Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 (“Lễ hội”) với chủ đề Thiết kế & Công nghệ đã tạo ra một sân chơi lớn cho các nhà sáng tạo trẻ giới thiệu các ý tưởng thiết kế liên ngành về Kiến trúc, Nghệ thuật công cộng, ứng dụng công nghệ… Đặc biệt, các không gian kiến trúc – Pavillion được thiết kế và giới thiệu tại Lễ hội là sản phẩm của sự hợp tác liên ngành giữa các KTS, Nghệ sĩ và các nhà sản xuất, những thương hiệu uy tín, góp phần khẳng định vai trò là nền tảng thúc đẩy, tạo cảm hứng cho không gian sáng tạo, hoạt động sáng tạo của nhiều lĩnh vực. Từ đó, khai thác, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thông qua nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có các ý tưởng thiết kế liên ngành về kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ.
Ba không gian Cổng Sáng tạo, Hội nhập và Truyền thống là minh chứng cho nỗ lực đẩy mạnh các công trình kiến trúc trong khuôn khổ chương trình của Ban tổ chức Lễ hội năm nay. Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh – Cố vấn đặc biệt của chương trình Lễ hội, các KTS thiết kế ba không gian này đã làm tốt khi đưa công trình lớn, kích thước lớn ra một không gian lớn. Nếu Cổng Sáng tạo của KTS Lê Quang Thạch là sự bùng nổ ấn tượng, là điểm nhấn và biểu tượng của toàn bộ Lễ hội đặt tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; Không gian Truyền thống của KTS Nhâm Chí Kiên dẫn dắt người xem đào sâu tìm hiểu, khám phá nghệ thuật sâu lắng và trầm ấm trong lòng Nhà bát giác thì không gian Hội nhập của KTS Nguyễn Hồng Quang là công trình “cộng sinh” với hồ Gươm, nhìn hồ Gươm từ một góc khác. Có thể nói, ba không gian “pavilion” tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã hình thành tuyến trải nghiệm kiến trúc và nghệ thuật độc đáo cho công chúng, hướng tới thông điệp về Truyền thống – Hội nhập và Kết nối.
Mặt khác, khi nghe tới các không gian pavilion, có thể mọi người sẽ thường nghĩ tới những tác phẩm mang màu sắc và thiết kế hiện đại, ấn tượng. Tuy vậy, 03 pavilion của các KTS đã mang đến ấn tượng hoàn toàn khác khi vận dụng hiệu quả các chất liệu dân gian để “sáng tạo trên nền truyền thống”. Cổng Sáng tạo với phần đế được bọc phên mây, các cột thép dùng sơn son, phía trên là những dài lụa. Không gian Truyền thống được dựng bằng lượng tre khổng lồ, Không gian Hội nhập tái sử dụng hệ gỗ đường tàu và các vật liệu nhựa, lợp mái bằng lưới và mây tre đan.
Cùng với đó, công nghệ đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các công trình kiến trúc tại Lễ hội. Công nghệ chiếu sáng được vận dụng trong Không gian Truyền thống của KTS Nhâm Chí Kiên hay không gian khi ánh sáng phải bố trí rất khéo léo để tạo ra sự xuyên sáng qua khung tre nứa. Ngoài ra, trước thách thức chỉ có rất ít thời gian thực hiện do không thể cản trở giao thông, hoạt động tại không gian, các công trình cần giải pháp kĩ thuật sáng tạo và chặt chẽ. Các KTS và đội ngũ thực hiện đã đề ra phương án tối ưu nhất để có thể chế tác hầu hết vật liệu tại xưởng, chỉ cần đem tới địa điểm và ghép lại.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã truyền đi những thông điệp sâu sắc về phát triển bền vững, về sự cần thiết của các không gian kiến trúc công cộng, về vận dụng chất liệu dân gian, sản phẩm truyền thống trong sáng tạo hiện đại, về áp dụng công nghệ trong lĩnh vực thiết kế, văn hóa sáng tạo. Sự kết hợp giữa Kiến trúc – Thiết kế và Công nghệ đã đem đến những không gian độc đáo và sáng tạo, góp phần làm nên thành công của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022. Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 03 không gian công trình kiến trúc tại Lễ hội.
Cổng sáng tạo
Cổng Sáng tạo được xây dựng dựa trên concept một chiếc cổng kết nối về vật lý và cả phi vật lý. Không dừng lại ở mục đích kết nối người dân tại bờ hồ đến với không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm, tác giả còn muốn kết nối nhiều hơn nữa: Kết nối không gian, thời gian, kết nối “trời tròn” chuyển động với “đất vuông” yên tĩnh; kết nối trời tròn đến vũ trụ bao la… Ngoài những ý niệm nghệ thuật, Cổng Sáng tạo còn mang công năng kiến trúc cụ thể khi tạo thành một điểm khiến người dân dừng lại quan sát, chụp ảnh, ngồi trò chuyện, tạo nên một không gian vừa đẹp vừa hữu ích đúng nghĩa cho Hà Nội. Theo tác giả, công trình được thiết kế với khối tích lớn nằm tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, là giao điểm của ngõ vào 36 phố phường tại Hà Nội, bài toán đặt ra là cần có giải pháp thiết kế “xuyên thấu” để không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn từ các hướng. Vì vậy, phần mái được tạo hình bằng việc căng liên tục những sợi dây thừng và vải lụa, là những vật liệu truyền thống và có thể nhìn xuyên qua đan cài cùng hệ thống 80 cột thép nhỏ đảm bảo khoảng cách phù hợp cho các điểm nhìn. Đồng thời, phần chân đế được thiết kế như những hàng ruộng bậc thang sẽ mang lại hiệu quả cho việc kết nối tại những bậc thềm ngồi của người dân và du khách đến quảng trường, mang lại những trải nghiệm ngắm nhìn vẻ đẹp của Hồ Gươm ở một góc nhìn vừa lạ vừa quen.
Không gian truyền thống
Bên cạnh các không gian trưng bày – triển lãm – trải nghiệm khác trong khuôn khổ Lễ hội, pavilion Không gian Truyền thống được thiết kế nhằm thể hiện sự tiếp nối quá khứ – hiện tại – tương lai, góp phần cho Hà Nội trở thành một không gian đáng sống. Ý tưởng thiết kế và trưng bày pavilion Không gian Truyền Thống được lấy cảm hứng từ những con đường làng, cánh đồng lúa, cây tre, cây trúc, những chất cảm thân thuộc với người dân từ xa xưa. Không gian Truyền thống mang tới một khối kiến trúc hoàn chỉnh và đăng đối, với các khu vực dành cho trưng bày, triển lãm. Pavilion được định hình bằng một hình vuông đồng tâm với lầu Bát giác, đảm bảo tính cân bằng của bối cảnh, kích thước 25x25x4.5m. Trên mái của khối pavilion tạo thành hình ảnh QR code, thể hiện sự kết nối với tính năng của công nghệ – một chủ đề quan trọng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022.
Không chỉ làm mới lầu Bát Giác về hình thức, phương án thiết kế Không gian Truyền thống còn tổ chức thành các không gian sáng tạo cho các nghệ sĩ trẻ thông qua hoạt động trưng bày tác phẩm nghệ thuật, biểu diễn thời trang, hướng tới một “bảo tàng” đương đại trên nền kiến trúc truyền thống, với lộ trình dài hơn bình thường để dẫn dắt khách tham quan dễ dàng tìm tòi, khám phá. Được xây dựng hoàn toàn bằng tre nứa, tác giả đã thiết kế một không gian đặc biệt để khách tham quan cảm nhận như đang ở một cánh đồng làng với cấu trúc đăng đối về mặt thị giác, bố trí tác phẩm tại các khoảng lõm tạo điểm nhấn cho khách tham quan.
Không gian hội nhập
Được xác định là không gian cốt lõi giúp định hình tuyến kiến trúc của Lễ Hội Thiết kế Sáng Tạo Hà Nội 2022, Không gian hội nhập đã trở thành nơi người dân cùng du khách chiêm ngưỡng những không gian sáng tạo cùng những tác phẩm đạt giải các cuộc thi thiết kế dành cho nhà sáng tạo trẻ trong khuôn khổ Lễ hội. Không gian Hội nhập cho công chúng cơ hội nhìn Tháp Rùa từ một góc khác. Ý tưởng thiết kế Không gian Hội nhập đã đến từ góc nhìn rất độc đáo của KTS Nguyễn Hồng Quang – Thay vì nhìn từ hướng thông thường, anh lựa chọn góc nhìn của các sinh vật dưới hồ nhìn xuyên qua mặt nước để gửi lời nhắn từ hệ sinh thái về hành trình phát triển bền vững. Hệ gỗ hai bên tương ứng với các trụ cầu của cầu Thê Húc, phần mái được tạo ra bằng lưới và mây tre đan tạo hiệu ứng như mặt hồ, “tháp Rùa” được tái hiện lại qua một chiếc gương đặt đúng vị trí để người xem ngước nhìn lên là thấy tháp Rùa soi bóng trong gương.
An Du – Nguyệt Cầm
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)
The post Dấu ấn kiến trúc tại lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/WfPlBe0
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét