Là hoạt động thường niên thực hiện, cam kết với UNESCO khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo và là sự tiếp nối thành công của Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo năm 2021, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế & Công nghệ đã diễn ra rất thành công với sự mở rộng về quy mô và không gian, thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của người dân Hà Nội và khách du lịch trong nước, quốc tế. Sự kiện góp phần kết nối, mở rộng hợp tác, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về lĩnh vực thiết kế sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Hội KTS Việt Nam do Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft).
Phát biểu tại Lễ khai mạc Lễ hội tối 11/11/2022, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã mở ra một mốc mới so với năm 2021. Có thể nói trước kia Lễ hội được “đóng gói” trong khuôn viên của toà nhà số 22 Hàng Buồm thì năm nay đã là một bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, sự sáng tạo trong Lễ hội của năm 2022 đã được mở rộng và kết nối nhiều hơn, không chỉ ở một địa điểm ở khu phố cổ mà xung quanh Hồ Gươm, phố đi bộ mà cả những không gian công cộng xung quanh đó. Chúng tôi đã gắn kết với các không gian sáng tạo đã và đang hiện diện trên địa bàn của thủ đô Hà Nội, khuyến khích các nhà sáng tạo trẻ tích cực cùng tham gia xây dựng Hà Nội trở thành TP thiết kế sáng tạo. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự hợp tác với các nhà sáng tạo, tạo ra các sản phẩm sáng tạo thực sự.
Qua hoạt động của Lễ hội thiết kế sáng tạo năm nay, chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp tới các thành viên của Mạng lưới TP sáng tạo trên toàn cầu: Hãy tham gia cùng chúng tôi với các hành động và công việc cụ thể. Ngay chính tại thủ đô Hà Nội, chúng tôi tạo điều kiện để các TP, cũng như những người sáng tạo toàn cầu có thể tụ hội và đưa ra các ý tưởng thiết kế sáng tạo để cùng chúng tôi xây dựng Hà Nội phát triển TP sáng tạo một cách bền vững và bản sắc”
Lễ hội diễn ra từ ngày 11-20/11/2022 với gần 50 hoạt động, sự kiện như: Triển lãm, toạ đàm, hội thảo chuyên đề, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang nhiều yếu tố sáng tạo, tương tác, trải nghiệm, có tính giáo dục.
Các sự kiện diễn ra tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm: Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật (22 Hàng Buồm), Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), Nhà triển lãm (45 Tràng Tiền), Trung tâm Thông tin triển lãm (93 Đinh Tiên Hoàng), toàn bộ không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú được tổ chức tại không gian khác như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, huyện Gia Lâm), khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Không gian nghệ thuật Mơ Art Space, một số không gian sáng tạo văn hóa khác trên địa bàn Thành phố…
Đặc biệt, không gian kiến trúc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được Ban tổ chức gửi gắm thông điệp kết nối truyền thống với hiện đại. Các công trình thiết kế độc đáo và mang tính biểu tượng như Cổng Sáng tạo, Không gian Hội nhập, Không gian Truyền thống, vừa là nơi diễn ra các sự kiện triển lãm, trưng bày, trình diễn, vừa là nơi người dân và du khách có thể tương tác và hình thành góc nhìn mới mẻ về thủ đô Hà Nội sáng tạo.
Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cho biết: “Trong sự chỉ đạo tổng thể của UBND TP Hà Nội, Hội KTS tham gia chỉ đạo về phần chuyên môn của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022. Với tinh thần đó, Hội KTS Việt Nam chỉ đạo đơn vị trực tiếp là Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội tổ chức chương trình và kết nối các nội dung, đồng thời huy động lực lượng chuyên, Nghệ sĩ, nhà Sáng tạo cùng tham gia, để đạt được hiệu quả tốt nhất cho chương trình năm nay.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2022 được mở rộng quy mô và chiều sâu kết nối giữa các nhóm tác giả, lực lượng nghệ sĩ và công chúng. Với 50 loại hình hoạt động nghệ thuật và kết nối này, các nhóm tác giả, lực lượng nghệ sĩ tham gia muốn mang đến cho Hà Nội một không gian trải nghiệm, hướng tới kết nối các làng nghề của Hà Nội, cũng như các làng nghề trên toàn quốc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, các không gian sáng tạo văn hoá kiến trúc được thiết kế với mục tiêu để người dân có khả năng được tương tác, được nối kết, được lan toả cộng đồng, cùng nhau hướng tới xây dựng Hà Nội là một TP đáng sống, đi đầu trong sáng tạo và dẫn dắt phát triển văn hoá Việt Nam.”
Hướng đến và trở thành một phần của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, Ban tổ chức cũng phát động các cuộc thi thiết kế sáng tạo dành cho các nhà sáng tạo trẻ, nhằm khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc kiến thiết không gian thành phố tương lai như: Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng 2022; Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước; Cuộc thi Thiết Kế Nhanh – Bảo tồn và phát huy Di sản Nhà máy; Cuộc thi Ảnh cho thanh thiếu niên “Hà Nội một góc nhìn”.
Là một đối tác quan trọng góp phần cho thành công của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội chia sẻ: “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 là một cơ hội nhằm tôn vinh và phát huy các nguồn lực sáng tạo và văn hóa của thủ đô. Đó là một nơi thật diệu kì, với những di sản văn hóa nổi bật và rất nhiều những con người sáng tạo, đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sử dụng sự sáng tạo như một chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế vào năm 2019, Hà Nội đã không ngừng mở rộng tầm nhìn để trở thành thủ đô sáng tạo và xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa năng động qua những sáng kiến bao trùm và hợp tác công – tư. Đó là lý do tại sao UNESCO rất vui khi được chung tay với lãnh đạo TP Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, một nền tảng cho các tài năng thuộc khắp các lĩnh vực tụ hội lại để cùng hợp tác và phát triển. Lễ hội cũng là một cách đóng góp vào sự phát triển bền vững của TP. Với những chương trình triển lãm cho công chúng, hội thảo, chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật trên toàn TP. Đó là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta đến với nhau và tôn vinh thành quả của sự sáng tạo. Các cá nhân sáng tạo của Việt Nam đang một lần nữa cho chúng ta thấy tinh thần đổi mới sáng tạo của họ có thể đóng góp cho việc dựng xây TP vì lợi ích cho mỗi công dân nơi đây như thế nào.”
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 đã tiếp tục khẳng định nguồn lực sáng tạo của Hà Nội bằng cách kết nối các nghệ sỹ, các nhà thiết kế sáng tạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ…
Với mong muốn chia sẻ tới bạn đọc về không khí và trải nghiệm Lễ hội năm nay, Tạp chí Kiến trúc xin điểm lại một số hình ảnh nổi bật qua phóng sự ảnh Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022: Sự hội tụ của Kiến trúc – Thiết kế – Công nghệ.
1. Lễ khai mạc ấn tượng
Trong không khí hân hoan đón chờ của người dân thủ đô, tối ngày 11/11/2022, dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ, đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 diễn với sự tham gia của đông đảo đại diện các Sở, Ban, Ngành từ Trung ương tới UBND TP Hà Nội, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) và đông đảo các KTS, nhà thiết kế, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Hà Nội.
Tại lễ khai mạc, đại diện các đơn vị chỉ đạo, tổ chức và đồng hành cùng sự kiện đã có những chia sẻ đầy xúc động về Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm nay, cũng như gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự đóng góp của lực lượng chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sáng tạo cùng tham gia tạo nên sự thành công của Lễ hội.
Sau phần Lễ khai mạc xúc động là chương trình biểu diễn nghệ thuật Hà Nội Flow diễn ra ngay tại khán đài hoánh tráng và ấn tượng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, với sự góp mặt của nhiều NSƯT và các giọng ca trẻ đầy triển vọng, đã mang đến cho công chúng một buổi hoà âm phối khí kết hợp ánh sáng đầy đặc sắc và hấp dẫn. Đặc biệt tại Hà Nội Flow là những tiết mục đồng ca với sự tham gia của chính cộng đồng – Một trong những điều ấn tượng nữa tại Lễ khai mạc năm nay – Đó cũng là minh chứng cho sự ủng hộ và tham gia đóng góp nhiệt tình của cộng đồng cho sự kiện sáng tạo nổi bật nhất năm của Hà Nội.
Các khu vực triển lãm, các không gian trải nghiệm sáng tạo quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng đã chính thức mở cửa đón khách tham quan sau lễ khai mạc.
2. Khuyến khích sự tham gia của giới trẻ qua các cuộc thi thiết kế sáng tạo
Tối ngày 12/11/2022, tại khán đài Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022; Lễ trao giải Cuộc thi thiết kế Ngôi nhà mơ ước 2021 – 2022 (lần thứ 3) với sự tham gia của đông đảo KTS, nhà thiết kế và những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.
Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022 (Hanoi Public Art Design 2022) là một trong những hoạt động triển khai thực hiện các nội dung theo cam kết với UNESCO nhằm nuôi dưỡng các tài năng trẻ của Hà Nội, phát triển mạng lưới nhà thiết kế trẻ khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đặc biệt, cuộc thi nhận được sự đồng hành của UBND quận Hoàn Kiếm và các Trường đại học trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nội thất, mỹ thuật, văn hoá,… (gồm Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội).
Cùng với đó, Cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà mơ ước” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với CLB KTS Trẻ Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là một sân chơi bổ ích, hấp dẫn của đông đảo các KTS và sinh viên kiến trúc trong nước và quốc tế qua nhiều năm. Lễ trao giải cuộc thi nằm trong khuôn khổ Lễ hội như một lời khích lệ các kiến trúc sư, nhà thiết kế sáng tạo, độc đáo trong lĩnh vực kiến trúc Nhà ở.
Ngoài ra, cũng trong cùng ngày, hai cuộc thi Ý tưởng Kiến trúc Quốc tế – Vẽ lại giấc mơ hiện đại và “Nhiếp ảnh Sáng tạo dành cho người trẻ – Hà Nội Rethink” đã được phát động trực tuyến trên các kênh truyền thông của Lễ hội.
Sau lễ trao giải 2 cuộc thi thiết kế sáng tạo tại Lễ hội vào tối ngày 12/11/2022 đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Sóng đàn, với sự tham gia của gần 50 diễn viên với các tiết mục đặc sắc như Múa thể nghiệm “sóng lụa” – Sử dụng ánh sáng xuyên qua các dải lụa để múa với ánh sang và âm nhạc thể nghiệm; Chương trình trình diễn trang phục Việt Nam qua các thời kì Vạn Thiên Y; Vở vũ kịch: “Khâm Thiên Phố” – Câu chuyện xưa được kể lại bằng chất liệu hiện đại kết hợp vũ đạo thay lời nói kể về thú chơi của người Hà Nội xưa tới nay và và cuối cùng là tiết mục trình diễn Thời trang: O+ boutique của NTK Cường Nguyễn với BST “ Hoạ Tâm”.
3. Chương trình nghệ thuật với sự kết hợp của công nghệ
Với tinh thần kết nối cộng đồng xã hội về lĩnh vực văn hóa và thiết kế sáng tạo, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã quy tụ nhiều nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa, thời trang qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc: Sóng Đàn, Nhiếp ảnh Cyanotype “Tả Thanh Thiên”, Chương trình giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể Thủ đô, trình diễn thời trang của NTK Chu La, chương trình biểu diễn nghệ thuật Hà Nội Flow, chương trình ca nhạc rock: Ngũ cung và các ban nhạc trẻ… Đặc biệt, các chương trình nghệ thuật đặc sắc này còn có sự lồng ghép của yếu tố công nghệ, đẩy sự trải nghiệm nghệ thuật của khán giả lên một tầm cao mới.
- Trình diễn nghệ thuật Nhiếp ảnh Cyanotype “Tả Thanh Thiên” – Nghệ sĩ Kim Long thực hành kĩ thuật nhiếp ảnh truyền thống cyanotype với nguyên liệu là hoa lá thu thập được xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm trên tấm lụa dài 11m. Tác phẩm đặc biệt này sau đó được trưng bày tại không gian triển lãm số 2 Lê Thái Tổ, cũng do nghệ sĩ Kim Long thực hiện và bài trí.
- Chương trình giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể Thủ đô mang đến các tiết mục trình diễn văn hoá phi vật thể đặc sắc của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, do các câu lạc bộ và nghệ nhân tại Hà Nội thực hiện. Liên hoan trình diễn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả, đặc biệt là sự dõi theo của các khán giả “nhí” tham dự.
- Chương trình ca nhạc Rock bùng cháy. Hàng ngàn khán giả đã “phiêu” cùng nhạc rock của các band nhạc đình đám Mủn Gỗ, Thuỷ Triều Đỏ, và Ngũ Cung trên sân khấu rực rỡ ánh sáng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Khán giả đã được phiêu du trên chuyến du hành giai điệu của các band nhạc, với sự kết nối từ các chất liệu dân tộc tới hiện đại, từ guitar điện tới đàn tranh và sáo trúc, từ âm hưởng miền ngược tới miền xuôi,…
- “Trình diễn thời trang Chula” mang sắc màu rực rỡ góp phần hưởng ứng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022. Những trang phục rực rỡ sắc màu được trình diễn bởi dàn người mẫu đa dạng, chuyên nghiệp và không chuyên đã nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của khán giả và người dân sinh sống tại Phúc Tân. Chương trình đồng thời tôn vinh và tưởng nhớ nhà thiết kế tài năng người Tây Ban Nha Diego Chula. Các tác phẩm thiết kế của ông luôn mang đậm dấu ấn văn hoá Việt Nam.
4. Đối thoại và tọa đàm chuyên môn
Là một phần không thể thiếu tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, Ban tổ chức đã mang tới những chia sẻ độc đáo về nội dung, góc nhìn, cách thức thể hiện của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trình diễn tại lễ hội cũng như chia sẻ của các nghệ sĩ, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo đã góp phần làm nên sự thành công của Lễ hội thông qua các Tọa đàm, Tập huấn, Hội thảo chuyên đề.
- Toạ đàm: “Tinh hoa văn hoá Việt – Hình tượng Tiên nữ” diễn ra vào cùng ngày cắt băng khai mạc không gian triển lãm 22 Hàng Buồm – 12/11/2022, tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, với sự có mặt của những chuyên gia hàng đầu về Nhân học và Văn hoá dân gian biểu tượng và mĩ học: PGS.TS Trần Thị An, PGS.TS Đinh Hồng Hải, Nghệ sĩ – TS Trần Hậu Yên Thế, KTS Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Lê Thế Dũng. Toạ đàm đã đem đến những góc nhìn sâu sắc về một trong những hình tượng tiêu biểu nhất của văn hoá dân gian – hình tượng tiên nữ trong từng thời kì và các nền văn hoá khác nhau.
- Tọa đàm “Thúc đẩy cộng đồng sáng tạo và chế tác trẻ Hà Nội qua ứng dụng công nghệ số” diễn ra vào ngày 13/11/2022 là sự kết hợp trải nghiệm thiết kế sáng tạo và bền vững dành cho khán giả yêu mến sáng tạo của thủ đô Hà Nội được tổ chức bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc – UNIDO kết hợp cùng Fab Lab Foundation. Tọa đàm giúp khán giả tìm hiểu về các sản phẩm đoạt giải Cuộc thi Thử thách Thiết kế Tuần hoàn và quá trình xây dựng, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo thông qua cuộc thi nói riêng cũng như qua các nguồn lực hỗ trợ cho cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội nói chung. Ngoài ra, khách mời cũng được tìm hiểu thêm về các chất liệu sáng tác phong phú, phát triển từ nghề truyền thống, áp dụng công nghệ chế tác kỹ thuật số đến thiết kế mở rộng, tiếp cận các giải pháp sáng tạo trong các chủ đề: Biến rác thải thành giá trị, di sản và chế tác mỹ thuật, mô hình giáo dục mới.
- Cuộc đối thoại đặc sắc của: Nghệ sỹ Quang Lâm – Không gian sắp đặt nghệ thuật Game 3D ‘Air Skylen; Nghệ sĩ Tuấn Ngọc – Tác phẩm sắp đặt “Ngũ hành” diễn ra vào ngày 13/11 tại không gian 22 Hàng Buồm. Với sự điều phối của Nghệ sĩ – Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cuộc đối thoại đã diễn ra trong không khí vừa thoải mái, vui vẻ, vừa sâu sắc, thú vị. Toạ đàm đã mang đến cho khách mời về hành trình sáng tạo nghệ thuật của các tác giả và quá trình làm nên tác phẩm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo lần này.
- Đối thoại tác giả – tác phẩm: Đạo diễn Francois Bibonne và công chiếu bộ phim “Once upon a bridge in Vietnam” – “Có một nhịp cầu ở Việt Nam” diễn ra vào chiều ngày 13/11 tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Bộ phim tài liệu mới mẻ kể lại hành trình khám phá bản sắc văn hoá và quê hương Việt Nam qua đời sống của âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bộ phim đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng yêu âm nhạc, yêu phim và yêu văn hoá Việt Nam.
- Toạ đàm & Trải nghiệm Cắt may áo ngũ thân truyền thống nằm trong khuôn khổ hoạt động của Lễ hội với sự tham gia của nghệ nhân Đỗ Minh Tám (Làng Trạch Xá), nghệ nhân Phạm Văn Tuyền (Áo dài Năm Tuyền), diễn ra vào ngày 13/11.Tại sự kiện này, các nghệ nhân đã chia sẻ về những vấn đề cơ bản của trang phục Áo ngũ thân, kinh nghiệm tạo ra tấm áo giữ được truyền thống nhưng mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Đây là buổi trao đổi rất thú vị, thu hút những bạn trẻ yêu thích trang phục Áo dài và theo đuổi may, mặc Áo ngũ thân.
- Chiều ngày 16/11, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ & Làng nghề Hà Nội, Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm: “Tầm quan trọng của bộ Nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm với sự phát triển của làng nghề Việt”. Tại buổi toạ đàm, các diễn giả đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm, cũng như tầm quan trọng của truyền thông đối với các sản phẩm làng nghề.
- Đối thoại tác giả – tác phẩm: Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn, Nghệ sỹ Trần Hậu Yên Thế và Không gian Triển lãm trưng bày Dự án “Tiên – Rồng” – Một trong những dự án công phu nhất tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 diễn ra vào buổi sáng ngày 18/11 tại 22 Hàng Buồm. Dự án “TIÊN – RỒNG” vừa là một dự án nghệ thuật, vừa là dự án giảng dạy hiệu quả. “TIÊN – RỒNG” đi sâu nghiên cứu biểu tượng tiên nữ – vốn dĩ đã ngủ quên từ lâu trong nghệ thuật, chỉ còn sót lại qua câu ca, khẩu hiệu. Dự án không nhắc lại lịch sử mà chiếu vào nó những cái nhìn mới về vấn đề bình đẳng giới, tính cộng đồng, biểu tượng,…
- Toạ đàm “Từ Di sản đến Thiết kế – Nghệ thuật” là sự mở rộng các biên giới để sáng tạo đã diễn ra trong không khí vô cùng gần gũi tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật vào chiều ngày 18/11. Với sự dẫn dắt của TS. Lư Thị Thanh Lê cùng các diễn giả: Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Họa sĩ Xuân Lam, Nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Nghệ nhân diều Lê Thanh Bình, toạ đàm đã mang đến những góc nhìn đầy chân thực, sâu sắc từ những kinh nghiệm, thể nghiệm của các nghệ sĩ về việc khai thác, biến các di sản văn hóa Việt Nam thành các tác phẩm nghệ thuật ở các dạng thức, chất liệu khác nhau, như: Gốm, Lụa, Diều, Nghệ thuật trình diễn….
- Đối thoại tác giả – tác phẩm: “Kiến trúc – Thiết kế và Công nghệ” của KTS Nguyễn Hồng Quang – Không gian Hội nhập; KTS Nhâm Chí Kiên – Không gian Truyền thống; KTS Lê Quang Thạch – Không gian Cổng Sáng tạo cùng các đơn vị đồng hành và đại diện đơn vị tổ chức, bà Bùi Thị Thanh Hương – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc và khách mời KTS Đoàn Kỳ Thanh diễn ra vào chiều ngày 19/11/2022. Toạ đàm là dịp để diễn giả và khách mời cùng ôn lại, chia sẻ những kỉ niệm rộn ràng khi các nhóm xây dựng kế hoạch. Các không gian Kiến trúc – Pavillion được thiết kế và giới thiệu tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã mang tới một không khí mới cho lễ hội, mở rộng các khu vực ngoài trời, với những tuyến trải nghiệm đa dạng. Tinh thần sáng tạo, ấn tượng đó đã khẳng định vai trò không gian kiến trúc là nền tảng thúc đẩy, tạo cảm hứng cho các hoạt động sáng tạo của nhiều lĩnh vực, khai thác, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thông qua nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau…
- Tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội” diễn ra vào ngày 23/11, đúng vào Ngày Di sản Việt Nam, là một sự kiện do Khoa Các khoa học liên ngành – DH Quốc gia Hà Nội thực hiện nhằm chia sẻ các góc nhìn khác nhau về vai trò của di sản văn hóa và mối quan hệ của di sản với TP sáng tạo, trường hợp cụ thể là Hà Nội. Thông qua phần trình bày giàu tri thức của các diễn giả, công chúng không chỉ thấy được bức tranh tổng quan về di sản Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo hiện nay mà còn nhìn thấy việc khai thác và các cách thức sáng tạo từ trong di sản. Bên cạnh đó, các bài thuyết trình cũng giới thiệu các quan điểm về TP sáng tạo thông qua các tiếp cận lý thuyết của nhiều lĩnh vực.
5. Mãn nhãn với các không gian trưng bày, triển lãm, trải nghiệm sáng tạo – nghệ thuật trên nền truyền thống
Với gần 50 hoạt động vỏn vẹn trong 01 tuần lễ, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 với chủ đề Thiết kế & Công nghệ đã cống hiến cho khán giả những không gian, tác phẩm và trình diễn mãn nhãn, “biểu dương lực lượng” từ các lĩnh vực kiến trúc, công nghệ, sáng tạo nghệ thuật. Ba không gian Cổng Sáng tạo, Hội nhập và Truyền thống của các KTS – Một minh chứng cho sự nỗ lực từ ý tưởng của Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam để mang tới công chúng các trải nghiệm kiến trúc, sáng tạo, vui chơi hiện đại, gắn kết truyền thống, kết nối công nghệ, dọc theo toàn bộ phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, không chỉ có yếu tố thiết kế về concept, ý niệm sâu xa của tác phẩm dựa trên không gian bổi cảnh mà yếu tố kiến trúc với công năng thiết thực và lựa chọn cấu tạo, vật liệu cũng được đặt ra.
Sản phẩm làng nghề cũng là một nét mới mà Lễ hội năm nay mong muốn thúc đẩy. Không chỉ có các không gian kiến trúc, không gian nghệ thuật, lễ hội còn đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới gần hơn với công chúng tại Không gian thiết kế bền vững, Không gian trưng bày sản phẩm làng nghề và Chuỗi triển lãm sản phẩm thiết kế sáng tạo. Từ gốm Bát Tràng, mây tre đan, đến chế tác gỗ và sơn mài …, tất cả các tác phẩm trưng bày đều cho thấy sức sáng tạo của các nghệ nhân trên nền tảng nghề thủ công truyền thống, mang thông điệp bền vững từ chất liệu tự nhiên. Chuỗi triển lãm do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) và Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) thực hiện.
Không gian trải nghiệm tương tác sáng tạo “Khoe Chơi” tại phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng do Tòhe đồng hành với những trải nghiệm thú vị dành cho công chúng thông qua các hoạt động tương tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như mỹ thuật, âm nhạc, thủ công tái chế,….. Một số hoạt động nổi bật tại không gian này như Tả thanh thiên; Hướng dẫn in tranh Hàng Trống; Chơi cùng dàn nhạc tái chế; Matching game khổng lồ; Hoạ sĩ đường phố.
Thu Vân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)
The post Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022: Sự hội tụ của Kiến trúc – Thiết kế – Công nghệ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/e9d1z3X
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét