Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022: Sáng tạo & Cống hiến

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 đã khép lại song dư âm vẫn in đậm trong lòng công chúng và những nghệ sỹ tham dự. Ngoài con số ấn tượng về hơn 50 hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, tương tác đã diễn ra, là sự đóng góp của hơn 400 nghệ sỹ đã thể hiện một nỗ lực, một tinh thần cống hiến vì Hà Nội trở thành “Điểm hẹn văn hoá và sáng tạo” hôm nay và tương lai.

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 là sự kế thừa của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2021 do Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội thực hiện, dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam. Đây là năm thứ 2, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam dấn bước vào kiến tạo sân chơi, nơi kiến trúc phối kết hợp với các lĩnh vực nghệ thuật khác như: Mỹ thuật, thời trang, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ… Có thể nói, sự thành công của năm 2021 tại 22 Hàng Buồm đã mang lại những xúc cảm mạnh mẽ. Vì vậy, kỳ vọng về Lễ hội 2022 càng thêm lớn, mong muốn thực hiện được một sự kiện điểm nhấn trong năm, thu hút đông đảo các nhà thiết kế, doanh nghiệp và công chúng; khẳng định cam kết của Hà Nội với UNESCO là Thành phố Sáng tạo… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn cả trong thời kỳ Covid, thì áp lực và thách thức đối với Ban tổ chức càng nặng nề. Song, sự tin tưởng, khích lệ từ các đơn vị chỉ đạo, sự ủng hộ của các tổ chức trong nước và quốc tế: UNESCO, UNHABITAT, UBND Quận Hoàn Kiếm, Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội, sự đồng hành từ các doanh nghiệp, các trường ĐH: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội… Và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của Sở Văn hoá thể thao Hà Nội là nguồn sức mạnh để những thành viên của BTC trở thành “chiến binh” dũng cảm tiến bước.

Theo nhận xét của công chúng, đã lâu lắm rồi, người dân Hà Nội mới được “mãn nhãn” với một chương trình đầy ắp những không gian sáng tạo và hoạt động nghệ thuật phong phú đến vậy. Trong thời gian 3 ngày, tuyến lễ hội đã đón hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Không những thế, một không khí lễ hội đã bao trùm TP với nhiều điểm tổ chức từ trung tâm tới các khu vực ngoại thành như: Bảo tàng Hà Nội, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, Khu đô thị Bắc An Khánh…cùng nhiều trung tâm nghệ thuật khác. Cảm nhận đó cũng chính là mục tiêu của Ban tổ chức đặt ra ngay khi xây dựng Chương trình Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022 – Mong muốn tạo nên một không khí Lễ hội thực sự, đưa sáng tạo nghệ thuật tới công chúng, thúc đẩy những cảm hứng sáng tạo tới nhiều đối tượng, từ người già, trung niên đến các bạn nhỏ, từ các nghệ sỹ chuyên nghiệp đến không chuyên và người xem…

Tôi vẫn nhớ, trong cuộc họp về TP sáng tạo năm 2020 tại Toà nhà Liên hiệp quốc, một trong những vấn đề trao đổi là: Nguồn lực sáng tạo của Hà Nội rất lớn, nhưng đang tiềm ẩn dưới dạng “underground”, chúng ta phải tìm cách khơi được nguồn mạch sáng tạo tiềm ẩn đó ra ánh sáng. Năm 2021, Ban tổ chức đã trò truyện và mời nhiều nhóm nghệ sỹ trẻ thực hiện những dự án nghệ thuật đã được bảo trợ bởi các Đại sứ quán, các Quỹ trong nước và quốc tế như: Đàn Đó, Lên Ngàn… Năm nay, mạng lưới đó rộng lớn hơn và mở ra cơ hội cho nhiều bạn trẻ hơn. Đó là Kim Long, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi với kĩ thuật nhiếp ảnh tạo cảm hứng; Tò he với các trò chơi tương tác thú vị; trải nghiệm thực tế ảo Di sản trong cuộc sống đương đại của Holomia; Game tương tác của Hanoi Conect… Đó là hơn 20 nghệ sỹ trẻ trong dự án Tiên Rồng; 3 chàng lính ngự lâm KTS đã hô “biến” không gian Hồ Gươm thành một trải nghiệm về kiến trúc đương đại độc đáo và nhiều nghệ sỹ trẻ nữa đã đóng góp cho chương trình. Không những thế, các tiết mục ca nhạc, nghệ thuật, thời trang được dàn dựng công phu, trên một sân khấu được thiết kế hoành tráng, ấn tượng lại đã hướng tới những đối tượng không chuyên: Dàn đồng ca Gió Xanh, nhóm nghệ sỹ Vạn Thiên Y, ban nhạc Thuỷ Triều Đỏ, Ngũ Cung, CLB ca trù… đã khiến cho công chúng có cảm nhận như mình đang hoà mình vào không khí Lễ hội sôi động. Ông Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã thốt lên sau khi tham quan tuyến Lễ hội: “Thật tuyệt vời. Các bạn đã tạo nên được một thông điệp: Mọi người dân hãy cùng chung tay xây dựng Hà Nội thành TP sáng tạo”. Lời khen đó cũng là một bất ngờ với một Ban tổ chức “không chuyên”, chính tinh thần cống hiến hết mình của từng cá nhân đóng góp vào chương trình, và sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng đã hoà nên một thông điệp rõ ràng như thế.

Trung tâm nghệ thuật 22 Hàng Buồm

Rõ ràng, chúng ta đang thay đổi – Sự thay đổi từ chính những nhà lãnh đạo cấp cao, tới đơn vị tổ chức, cơ quan quản lý, các nghệ sỹ tham dự và công chúng… Chúng ta đang tự mình đặt ra trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, từ đó, mỗi người một cách làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Và trong cùng một sứ mệnh như vậy, tôn trọng sự khác biệt, tiếp nhận những yếu tố mới… chính là “vũ khí bí mật” để tổ chức một Lễ hội thành công và cả những trình diễn độc đáo, con số “khủng” về chương trình, đa phong cách loại hình…
Xin trích lại ý kiến của Ông Bùi Hoài Sơn – Đại biểu quốc hội, uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội:“Lễ hội đã cho thấy nguồn lực sáng tạo của Thủ đô là rất dồi dào, chúng ta cần sử dụng nguồn

lực đó để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô”. Lời động viên và định hướng đó có lẽ cũng chính là cảm nhận sau khi Lễ hội kết thúc: Sẽ duy trì nguồn lực sáng tạo như thế nào để phát triển thành động lực kinh tế? Những tài năng sáng tạo cần phải được nuôi dưỡng như thế nào để trở thành những tinh hoa mang lại sự phát triển của Thủ đô, xứng tầm là TP sáng tạo trên thế giới?
Lễ tri ân Nghệ sỹ đã diễn ra trong không gian ấm cúng tại 22 Hàng Buồm. Chúng ta đã cùng nhau tạo nên một Lễ hội thật đáng nhớ, ấn tượng tới tận cùng khi mọi người đã vỗ tay bài hát “Dư âm” với những suy tư lắng đọng cùng hướng về chương trình.

Xin gửi lời cảm ơn tri ân sâu sắc tới đông đảo các nghệ sỹ đã đồng hành với Ban tổ chức trong suốt thời gian chuẩn bị một chương trình vì cộng đồng công phu, chất lượng đến vậy. Sau thời gian chính thức của Lễ hội, vẫn tiếp tục có thêm những hoạt động đăng kí tổ chức; Cuộc thi Nghệ thuật công cộng Hà Nội bắt đầu với chặng thứ 2 thí điểm thành mô hình thực tiễn… Có thể nói, Lễ hội đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, khơi những dòng chảy sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng trở thành hiện thực. Xin hẹn gặp lại vào mùa Lễ hội 2023!

ThS. Bùi Thị Thanh Hương
Phó Tổng Biên tập TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)

The post Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022: Sáng tạo & Cống hiến appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/PIvUb9p
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét