Khoảng năm 1981, Bảo tàng Louvre cần được cải tạo và mở rộng để đáp ứng nhu cầu bảo quản – lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật lẫn khách tham quan. Kiến trúc sư được mời thiết kế không phải là người Pháp mà là người Mỹ – gốc Hoa tên Ioh Ming Pei, với một ý tưởng thị giác mang hình ảnh công trình Kim tự tháp ở Ai Cập. Người dân Pháp đã không khỏi tức giận và phản đối sự vụ này. Nhưng chính những giá trị kiến trúc thực sự đã hóa giải mọi xung đột, và mang đến cho hết thảy một kiệt tác mới.
Một đề bài khó
Khoảng năm 1981, Bảo tàng Louvre cần một đồ án nâng cấp để giải quyết một loạt vấn đề nan giải của về không gian trưng bày, kho lưu trữ, lẫn lối vào chính dành cho khách tham quan vốn đã quá tải. Bất cứ điều chỉnh gì lên công trình này đều phải thoả đáng tiêu chí chính trị và văn hoá. Vì Louvre không chỉ là một bảo tàng quốc gia; từng hạng mục của nó đều là mảnh ghép quan trọng của bức tranh toàn cảnh lịch sử Pháp, bao gồm biến thể từ quân quyền sang cộng hoà. [1]
Louvre mang lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ mười hai, với chức năng ban đầu là pháo đài hoàng gia, rồi sau đó lần lượt biến đổi thành dinh thự hoàng gia, dinh thự hoàng đế thời Napoleon, trại giam, trung tâm hành chính, và trường nghệ thuật. Chức năng trưng bày có từ cuối thế kỷ mười tám. [2]
Bất đồng từ những thanh danh
Mặc dù tổng thống Mitterrand hài lòng về đề xuất thiết kế, nhưng giám đốc bảo tàng André Chabaud lại không, để rồi ông đã từ chức vì cho rằng dự án không khả thi và phơi ra nhiều mạo hiểm. Quần chúng cũng phản đối gay gắt, chủ yếu nhằm vào đề xuất khối kim tự tháp. Pei phỏng chừng có khoảng 90% người dân Paris phản đối thiết kế. Người ta ngạc nhiên khi chính phủ lại tìm đến một kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa để làm thiết kế cho một công trình-trái tim văn hoá của thủ đô nước Pháp. Đây chắc chắn là một dự án nhạy cảm chính trị nhất mà Pei đã gặp, cũng có lẽ sẽ khó có cái thứ hai.
Trong sự cố gắng xoa dịu nỗi bức bối của công chúng, Pei đã làm theo gợi ý của Jacques Chirac là cho thực hiện một mô hình đúng kích thước của khối kim tự tháp và trưng bày tại khoảng sân. Nhiều nhà phê bình đã hết phản đối khi tận mắt trông thấy hình khối thiết kế ở kích thước thật đó.
Những gì đã trải qua sau dự án này gây mệt mỏi đối với Pei, nhưng cũng mang đến kết quả đáng tưởng thưởng. “Sau Bảo tàng Louvre,” ông nói sau này, “tôi nghĩ sẽ không có dự án nào là quá khó khăn.” [1]
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2021/06/21A06051.jpg)
Thiết kế thông minh
Cấu trúc đạt chiều cao 21,6 m. Mặt bằng hình vuông có cạnh 34 m và diện tích 1.000 m2.
Pei đề xuất một lối vào chính tại trung tâm quảng trường Cour Napoleon. Bên dưới là các sàn phức hợp nhiều chức năng dành cho nghiên cứu, kho lưu trữ, và mục đích bảo trì. Tại trung tâm của sảnh chung, ông thiết kế một cấu trúc hình kim tự tháp bằng kính và thép. Ngay bên dưới mái kính này là một cấu trúc hình kim tự tháp khác nhưng lật ngược. Pei nhận định rằng kim tự tháp là hình lý tưởng nhất cho độ xuyên sáng ổn định, và nó là thiết kế “thích hợp nhất để kết hợp với kiến trúc của Bảo tàng Louvre, đặc biệt nhờ vào hình thức mái chia đa diện.” [3, 4]
![Hình 3a. Cấu trúc mái kính che sảnh đón chính cho khách tham quan là thiết kế mấu chốt và ảnh hưởng thị giác kiến trúc nhất đối với di sản bảo tồn Louvre. Nó mang ý nghĩa của biểu tượng tính trường tồn; đồng thời, giải pháp cấu tạo tối tân của nó góp thêm giá trị kiến trúc thể kỷ hai mươi vào câu chuyện lịch sử vẫn hằng tiếp diễn. [7]](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2021/06/21A06051-6-1-768x541.jpg)
Để giảm thiểu tác động trái chiều của khối mái kính hình kim tự tháp mang hình khối và vật liệu quá tương phản đến Louvre hiện hữu, Pei đã đòi hỏi một công nghệ mới đảm bảo sản xuất ra vật liệu kính cực trong suốt. Cấu trúc chịu lực của mái kim tự tháp bốn mặt cũng được Pei áp dụng giải pháp cấu tạo “thông minh”—vững chãi nhưng nhưng thanh mảnh nhất; giải pháp hiệu quả nhờ vào việc khai thác khả năng chịu kéo của dây cáp và chịu nén của các thanh chống theo kiểu cấu trúc tensegrity. [4]
Thiết kế phá cách của khối kim tự tháp ngược tại khu vực giải lao-mua sắm không chỉ khiến khách tham quan thích thú mà còn là một giải pháp khôn ngoan về mặt vật lý kiến trúc, khi cho phép ánh sáng tự nhiên đi xuống và toả ra xa nhất cho các diện tích thênh thang âm dưới lòng đất.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2021/06/21A06051-3-3.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2021/06/21A06051-4-2.jpg)
Giá trị trường tồn
Shakespeare nói, “Mọi thứ [được xem là] tốt đẹp khi có kết thúc tốt đẹp.”
Cải tạo, mở rộng cho một bảo tàng như Louvre ở Paris chắc chắn là công tác khó khăn. Kiến trúc sư không chỉ đương đầu với bài toán thiết kế kiến trúc, với chủ đầu tư mà cả với một lượng nhân sự liên quan đông đảo, và còn nữa, những người dân của thành phố… Kiến trúc sư càng thể hiện bản lĩnh và khả năng của mình khi kết thúc dự án với một kết quả tốt đẹp, dù là ông mang đến ý tưởng xa vời như ở tận Ai Cập!
Khối kim tự tháp Louvre là cấu trúc được biết đến nhiều nhất của Pei.
Thông tin thêm
Về Bảo tàng Louvre [1, 5]
- Đây là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, nằm bên bờ Đông dòng sông Seine của thủ đô Paris nước Pháp.
- Khoảng 38.000 mẫu vật từ thời tiền sử đến thế kỷ thứ 21 được trưng bày tại đây, trên tổng diện tích sàn hơn 72.000 mét vuông.
- Bộ sưu tập cuả bảo tàng bao gồm tám đề mục: Cổ đại Ai Cập; Cổ đại cận phương Tây; Hy Lạp, Etruscan và Cổ đại La Mã; Nghệ thuật Hồi giáo; Điêu khắc; Nghệ thuật trang trí, Tranh vẽ, Bản in và Bản vẽ.
- Bảo tàng Louvre mở của đón khách tham quan lần đầu tiên vào năm 1793, với khoảng hơn 500 bức tranh.
- Bảo tàng Louvre tự hào là nơi trưng bày một trong những tác phẩm đắt giá nhất thế giới Mona Lisa của Leonardo da Vinci.
- Dự án cải tạo-mở rộng cuối cùng của Louvre bắt đầu từ năm 1981, chia thành bốn giai đoạn.
- Giai đoạn I bao gồm Kim tự tháp Louvre được hoàn thành năm 1989.
- Giai đoạn II và III bao gồm hai thiết kế quan trọng là tầng Kim tự tháp lật và thang xoắn cuốn được hoàn thành năm 1993. Các hạng mục cảnh quan và quảng trường hoàn tất giai đoạn IV của toàn bộ dự án vào năm 2015.
Về Ioh Ming Pei [5, 6]
- Ioh Ming Pei là kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa, sinh ngày 26 tháng 4 năm 1917, tại Quảng Châu.
- Năm 1935, ông đến Mỹ và nhập học tại khoa kiến trúc trường Đại học Pennsylvania. Ông không thích lối đào tạo chú trọng vào lối kiến trúc Beaux-Art lâu đời vốn đặt nặng việc sao chép các công trình kinh điển Hy Lạp và La Mã. Học kỳ 2 năm 1935, ông chuyển đến học kỹ thuật tại Học viện công nghệ Masachusetts (MIT). Trưởng khoa kiến trúc tại đây nhận ra Pei là một tài năng kiến trúc và đã thuyết phục Pei trở lại chuyên ngành cũ.
- Pei đã dành thời gian rỗi của mình để tìm hiểu thêm về các kiến trúc sư đang nổi, đặc biệt là Le Corbusier. Pei mê hoặc những thiết kế sáng tạo của phong cách Quốc tế mới mẻ, đặc trưng bởi hình khối đơn giản hoá và việc áp dụng nhiều vật liệu kính và thép. Le Corbusier đến thăm MIT vào tháng 11 năm 1935, chỉ tình cờ nhưng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Pei: “hai ngày với Le Corbusier có lẽ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong việc học kiến trúc của tôi.”
- Năm 1942, Pei kết hôn với Eileen Loo cũng là người gốc Hoa và là cựu sinh viên ngành kiến trúc cảnh quan của Harvard. Thông qua mối liên hệ này, Pei đã có bước ngoặt quan trọng trọng trong việc học kiến trúc của mình là ghi danh học tại trường Đại học Thiết kế Harvard. Vào những năm 1940, Chủ nghĩa hiện đại ở Mỹ và tại Harvard xem như là một. Đó là nhờ vào sự tham gia của nhóm các kiến trúc sư Trường Bauhaus Walter Gropius và Marcel Breuer sau biến cố Đức quốc xã buộc đóng cửa trường. Pei thoạt đầu đã mê hoặc Chủ nghĩa hiện đại mang tính biểu hiện cao của Le Corbusier, nhưng ông cũng cuồng say triết lý Bauhaus về “thiết kế toàn thể” của Gropius và tính đa chuyên gia tích hợp thực sự. Pei có việc làm khởi sắc tại Harvard và cũng là một giảng viên truyền cảm hứng được yêu quý.
- Năm 1983, Ioh Ming Pei nhận Giải thưởng Pritzker.
- M. Pei là kiến trúc sư ngoại tịch đầu tiên tham gia thiết kế cho Bảo tàng Louvre.
THS. KTS Võ Ngọc Lĩnh
Khoa Kiến trúc nội thất – Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo
[1] Reid, Aileen (1995). I.M. Pei. Knickerbocker Press, New York.
[2] Bautier, Genevieve Bresc (1995). The Louvre Architecture and History. Thames and Hudson, London.
[3] Glancey, Jonathan (1998). C20th Architecture – The Structures that Shaped the Century. Carlton, London.
[4] Charlesson, Andrew (2006). Structure as Architecture. Routledge, New York.
[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Louvre, truy cập ngày 12/05/2021
[6] Cohen, Jean-Louis (2006). Le Corbusier. Taschen, Köln.
[7] Tất cả hình ảnh do tác giả chụp.
The post Cải tạo, mở rộng Bảo tàng Louvre, Paris – Món quà từ Ai Cập appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3hg5Cnq
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét