Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Tính nhân văn trong kiến trúc bắt đầu từ quá trình đào tạo kiến trúc sư

Kiến trúc do con người tạo ra và vì con người mà phục vụ, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành nội dung tinh thần của kiến trúc. Với vai trò chủ thể sáng tạo, các KTS có quan điểm nhân văn sẽ là nhân tố quan trọng khởi đầu mạch nhân văn của toàn bộ quá trình thiết kế và tạo dựng một kiến trúc có tính nhân văn. Từ đó đặt ra vấn đề nhân văn hóa quá trình đào tạo để các KTS sớm lĩnh hội được quan điểm thiết kế nhân văn ngay từ trong nhà trường. Đó là nội dung cơ bản mà bài báo đã giới thiệu và đi sâu phân tích, dẫn chứng bằng một số đồ án đạt giải thưởng cao mà tác giả đã hướng dẫn.

Mạch nhân văn trong kiến trúc

“Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội” (Luật Kiến trúc 2019).

Với sứ mệnh tạo dựng không gian phục vụ các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, kiến trúc là thành tố quan trọng của hệ thống văn hóa, là môi trường kết nối các hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn xung quanh con người. Các KTS phải vượt lên trên cái “Tôi” của mình, hướng đến cuộc sống của những con người sẽ ở và sinh hoạt trong không gian đó – Cũng vì thế mà kiến trúc dân gian, dù không có KTS, nhưng luôn thấm đẫm chất nhân văn. Có thể gọi kiến trúc là nghệ thuật tổ chức, xen cấy một cấu trúc mới vào hệ thống đã có – VD: Môi trường tự nhiên / văn hóa xã hội (VH-XH) / bối cảnh đô thị / công trình xây dựng,.. Kiến trúc hòa hợp với con người (về thể chất và tinh thần) sẽ tạo được những cảm xúc và trải nghiệm sâu sắc, giúp họ nhận thức giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Khi trở thành những “nơi chốn” để gắn bó, thì kiến trúc là sự hiện thực hóa ý hướng nội tâm, vật chất hóa trạng thái tâm lý và thẩm mỹ hóa phương thức sinh hoạt của con người.

Giá trị nhân văn và mạch nhân văn trong kiến trúc

Giá trị nhân văn của kiến trúc được kiểm chứng trong quá trình vận hành khai thác bởi con người. Nó gắn liền với sự hiện diện của con người, biểu hiện thay đổi theo sự biến động của yếu tố con người, tuy nhiên phải được cài đặt bởi định hướng nhân văn ngay từ giai đoạn nghiên cứu, được thể hiện trong ý đồ và giải pháp thiết kế. Trên cơ sở đó, các hoạt động nhân văn đa dạng có cơ hội tự thân diễn ra trong quá trình con người sử dụng công trình, mà không đòi hỏi phải có sự can thiệp của KTS.

Tính nhân văn trong kiến trúc phụ thuộc vào nhiều đối tượng, nhiều yếu tố nhưng với tư cách là chủ thể sáng tạo, các KTS có vai trò rất quan trọng. Là người khởi xướng ý tưởng kiến trúc và điều phối các đối tượng con người khác trong quá trình thực hiện nó, KTS có cơ hội và khả năng kết nối mạch nhân văn, tạo thành chuỗi giá trị nhân văn liền mạch từ Tác giả – Tác phẩm – Người thụ hưởng, mở rộng tới cộng đồng và XH, với không chỉ một thế hệ mà trong cả vòng đời công trình.

  • Mạch nhân văn trong kiến tạo kiến trúc gồm các giai đoạn: Khởi điểm nhân văn – Định hướng nhân văn (tiếp cận & mục tiêu) – Giải pháp nhân văn – “Đích” nhân văn. Yếu tố nhân văn trong mỗi giai đoạn được liên kết thành tính chất xuyên suốt và cộng hưởng với nhau để hình thành giá trị nhân văn trong kiến trúc. Mạch nhân văn thông suốt và thấu đáo thì tính nhân văn được biểu hiện rõ nét và mạnh mẽ.
  • Khởi điểm nhân văn (Humanistic Inception): KTS có thế giới quan, có quan điểm thiết kế và cách tiếp cận nhân văn trong kiến trúc. Với vai trò kiến tạo, KTS là người gieo “hạt giống” nhân văn ban đầu và định hình công trình có khả năng tích hợp thêm các yếu tố và giá trị nhân văn phái sinh trong tương lai;
  • Định hướng nhân văn (Humanistic Orientation): Bắt đầu từ tiếp cận nhân văn và hướng tới mục tiêu nhân văn. Tiếp cận nhân văn đi từ những khía cạnh cụ thể của con người trực tiếp liên quan / sinh sống xung quanh địa điểm xây dựng để xử lý vấn đề kiến trúc. Mục tiêu nhân văn hướng tới giải quyết những vấn đề thiết thực của đời sống, đáp ứng những đòi hỏi thiết yếu, những nhu cầu thiết thân, của những con người hiện thực và cụ thể;
  • Nội dung / Giải pháp nhân văn (Humanistic Content / Solutions): Là sự cụ thể hóa theo định hướng nhân văn các giải pháp thiết kế, và hiện thực hóa thành các yếu tố, các biểu hiện trong công trình. Các giải pháp kiến trúc, xây dựng và vận hành đồng bộ với nhau để phục vụ những con người sẽ trực tiếp sử dụng và gắn bó lâu dài với kiến trúc như một “nơi chốn” nhân văn;
  • “Đích” nhân văn (Humanistic Destination): Mục đích cuối cùng là phát huy hiệu quả nhân văn của kiến trúc một cách lâu dài, duy trì được giá trị nhân văn trong suốt vòng đời của công trình, đồng thời chuyển tải tinh thần đó đến với những con người xa hơn nữa về thời gian (các thế hệ tương lai) và rộng hơn nữa trong quan hệ với kiến trúc (cộng đồng quanh địa điểm xây dựng);

Ưu tiên nối liền mạch nhân văn từ KTS – Người sử dụng / thụ hưởng – Cộng đồng và XH, nhằm đa dạng hóa thành phần và tối đa hóa sự hiện diện của yếu tố “con người” trong kiến trúc. Khi thiết kế, KTS – Tác giả không thể thấy trước tương lai, cũng không thể trực tiếp giải quyết những vấn đề sẽ nảy sinh sau khi công trình đi vào hoạt động, nhưng bằng giải pháp thích hợp có thể tạo điều kiện đáp ứng được những nhu cầu phái sinh trong quá trình vận hành khai thác bởi những người sử dụng và cộng đồng (tính nhân văn bền vững).

Để đạt được điều đó, thì khởi điểm nhân văn cần được chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ, đối với giới KTS, nhân văn được định hình toàn diện ngay từ quá trình đào tạo trong nhà trường, không chỉ về chuyên môn, mà còn hướng tới các giá trị / lý tưởng nhân văn, có tầm nhìn xa đến đích nhân văn, có quan điểm tiếp cận nhân văn và kiên định trong quá trình thực hiện. Như vậy, mạch nhân văn trong kiến trúc cũng sẽ được khởi động sớm và phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Tiếp cận nhân văn trong đào tạo KTS tại việt nam

Tính nhân văn hóa được đặt ra ngay quá trình đào tạo KTS, để các KTS sớm lĩnh hội được quan điểm thiết kế này ngay từ trong nhà trường. Các chương trình đào tạo KTS hiện nay, hoặc theo định hướng nghệ thuật, với vai trò của KTS như một cá tính sáng tạo; hoặc theo định hướng kỹ thuật, với vai trò của KTS như một mắt xích trong bộ máy thiết kế. Còn đào tạo theo định hướng nhân văn thì xác định mục đích là phát triển nhân cách KTS một cách toàn diện và hài hòa, hướng đến sự thấu hiểu con người để thiết kế phục vụ con người thiết thực và hiệu quả hơn. Để các giá trị nhân văn trong kiến trúc được tạo dựng và phát huy phong phú hơn, sâu sắc hơn. Điều này không yêu cầu phải xây dựng lại toàn bộ chương trình mà có thể bổ sung những vấn đề xã hội – nhân văn để điều chỉnh cơ cấu nội dung.

  • Lấy hệ vấn đề “con người” làm trung tâm, đổi mới phương pháp thực hiện để phối hợp kiến thức và nâng cao hiệu quả nhận thức ở người học. Kiến thức kỹ thuật thường cụ thể, có logic chặt chẽ và định hướng thực hành rõ ràng; kiến thức xã hội – nhân văn có vai trò định hình tư duy, nhưng rất rộng lớn, trừu tượng và không liên quan trực tiếp, do đó phải được đặt trong sự liên hệ với các sự vật, hiện tượng cụ thể của thực tiễn để nhận thức một cách đúng đắn thông qua phân tích và tổng hợp.
  • Gắn liền hệ thống lý thuyết kiến trúc và đồ án chuyên ngành với các nội dung nhân văn. Lý thuyết và lịch sử kiến trúc được xem xét trong bối cảnh VH-XH, xu thế phát triển, sự thay đổi nhu cầu và nhận thức ở mỗi giai đoạn tương ứng. Đồ án kiến trúc có nội dung gắn với những đối tượng con người cụ thể, nhằm giải quyết một nhiệm vụ, một vấn đề hiện thực bằng cách tiếp cận nhân văn. Lấy đồ án có nội dung và mục tiêu “Vì con người” để liên kết các kiến thức – kỹ năng chuyên môn, song song với phát triển cách tiếp cận và tư duy nhân văn theo chu trình: Thực tiễn – Thông tin – Nhận thức – Ý thức – Tư duy – Hành động – Cải thiện hiện thực – Thực tiễn mới.
  • Trong quá trình đào tạo, năng lực cá nhân của mỗi KTS tương lai, với vai trò là chủ thể sáng tạo, khởi điểm của mạch nhân văn trong kiến trúc, được phát triển một cách toàn diện, hoàn thiện cả 3 thành phần bản năng, trí năng và kỹ năng:
    • Bản năng: Bản năng tự nhiên (phát huy bản tính nhân ái – giàu cảm xúc và tiềm thức) và bản năng XH (phát triển nhân cách, đưa tinh thần nhân văn và trách nhiệm XH trở thành thái độ sống tích cực, ý thức thường trực);
    • Trí năng: Kiến thức chuyên môn / chuyên ngành kết hợp khả năng nhận thức các vấn đề XH / con người (phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề), và năng lực tư duy logic, định hướng sáng tạo;
    • Kỹ năng: Kỹ năng chuyên môn trong nghiên cứu / thực hành / thiết kế kết hợp kỹ năng sống và làm việc – giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, phối hợp liên ngành, ứng xử XH, thích ứng linh hoạt…

Với các KTS, trí năng có thể được bồi dưỡng thông qua tự học và nghiên cứu; kỹ năng được rèn luyện thông qua thực hành nghề nghiệp. Với sinh viên, quá trình đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức – kỹ năng cơ bản, mà có thể tác động tích cực vào các khía cạnh của yếu tố bản năng để phát triển và nâng cao năng lực sáng tạo cá nhân, qua đó hỗ trợ hiệu quả cho việc hình thành và lĩnh hội cách tiếp cận nhân văn trong kiến trúc.

Thử nghiệm cách tiếp cận nhân văn trong đồ án của sinh viên

Thay vì thực hiện các đồ án theo loại hình, với địa điểm giả định và nhiệm vụ mặc định, cách tiếp cận nhân văn sẽ hướng các đồ án của sinh viên vào giải quyết những vấn đề VH-XH đa dạng và sinh động, đáp ứng nhu cầu con người ở các cấp độ khác nhau (cá nhân / gia đình / cộng đồng / XH). Đối tượng thiết kế vẫn là những thể loại công trình thông dụng, phù hợp với mục đích sư phạm, nhưng hướng tới “con người” một cách thiết thực với cách thức tổ chức vận hành theo quan điểm nhân văn. Sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng tiếp cận bối cảnh, không chỉ là đo vẽ và tập hợp các thông số định lượng mà phải khảo sát, làm rõ các dữ liệu định tính về lịch sử, VH-XH, con người,.. lấy đó làm cơ sở dữ liệu ban đầu để nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế. Khảo sát và tiếp cận bối cảnh cần được đặt ra như là một yêu cầu thiết yếu trong giai đoạn đầu của tất cả các đồ án kiến trúc.

Những đồ án kiến trúc nhỏ thấm đượm tinh thần nhân văn – nhân ái, có thể sử dụng linh hoạt cho nhiều đối tượng, tạo ra môi trường giao tiếp hiệu quả rút ngắn khoảng cách giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên. Những đồ án kiến trúc công cộng lớn hơn, phức tạp hơn – cần tìm cách đóng góp nhiều hơn cho cảnh quan, môi trường và sự tiến bộ chung của cộng đồng xung quanh. Những đồ án kiến trúc nhà ở không chỉ tạo dựng không gian sống tiện nghi cho mỗi con người, mỗi gia đình – mà quan tâm đến sinh kế của những đối tượng khó khăn, trong sự hài hòa với lợi ích chung của cả cộng đồng và toàn XH. Trong giai đoạn đào tạo cơ bản (năm 1-2), khai thác ý đồ tạo hình từ một số yếu tố khách quan của địa điểm, hiện thực hóa bằng kỹ năng sở trường của mỗi người để dần định hình năng lực cá nhân. Trong giai đoạn chuyển tiếp và đào tạo nâng cao (năm 3-4-5), tiến tới phát hiện các vấn đề VH-XH để xây dựng và phát triển ý tưởng kiến trúc, vận dụng năng lực cá nhân để đáp ứng, giải quyết các vấn đề của cộng đồng, tập cách phản ánh, biểu hiện cái chung bằng ngôn ngữ riêng.

Việc áp dụng phương pháp tiếp cận nhân văn trong đồ án của sinh viên tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã mang lại những hiệu quả tích cực. Do khuôn khổ có hạn, bài báo chỉ giới thiệu một vài đồ án tiêu biểu của sinh viên năm thứ 5 (được thực hiện dưới cùng với sự hướng dẫn của tác giả bài báo).

Kết luận

Kiến trúc do con người tạo ra và vì con người mà phục vụ, cho nên yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong sự hình thành nội dung tinh thần của kiến trúc. Được xem như nghệ thuật về tổ chức không gian, người thiết kế phải làm tốt vai trò dung hoà các nhu cầu vật chất và tinh thần của các đối tượng liên quan. Vì vậy, trước hết KTS phải đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và các chuẩn mực của XH, trên cơ sở đó mới có thể lồng ghép cái “Tôi” cá tính của mình vào. Bởi vậy, KTS cần thấu hiểu và đồng cảm với con người để có tầm nhìn xa đến đích nhân văn, có cách tiếp cận nhân văn và kiên định với nó trong quá trình thực hiện. Làm giàu tiềm thức, phát triển các năng lực con người (thấu cảm, nhạy cảm) trong quá trình đào tạo chính là để bồi dưỡng tố chất nhân văn cho các KTS tương lai.

Đồ án “CLB nghệ thuật Sông Hồng” Giải Nhì Loa Thành 2014 [2]

Câu lạc bộ Nghệ thuật sông Hồng – Đặng Lưu Thịnh

Tại địa điểm ở bãi giữa sông Hồng, tác giả đề xuất một công trình phục vụ các hoạt động sáng tạo, giao lưu và truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ và cộng đồng. Ý niệm về một không gian tự do gắn với lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô đã định hình và chi phối các giải pháp thiết kế cụ thể. Từ các yếu tố tự nhiên, lịch sử, VH-XH; từ cảm xúc về dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa với đôi bờ “bên lở bên bồi”, những con thuyền ngược xuôi sóng nước, những trẻ con nghịch cát bên sông – đã hình thành ý tưởng cào cát lên để tạo thành dòng chảy, thành triền đê,.. gợi nhớ về một Hà Nội vốn “ở trong sông” và đã từng tấp nập “trên bến dưới thuyền”.

Đích nhân văn là một chuỗi các không gian đa dạng để trải nghiệm, giao lưu, chia sẻ và gắn kết các hoạt động khác nhau trong một tổng thể sống động, đưa sáng tạo nghệ thuật thoát khỏi “tháp ngà” kinh viện đến gần hơn với cuộc sống, với đông đảo công chúng mọi lứa tuổi – trong một không khí gần gũi, giản dị, mang đặc trưng Hà Nội và man mác những kỷ niệm tuổi thơ.

Đồ án “Trung tâm văn hóa sách Hà Nội” – Giải Nhất ArchiPrix SEA 2016 [3]

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, việc lan tỏa văn hóa đọc chính là góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Một cách rất tự nhiên, tại một ô phố trung tâm Hà Nội (giữa các phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Đinh Lễ), những cửa hàng với đủ thể loại sách từ cũ đến mới, từ khoa học, nghệ thuật đến giải trí, phổ thông, cùng các dịch vụ về sách,.. đã quần tụ, len lỏi trong các ngõ ngách, thâm nhập lên các tầng cao của khu tập thể cũ. Đến với sách không đơn giản chỉ là đi tìm cuốn sách mình cần, mà đã trở thành một hành trình khám phá không gian và trải nghiệm văn hóa.

Tác giả đã tiếp cận người dân, người bán, người mua,.. để tìm hiểu những mối quan hệ đan xen qua lại rất phức tạp nhưng cũng đầy thú vị. Từ đó ra đời ý tưởng về một Trung tâm văn hóa sách để gìn giữ và tôn vinh văn hóa đọc, tăng cường kết nối các tác giả, độc giả, nhà xuất bản, nhà phân phối, người chơi sách,… trong một cộng đồng lớn, hài hòa về lợi ích, đồng thời tạo nên những cảm nhận nhiều ý nghĩa trên hành trình đến với sách. Những không gian được chia sẻ lại gắn kết con người với nhau, những chỗ đọc sách đan xen với thiên nhiên, những hành lang và cầu nối gợi lại hình ảnh thân thuộc của quá khứ,… Tất cả kết hợp trong một môi trường đậm chất nhân văn, để mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi sở thích,… đều có thể tìm thấy mình trong đó.

Đồ án “Bảo tàng Công viên địa chất Đồng Văn” – Giải Nhất Loa Thành 2018 [4]

Bảo tàng Công viên địa chất Đồng Văn – Nguyễn Mạnh Hùng

“Cao nguyên đá” Đồng Văn (hơn 400 triệu năm trước từng là một phần của đáy đại dương) đã trở thành Công viên địa chất toàn cầu, là nơi cư trú của các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Nùng,.. với những biểu hiện văn hóa đặc sắc. Bắt đầu từ tiếp cận bối cảnh để làm rõ mối liên hệ giữa con người và địa điểm, tác giả đã tìm cách để kiến trúc góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị cảnh quan tự nhiên, giá trị lịch sử – văn hóa bản địa.
Kiến trúc được xen cấy vào rừng cây, vách đá, với những con đường mờ sương khói, trong hương thơm, cái lạnh, độ ẩm,.. của sương gió vùng cao – để cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả giác quan; để nhớ những lúc quây quần bên bếp lửa hồng, uống rượu ngô với khoai lang nướng; và trân quý hơn sức lao động cần cù của những con người đã làm cho “đá nở hoa”.

Bằng những thủ pháp về cấu trúc, chất liệu, hiệu quả ánh sáng,.. kiến trúc như mọc lên từ đá, mạnh mẽ mà vẫn hài hòa. Ngôn ngữ tạo hình chủ đạo là hình Vuông – tượng hình cho Đất / Đá và sự kiên định của Con người, được sắp xếp trong một tổng thể đan xen với cây cối và cảnh quan, với các góc nhìn ra vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá, nhấn mạnh ý niệm về cuộc sống con người gắn với môi cảnh. Không gian đệm làm mờ ranh giới giữa kiến trúc và thiên nhiên, tạo ra một lộ trình tiếp cận có kịch tính.

Đồ án “Kết nối” (Giải Nhất cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội – 2021) [5]

Lấy cảm hứng từ địa danh Long Biên, với mục tiêu hồi sinh các giá trị lịch sử – văn hóa của quá khứ, đồ án đã khai thác các đặc trưng của địa điểm, vị thế của nhà ga và cây cầu lịch sử đã hơn 100 năm tuổi từ góc nhìn của con người đương đại.

Ý tưởng chủ đạo là một vòng tròn lớn với vai trò không gian kết nối ga Long Biên với các khu vực lân cận (chợ Long Biên, bến xe Long Biên, vườn hoa,…), bổ sung các chức năng công cộng khác như không gian sáng tạo, trải nghiệm nghệ thuật, giao lưu cộng đồng,.. (Hình 5). Từ đó, sự “kết nối” được lan tỏa rộng hơn về không gian (đối tượng sử dụng), xa hơn về thời gian (từ quá khứ đến hiện tại), để cộng hưởng và chuyển tải các giá trị nhân văn vào cuộc sống, để những người dân bình thường nhất cũng có thể tiếp cận, trải nghiệm và thưởng thức những yếu tố đặc sắc gắn với Thủ đô. Ngoài việc giành giải Nhất, đồ án còn đạt giải Bình chọn cho đồ án được yêu thích nhất tại Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội 2021 – Điều này cho thấy hiệu quả của cách tiếp cận nhân văn trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn.

ThS.KTS Nguyễn Trần Liêm
Khoa Kiến trúc – ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)


Tài liệu tham khảo:
1. Bộ môn Lý luận và Bảo tồn kiến trúc – ĐH Kiến trúc Hà Nội, Phương pháp luận sáng tác kiến trúc, Giáo trình, 2012;
2. Đặng Lưu Thịnh (2009K2), Đồ án tốt nghiệp KTS khóa 2009 – ĐH Kiến trúc Hà Nội: Câu lạc bộ nghệ thuật Sông Hồng – Giải Nhì Loa Thành 2014;
3. Nguyễn Xuân Bách (2010K2), Đồ án tốt nghiệp KTS khóa 2010 – ĐH Kiến trúc Hà Nội: Trung tâm văn hóa sách Hà Nội – Giải Nhất ArchiPrix SEA 2016;
4. Nguyễn Mạnh Hùng (2012KTT), Đồ án tốt nghiệp KTS khoá 2012 – ĐH Kiến trúc Hà Nội: Bảo tàng công viên địa chất Đồng Văn – Giải Nhất Loa Thành 2018;
5. Đặng Văn Quân – Hà Đức Trình (2017K2), Đồ án Kết nối – Giải Nhất và Giải Bình chọn Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội 2021.

The post Tính nhân văn trong kiến trúc bắt đầu từ quá trình đào tạo kiến trúc sư appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/AmXOwWx
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét