Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Giáo sư Meinhard Von Gerkan: Điều tốt nhất luôn đến từ sự giản đơn

Ngày 30/11/2022, GS. Meinhard von Gerkan đã qua đời tại Hamburg. Với những cống hiến của mình đối với kiến trúc đô thị trên toàn thế giới và Việt Nam, những dự án do ông và các cộng sự thực hiện đã để lại một dấu ấn khó phai với tinh thần văn hóa bản địa. Bài viết này là sự tưởng nhớ của giới KTS Việt Nam dành cho một KTS vĩ đại của nước Đức và thế giới, người bạn lớn của cộng đồng kiến trúc Việt.

Trong hơn nửa thế kỷ làm việc và cống hiến, GS. Meinhard von Gerkan đã đóng góp một phần đáng kể đối với sự phát triển của kiến trúc đô thị Đức với những công trình tiêu biểu như: Nhà ga sân bay quốc tế Berlin-Tegel; Nhà ga sân bay sân bay quốc tế Berlin Brandenburg (BRG), Nhà ga trung tâm Berlin; Trung tâm Hội nghị và Hòa nhạc Lubeck, Trung tâm Hội chợ Thương mại Leipzig; Đài quan sát Heiligenhafen.

Tại Châu Á, Ông là tác giả chính của những công trình cộng đồng quy mô lớn như: Thành phố Lingang, Nhà hát lớn Thanh Đảo (Trung Quốc); Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Nhà Quốc hội (Việt Nam).

Cùng với các cộng sự và đồng nghiệp ở gmp, Ông đã định hình danh tiếng của mình tại 30 quốc gia, với trên 500 công trình trên toàn thế giới.

Giáo sư, Tiến sỹ danh dự, Kiến trúc sư (GS.TS.KTS) Meinhard von Gerkan sinh năm 1935 tại Riga (nay là nước CH Latvia). Vào năm 1939, Ông rời quê nhà của mình và trưởng thành tại TP Hamburg (Đức) trong bối cảnh thế chiến thứ hai.

Ông tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Braunschweig chuyên ngành kiến trúc, và đảm nhận chức danh Giáo sư giảng dạy tại đây khi chưa đầy 40 tuổi; nghỉ hưu vào năm 2002. Ông là Giáo sư thỉnh giảng và Giáo sư danh dự của hàng chục trường ĐH trên thế giới.

Tại Đức, ông được vinh danh và nhận giải thưởng cao nhất của Hiệp hội KTS CHLB Đức.

Ngoài nước Đức, ông được bổ nhiệm là Công dân danh dự và nhận Huân chương công trạng do nước CH Latvia trao tặng. Ông vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý của Rumani, Trung Quốc, Nam Phi và Việt Nam cho những đóng góp về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật.

Ông là một trong hai nhà sáng lập đầu tiên của công ty gmp (Gerkan, Marg & Partners), một công ty kiến trúc toàn cầu với hơn 500 nhân viên, tại 8 văn phòng trên thế giới.

Nhà ga sân bay Tegel với khối kiến trúc hình lục giác – là biểu tượng của thủ đô Berlin.

Từ những giải pháp đầy thách thức…

Có lẽ không một KTS nào có khả năng làm thay đổi bộ mặt TP Berlin nhiều như Meinhard von Gerkan, người đảm trách đa phần các dự án kiến tạo lớn nhất và cũng mang tính thách thức nhất của nước Đức.

Chưa đầy 1 năm sau khi tốt nghiệp, hai tân sinh viên Meinhard von Gerkan và Volkwin Marg đã gây chấn động giới KTS nước Đức khi giành Giải thưởng Thiết kế quốc tế cho Phương án quy hoạch sân bay Tegel “Otto Lilienthal” (*) – một trong những cửa ngõ chính kết nối giao thông giữa Tây Berlin và thế giới. Điều gây “tranh luận” về mặt chuyên môn nằm ở nguyên lý “khoảng cách ngắn Otto Lilienthal” tưởng chừng như không khả thi về lý thuyết, nhưng lại hiệu quả về mặt thực tế. Cho đến nay, công trình này vẫn được coi là một trong những biểu tượng lớn của Thủ đô Berlin, với đặc trưng kết cấu hình lục giác, độc – lạ, không thể lẫn với bất kỳ một sân bay quốc tế nào trên thế giới, trong đó tất cả các hạng mục xây dựng bên trong (sàn, trần, cầu thang, nội thất) đều được phát triển dựa trên logic hình học giống nhau: Hình lục giác. Sân bay Tegel nằm trong danh sách các công trình kiến trúc được bảo tồn tại Berlin.

GS.TS.KTS Meinhard von Gerkan chụp ảnh cùng pano Dự án sân bay Tegel.

Đối với Nhà ga trung tâm Berlin, bất chấp kích thước đôi khi to lớn của những hình khối mái vòm, công trình vẫn được coi là một Dự án mang biểu tượng văn hóa nghệ thuật mà Meinhard von Gerkan cống hiến cho cộng đồng xã hội. Trong quá trình xây dựng Dự án, do tiến độ về thời gian và quy mô, một phần mái vòm lưới và phần sảnh kính đã bị chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thay thế vật liệu, làm mất đi tính thẩm mỹ về mặt kiến trúc. Meinhard von Gerkan một lần nữa gây chấn động giới KTS khi kiên quyết theo đuổi vụ kiện pháp lý để nhằm bảo vệ và gìn giữ vẻ đẹp tuyệt vời của công trình. Với ông, thiết kế kiến trúc – cho dù là một loại hình dịch vụ, vẫn đứng sau vẻ đẹp nghệ thuật và giá trị văn hóa phục vụ cộng đồng.

(*) Otto Lilienthal là một kỹ sư người Đức, sinh ra tại Anklam và mất tại Berlin. Ông là người đi tiên phong trong cách lái máy bay liệng, mà ý tưởng xuất phát từ sự quan sát chim liệng.

… Đến “Điều tốt nhất trong sự giản đơn” – “Vom Einfachen das Beste”

Với tư cách là một tác giả, nhà thẩm định/ phê bình đánh giá, thành viên hội đồng chấm nhiều giải thưởng lớn, GS. Meinhard von Gerkan đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, thông qua công tác giảng dạy, viết sách, đào tạo nghề nghiệp và trực tiếp thiết kế các công trình mang dấu ấn trên toàn thế giới.

GS.TS.KTS Meinhard von Gerkan và GS.TS.KTS Volkwin Marg

Từ năm 1974 đến năm 2002, ông làm việc và giảng dạy tại ĐH Kỹ thuật Braunschweig (CHLB Đức) trong vai trò là Giáo sư/ Viện trưởng Viện Thiết kế Kiến trúc. Trong gần 30 năm giảng dạy, ông đã được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại một số trường ĐH trên thế giới như: ĐH Nihon, Tokyo (1988), ĐH Pretoria, Nam Phi (1993), ĐH Công nghệ Đại Liên (Dalian) ở Trung Quốc (2007) và ĐH Đông Nam, ĐH Nam Kinh (Nanjing) ở Trung Quốc (2014)…

Ông được ĐH Marburg, ĐH Cơ đốc Chung Yuan ở Đài Loan trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự; được ĐH Thường xuyên Đông Trung Quốc, Trường Thiết kế Thượng Hải, ĐH Đồng Tế (Tongji) Thượng Hải phong hàm Giáo sư danh dự.

Năm 2007, ông thành lập Học viện Kiến trúc AAC trực thuộc gmp. Học viện AAC là một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho giới kiến trúc, nhằm củng cố kỹ năng và kiến thức cho các sinh viên đã tốt nghiệp và các KTS trẻ. Ông cho biết: “Truyền đạt lại tri thức và kiến thức kỹ năng cho thế hệ trẻ, ngoài công việc nghiệp vụ và kinh doanh của bản thân, là nghĩa vụ và trách nhiệm của một KTS chân chính”.

GS.TS.KTS Meinhard von Gerkan (áo trắng) đang trao đổi với nhóm KTS trẻ tại Workshop AAC tại Việt Nam

“Điều tốt nhất luôn đến từ sự giản đơn” chính là phương châm, triết lý xuyên suốt của GS. Meinhard von Gerkan, một KTS cầu toàn trong nghề nhưng cũng yêu thích sự tự do trong thiết kế – Một công trình kết hợp hài hòa giữa chức năng và thẩm mỹ, giữa phong cách và thách thức (độ khó) về kỹ thuật để mang lại các giải pháp “táo bạo” chính là những gì mà Ông trăn trở và mong muốn.

Cho đến nay, tư duy ấy vẫn đã, đang hiện hữu và duy trì trong không gian sáng tạo tại khu học thuật AAC, các văn phòng gmp trên toàn cầu, giúp các phong cách thiết kế cho dù ở đâu trên thế giới, đều tạo thành một thể thống nhất, mang diện mạo và chuẩn mực riêng có.

Công trình Nhà ga trung tâm Berlin điểm nhấn về văn hóa – khoa học – giá trị cộng đồng.

Dấu ấn tại Châu Á bằng những công trình mang tính cộng đồng

Trong những năm cuối đời mình, GS. Meinhard von Gerkan dành phần lớn thời gian để thiết kế “Những công trình đẹp đẽ dành cho không gian nghệ thuật – văn hóa và cộng đồng Châu Á”. Trả lời nhà báo Florian Heilmeyer về sự có mặt của Ông và gmp tại Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2011, ông đã thẳng thắn nói rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ thiết kế một công trình riêng lẻ cho một hệ thống và thể chế cụ thể. Chúng tôi hướng tới những công trình dành cho cộng đồng chung và đa phần người dân sử dụng. Không một tòa nhà nào ở Châu Á mà gmp thiết kế phục vụ cộng đồng lại mang biểu tượng và tôn vinh chính trị”. Với Meinhard von Gerkan, nguyên tắc lợi nhuận và tính kinh tế sẽ không bao giờ được ưu tiên hơn việc xây dựng văn hóa phục vụ cộng đồng.

Trên thực tế, với khoảng 200 dự án do Ông tham gia thiết kế tại Châu Á, thì có hơn 80% là các công trình văn hóa bao gồm: Nhà hát, Bảo tàng, Sân vận động, Trung tâm Triển lãm, Trung tâm thể thao văn hóa quy mô lớn.

20 năm cống hiến cho Kiến trúc Việt với những dự án tiên tiến, mang văn hóa bản địa

Nét phác thảo ban đầu của tác giả M. Von Gerkan về Bảo tàng Hà Nội (Việt Nam) và ảnh thực tế công trình

Tại Việt Nam, GS. Meinhard von Gerkan cùng cộng sự Nikolaus Goetze đã thành lập và lãnh đạo văn phòng gmp Hà Nội vào năm 2002, trước khi tham gia thi tuyển và đoạt giải Nhất phương án kiến trúc Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Trải qua hơn 20 năm phát triển, gmp Hà Nội hiện có 20 KTS đang làm việc và là chi hội KTS văn phòng gmp Hà Nội, trực thuộc Hội KTS Việt Nam.

Khi tiếp cận bất một phương án tại bất kỳ địa danh nào của Việt Nam, Ông luôn tìm tòi nghiên cứu để phát triển ý tưởng, khối hình mới thực sự phù hợp với yếu tố bản địa song song tiên tiến về công nghệ, như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Nhà quốc Hội, Ngôi nhà Đức.

Nhờ những cống hiến đầy sáng tạo và hết mình vì cộng đồng, Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng tại Châu Á. Đặc biệt, tại Việt Nam, ông được biết tới là người nước ngoài đầu tiên nhận Giải thưởng cao quý và cao nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 cho công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Chính tính cách quyết liệt, lối tư duy vượt qua các khuôn khổ và tâm hồn nhân văn đã định hình nên con người Meinhard von Gerkan – Những khát vọng không ngừng nghỉ của một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết hành nghề vị nghệ thuật không vì lợi nhuận đã biến Meinhard von Gerkan trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng với cộng đồng KTS quốc tế. Thế giới luôn nhớ tới Ông và cúi đầu trước những công trình vượt thời gian của một KTS vĩ đại!

Nét phác thảo ban đầu của tác giả M. Von Gerkan về Nhà Quốc Hội (Việt Nam) và ảnh thực tế công trình

Một vài suy tư về GS. Meinhard Von Gerkan

TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Trong chặng đường sáng tạo công trình kiến trúc theo triết lý của mình, Meinhard von Gerkan đã có cơ hội để lại dấu ấn tại Việt Nam. Từ những giải thưởng cao nhất ở các cuộc thi quốc tế về thiết kế kiến trúc với những dự án quan trọng bậc nhất của một đất nước có nền văn hóa đầy bản sắc đến những công trình thực tế, những thiết kế của ông đã thể hiện được sự thành công cao từ cách nhìn tinh tế, trí tuệ, giàu nhân văn của người làm nghề. Cái đáng trân trọng và quý giá nhất của ông là sự nghiêm cẩn trong khai thác khía cạnh bản địa của một vùng miền xa lạ, có lối sống, phong tục tập quán, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là “mã gen văn hóa” hoàn toàn khác biệt với quê hương ông. Với sự say mê tận tụy với nghề hiếm có, kết hợp tài năng của một người lịch lãm và có tính cách khá đặc biệt, ông đã hóa giải nhiều thành công yếu tố “Bản Sắc Việt” trong ngôn ngữ “khoa học chính xác” hàng đầu thế giới của người Đức. Chiêm ngưỡng những tác phẩm Nhà Quốc Hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… cho đến hôm nay, sau một thời gian xây dựng đã khá lâu, chúng ta đều thấy yêu cầu “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vẫn giữ được nguyên vẹn dấu ấn rõ rệt và mang tính thời đại, gắn liền với triết lý phát triển bền vững ở đó. Kiến trúc gần gũi với yếu tố “xanh” cũng được ông khai thác nhuần nhuyễn trong những tác phẩm của mình. Nghĩ về sự ra đi của ông, KTS và những người làm Kiến trúc Việt Nam đều thấy sự mất mát lớn lao dường như vừa xảy ra trong ngôi nhà của chính mình. Xin thành kính tưởng nhớ về ông, cho phép chúng tôi được gọi ông là bạn nghề đáng kính trọng và đầy trân quý của giới. “Điều tốt nhất luôn đến từ sự giản đơn” – Vâng, giới KTS Việt Nam cũng đang luôn trăn trở vì điều đó!

ThS.KTS. Trần Công Đức
Giám đốc gmp Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)

The post Giáo sư Meinhard Von Gerkan: Điều tốt nhất luôn đến từ sự giản đơn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/XAdWzMI
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét