Chất lượng môi trường, mức độ đáng sống và sự hấp dẫn của đô thị là yếu tố xuyên suốt, có tính chất quyết định đến sự thành công của các mô hình kinh tế được đề xuất cho Đà Nẵng trong thời gian qua. Nếu không có một thành phố đáng sống và hấp dẫn, sẽ không thể phát triển du lịch, dịch vụ, không thể thu hút đầu tư, thu hút lực lượng lao động trẻ, tri thức, năng động – là động lực của kinh tế sáng tạo, công nghệ cao, tài chính thương mại. Các yếu tố “đáng sống”, “thân thiện môi trường” và “giàu bản sắc” không phải chỉ là những khẩu hiệu sáo ngữ mà cần được xác định là “cơ sở hạ tầng”, là “nền tảng” cho sự phát triển thực sự theo định hướng đã chọn. Những mô thức phát triển nặng về “lượng”, “nhanh, nhiều, rẻ” sẽ không còn phù hợp làm mất đi một số tiềm năng. Đà Nẵng thay đổi mô thức phát triển chú trọng về “chất”: Tinh tế, độc đáo, đẳng cấp; cần chắt chiu những tiềm năng còn lại và tận dụng các cơ hội mới. Yếu tố “chất lượng” cần được yêu cầu, xem xét, đánh giá và giám sát trong mọi khâu, mọi tiến trình phát triển của thành phố. Vì vậy, Đà Nẵng cần một chiến lược thiết kế đô thị (TKĐT) tích hợp và toàn diện.
Trong khuôn khổ nội dung Điều chỉnh QHC TP Đà Nẵng vừa được phê duyệt, phần TKĐT đã được quan tâm xứng đáng với các nội dung nghiên cứu kỹ và đầy đủ hơn so với những đồ án nghiên cứu trước đó, là cơ sở tốt để triển khai áp dụng thực tiễn.
Một số định hướng TKĐT đã được nêu trong điều chỉnh QHC gồm có
- Bảo vệ giá trị lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên độc đáo, bờ biển dài và mạng lưới sông hồ đa dạng bản sắc của Thành phố, và đảm bảo rằng Đà Nẵng phát triển bền vững.
- Duy trì những không gian tầm nhìn đến những khu vực cảnh quan tự nhiên tại Đà Nẵng, bao gồm biển, núi, sông, hồ và cây xanh.
- Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và di sản truyền thống của Thành phố nhằm củng cố hình ảnh và bản sắc của Đà Nẵng.
- Cân bằng các nhu cầu phát triển, đồng thời đảm bảo môi trường thành phố đáng sống và thành phố kết nối toàn diện; cùng với những con đường được thiết kế tốt dành cho người dân, và những không gian công cộng sôi động.
- Khuyến khích các loại hình kiến trúc, mật độ xây dựng và hình thái phù hợp nhằm phản ánh bản sắc và đặc trưng của mỗi phân khu trong thành phố.
- Xây dựng các chỉ tiêu để kiểm soát sự phát triển đô thị trong tương lai của Đà Nẵng phù hợp với từng phân khu và tầm nhìn của thành phố.
Khung Thiết kế đô thị tổng thể cũng xem xét đến các yếu tố quan trọng như:
- Đường chân trời đô thị khi quan sát thành phố từ các điểm nhìn hai bên sông Hàn, từ biển vào và từ các điểm quan sát khác.
- Mạng lưới đường đi bộ/ đường đi xe đạp trong tổng thể quy hoạch giao thông, GTCC và các điểm đỗ xe.
- Phân vùng kiểm soát phát triển thông qua các chỉ tiêu gồm: Hệ số sử dụng đất trung bình, Chiều cao xây dựng trung bình, Khoảng lùi xây dựng, Mật độ xây dựng gộp, Các yêu cầu về bãi đỗ xe và Ngôn ngữ kiến trúc.
Có thể nói, Điều chỉnh QHC Đà Nẵng lần này đã xác định cho thành phố một “khung cảnh quan không gian tổng thể” với các yếu tố TKĐT rất cơ bản nhằm tạo dựng hình ảnh và củng cố bản sắc đô thị. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần; mới chỉ là “tấm bản đồ” sơ bộ. Nếu không thực sự “đi” và “đi đúng đường” thì “tấm bản đồ” tốt cũng không có tác dụng gì cả. “Tấm bản đồ” tốt này được dùng cho ai? Dùng như thế nào? Chúng ta cần hiểu rõ rằng sự hình thành nên không gian thành phố là tổng hoà tất cả các hành động, các can thiệp lên không gian của tất cả các chủ thể: Từ các nhà đầu tư lớn – những người nắm trong tay vốn – triển khai những dự án xây dựng hàng ngàn tỷ, cho đến các doanh nghiệp nhỏ đầu tư cửa hàng cửa hiệu, đến các khách hàng – những người tiêu thụ và sử dụng các dịch vụ được đầu tư, đến người dân vừa là người thụ hưởng bị động vừa là lực lượng có thể chủ động tạo dựng một thành phố xanh sạch đẹp, đến các cấp chính quyền – với tư cách là chủ thể quản lý, dẫn dắt hành trình phát triển. Việc thực hiện phức tạp hơn việc vẽ nhiều lần, vì vậy, bên cạnh khung TKĐT tổng thể trên, một chiến lược thiết kế đô thị tích hợp và toàn diện cho Đà Nvẵng rất cần thiết và là phương cách nhằm đạt đến các mục tiêu về chất lượng.
Đà Nẵng cần một chiến lược TKĐT tích hợp và toàn diện
Thiết kế đô thị là những nỗ lực làm cho không gian đô thị tốt lên (make it better, better places). Nó vừa là một sản phẩm (product) vừa là một quá trình (process). Sẽ không thể có được sản phẩm tốt như ‘tầm nhìn’ đã tuyên bố nếu không có quy trình thực hiện được thiết kế tốt. Ở nước ta, hầu như các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch, khiến cho thực tế khác với quy hoạch; hay quy hoạch bị điều chỉnh tuỳ tiện nhiều lần và mất đi hiệu lực pháp lý vốn có của nó; hoặc thậm chí sau một hồi triển khai thì thực tế đi ngược hoàn toàn những mục tiêu, mục đích đã đặt ra ban đầu.
Một Chiến lược TKĐT tích hợp và toàn diện bao gồm việc thiết kế kỹ càng cả “sản phẩm” không gian (products: các ý tưởng, các quy hoạch, đồ án TKĐT, các bản đồ, bản vẽ) và cả quy trình pháp lý (processes: nhằm đảm bảo thực thi đúng ý tưởng, quy hoạch đề ra).
Xét về khía cạnh sản phẩm, một TKĐT tốt không chỉ tạo ra những thứ “nhìn đẹp” (thị giác) mà còn phải hoạt động tốt (công năng), chạm vào cảm xúc, nuôi dưỡng cảm xúc của con người (cảm thụ), đảm bảo công bằng và các giá trị của công cộng (xã hội); đảm bảo tối ưu hoá nguồn lực (hiệu quả), cơ hội và tiềm năng cho sự thịnh vượng và tốt đẹp chung (kinh tế).
Khía cạnh Quy trình của TKĐT là hóc búa nhất: Làm sao dẫn dắt các chủ thể (với các động cơ và hành động khác nhau, thường mâu thuẫn lợi ích với nhau) cùng tạo ra một sản phẩm không gian đô thị có chất lượng, vì vậy vai trò của Chính quyền là then chốt nhất, vừa thúc đẩy vừa quản lý phát triển. Về cơ bản, chính quyền có 3 lĩnh vực hành động: (1) trực tiếp đầu tư, (2) quản lý phát triển (thông qua cấp phép đối với các đầu tư tư nhân), và (3) giáo dục/ định hướng nhận thức – hành động của người dân.
Việc trước tiên, đơn giản, cần làm ngay chính là việc giáo dục/ định hướng nhận thức – hành động của người dân về một “Đà Nẵng đáng sống, thân thiện môi trường và giàu bản sắc”. Người dân Đà Nẵng vốn đã mang niềm tự hào về thành phố của mình, và cũng sẵn có nếp sống đô thị văn minh, trật tự. Cần nâng tiềm năng văn hoá này lên một tầm cao mới. Thành phố nên giao cho với Sở Xây dựng và Sở Thông tin Truyền thông thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ về “Tầm nhìn chung” cùng các nguyên tắc, hệ giá trị TKĐT trong QHC một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ hình dung, đến các doanh nghiệp và mọi người dân. Viễn cảnh Đà Nẵng đáng sống và giàu bản sắc cần được nắm rõ và hiểu kỹ bởi mọi công dân, từ người già đến em nhỏ, từ giới trí thức đến lao động phổ thông. Đây chính là việc giáo dục ý thức và vai trò công dân trong tiến trình kiến tạo một thành phố đáng sống: Không vứt rác bừa bãi, tôn trọng không gian công cộng, trồng cây, bảo vệ các tiện ích công đều là những việc người dân có thể làm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các tài liệu truyền thông này thường được biên tập tóm tắt chỉ 3 đến 5 trang, với hình ảnh, sơ đồ, màu sắc đẹp mắt, dễ hiểu đến mức các em học sinh phổ thông cũng hiểu được; có thể download dễ dàng trên cổng thông tin điện tử thành phố, các sở ngành, và cần được truyền bá đến tất cả các xã phường, các trường học trong thành phố. Động tác đơn giản này nhưng là nền tảng cơ bản của sự đồng thuận và tích hợp năng lượng và nguồn lực trong toàn xã hội.
Việc thứ hai, cũng trong tầm tay của chính quyền thành phố, đó là thực hiện các dự án đầu tư công liên quan đến TKĐT. Thành phố nên xác định một danh mục các dự án ưu tiên về TKĐT có tác dụng kích hoạt, và đòn bẩy, tạo động lực và là sự kích thích cho các hoạt động của khối tư nhân cùng xã hội. Một số không gian công cộng quan trọng như Quảng trường thành Điện hải (đã có QHCT và TKĐT được phê duyệt), một số điểm cảnh quan dọc sông Hàn (tận dụng nhiều ý tưởng độc đáo từ cuộc thi quốc tế Thiết kế cảnh quan hai bên sông Hàn năm 2016), khu vực bắn pháo hoa, các công viên hiện hữu như Công viên Thanh niên, Công viên 29/3 và một số công trình công cộng biểu tượng nên được triển khai sớm. Những đầu tư công (hoặc hợp tác côngv tư) này cần được thiết kế và thực hiện bài bản, chất lượng, thông qua các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc và thi công, tạo những đòn bẩy và hình mẫu về chất lượng không gian đô thị.
Việc thứ ba, phức tạp nhất, chính là quản lý phát triển. Trước hết, các nguyên tắc “chất lượng” của TKĐT cần được xem xét trên mọi cấp độ, mọi hành động một cách nhất quán từ cấu trúc vĩ mô tổng thể toàn thành phố, đến từng khu vực, đến từng dự án, đến từng công trình, đến từng chi tiết. Tiếp theo Điều chỉnh QHC, Đà Nẵng đương nhiên sẽ lập các quy hoạch phân khu để cụ thể hoá hơn các nội dung của QHC, phải lập các quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan, đặc biệt cho các khu vực chủ chốt của khung TKĐT tổng thể như các cụm tụ điểm, các trục cảnh quan, các công trình điểm nhấn… Vì vậy các bước tiếp theo của tiến trình quy hoạch đòi hỏi rất nhiều nỗ lực nhằm chuyển tải tốt nhất định hướng chung vào các yêu cầu chi tiết hơn cho từng khu vực. Các quy hoạch tiếp theo cũng cần được xây trên cơ sở các nguyên tắc lớn của QHC, các nguyên tắc đúng đắn của TKĐT, nhưng cần tránh các quy định cứng nhắc, máy móc làm hạn chế sự sáng tạo ở cấp độ các dự án đầu tư. Các nhà đầu tư lớn tiềm năng cũng nên được tham vấn trong quá trình thực hiện các QHPK và quy chế quản lý này, để đảm bảo rằng các quy hoạch và quy chế phán ảnh và khai thác được các động lực thị trường theo hướng tích cực.
Bên cạnh các quy hoạch, quy chế, quy định, Thành phố cần chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, mời chuyên gia hoặc tư vấn, biên soạn các “Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật” liên quan đến nhiều chủ đề của TKĐT làm tài liệu tham khảo trong khâu thiết kế lập dự án (của các chủ đầu tư) và thẩm định dự án của cơ quan quản lý nhà nước, và các bên liên quan khác như. Hội nghề nghiệp, trường Đại học, công đồng dân cư, có thể tham khảo. Ví dụ: các hướng dẫn thiết kế vỉa hè, thiết kế không gian công cộng, thiết kế tích hợp hạ tầng xanh trong hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hướng dẫn xác định đặc điểm của nơi chốn… Song song với các hướng dẫn kỹ thuật cũng cần các tài liệu hướng dẫn quy trình, được biên tập ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu cho các bên. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các khái niệm nặng tính chuyên môn trong lĩnh vực TKĐT, thường chỉ quen thuộc với giới nghề như KTS, nhà quy hoạch, đều được “diễn giải” một cách cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, hành động hoá vào các ‘Sổ tay hướng dẫn” nói trên, hoặc các quy định quản lý ở mức độ phù hợp. Như vậy những lý luận mới đi vào cuộc sống.
Việc thẩm định đánh giá các dự án đầu tư của tư nhân tại các vị trí quan trọng, bên cạnh yêu cầu tuân thủ quy hoạch, các quy định quản lý đã có, cần được xem xét đối chiếu với tầm nhìn và các nguyên tắc TKĐT chung đã đặt ra từ đầu, áp dụng kiểu “đánh giá thành tích” cho dự án (merit-based); xem dự án đã đóng góp được gì, đóng góp như thế nào để làm cho thành phố tốt đẹp hơn (ví dụ: cung cấp thêm KGCC, tăng khả năng tiếp cận KGCC, bổ sung diện tích cây xanh, hay tiện ích công cộng cho người dân), hay gây ra những tác động tiêu cực gì cho thành phố.
Lấy ý kiến cộng đồng, trong đó có ý kiến của các chuyên gia, các hội nghề nghiệp và cộng đồng nhân dân sẽ là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện nghiêm túc đối với các dự án trọng điểm có tác động lớn cảnh quan môi trường trong thành phố.
Thành phố nên xem xét thành lập Ban cố vấn các vấn đề TKĐT. Ban cố vấn sẽ gồm các chuyên gia uy tín về TKĐT và nhiều lĩnh vực liên quan, có thể có sự tham gia (không thường xuyên) của các chuyên gia quốc tế. Ban cố vấn không chỉ giúp thành phố với từng dự án cụ thể, mà còn cố vấn cách làm, các bước trong tiến trình hoàn thiện một “quy trình”TKĐT địa phương hiệu quả, biên soạn các hướng dẫn quy trình và kỹ thuật cho địa phương.
Ngoài ra, để có được một chiến lược tích hợp và toàn diện, thành phố nên lấy sở Xây dựng làm đầu mối, tiến hành các chương trình đào tạo liên tục trực tuyến về TKĐT, quản lý đô thị trong nước và quốc tế để nâng cao trình độ chung của các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước ở tất cả các sở ban ngành, cũng như nâng cao hiểu biết chung của toàn xã hội về TKĐT. Cũng cần phát triển trang web của Sở Xây dựng thành một có một cổng thông tin quy hoạch cập nhật liên tục và thông báo rộng rãi các hoạt động liên quan đến đầu tư, phát triển, kiến tạo Đà Nẵng. Các tài liệu tham khảo, các kinh nghiệm quốc tế tốt, các bài giảng chuyên môn cũng nên được đăng tại ở đây để có sự tiếp cận rộng rãi. Cổng thông tin quy hoạch trực tuyến là cơ sở hạ tầng thông minh đảm bảo sự minh bạch, đồng thuận và hợp lực cho sự phát triển lâu dài, bền vững của thành phố.
Một chiến lược TKĐT tích hợp và toàn diện cho Đà Nẵng cần được thiết lập trên các nguyên tắc cơ bản: Thấu hiểu và đồng thuận (bởi mọi thành phần, chủ thể trong xã hội), tham gia và cộng hưởng (mọi chủ thể cùng đóng góp cho một tầm nhìn chung), nhất quán và xuyên suốt (ở các cấp độ không gian, các khâu trong tiến trình đầu tư phát triển), công khai và minh bạch (thông tin được phổ biến và có khả năng tiếp cận bởi mọi thành phần). Làm được việc này, Đà Nẵng sẽ không chỉ hiện thực hoá tầm nhìn về một đô thị đáng sống, thân thiện môi trường và giàu bản sắc mà phương pháp TKĐT của Đà Nẵng sẽ là mẫu mực về cách làm để nhiều địa phương trong cả nước tham khảo và học hỏi.
PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)
Xem thêm:
- Kinh nghiệm từ quá trình tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng: Những gợi mở phát triển kinh tế – xã hội
- Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Tầm nhìn tổng thể tương lai khu trung tâm TP Đà Nẵng
The post Đà Nẵng cần một chiến lược thiết kế đô thị tích hợp và toàn diện appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3gNQuyF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét