Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Khách sạn Hải An và góc Cafe Firgun

Khách sạn Hai An là một trong những biểu tượng kiến trúc mới của TP Đà Nẵng, với sự đầu tư tương đối chỉn chu về mặt thiết kế. Được mở cửa chào đón khách vào cuối năm 2020, khách sạn đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghề Kiến trúc, khách du lịch và được đánh giá là điểm sáng về mặt kiến trúc cũng như kinh tế của Đà Nẵng.

Công trình nằm trên con phố Bạch Đằng – Nơi vốn là tuyến giao thương của các lái buôn đường thủy xưa, với những hàng quán xiêu vẹo dọc bờ sông Hàn đầy cỏ. Nhưng trong vài thập kỷ trở lại đây, với sự chuyển mình mạnh mẽ của Đà Nẵng, tuyến đường này đã có sự thay da đổi thịt đáng ghi nhận, trở thành tuyến phố sầm uất và đắt đỏ nhất như hôm nay.

Cũng chính sự thay đổi này, những con đường xích lô, ba gác máy, những ụ than và củi khổng lồ bỗng trong chớp mắt được thay thế bằng các nhà hàng, những quán cafe “sang chảnh”, những toà nhà chọc trời lấp lánh đắt đỏ. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc tổng thể, trục đường vẫn chưa có những đổi mới đáng kể với những thiết kế đột phá mang tính sáng tạo trong 2 thập kỷ phát triển cho đến khi khách sạn Hải An Riverfront mọc lên như một trong những điểm nhấn của thành phố, đem đến một tầm nhìn đa dạng hơn, tươi trẻ hơn cho người dân Đà Nẵng.
Khách sạn Hải An lấy cảm hứng thiết kế từ một tổ ong rừng giữa phố. Công trình hiện lên trong bức tranh đa sắc màu có phần chen chúc của kiến trúc Đà Nẵng như 1 gam màu mới tươi trẻ và mạnh mẽ và có “gout” hơn.

Dưới sức ép của công năng sử dụng, đa số các công trình kiến trúc hiện nay vẫn đang cố gắng tối đa hoá từng mm đất để nới rộng không gian sử dụng của mình mà quên mất sự hài hoà của bản thân công trình đối với đô thị mới là điều quan trọng. Vậy nên khi thiết kế khách sạn Hải An, nhóm KTS Châu Trần đã có một cách tiếp cận không “biên giới” với không gian xung quanh mình. Các ô “tổ ong” theo tiết tấu được lấp đầy bằng những mảng xanh của hoa giấy và phát tài núi để không những tạo cảm giác thân thiện hơn cho một hình khối mạnh mẽ và có phần thể hiện sự uy quyền – dominating – bên dòng sông Hàn đồng thời còn làm cho tầm nhìn ra thành phố của người lưu trú có thêm phần lãng mạn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là về mặt thiết kế đô thị, “Tổ ong” Hải An, mặc dù có hình khối mạnh mẽ, nhưng lại hài hòa với đô thị một cách duyên dáng nhờ vào sự kết nối mảng xanh ở nhiều tầng bậc và cao trình.

Khu vực Cafe Firgun được kết hợp giữa các không gian xanh và thô mộc tại khối đế của công trình – Những khoảng rỗng chứa đựng nắng gió và mảng xanh cho người sử dụng.

“Thiên nhiên luôn có những cách hoàn thiện không gian theo cơ chế riêng của nó. Theo thời gian, với sự đủ đầy của nắng và gió, của tình cảm dành cho thiên nhiên của chủ đầu tư, những màu xanh của tre, của thằn lằn, của những bụi chuối sẽ kết nối và hoàn thiện việc liên kết những mảng lập thể để tạo thêm một điểm nhấn xanh hơn giữa lòng Đà Nẵng.” – KTS Thiết kế chia sẻ.

Ở tỷ lệ tầm vóc của con người, Cafe Firgun mang đến không gian kết nối vật lý với người đi bộ qua 3 tầng không gian phân tách rõ ràng: trong nhà, hiên, ngoài nhà. Không gian chức năng của 3 khối này cũng vì vậy mà được phân chia theo thứ tự: không gian làm việc, không gian giao tiếp và không gian cafe nghỉ ngơi mang tính thư giãn.

Đan xen giữa các không gian ngoài trời là các hình khối lập thể bằng bê tông, bên trên trồng cây xanh.

Tính đón chào – inviting – còn được thể hiện rõ ở việc KTS mở các lối vào công trình từ khắp 2 trục đường chính xoá mờ đi giới hạn của sở hữu tư nhân và công cộng. Có nhiều hướng tiếp cận khác nhau để đến được với trái tim của cafe, nơi pha chế các loại đồ uống đa dạng và hấp dẫn.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)

The post Khách sạn Hải An và góc Cafe Firgun appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3gz96RF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét