi cố gắng kiếm tìm những hình thức mới trong sự rối ren của vạn vật ở thế giới sống và kiến trúc hóa những mảng ba chiều mà tôi gọi là karamari shiro (những tương thích phức tạp). Bằng cách này, tôi tin rằng mình có thể dần khám phá ra bản chất của cuộc sống thông qua kiến trúc.

PV: “Discovering New” cũng là tên cuốn sách của ông được chia sẻ tại sự kiện lần này, ông có thể giới thiệu đôi chút về cuốn sách của mình?

GS.KTS. Akihisa Hirata: “Discovering New” là cuốn sách mà tôi đã dành khá nhiều thời gian để hoàn thành (gần 6 tháng). Trong cuốn sách này có 3 phần chính:

  • Ở phần 1 – Discovering New Form (Khám phá hình thái mới), tôi nói về cấu trúc đan quyện giữa các hình thù, hình dạng khác nhau trong kiến trúc như đường cong, mặt phẳng, góc cạnh…
  • Trong phần 2 – Discovering New Nature (Khám phá tự nhiên mới), tôi nêu quan niệm của mình rằng không chỉ sinh vật sống mới có sự sống mà vạn vật xung quanh ta đều tồn tại sự sống. Tôi cố gắng khám phá những sự sống mới từ tự nhiên thông qua kiến trúc.
  • Cuối cùng, phần 3 – Discovering New Commitment (Khám phá mối quan hệ mới) là những mối quan hệ giữa con người – xã hội – thiên nhiên – kiến trúc. Trong đó, tôi dành phần nhiều để nói về kiến trúc và tính bản địa. Mối quan hệ này cũng chính là karamari shiro (sự tương thích phức tạp) với sự đan quyện bền chặt vào nhau.
“Discovering New” – cuốn sách chứa đựng nhiều tâm huyết của GS.KTS. Akihisa Hirata (Ảnh: perimeterbooks.com)

Tôi luôn muốn tạo ra kiến trúc gần gũi với cuộc sống. Những thiết kế của tôi thể hiện tính nguyên bản, tự nhiên và sơ khai nhưng vẫn đảm bảo công năng và thẩm mỹ. Tôi thường không sử dụng cụ thể một loại vật liệu nào thường xuyên. Đối với mỗi một công trình, tôi sẽ nghiên cứu vật liệu phù hợp với tính chất và môi trường xây dựng. Thường thì tôi sẽ ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương cho công trình của mình.

Công trình Bảo tàng Nghệ thuật và Thư viện thành phố Ota (Ảnh: Daici Ano)

PV: Trong quá trình theo đuổi triết thiết kế, chắc hẳn ông cũng từng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hành nghề, ông có thể chia sẻ thêm về điều này được không, thưa ông?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Năm 2005, tôi mở văn phòng kiến trúc độc lập. Công trình đầu tiên của tôi tên là “Gallery S”, đã trải qua rất nhiều công đoạn và chỉ còn chờ để có thể thi công. Nhưng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 nên công trình đã bị hủy. Năm 2009, tôi hoàn thành thiết kế “Tree-ness House” nhưng chủ đầu tư gặp phải khó khăn về tài chính nên công trình cũng chưa thể thực hiện. Mãi đến năm 2017, công trình này mới được hoàn thành.

Tuy một vài công trình bị gián đoạn trong thời gian dài và khiến tôi gặp phải khá nhiều khó khăn nhưng cũng từ đó mà tôi đã có những trải nghiệm, suy ngẫm nhiều hơn về nghề nghiệp và cuộc sống để tiếp tục một cách mạnh mẽ hơn.

PV: Theo ông, trong kiến trúc, đơn giản hay chi tiết sẽ tốt hơn?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Tôi thường bắt đầu với sự đơn giản. Không chỉ khi thiết kế mà trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống cũng vậy. Đối với một công trình, tôi tiếp cận nó với sự đơn giản. Tôi triển khai những chi tiết chính từ sự đơn giản ban đầu ấy.

PV: Trong số các dự án mà ông đã thực hiện, có khá nhiều công trình văn hóa – nghệ thuật như bảo tàng, thư viện, trung tâm nghệ thuật biểu diễn và cả pavilion phục vụ Thế vận hội Olympics 2021. Theo ông, kiến trúc và nghệ thuật có mối liên hệ như thế nào?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Ở góc nhìn của tôi, kiến trúc có thể coi là một loại hình nghệ thuật. Một công trình kiến trúc cũng là một tác phẩm nghệ thuật.

Global Bowl (Chiếc tô toàn cầu) – pavilion phục vụ Thế vận hội Olympics Tokyo 2021 (Ảnh: ToLoLo studio)

PV: “Kiến trúc lấy con người làm trung tâm”, ông nghĩ sao về quan điểm này?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Khái niệm “lấy con người làm trung tâm” hay “vì con người” xuất hiện khá nhiều hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Đối với tôi, kiến trúc phản ánh sự sống, không chỉ riêng con người mà của vạn vật trong tạo hóa. Những công trình của tôi hướng đến việc đảm bảo công năng, phục vụ con người nhưng cũng hài hòa các yếu tố tự nhiên để có sự cân bằng nhất trong đó.

PV: Buổi diễn thuyết TOTO Architect Talk 2022 đã rất thành công. Ông có thể chia sẻ những cảm xúc đối với sự kiện?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Tôi rất vui vì nhận được nhiều câu hỏi từ các khán giả tham dự. Ban đầu, tôi nghĩ mình diễn thuyết bằng tiếng Anh nên có thể sẽ có một chút hạn chế trong khi giao lưu với mọi người. Thế nhưng khán giả đã rất quan tâm và hưởng ứng đề tài mà tôi chia sẻ.

PV: Ngoài ra, ông có thể chia sẻ thêm về những dự định sắp tới của mình? Ông có nghĩ đến việc thực hiện một công trình tại Việt Nam không, thưa ông?

GS.KTS. Akihisa Hirata: Trong thời gian tới, tôi sẽ hoàn thiện 1-2 công trình bảo tàng và thư viện, 1 tòa nhà chung cư tại Nhật Bản và một số công trình tại Đài Loan. Đối với việc thực hiện một công trình tại Việt Nam, đó là ước muốn của tôi! Tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên từ khi còn là một sinh viên và cảm thấy rất hào hứng với kiến trúc cũng như cuộc sống tại đây. Trong tương lai, nếu như có điều kiện, tôi mong muốn được tham gia thiết kế một công trình tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thu Trang-kienviet.net

The post GS. KTS Akihisa Hirata – Người truyền cảm hứng “Khơi nguồn chất mới” trong kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/E9vzFe3
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét