Rồng – Tiên là những hình tượng nghệ thuật đã được đề cập đến trong vô số tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng như các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa ở Việt Nam nhiều năm qua. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nào tiếp cận hình tượng Tiên nữ một cách đa diện như cuốn sách “Tinh hoa mỹ thuật truyền thống – Hình tượng Tiên nữ” (NXB Giáo dục – Hà Nội 2022). Đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi “phát lộ” ngôn ngữ ký hiệu qua biểu tượng Tiên nữ của người Việt.
Thông qua hình tượng Tiên nữ từ góc nhìn liên văn hóa, với việc khảo tả hệ thống tư liệu một cách chi tiết, các tác giả đã cho chúng ta thấy những nét đặc trưng vô cùng quý giá trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam: Đó là một “ký hiệu giải Hán hóa” mà cha ông ta đã tạo nên. Từ góc nhìn ký hiệu học, có thể thấy biểu tượng này giúp hình thành nên một thế “đối trọng văn hóa” với nền văn minh Trung Hoa vốn ảnh hưởng lâu đời và sâu đậm đến văn hóa Việt Nam. Chính thế đối trọng này là thứ “vũ khí văn hóa” giúp cho người Việt giữ vững được tính độc lập qua suốt hàng nghìn năm lịch sử mà không bị đồng hóa.
Bên cạnh việc tập hợp một khối lượng lớn tư liệu, được trình bày một cách hệ thống, nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May đã sử dụng những lý thuyết và phương pháp mới nhất hiện nay để lý giải về sự ra đời và tồn tại của hình tượng Tiên nữ trong văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở các lý thuyết mới như sáng tạo truyền thống (invented traditions) của Eric Hobsbawm hay dân tộc biểu tượng luận (ethnosymbolism) của Anthony D. Smith,… nhóm tác giả đã dựng nên diện mạo của một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc nhất của người Việt.
Đặc biệt, nét đặc trưng của đồ án Tiên nữ cưỡi rồng còn tạo nên sự khác biệt to lớn giữa biểu tượng rồng Trung Hoa và biểu tượng rồng Việt Nam. Hơn thế, nó còn cho chúng ta thấy tinh thần “dân chủ làng xã” của người Việt chính là yếu tố đã khiến cho sức mạnh của vương quyền và thần quyền theo mô hình Trung Hoa sụp đổ. Ở đây, chúng ta dễ dàng nhận ra con rồng (biểu tượng của vương quyền và thần quyền Trung Hoa) trở nên hết sức tầm thường dưới “gót sen” của các nàng tiên Việt và chỉ là một “vật cưỡi” không hơn không kém!
Thông qua phân tích, lý giải bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, các tác giả đã chỉ ra những đặc trưng bản địa của người Việt được thể hiện qua các hình tượng Tiên nữ mang đầy tính lãng mạn và trào lộng. Nó khác xa với những hình tượng sư tử đầy uy quyền hay hình tượng rồng, phượng nghiêm cẩn trong nghệ thuật cung đình Trung Hoa. Nó cũng thoát ly khỏi những đặc trưng tôn giáo trong các đồ án trang trí mang âm hưởng văn hóa Ấn Độ và Champa từng ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Đại Việt qua nhiều thế kỷ.
Với nguồn dữ liệu vô cùng phong phú, được minh họa bằng những hình ảnh chi tiết và được chú thích một cách hết sức khoa học, Hình tượng Tiên nữ không chỉ là một công trình khảo cứu về nghệ thuật mà còn là một cuốn sách cẩm nang cho các nhà nghiên cứu có chung niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của người Việt. Qua đây, bạn đọc có thể tự mình khám phá thêm chiều sâu của các giá trị thẩm mỹ cùng chiều kích lịch sử và các giá trị biểu tượng.
Đúng như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã nhận xét: “Các tác giả đã chạm vào phần căn bản của cội nguồn dân tộc, thông qua mỹ thuật, ngoài ra còn mở rộng vấn đề nữ thần mà nhiều dân tộc khác cũng sùng bái”. PGS.TS. Trần Thị An đánh giá cao cuốn chuyên khảo đã “Đi sâu giới thiệu các đồ án tiên nữ trong chùa, tháp, đền, miếu; sự tương đồng giữa hình tượng tiên nữ ở đình, chùa, đền, miếu ở đề tài, hình thức thể hiện, phong cách tạo hình và trang phục mà qua đó, nhóm tác giả gợi ra những suy nghĩ về cơ tầng văn hoá truyền thống và sâu xa hơn là mẫu gốc mà “vô thức cộng đồng” tạo ra trong lịch sử”.
Dễ dàng nhận thấy, hình tượng Tiên nữ của người Việt là một trong những biểu tượng đặc sắc nhất trong kho tàng nghệ thuật tạo hình truyền thống ở Việt Nam với 03 đặc tính căn bản: tính trào lộng, tính ước lệ và tính biểu tượng. Chính những đặc tính này đã góp phần hình thành nên các giá trị nghệ thuật đặc sắc của nghệ thuật dân gian Việt Nam thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Sức sống trường tồn của loại ngôn ngữ này cũng chính là sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam xuyên suốt nhiều triều đại, bất chấp sự áp chế của nền văn minh Trung Hoa mà nghệ thuật đình làng Việt với hình tượng Tiên nữ là một minh chứng rõ nét nhất.
PGS.TS Đinh Hồng Hải
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Ký hiệu học châu Á – UVBCH Hiệp hội Ký hiệu học Quốc tế
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)
The post Ngôn ngữ ký hiệu qua biểu tượng Tiên nữ của người Việt appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ToJBOxX
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét