Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

Thành phố sáng tạo và xu hướng tái thiết các không gian nhỏ, bị bỏ quên trong đô thị

Xu hướng tái thiết không gian nhỏ, bị bỏ quên trong đô thị

Vào tháng 9/2010, tại một thành phố (TP) nhỏ ở phía Nam Tel Aviv (Israel), có một nhóm người đang thi công, hiện thực hoá thiết kế của họ trên một con phố ở Bat Yam. Họ tham gia một cuộc thi có tên là “Tái thiết Đô thị trong 72 giờ”, trong đó các đội lên kế hoạch, lập mặt bằng, và hiện thực hoá một dự án phục vụ cộng đồng, nhưng tất cả chỉ diễn ra trong 72 tiếng.

Một dự án tái thiết không gian phía trước ga tàu ở Auckland, New Zealand. Nguồn: Hội đồng Thành phố Auckland

Các nhóm tham gia được cấp một khoản ngân sách khiêm tốn, được tiếp cận với công cụ, vật liệu xây dựng để hiện thực hoá ý tưởng, và họ nổi bật trên phố với bộ quần áo màu cam. Các dự án đã tham gia cuộc thi có thể kể tên như khu vui chơi dành cho trẻ em trong không gian chung một khu tập thể, hay các quầy hàng tạm thời cho người bán hàng rong, cho chợ cóc… Người chiến thắng trong cuộc thi được nhận một khoản tiền thưởng, và thú vị hơn là thiết kế của họ có cơ hội được lưu lại mãi mãi ở Bat Yam.

Cuộc thi được khởi xướng với hy vọng khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia vào việc đem lại sức sống mới cho không gian đô thị, đặc biệt là những không gian nhỏ, bị lãng quên. Mục tiêu là hiện thực hoá các thiết kế sáng tạo có quy mô nhỏ, và dễ dàng triển khai với chi phí thấp ở nhiều nơi trong TP, để từ đó kiểm tra, thử nghiệm các ý tưởng mới, đồng thời khuyến khích cộng đồng suy nghĩ về cách không gian được sử dụng và trực tiếp tham gia vào quá trình tái thiết đô thị.

Cuộc thi “Tái thiết Đô thị trong 72 giờ” khởi nguồn cho một xu thế mới, thách thức cách tiếp cận truyền thống cho rằng việc tái thiết không gian đô thị là một quá trình đòi hỏi thời gian và cần sự tham gia, nhất trí từ ba bên: Chủ đầu tư, Nhà thiết kế, và Chính quyền địa phương. Thay vào đó, cách tiếp cận này tạo cơ hội cho cộng đồng, đối tượng thường không có nhiều tiếng nói trong các dự án Quy hoạch, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực Quy hoạch, Thiết kế Đô thị mà không cần thông qua các kênh truyền thống, dù chỉ với quy mô nhỏ, hay trong khoảng thời gian ngắn, tạm thời.

Một dự án tái thiết vỉa hè và chỗ đỗ xe trên một con phố ở Auckland,
New Zealand. Nguồn: Tác giả

Lợi ích của xu thế tái thiết không gian đô thị và sự phát triển thành phố sáng tạo

Xu hướng tái thiết các không gian đô thị nhỏ, bị bỏ quên phù hợp với xu thế phát triển Thành phố Sáng tạo (TPST), bởi việc xây dựng TPST đòi hỏi các dự án với quy mô nhỏ và nhiều kiên nhẫn. TPST không nên bị gò ép bởi các nhà Quy hoạch, các KTS với những bản vẽ trên bàn làm việc của họ – Vì không gian sáng tạo không thể được lập kế hoạch từ đầu, và sự phát triển của chúng đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, thuộc mọi tầng lớp.

Cách tiếp cận không gian đô thị kiểu mới đem đến hai lợi ích. Thứ nhất, không gian đô thị sẽ trở nên gần gũi hơn, và có công năng phù hợp hơn với người sử dụng. Việc triển khai các thiết kế sáng tạo ở nhiều nơi trong TP và đánh giá hiệu quả của chúng sẽ làm sáng tỏ đâu là phương án đáp ứng được nhu cầu dài hạn của người dân. Ngoài ra, các đồ án tái thiết với quy mô nhỏ còn đóng vai trò như những dự án tiền khả thi, có thể đem đến bài học và khơi gợi nhiều ý tưởng cho Chủ đầu tư, Nhà thiết kế, và Chính quyền TP trong các dự án lớn và dài hơi hơn sau này.

Thứ hai, cộng đồng sẽ không còn là “kẻ ngoài cuộc” trong các dự án quy hoạch. Thay vào đó, sự tham gia của cộng đồng trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển và tái thiết đô thị – Vì mục đích chính của các thử nghiệm tái thiết là phục vụ cộng đồng, những người trực tiếp sử dụng không gian đô thị trong cuộc sống thường ngày, ý kiến đóng góp và sự tham gia của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thêm vào đó, vì các dự án tái thiết thường được triển khai trong khoảng thời gian ngắn, với chi phí thấp, sự tập trung sẽ dành cho các vấn đề cốt lõi, như: Điều gì làm cho không gian đường phố được tái sinh? “Người sử dụng” không gian đường phố là ai? họ làm gì và cần những gì? Thế nào là “an toàn”? Điều gì là điều thực sự cần cải thiện?.. Sẽ không còn chỗ cho việc thảo luận những nguyên lý thiết kế trừu tượng, xa vời, hay những cuộc họp dài hơi giữa Chủ đầu tư, Nhà thiết kế, và Chính quyền địa phương.

Lời kết

Chúng ta thống nhất ở một điểm rằng: “Sự sáng tạo” là yếu tố tiên quyết trong bối cảnh kinh tế mới, chính sách phát triển TPST cần coi trọng vấn đề “hòa nhập xã hội” và thúc đẩy sự phát triển theo hướng lấy cộng đồng làm trung tâm. Việc thực hiện nhiều thử nghiệm tái thiết các không gian nhỏ trong đô thị, với sự góp ý và tham gia trực tiếp từ cộng đồng sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Hơn nữa, cách tiếp cận mới tạo cơ hội làm sống lại các không gian bị lãng quên trong TP như: Khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cũ không còn được sử dụng, bị bỏ hoang, các công trình xây dựng, tuyến phố, tuyến đường còn dở dang, chưa được hoàn thiện vì thiếu kinh phí, hay những bãi đỗ xe còn nhiều chỗ trống, ít được lấp đầy… Sự tồn tại của những không gian như thế nên được nhìn nhận là cơ hội để TP được tái sinh. Vấn đề là cách tiếp cận của chúng ta thế nào?

TS. Tạ Anh Dũng
Cố vấn Quy hoạch – Luật Xây dựng
Hội đồng TP Auckland, New Zealand
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)

The post Thành phố sáng tạo và xu hướng tái thiết các không gian nhỏ, bị bỏ quên trong đô thị appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/WaXcCgF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét