Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Kiến trúc như một phương thức tự sự cộng đồng

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó hiểu khi đất nước Qatar có diện tích và dân số nhỏ, chỉ như một tỉnh thành của Việt Nam lại sẵn sàng bỏ ra số tiền khổng lồ để xây dựng những công trình kiến trúc đương đại ấn tượng, cũng như chi hàng trăm tỷ đô-la để tổ chức Worldcup 2022, trong đó chủ yếu là xây dựng sân vận động và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Họ hoàn toàn có lý khi làm như vậy ở góc nhìn tự sự cộng đồng.

Cung Thiếu nhi Hà Nội kể câu chuyện về Hà Nội thời xây dựng XHCN

Khái niệm tự sự cộng đồng

Tự sự cộng đồng là cách thức một cộng đồng bày tỏ mình theo chiều kích không gian và thời gian, trong sự tổng hợp các vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa, con người… nhằm giải đáp các câu hỏi về sự tồn tại, vận hành, hình thành, triển vọng, ước mơ của cộng đồng.

Tự sự cộng đồng là một công việc bao gồm cả bản chất luận và kiến tạo luận nhưng thiên về kiến tạo luận nhiều hơn. Về mặt bản chất, cộng đồng sinh sống ở một khu vực địa lý, khí hậu đặc trưng, di truyền các mã văn hóa- nhân học qua nhiều thế hệ như một phản ứng chọn lọc tự nhiên. Quá trình di truyền đó là tự sự thụ động, một dạng “nhật ký”, “mã gen” trong vô thức tập thể.

Về mặt kiến tạo, cộng đồng luôn phải đối mặt với hoàn cảnh và biến cố xã hội ở thời điểm hiện tại trong không gian tương tác với các cộng đồng khác nên nó phải lựa chọn cách định vị “căn cước” của cộng đồng mình như thế nào để phát triển bền vững, không bị thoái hóa, tự hủy. Việc định vị, “giới thiệu” bản thân là tự sự chủ động.

Bảo tàng Lịch sử TP HCM. Phong cách kiến trúc Đông Dương như là một cách tự sự của giới cầm quyền Pháp những năm 1930, muốn tạo dựng một xã hội mà văn hóa An Nam được tôn trọng

Tự sự cộng đồng theo bản chất luận

Bản sắc của mỗi cộng đồng được biểu hiện ngay trong lịch sử và cuộc sống thường ngày của cư dân. Khi đó, tự sự xuất hiện một cách tự nhiên, giống như hình ảnh mỗi con người hiện ra trước mắt người đối thoại thông qua hình dáng, tính cách, khí chất (mà chưa cần có thông tin về nghề nghiệp, lý tưởng, vị trí xã hội).

Vị trí địa lý của Việt Nam là nơi giao lưu giữa các nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á. Huyền thoại khai sinh dân tộc Việt Nam là sự kết hợp giữa rồng nước (Lạc Long Quân) với tiên núi (Âu Cơ). Các dữ kiện lịch sử cũng như di truyền học đều cho thấy dân tộc Việt (Kinh) có sự pha trộn từ nhiều dân tộc khác nhau: người Việt cổ, người Bách Việt phía Nam sông Dương Tử, người Hán, Thái, Champa, Khmer. Trên cơ sở đó, kiến trúc Việt Nam ít nhiều có tính lai ghép trong suốt chiều dài lịch sử, thể hiện trong một số di tích hiếm hoi sót lại (dù cũng đã bị biến đổi) như chùa Bách Môn thời Lý (mặt bằng hình vuông kiểu mandala, liên hệ với kiến trúc Phật giáo Nam tông, Mật tông), chùa Thái Lạc thời Trần (có những chi tiết trang trí du nhập từ Champa). Sự lai ghép với nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á còn thể hiện ở hình ảnh linh vật (garuda, la hầu) và nhân vật (bà Banh, vũ công kinnara) trong trang trí kiến trúc. Ngày nay, hình thức chiết trung giữa kiến trúc hiện đại với truyền thống các dân tộc cũng được người Việt Nam ưa chuộng.

Bản chất luận trong tự sự cộng đồng có liên hệ với tính cách dân tộc. Ví dụ, tính cách linh hoạt, tùy biến, dễ thích nghi ở người Việt Nam cũng có thể nhận ra trong kiến trúc, đô thị. Người Việt Nam xưa chủ yếu sinh sống bằng nghề thuyền chài và trồng lúa nước, đời sống kinh tế xã hội phụ thuộc chặt chẽ với thiên nhiên, luôn phải lựa vào thời tiết để sản xuất. Thành ngữ Việt Nam có nhiều câu nói thể hiện tính linh hoạt như: “Mềm nắn rắn buông”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”… Đô thị Việt Nam đặc trưng bởi những ngôi nhà phố với mặt tiền thay đổi ngẫu nhiên theo ý thích gia chủ; trên lầu làm không gian ở gia đình, tầng trệt cho thuê cửa hiệu buôn bán. Đó là những góc vỉa hè chật hẹp nhưng tích hợp và biến chuyển liên tục các hoạt động, trong đó đã bao hàm “thỏa thuận ngầm” giữa những cá nhân: Cửa hiệu, quán ăn nhẹ, trông xe, trà đá…, để ai cũng được hưởng lợi từ vỉa hè. Không khó để chúng ta bắt gặp một địa điểm mà sáng bán phở, chiều bán nem, trong nhà bán tạp hóa, ngoài hiên ghi lô đề… Tính tùy biến được nhiều người nước ngoài nhận diện và kể lại câu chuyện đô thị Việt Nam, ví dụ nhà văn Carol Howland viết: “Đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội giống như len lỏi tìm đường đi trong một bát phở”.

Hình ảnh Hồ Tây lộn xộn những tòa nhà cao tầng – Phải chăng vì thiếu một tự sự thuyết phục và thiếu quyết tâm chính trị trong việc quy hoạch, thiết kế, quản lý đô thị?

Tự sự cộng đồng theo kiến tạo luận

Trong tiến trình phát triển kiến trúc của mỗi cộng đồng, có những thời điểm bản lề, bắt buộc nền kiến trúc ấy phải kiến tạo những tự sự cộng đồng mới, nếu không muốn rơi vào tình trạng sáo mòn, suy kiệt.
Năm 1852-1870, Napoleon III giao trọng trách cho Georges Eugene Haussmann tiến hành cuộc đại cải tạo Paris từ một TP hậu – trung cổ trở thành một hình mẫu đô thị tiền – hiện đại, với những đại lộ, công viên lớn, quảng trường thoáng đãng, hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, tạo tiền đề cho sự xuất hiện những kiệt tác kiến trúc mới sau đó không lâu như tháp Eiffel. Dự án vấp phải làn sóng phản đối từ phía người dân lẫn các nhóm lợi ích. Nhưng Haussmann, với sự ủng hộ tuyệt đối từ hoàng đế cũng như các KTS cộng sự, đã quyết liệt phá hủy 20.000 ngôi nhà để xây mới gấp đôi số đó, cũng như mở rộng thêm 8 quận và làm những con đường rộng 30m (lúc đó đường rộng 13m đã là được coi là to). Thành công của Đại dự án Haussmann cho thấy sự quyết đoán của lãnh tụ (Napoleon III) rất quan trọng khi kiến tạo những tự sự mới.

Nguyên lý đó cũng đúng với các trường hợp đại dự án kiến trúc khác nhằm kiến tạo những tự sự cộng đồng mới, như Stalin cho xây dựng 7 tòa nhà “chị em” và hệ thống tàu điện ngầm Moskva, Mao Trạch Đông với thập đại kiến trúc ở Bắc Kinh, Francois Mitterrand với Đại dự án kiến trúc Grands travaux ở Paris… Riêng đối với Mitterrand, một người không có quyền lực tuyệt đối trong nước như Stalin hay Mao Trạch Đông, đã phải đứng ra bảo vệ Kim tự tháp kính Louvre, mà hàng chục năm sau công chúng mới thấy hết được cái đẹp của nó.

Các đô thị nước ta hiện nay đang ở thời điểm phát triển rất nhanh, nhưng chưa có những tự sự mới hấp dẫn, mạnh mẽ. Điều đó dẫn đến tình trạng nhà nước cứ phải “đuổi theo” các dự án bất động sản của những tập đoàn lớn để điều chỉnh quy hoạch. Trong khung cảnh có phần “lủng củng” đó, chúng ta phải nhấn mạnh và khẳng định vai trò chỉ huy, dẫn dắt của nhà nước trong quy hoạch, thiết kế đô thị, kiến trúc, nhất là khi các tập đoàn tư nhân đang cho thấy họ chỉ nghĩ đến quyền lợi mà ít có trách nhiệm đối với xã hội. Phải chăng, giờ là lúc cần một đại dự án kiến trúc do nhà nước chỉ huy để kể câu chuyện Việt Nam trong thời kỳ hiện tại?

Chúng ta hiện đang có rất nhiều những công trình lớn được đầu tư bởi nhà nước và tư nhân nhưng không đưa ra được “đầu bài” mang tính tự sự cộng đồng, vậy nên kết quả của nó là những công trình kiến trúc “giông giống” ở nhiều “TP đại trà” khác trên thế giới. Có lẽ, ngay bây giờ chúng ta cần lựa chọn và xây dựng một tự sự cộng đồng mới mẻ, có khả năng khơi gợi sáng tạo để lan tỏa vào những dự án, những cuộc thi tuyển kiến trúc?

Có cần lý tưởng cho các đô thị?

Lý tưởng – một khái niệm có thể khiến nhiều người Việt Nam “dị ứng” và “đề phòng”, nhưng lại chính là thứ quan trọng còn thiếu trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý các đô thị lớn nước ta hiện nay.
Những TP – ý nói những TP vĩ đại – được xây bằng gì? Chúng được xây bằng lý tưởng.

Lý tưởng của La Mã sẽ tạo nên đô thị La Mã – “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”. Sau khi La Mã bị phá hủy, Constantinopol (La Mã thứ hai) thất thủ, các Sa hoàng Nga muốn Moskva trở thành La Mã thứ ba và sẽ không có La Mã thứ tư nữa. Trên đầm lầy vùng Baltic, Piotr Đại đế cho xây dựng Sankt Peterburg để trở thành một “cánh cổng của châu Âu”, rồi ông mời những KTS châu Âu giỏi nhất đến. Từ đầu thế kỷ 19, người ta gọi Paris là “Kinh đô ánh sáng” để khẳng định nó là trung tâm văn hóa, tri thức của thế giới.

Vậy lý tưởng của Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… là gì? Chỉ khi trả lời được câu hỏi đó, người ta mới tin tưởng vào hành động của mình. Không có lý tưởng, mọi hành động sẽ chìm đắm trong vòng luẩn quẩn tranh cãi bất định.

Phương án Nhà hát Opera Hồ Tây của KTS Renzo Piano. Tại sao Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chưa thể là điểm đến hấp dẫn của các bậc thầy kiến trúc thế giới?

Hà Nội – Hòa bình và Sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là TP sáng tạo (ở lĩnh vực thiết kế). Từ đó đến nay, chính quyền, giới chuyên gia và nhân dân Hà Nội đang tích cực kể câu chuyện về một TP sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Đó là một tín hiệu đáng vui mừng. Tuy nhiên, sách lược, chiến thuật cụ thể về sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế của Hà Nội là gì để tạo ra sự đặc sắc giữa hàng trăm các TP sáng tạo khác thì cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn (Tính đến năm 2021, mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu ghi nhận con số 295 TP đến từ 90 quốc gia).

Chúng ta nhớ lại rằng hơn 20 năm trước (1999) Hà Nội được UNESCO vinh danh là “TP vì hòa bình”. Nên chăng Hà Nội kết hợp hai yếu tố “Hòa bình” và “Sáng tạo” để viết tự sự cho mình? – Giữa một thế giới đang bất ổn với chiến tranh và nguy cơ chiến tranh mở rộng, một thế giới đang dần cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, “Hòa bình” và “Sáng tạo” có lẽ là điều con người mong đợi hơn cả. Những không gian sáng tạo, những công trình kiến trúc mang đến sự sẻ chia, tôn trọng và hòa hợp các dân tộc, các giai đoạn lịch sử, các nền văn hóa khác nhau sẽ nằm trong câu chuyện của Hà Nội.

Hà Nội công bằng, tôn trọng tất cả, dù là một ngôi chùa cổ, một ngôi nhà thời Pháp thuộc, hay những khu tập thể, trụ sở cơ quan, nhà máy thời Bao cấp. Hà Nội cũng sẵn sàng mở lòng chào đón những KTS bậc thầy thế giới đến thiết kế những tác phẩm sáng tạo mang tính đột phá, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Hà Nội dung hòa tất cả trong Hòa bình và Sáng tạo.

KTS Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)

The post Kiến trúc như một phương thức tự sự cộng đồng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/UTpOjhS
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét