Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Cảm nhận về sự phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai

KTS Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (VUPAD)

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg, ngày 15/3/2021. Quy hoạch điều chỉnh lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP Đà Nẵng, bởi nó sẽ là bộ khung phát triển của thành phố trong tương lai. Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế – xã hội trong 10 và 25 năm tới.

Với điều kiện tự nhiên, địa lý và sự phát triển năng động của thành phố nằm trên bờ Biển Đông có cửa sông Hàn, mô hình và cấu trúc phát triển không gian của thành phố trong đồ án đã phù hợp với qui mô, dân số, mục tiêu và các tính chất chủ yếu của thành phố, hướng tới trở thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia và mang tầm quốc tế trong tương lai. Cấu trúc và phân khu chức năng đô thị phù hợp với hiện trạng đô thị và năng lực quản lý của chính quyền thành phố trong 10 năm tới. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với dự báo phát triển kinh tế, định hướng phát triển giao thông vùng và quốc gia. Việc quy hoạch cảng Liên Chiểu trở thành một cảng trọng yếu của vùng và Cảng Tiên Sa là cảng du thuyền dành cho du lịch là phù hợp với vai trò của một thành phố cảng biển và là trung tâm đô thị du lịch của quốc gia và của vùng. Quy hoạch các khu công nghệ trọng yếu, công nghệ cao, công nghệ sạch ít ảnh hưởng đến môi trường, Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng đô thị sáng tạo – khởi nghiệp, đón đầu xu hướng phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trở thành phố đô thị thông minh trong tương lai gần.

Quy hoạch sử dụng đất TP Đà Nẵng đến năm 2030 – 2045

Những đề xuất mang tính đột phá như mô hình đô thị nén, đô thị cảng biển; trung tâm dịch vụ Logistis đang đóng góp vào sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng trong tương lai.

Là địa phương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như thủy triều, gió bão, động đất và sóng thần như các tỉnh khác trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đồ án đã đưa ra định hướng quy hoạch và giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.

Có thể nói đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được phê duyệt, đã khắc phục những hạn chế từ các đồ án quy hoạch trước đây. Quy hoạch lần này đã tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các lợi thế để thành phố phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó đồ án cần nghiên cứu sâu hơn về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, để khu vực này vừa có thể bảo tồn đa dạng sinh học vừa có thể khai thác phát triển du lịch làm tăng thêm giá trị sử dụng đất của một đô thị biển.

Trong đồ án, khi đề cập đến định hướng phát triển không gian đô thị, cần lưu ý đến khu đất sử dụng hỗn hợp, dọc theo sông Hàn và khu bờ Đông. Đây là vấn đề rất dễ xảy ra những bất cập trong quản lý phát triển đô thị. Nội dung này cần được làm rõ trong quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc, để vừa tạo động lực phát triển thành phố, tránh kìm hãm tốc độ phát triển nhưng vẫn mang tính bền vững và có tầm nhìn lâu dài.

Vị trí của Đà Nẵng tại Việt Nam và các quốc gia lân cận
Khung Thiết kế Đô thị tổng thể cho Đà Nẵng (nguồn: Điều chỉnh QHC thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045)

Là một thành phố trẻ, năng động, Đà Nẵng cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu, tạo điểm nhấn đô thị bằng những công trình kiến trúc hiện đại của một đô thị lớn – thông minh – sinh thái.

Để phát triển kinh tế ban đêm, Đà Nẵng cần chú trọng trong việc tổ chức các

không gian công cộng, quảng trường, các tuyến đường đi bộ, các tuyến phố bán lẻ, các trung tâm thương mại và dịch vụ ẩm thực… tại các khu vực hai bên bờ sông Hàn, trung tâm thành phố… nhằm thu hút và lưu chân khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng. Các địa điểm văn hóa và lịch sử, các điểm tham quan cần được bảo tồn và tích hợp trong các dự án phát triển đô thị và không gian công cộng mới để hình thành một mạng lưới các điểm du lịch độc đáo. Cần tập trung đầu tư các vườn hoa, vườn dạo nhỏ góp phần tăng thêm mảng xanh, cải thiện môi trường sống cho người dân trong thành phố, sử dụng các khu đất ven biển đã được thu hồi để đầu tư các công viên ven biển, góp phần phát triển mảng xanh, cải thiện môi trường sinh hoạt cho cộng đồng người dân với biển. Cần thiết phải tổ chức các cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị cho các khu vực trung tâm, quảng trường để tạo nét đặc trưng riêng cho thành phố. Ví dụ như quảng trường trung tâm thành phố (thành Điện Hải ra bờ sông Hàn) cần phải có giải pháp thông minh để xen kẽ các công trình thương mại dịch vụ và công trình ngầm dưới quảng trường trung tâm.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong điều chỉnh quy hoạch lần này, Đà Nẵng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố, ví dụ như cơ chế chính sách về huy động vốn đầu tư phát triển, quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, quy chế quản lý kiến trúc…, đặc biệt là tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị đối với Thành phố Đà Nẵng vừa được Quốc hội khóa XIV cho phép.

Mong ước thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm, mang tầm vóc đô thị lớn, điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đang dần trở thành hiện thực.

KTS Trần Ngọc Chính
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)

The post Cảm nhận về sự phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3gEGBDq
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét