Ngày 21 /5/2021, giới KTS Việt Nam và gia đình đã vĩnh biệt KTS Nguyễn Trực Luyện về cõi vĩnh hằng. Nhớ về KTS Nguyễn Trực Luyện luôn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống và đam mê cả cuộc đời với sự nghiệp kiến trúc nước nhà. Tưởng nhớ người Chủ tịch Hội đáng kính, người Tổng Biên Tạp chí Kiến trúc trong 2 nhiệm kỳ (1983- 2005).
Chúng tôi là thế hệ sau muộn, không biết nhiều về con đường dấn thân Kiến trúc của KTS Nguyễn Trực Luyện. Nhưng phải nói là từ ngày được tiếp cận trực tiếp, đồng hành dưới màu cờ sắc áo Hội, do anh dẫn dắt vào những năm đầu 90 thế kỷ trước, tôi mới hiểu tại sao anh lại được bầu làm Tổng thư ký dù không có mặt tham dự, ở một kỳ đại hội quan trọng, kỳ đại hội thống nhất toàn vẹn non sông, KTS hai miền về chung một mái nhà. Sự lan tỏa về tài năng, tâm huyết nghề và đức độ suốt chặng dài trọn vẹn, vì Kiến trúc và người làm nghề Kiến trúc của anh càng khẳng định điều đó.
Với nghề! Từ truyền thống gia phong rất đặc biệt, lòng yêu Kiến trúc đã thấm đẫm ngay khi còn nhỏ và với ý chí mãnh liệt sắt đá, đã làm cho anh có một quyết định rất Nguyễn Trực Luyện, xin rời nghề được phân theo bao cấp khi đi du học Liên xô, để trở về với mạch nguồn giàu năng thế và cảm xúc của mình: Nghề Kiến trúc sư. Môi trường đào tạo hàn lâm, dĩ nhiên đã mang đến cho anh những nền tảng kiến thức uyên việt không nhỏ, để sau này khi rời đại học Kiến trúc Matxcơva về nước, anh đã chủ trì hoặc cùng tham gia thiết kế nên những tác phẩm kiến trúc giàu tính bản địa, nhân văn và không kém phần tiến bộ: Khu nhà ở Ngoại giao đoàn giai đoạn 1; đền thờ Bác Hồ ở đỉnh thiêng Ba vì; khu tưởng niệm liệt sĩ ở Côn đảo và Điện biên phủ; khách sạn Thái nguyên… Tôi đã nhiều lần qua nghĩa trang Hàng dương, mà xúc cảm về hùng thiêng cách mạng luôn cháy cùng ngọn lửa trên đỉnh tháp tưởng niệm của KTS Nguyễn Trực Luyện và Hoàng Phúc Thắng. Có một điều mà hậu thế như chúng tôi còn băn khoăn về những sáng tác của KTS Nguyễn Trực Luyện, là chưa hiểu sao mà đến nay, các sáng tạo này chưa được ghi nhận bằng giải thưởng cấp nhà nước. Dĩ nhiên sáng tác của các KTS thời đó, không riêng gì anh, là vô cùng gian nan và gạn kiếm, vì điều kiện đất nước vừa đi qua chiến tranh, bao mối bộn bề, sát dụng với người dân còn cần lo hơn. Cũng vì vậy mới thấy thấm thía và trân trọng hơn nữa, những sáng tác đầy khát khao vì dân tộc đi lên này.
Với công tác Hội! Anh Nguyễn Trực Luyện chắc là một người được sinh ra để đảm trách mảng này. Sự may mắn về cơ duyên đã đưa anh về đứng đầu mái nhà chung của Hội. Phía ngược lại, tôi cũng nghĩ rằng Hội đã may mắn có anh, điều tiến khoan hòa trong gần một phần tư thế kỷ. Cái phần tư thế kỷ rất đặc biệt! Việt Nam vừa đi ra khỏi một cuộc chiến tranh quá dài, quá gian khổ và hi sinh mất mát. Những con người về từ chiến tranh vẫn tràn nhiệt huyết cách mạng tiến công, nhưng với cuộc sống hòa bình dựng xây gặp không ít bỡ ngỡ. Khi đó những người được đào tạo để dựng xây trong vươn mình đại đồng, hội nhập thật kịp thời và quý, tạo nên sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nguyễn Trực Luyện là một trong những tài đức mẫn tuệ của đội ngũ đó.
Ngôi nhà Hội thời anh làm Tổng thư ký, rồi Chủ tịch đã Hoạt động khá nổi bật trong mảng Văn Học Nghệ thuật – cốt lõi của lĩnh vực văn hóa – Lĩnh vực mà từ ngày được phôi thai hình thành 1943 đến nay, Đảng Bác Hồ luôn xác định trong đường lối lãnh đạo: Là nền tảng tinh thần, một trong 4 trụ cột của phát triển đất nước theo con đường XHCN. Ở đó KTS Nguyễn Trực Luyện đã dẫn đầu đoàn quân Kiến trúc hồ hởi, bền bỉ vượt qua gian khó mang trí tuệ và nghị lực góp phần rõ ràng, hiệu quả vào việc xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn! Tiếng nói thâm hậu và khoa học, tinh thần thực tiễn và tiếp biến với một sự kiên định đáng nể trọng của KTS Nguyễn Trực Luyện trong giai đoạn này, cũng làm giảm bớt được rất nhiều những xu hướng Kiến trúc núp bóng máy móc quá khứ, sao chép, vay mượn dạng kiến trúc thực dân hình thành trên mọi miền non nước. Lời dạy của Bác về “quan hệ” của Kiến trúc, về những dạng nhà ở “cao ráo, rẻ tiền” cho dân.. cũng được KTS Nguyễn Trực Luyện vận trù rất khoan nhặt vào công tác, góp phần cho bản sắc nở hoa lốm đốm đây đó, nông thôn tiện nghi gần thành thị, miền núi tiến tiệm cận dần miền xuôi. Có thể nói vai trò Phản biện của Hội thời kỳ này là một chặng sáng trong quá trình phát triển của Kiến trúc nước nhà.
Các KTS trẻ thời kỳ này, giờ vẫn nhắc tên anh với một niềm tin yêu tha thiết. Họ bồi hồi nhớ lại những ngày làm nghề chập chững, đã được gặp một người anh lớn ân cần chỉ bảo rất hiền hậu, thanh cao để họ vững tin bay dũng mãnh vào bầu trời sáng tạo. Sự thành công của nhiều KTS trẻ thời đó hôm nay là một minh chứng hiển hiện. Tay bắt mặt mừng, ánh mắt lấp lánh mỗi lần hội ngộ vì việc Hội của KTS cả nước, thời anh cũng đã nói hộ về tinh thần đoàn kết, cùng nắm tay nhau nhìn về một hướng của đa phần KTS Việt Nam trong giai đoạn này. Giai đoạn anh là người cầm cờ.
Giờ đây, đã vắng anh! Nhưng âm hưởng của anh còn vọng mãi! Chúng tôi, những thế hệ KTS kế tiếp các bậc tiền bối, trong đó anh là một trong những người tiêu biểu nhất! Xin tiếp tục con đường Vinh quang cao – Gian khó dài của Kiến trúc, đi tới với sự dũng bước, mặn mòi và nhân văn như anh và các anh đi trước đã từng. Nhất định ngày mai cùng đất nước rạng ngời, Kiến trúc Việt sẽ tiếp tục làm nên những khúc giao hưởng mang tính thời đại du dương – bản địa đằm thắm, trong bản hòa ca chung đất nước, trên con đường dựng xây và hội nhập.
Vĩnh biệt KTS Nguyễn Trực Luyện
- Sinh ngày: 15/10/1935
- Quê quán: Hà Nội
- Tốt nghiệp: Đại học Kiến trúc Moskva (1957-1963)
- Chức vụ:
- Tổng thư ký Hội KTS Việt Nam nhiệm kỳ III, IV; Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhiệm kỳ V, VI; Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc (1983-2005)
- Đại biểu quốc hội Khóa VIII; IX
- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kiến trúc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt;
- Thiết kế các công trình kiến trúc: Khu nhà ở Vạn Phúc của Ngoại giao đoàn, Khách sạn Thái Nguyên, Đền thờ Bác Hồ ở Ba Vì, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo…
TS.KTS Phan Đăng Sơn/ Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)
The post Nể trọng và học tập một con người, một nhân cách appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3wpdv0g
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét