Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Tầm nhìn tổng thể tương lai Khu Trung tâm TP Đà Nẵng

Trong bối cảnh từ đầu 2019, 63 tỉnh thành trên cả nước đều phải điều chỉnh lại quy hoạch chung vùng tỉnh, trên tinh thần quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch mới năm 2017 của Quốc hội, thì giữa tháng 3/2021, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để hiện thực hóa quy hoạch chung này, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay, là việc cần lập quy hoạch chỉnh trang và phát triển khu trung tâm thành phố Đà Nẵng, cho đến nay vẫn chưa hề được quy hoạch bài bản, với bộ mặt văn minh hiện đại, xứng tầm với vị thế một đô thị trung tâm của Vùng Kinh tế Trọng điểm Miền Trung trong thế kỷ 21, hướng đến các mục tiêu chiến lược phát triển đã vạch ra, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, và công nghiệp hỗ trợ.

Bài viết bàn về bốn vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu hiện nay trong việc định hướng quy hoạch và thực hiện quy hoạch Khu Trung tâm TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Bối cảnh phát triển quy hoạch Khu trung tâm TP Đà Nẵng

Đà Nẵng tuy có nhiều công trình hiện đại cao tầng phân tán nhiều nơi trong thành phố, nhưng cho đến nay vẫn chưa phát triển được một khu trung tâm mới hiện đại, xứng tầm với vị thế trung tâm một đô thị hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Từ thế kỷ 19 cho đến nay, song song với quá trình hình thành đô thị, khu trung tâm Đà Nẵng được hình thành từ khu vực thành Điện Hải và lân cận, nằm ở bờ Tây sông Hàn gần cửa sông nối ra vịnh Đà Nẵng.

Năm 1997, từ khi được nâng cấp thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng phát triển rất nhanh, dẫn đến việc quy hoạch không đáp ứng kịp nhu cầu. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2020, được Thủ tướng phê duyệt năm 2002, liên tục đứng trước áp lực phải thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát triển và thu hút đầu tư, nhiều lúc phải thực hiện quy hoạch chi tiết trước để lập dự án đầu tư, trong khi vẫn chưa có quy hoạch phân khu. Đây là giai đoạn phát triển nhanh, đem lại thay đổi lớn cho bộ mặt đô thị, nhưng lại tiềm ẩn nhiều bất ổn, do các quy hoạch rời rạc, chưa kết nối tốt với nhau theo một tổng thể chung.

Từ 2010 đến 2013, thành phố Đà Nẵng giao nhóm tư vấn Bắc Mỹ, gồm KTS Kathrin Moore và TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn làm đồng chủ nhiệm (*), nghiên cứu Điều chỉnh Quy hoạch Chung đến 2030, phối hợp với Viện Quy hoạch Đà Nẵng UPI. Đồ án được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, trên cơ sở pháp lý của Luật Quy hoạch 2009. Đồ án này điều chỉnh theo hướng tích hợp các loại quy hoạch đã và đang thực hiện trên địa bàn thành phố theo một tổng thể chung. Đặc biệt, đồ án đề xuất phát triển khu trung tâm nằm hai bên bờ Đông Tây của sông Hàn với các giải pháp: Phát triển quy hoạch nội thành trên khung sườn giao thông công cộng theo tư duy TOD (Transit Oriented Development), ưu tiên phát triển trong khu vực bán kính đi bộ từ trạm giao thông công cộng; tạo các đại lộ biển đa chức năng sầm uất thẳng góc với bờ biển; mở tuyến công cộng ra bờ biển cho các khu bờ biển bị tư nhân hóa; phát triển các tiền đề cho đô thị sân bay tương lai, bao gồm đề xuất đường hầm Đông Tây ngầm cắt ngang sân bay.

Từ 2018, đáp ứng với yêu cầu tích hợp các quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017, công ty Surbana Jurong (Singapore) nghiên cứu Điều chỉnh Quy hoạch chung đến 2030 – tầm nhìn đến 2045, bao gồm định hướng quy hoạch khu trung tâm TP, phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế (*) và Viện Quy hoạch Đà Nẵng UPI. Đồ án này vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 03/2021.

Các vấn đề chiến lược quan trọng trong việc định hướng quy hoạch và lập kế hoạch thực hiện quy hoạch khu trung tâm TP Đà Nẵng

Có thể nói, hai đồ án Điều chỉnh Quy hoạch Chung Đà Nẵng phê duyệt năm 2013 và 2021, đã tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khu trung tâm thành phố trong thời gian tới.

Trong cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng đã xác định Đà Nẵng hướng tới là đô thị loại đặc biệt trong tầm nhìn dài hạn là thành phố quốc tế, với mô hình phát triển đa cực. Việc trở thành đô thị loại đặc biệt là một tiềm năng lớn, đi kèm với nhiều thử thách mới cho Đà Nẵng, trong điều kiện quỹ đất hạn chế, chất lượng hệ thống hạ tầng chưa cao, mật độ xây dựng và mật độ dân cư thấp.

Do đó, trong việc định hướng quy hoạch và lập kế hoạch thực hiện quy hoạch khu trung tâm Thành phố Đà Nẵng sắp tới, cần lưu ý các vấn đề chiến lược quan trọng sau:

Tăng quy mô Khu Trung tâm

Khu trung tâm của Đà Nẵng (diện tích hiện nay chỉ có 631 ha) cần tăng diện tích, để tương xứng hơn với nhu cầu phát triển thành một trong ba đô thị đặc biệt của cả nước, với quy mô không quá cách biệt khi so với khu trung tâm hai đô thị đặc biệt còn lại: Khu Trung tâm Hà Nội bao gồm bốn quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, và Hai Bà Trưng) và quận Trung tâm hành chính mới (Tây Hồ) với tổng diện tích 5910 ha, còn Khu Trung tâm TP HCM bao gồm Khu Trung tâm hiện hữu bờ Tây sông Sài Gòn (930 ha) và Khu Trung tâm mới Thủ Thiêm (730 ha).

Quy hoạch chung Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được phê duyệt, có phần nghiên cứu minh họa thiết kế Đô thị Khu vực trung tâm thành phố trong ranh giới diện tích khoảng 631 ha (Hình 1), xác định bởi đường Hoàng Diệu – Ông Ích Khiêm – Đống Đa – công trình cầu vượt sông Hàn –Vân Đồn –Trần Thánh Tông – Vương Thừa Vũ – Võ Nguyên Giáp ven Biển Đông – Nguyễn Văn Thoại – cầu Trần Thị Lý – Duy Tân. Ranh giới này có diện tích khá thấp khi so với quy mô cần có của khu trung tâm đô thị đặc biệt. Do hiện nay, đây vẫn chưa được xem là ranh giới chính thức của khu trung tâm trong quyết định phê duyệt quy hoạch chung, do đó vẫn có thể điều chỉnh khi khai triển quy hoạch chi tiết.

Trên thực tế, theo tầm nhìn dài hạn đến 2050 và xa hơn, Khu Trung tâm thành phố cần phải tích hợp luôn Khu Trung tâm phía Đông của Khu Đô thị Sân bay Đà Nẵng, tạo thành chuỗi năm thành phần khu trung tâm theo hướng Đông Tây, kết nối với nhau thuận tiện bằng giao thông công cộng. Điều này phù hợp với tư duy mới về quy hoạch khu đô thị sân bay, với tiềm năng chỉnh trang khu vực giáp ranh với lối vào nhà ga hàng không trở thành khu trung tâm đa chức năng hấp dẫn, như các điển cứu quy hoạch đô thị sân bay có thể tham khảo trên thế giới (Amsterdam, Singapore, …)

Như vậy, ranh giới Khu vực trung tâm thành phố có thể điều chỉnh mở rộng hơn, theo giới hạn bởi: Ranh phía Đông giáp Sân bay Quốc tế Đà Nẵng – Lê Độ – Ranh phía Bắc giáp Vịnh Đà Nẵng – công trình cầu vượt sông Hàn – Vân Đồn -Trần Thánh Tông – Vương Thừa Vũ – Võ Nguyên Giáp ven Biển Đông – Nguyễn Văn Thoại – cầu Trần Thị Lý – Duy Tân (Hình 1 và 2). Trong tương lai xa hơn, Khu Trung tâm TP sẽ tiếp tục mở rộng thêm khu đất phía Nam, giới hạn bởi: Ranh ven biển phía Đông – Nguyễn Văn Thoại – cầu Trần Thị Lý – Duy Tân – Ranh giáp Sân bay Quốc tế Đà Nẵng – Nam giáp bờ sông Cẩm Lệ – cầu Tiên Sơn – Hồ Xuân Hương (Hình 1 và 2).

Hình 2 – Tầm nhìn dài hạn cho Khu Trung tâm TP Đà Nẵng: (1) Khu Trung tâm Hành chính (Civic Center); (2) Khu Trung tâm Dịch vụ thương mại CBD; (3A-B ) Khu Trung tâm Ven biển; (4A) Khu Trung tâm Đô thị Sân bay Đà Nẵng; (5A) Khu Trung tâm Vịnh Đà Nẵng; (5B) Khu Trung tâm Nam Sông Hàn (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn, 2021, vẽ trên nền bản vẽ của SJ & UPI)

Trong ranh giới Khu Trung tâm mới này, cần lưu ý:

  • Nên phối hợp việc xây dựng mới trên các khu đất tiềm năng chưa phát triển, với việc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu (cải tạo giao thông và hạ tầng, cải tạo công trình hiện hữu và bổ sung các chức năng công cộng và dịch vụ thương mại) để đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất, chứ không nên giải tỏa diện rộng theo cách duy ý chí.
  • Để đảm bảo việc phát triển hài hòa các khu vực gần sân bay, cần tiến hành quy hoạch đô thị song hành quy hoạch sân bay.
  • Không nên xóa bỏ ga đường sắt cũ để đấu giá chuyển thành đất ở như một số đề xuất, mà nên chỉnh trang thành một khu đô thị ga metro trung tâm, với các dịch vụ thương mại đa chức năng bao quanh công trình trung tâm giao

thông công cộng, gồm các tuyến xe buýt nối vào một ga metro chính trong hệ thống metro tương lai của Đà Nẵng (có thể tham khảo mô hình khu vực Ga trung tâm Grand Central Terminal của thành phố New York).

Định hướng 5 thành phần quy hoạch Khu trung tâm TP Đà Nẵng với tầm nhìn dài hạn

Cụ thể, khu Trung tâm thành phố từ phía Tây sang Đông sẽ gồm năm thành phần, kết nối các khu vực điểm nhấn với bản sắc đa dạng, phù hợp với điều kiện thiên nhiên của sông nước, biển cả, và núi non của Đà Nẵng thành một tổng thể thống nhất:

  • (1) Khu Trung tâm Hành chính (Civic Center) ở bờ Tây sông Hàn, được chỉnh trang và phát triển từ khu trung tâm hiện hữu, với các điểm nhấn là Trung tâm Hành chính, Thành Điện Hải, các bảo tàng, các công trình văn hóa lịch sử, chợ, các cao ốc khách sạn và văn phòng, khu dịch vụ thương mại,… bao quanh Quảng trường Thành phố, kết nối với chuỗi các công trình dịch vụ – thương mại – du lịch ven hai bờ sông Hàn chạy theo hướng Bắc Nam.
  • (2) Khu Trung tâm Dịch vụ thương mại CBD (Central Business District), ở bờ Đông sông Hàn, là nơi tập trung các cao ốc kinh tế tài chính và văn phòng cao tầng chính của thành phố, các khu dịch vụ thương mại, khách sạn,… bao quanh quảng trường quốc tế, với điểm nhấn là khu trung tâm cao tầng mới, được chỉnh trang phát triển từ khu công nghiệp An Đồn cũ. Đây sẽ là khu đô thị 24/7, nơi tập trung các hoạt động giao thương hội nhập quốc tế của Đà Nẵng.
  • (3A) Khu Trung tâm Du lịch biển với Quảng trường công viên biển Đông và các công viên dọc theo bờ biển, là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội du lịch, đối trọng với khu trung tâm Đô thị Sân bay về phía Tây, và nối liền các Đại lộ Trung tâm theo hướng Đông Tây. Khi chỉnh trang phát triển Khu (3B) ở giai đoạn sau, cần lưu ý việc quy hoạch đường Hồ Xuân hương thành Đại lộ dịch vụ thương mại nối thẳng ra bờ biển công cộng.
  • (4A) Khu Trung tâm Đô thị Sân bay Đà Nẵng bao gồm các chức năng logistic hàng không, dịch vụ thương mại, khách sạn, khu nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng và nhóm công trình dịch vụ thương mại trung tâm trong và ngoài sân bay, kết nối thuận tiện với ga đường sắt cao tốc, bến xe, bãi xe,…
    Khu vực phía Đông (4A) thuộc Khu Trung tâm Thành phố, kết nối vào khu nhà ga hành khách quốc tế và quốc nội. Đây là khu trung tâm thấp tầng (để phù hợp với yêu cầu của sân bay) và sầm uất (phát triển dịch vụ thương mại đa chức năng theo nguyên tắc đô thị sân bay), đồng thời cũng là cửa ngõ đường hàng không dẫn vào thành phố lẫn khu trung tâm.
    Khu phía Tây (4B) không thuộc Khu trung tâm thành phố, nhưng vẫn cần gắn kết chặt chẽ với khu (4A) tạo thành cụm đô thị dịch vụ sân bay phía Tây, với các chức năng dịch vụ thương mại và các dịch vụ logistic vận chuyển hàng hóa đường hàng không. Trong tương lai, Khu 4B có thể bố trí thêm nhà ga phụ phía Tây, có đường xe điện ngầm nối với nhà ga chính phía Đông của khu 4A, và nối với Bến xe ở khu (6) để giúp giảm tải giao thông ra vào khu vực 4A.
  • (5A) Khu Trung tâm Vịnh Đà Nẵng bao gồm: Khu đô thị mới lấn biển Đa phước và khu chỉnh trang. Đây là khu đô thị điểm nhấn chính của Vịnh Đà Nẵng và cửa sông Hàn.
  • (5B) Khu Trung tâm Nam Sông Hàn: Đây là khu đô thị với điểm nhấn là Khu Công viên giải trí và thể dục thể thao nằm phía Nam sông Hàn.
Hình 3 – Tổ chức Khu Trung tâm Đô thị Sân bay 1A như thành phần phía Tây của Khu Trung tâm thành phố Đà Nẵng (Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn, 2021)

Kết nối Khu trung tâm đa cực

Năm khu trung tâm nói trên cần được tổ chức nối kết giao thông thuận tiện, bao gồm giao thông công cộng trực tiếp nối các thành phần khu trung tâm với nhau, và với các khu trung tâm đô thị khác của thành phố, đặc biệt là với hai khu vực cửa ngõ Khu Trung tâm (Hình 2):

  • (7) Khu Đô thị Ga đường sắt Cao tốc ở phía Tây, bao gồm các chức năng logistic giao thông hành khách đường sắt, dịch vụ thương mại, khách sạn, khu nhà ga. Đây có thể xem là khu cửa ngõ đường sắt và đường bộ (đường cao tốc và quốc lộ) của Khu trung tâm.
  • (8) Khu Đô thị Cảng Tiên Sa bao gồm các chức năng logistic giao thông hành khách đường thủy, dịch vụ thương mại, khách sạn, khu nhà ga tàu du lịch quốc tế (cruise ship), bến du thuyền, bến thuyền du lịch và taxi đường thủy. Đây có thể xem là khu cửa ngõ đường thủy của khu trung tâm.

Tổ chức Hai tuyến đại lộ quan trọng nhất của Khu trung tâm

Khu Trung tâm TP Đà Nẵng cần khơi thông các loại hình giao thông đa dạng và thông thoáng, điều hành thông minh tránh ách tắc, đặc biệt lưu ý hai tuyến đại lộ huyết mạch quan trọng nhất trong khu vực:

  • (a) Trục Đại lộ biển Điện Biên Phủ – Lê Duẩn – Cầu sông Hàn – Phạm Văn Đồng là một trục trung tâm quan trọng nhất theo hướng Đông Tây, không những nối liền chuỗi năm khu Đô thị Trung tâm nói trên, mà còn nối trực tiếp đến các đầu mối hạ tầng ga đường sắt, ga metro, và bến xe;
  • (b) Trục Quốc lộ 14B – Đường AH17 theo hướng Bắc Nam, nối Khu trung tâm với Khu đô thị cảng Tiên Sa ở phía Bắc với khu du lịch ven biển ở phía Nam và với Hội An.
Tổng mặt bằng Khu công nghệ cao

Quy hoạch hai tuyến đại lộ này cần có quy hoạch thiết kế đô thị với lộ giới rộng, đảm bảo nhu cầu giao thông xe và giao thông công cộng, đặc biệt xe buýt, với quản lý giao thông thông minh đáp ứng mật độ giao thông cao, kết hợp với việc quy hoạch kiến trúc và cảnh quan, tạo nên bộ mặt đại lộ trung tâm xứng tầm.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)

Xem thêm:


Tài liệu Tham khảo

  • Kathrin Moore. 2010. Sự độc đáo của Nơi chốn có Giá trị To lớn nếu được Nhận diện để Duy trì và Cải thiện nó. TCKT số 183 – 7 / 2010. Pp.20-21. Hội KTS Việt Nam.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2010. Bản sắc Quy hoạch và Kiến trúc của Đà Nẵng và Huế: Thử thách và Cơ hội. TCKT số 183 – 7 / 2010. Pp.15-19. Hội KTS Việt Nam.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2013. Không gian đô thị Đà Nẵng trong thế kỷ XXI. Tạp chí Kiến trúc – số 214 – 2013.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2017. Tầm nhìn 100 năm Phát triển Đà Nẵng – Một Thành phố Toàn cầu. Tạp chí Kiến trúc số 3 – 2017. Hội KTS Việt Nam.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2019. Định hướng Chiến lược Quy hoạch Tổng thể Khu vực Ven biển và Ven sông của đô thị biển Đà Nẵng. Kỷ yếu Hội thảo: Không gian Kiến trúc Cao tầng Ven biển – Tầm nhìn và Giải pháp. Pp.11-15. Hội KTS Việt Nam.
  • Ngô Viết Nam Sơn. 2019. Những vấn đề chiến lược trong phát triển khu đô thị sân bay tại Đà Nẵng. Tạp chí Kiến trúc số 02-2019. Hội KTS Việt Nam
  • Thanh Giang. 2021. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đà Nẵng sẽ là thành phố đặc biệt. Báo Nhân dân 01-03-2021.
  • Thủ tướng Chính phủ. 2002. Quyết định Số: 465/2002/QĐ-TTg, ngày 17 tháng 06 năm 2002 , v/v Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Chung Thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.
  • Thủ tướng Chính phủ. 2013. Quyết định Số: 2357/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 12 năm 2013, v/v Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Chung Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Thủ tướng Chính phủ. 2021. Quyết định Số: 359/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 3 năm 2021, v/v Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  • UBND TP Đà Nẵng. 2018. Điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể Phát triển Kinh tế – Xã hội Thành phố Đà Nẵng đến Năm 2020, Tầm nhìn đến Năm 2030.
  • UBND TP Đà Nẵng. 2020. Thuyết minh – Điều chỉnh Quy hoạch Chung Thành phố Đà Nẵng đến Năm 2030, Tầm nhìn đến Năm 2045.

The post Tầm nhìn tổng thể tương lai Khu Trung tâm TP Đà Nẵng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3wUIKRe
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét