Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình tổ chức, thực hiện đồ án quy hoạch chung của Đà Nẵng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Điều này biểu hiện rõ nhất ở sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao và các hiện tượng bất thường của thời tiết như: Bão, lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài…, dẫn đến những thiệt hại nặng nề về người, cơ sở hạ tầng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên… BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhất là sự xuất hiện dịch bệnh, khan hiếm hơn về lương thực, nước ngọt. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng. Theo các kịch bản BĐKH và nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng sẽ khoảng 1,9- 40C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng 5-20%, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 53-75cm (Bộ TN&MT, 2016). Những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất, cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất, thiệt hại về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Đối với TP Đà Nẵng, ngoài những biểu hiện biến đổi gia tăng về nhiệt độ, lượng mưa, các hiện tượng thời tiết cực đoan (siêu bão, lũ lụt,…), thành phố cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng có diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình hình bờ biển ở Đà Nẵng bị xâm thực xảy ra nhiều hơn. Sự đe dọa của mực nước biển dâng tác động đến cơ sở hạ tầng dọc bờ biển thường xuyên hơn. Mặt khác, với vị trí nằm ở hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn, Đà Nẵng dễ bị tổn thương trước những tác động của mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH biểu hiện rõ rệt.

Trước các nguy cơ, thách thức của BĐKH tác động tới mục tiêu phát triển bền vững, thành phố luôn nhận thức rõ tác động của BĐKH, coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có tính cấp thiết, trong đó, xây dựng, triển khai kế hoạch hành động ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, cùng với những định hướng phát triển không gian, những giải pháp để giải quyết vấn đề về môi trường, BĐKH trong thời gian tới cũng thể hiện khá rõ nét.

1. Hiện tượng biến đổi khí hậu và những thách thức về môi trường

1.1. Một số biểu hiện của BĐKH

  • Biểu hiện cực đoan về nhiệt độ: Trung bình năm, nền nhiệt độ ở Đà Nẵng đạt giá trị khoảng 25,9oC. Nhiệt độ trung bình ở TP Đà Nẵng thấp nhất vào tháng 1 với giá trị 21,5oC tiếp đến là tháng 12 với giá trị 22,2oC; cao nhất vào tháng 6 và tháng 7 (với giá trị 29,3oC), tiếp đến là tháng 8 với giá trị 29oC. Dữ liệu nhiệt độ trung bình tháng cho các thời kỳ 1961 – 2018 và 2008 – 2018 cho thấy: Thời kỳ 2008 – 2018 nhiệt độ trung bình cao hơn so với thời kỳ 1961 – 2018 từ 0,1 – 0,8oC; so sánh trung bình năm của 2 thời kỳ là tăng 0,3oC. Điều này chứng tỏ, những năm gần đây nhiệt độ có sự tăng lên là khá đáng kể.
Tình trạng nắng nóng, hạn hán năm 2013 tại Đà Nẵng
  • Về lượng mưa và các hiện tượng cực đoan liên quan: Mùa mưa ở khu vực Đà Nẵng kéo dài khoảng từ tháng 9 đến tháng 12. Tổng lượng mưa trong các tháng mùa mưa bằng khoảng 75 – 80% tổng lượng mưa năm.
Biểu đồ 1. Biến trình lượng mưa năm tại TP Đà Nẵng (ảnh trái), Biểu đồ 2. Số liệu vệ tinh đối với mực nước biển dâng tại khu vực biển Đà Nẵng
(ảnh phải)

Theo biểu đồ 1 cho thấy, lượng mưa cao nhất ở Đà Nẵng là vào tháng 10, với tổng lượng mưa tháng đạt giá trị 611,1mm, tiếp đến là tháng 11 với giá trị khoảng 437,6mm. Tháng 2 đến tháng 4, lượng mưa rất thấp, khoảng từ 23mm (tháng 2) đến 36,7mm (tháng 4). Diễn biến mưa các tháng trong 2 thời kỳ 1961 – 2018 và 2008 – 2018 có cùng xu thế. Tuy nhiên, các tháng có lượng mưa khá cao là tháng 9, 11, 12 của thời kỳ 2008 – 2018 cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Sạt lở khu vực biển Mỹ Khê Đà Nẵng (tháng 10/2021)
  • Về bão, áp thấp nhiệt đới: Tại Đà Nẵng, hàng năm có 2-3 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) ảnh hưởng và gây thiệt hại nặng nề. Trong lịch sử quan trắc, cơn bão gây ảnh hưởng nặng nề nhất là cơn bão Xangsane (2006). Theo thống kê: 59 người bị chết, 7 người mất tích do trận bão khủng khiếp này cũng như các trận lũ sau đó. Ngoài ra, khoảng 527 người bị thương, gần 16.000 nhà sập, hơn 250.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước, gần 579 tàu thuyền hư hại. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng. Bão Xangsane là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Đà Nẵng trong vòng 100 năm qua, và được liệt kê vào một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất tấn công vào đất liền Việt Nam trong lịch sử.
Ảnh hưởng của lũ lụt năm 2007 tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng (ảnh trái), Ảnh hưởng của bão Xangsane năm 2006 tại Đà Nẵng (ảnh phải)
  • Về nắng nóng, hạn hán: Đà Nẵng có nền nhiệt khá cao so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, đặc biệt nắng nóng xảy ra tương đối nhiều. Giai đoạn 1961 – 2018, số ngày nắng nóng trung bình năm là 46,8 ngày, trong đó có một số năm nắng nóng đạt trên 60 ngày/năm như các năm 1988, 1998, 2012, 2014 -2016; Số ngày nắng nóng gay gắt trung bình năm là 11,4 ngày và số ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt trung bình năm là 1,3 ngày. Trong khi đó, giai đoạn 2008 – 2018, số ngày nắng nóng trung bình năm là 52,4 ngày, số ngày nắng nóng gay gắt trung bình năm là 13,9 ngày và số ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt trung bình năm là 1 ngày. So với giai đoạn 1961 – 2008, giai đoạn này số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt trung bình năm cao hơn. Mỗi năm có 7-8 tháng khô hạn, trong giai đoạn 2008-2018, trung bình khoảng 8 tháng khô hạn. Số ngày không mưa liên tục lớn nhất có thể lên tới 225,5 ngày ở Đà Nẵng.
  • Về mực nước biển dâng: Từ số liệu vệ tinh và quan trắc tại trạm Sơn Trà cho thấy mực nước biển qua các năm đều tăng, mức tăng trung bình là 3,69mm/năm từ số liệu vệ tinh (tại biểu đồ 2) và tăng 2,55mm/năm từ số liệu quan trắc tại trạm Sơn Trà.

1.2. Những thách thức về môi trường

  • Về môi trường không khí: Theo số liệu quan trắc, tải lượng các chất ô nhiễm phát sinh từ phương tiện giao thông vận tải trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021-2030 có xu hướng tăng mạnh. Từ nay đến năm 2030, xe máy là phương tiện tham gia giao thông chính, là phương tiện giao thông phát thải ô nhiễm chủ yếu vào môi trường trên địa bàn thành phố, do đó cần có giải pháp quản lý, giảm sử dụng. Khí thải phát sinh từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 cho thấy thành phần ô nhiễm chính SO2, NO2 và bụi. Tỷ lệ lấp đầy bình quân ở một số KCN hiện nay vào khoảng 85%, trong đó đã có 02 KCN tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Do đó, thải lượng ô nhiễm khí thải đối với các KCN, CCN mới đầu tư trong thời gian tới cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thành phố (đô thị hóa mạnh mẽ) đã kéo theo sự gia tăng về “mức độ tiện nghi của cuộc sống” và các dịch vụ về năng lượng, do đó tăng mức tiêu thụ năng lượng tổng hợp đối với mỗi một dịch vụ và đặc biệt là điện lượng tương ứng với tỷ lệ tăng dân số. Tỷ lệ sử dụng các thiết bị điện lớn trong các hộ gia đình và nhiều công trình dịch vụ (khách sạn, trung tâm thương mại) đã tăng đáng kể. Theo kịch bản phát triển bình thường (BAU), mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là lĩnh vực dịch vụ.

  • Về môi trường nước: Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ tạo nên nhu cầu sử dụng nước lớn trong khi nguồn tài nguyên nước không thay đổi, dẫn đến nguồn nước bị suy giảm cả về chất lẫn lượng. Trong các nguồn thải đi vào hệ thống kênh mương, sông suối trên địa bàn thành phố thì nước thải công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ đóng góp tỉ lệ lớn nhất với tải lượng các chất ô nhiễm cao. Trong tương lai, nhiều dự án xử lý nước thải cần phải xây dựng để đạt được các mục tiêu trên. Nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ gia tăng đáng kể lưu lượng, tải lượng phát sinh của các KCNC, KCN, CCN trên địa bàn thành phố do có thay đổi về số lượng các KCN, CCN, diện tích, tỷ lệ lấp đầy quy mô sản xuất hoặc đầu tư mới.
  • Về chất thải rắn: Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, dự báo đến năm 2030, tổng dân số trên toàn thành phố từ 1,8 – 2,0 triệu người (bao gồm khách vãng lai), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 2.000 – 2.200 tấn/ngày, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh trung bình khoảng 700 tấn/ngày, các cơ sở y tế phát sinh khoảng 18 tấn/ngày chất thải rắn y tế, trong đó khoảng 2,5-3,0 tấn/ngày chất thải rắn y tế nguy hại cần xử lý. Như vậy, lượng chất thải rắn phát sinh trong tương lai là rất lớn, đặc biệt chất thải rắn công nghiệp và y tế với nhiều thành phần độc hại, có nguy cơ ô nhiễm, gây bệnh cao cần được phân loại và xử lý theo đúng quy định, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường.

2. Định hướng đồ án quy hoạch chung của thành phố giải quyết các vấn đề môi trường và thách thức của biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu phát triển, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, đồ án được Chính phủ thông qua đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Đà Nẵng trở thành phành phố cảng biển, đô thị quốc tế với vị trí hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Trở thành đô thị sinh thái hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được đảm bảo vững chắc. Theo đó, những định hướng quan trọng đảm bảo nền tảng cho một đô thị có khả năng thích ứng với BĐKH được hoạch định khá rõ nét:

  • Chú trọng vai trò của cảnh quan tự nhiên, tăng cường các giải pháp gìn giữ sự đa dạng sinh học, hài hòa với các chu trình tự nhiên. Trong quy hoạch lần này, chúng ta đã nhất quán với mục tiêu lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, cùng với các giải pháp kỹ thuật để gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Các yếu tố nhân tạo được tạo ra được gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên của thành phố. Trong các phân khu chức năng đã thể hiện rõ rệt. Ví dụ như: Sông Hàn là thành phần “lõi” của cấu trúc không gian đô thị; Bà Nà Núi chúa, dãy Hải Vân nam, Bán đảo Sơn Trà hay ngọn Ngũ Hành Sơn như là hệ thống vành đai bảo vệ và cũng chính là môi trường của hệ sinh thái tự nhiên rất đa dạng…hay các không gian mở hướng sông là những giải pháp kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp cho sự tiếp cận nguồn năng lượng tự nhiên, tăng cường diện tích xanh, vừa chính là tăng khả năng thích ứng với mưa lũ, vừa nuôi dưỡng hệ sinh thái trong lòng đất, làm tái sinh các mạch nước ngầm.
  • Xác định phát triển tối đa hệ thống không gian xanh trong đô thị cùng với những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh là cơ hội duy trì đa dạng hệ sinh thái. Tăng tỷ lệ bố trí các công viên ven sông, rặng cây phòng chống gió bão ven biển, khu cây xanh cách ly bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan và cải thiện điều kiện vi khí hậu, và quan trọng hơn là góp phần tăng khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH. Hay như, tổ chức và xác định quy mô các khu chức năng đô thị hợp lý; xây dựng các bãi đỗ xe tập trung hợp lý; dự án xe điện công cộng sẽ sớm được triển khai, và hàng loạt các giải pháp giao thông xanh góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, đáp ứng với mục tiêu giảm phát thải khí thải và bảo vệ môi trường; Định hướng các kế hoạch, giải pháp cụ thể xác lập tiêu chí “phát triển bền vững” ở mỗi khu vực, ngành và lĩnh vực, có sự đầu tư đáng kể theo hướng trọng tâm, trọng điểm, như: Giao thông xanh, Công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

3. Những kiến nghị, đề xuất góp phần ứng phó với BĐKH đảm bảo xây dựng thành phố môi trường hướng đến phát triển bền vững

Để thực hiện hiệu quả Đồ án quy hoạch đô thị thành phố trong thời gian tới, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, xây dựng mục tiêu trở thành “thành phố môi trường”, hướng tới thành phố sinh thái, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể trong quá trình thực thi Đồ án nói riêng, xây dựng và phát triển thành phố nói chung với các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, sớm triển khai, đầu tư đồng bộ các công trình, hạ tầng đô thị tích hợp với mục tiêu môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực sự chú trọng trong thiết kế đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và tính đến yếu tố phòng lũ, thích ứng với BĐKH, khai thác hiệu quả chức năng của các khu vực công viên, vùng ven sông, thảm cỏ,… để đảm bảo năng lực thích ứng với việc lũ lụt, ngập lụt đô thị. Nghiên cứu, sớm xây dựng các hướng dẫn/quy chuẩn về xây dựng công trình nhằm khuyến nghị áp dụng ở các khu vực trũng thấp, khu vực dễ bị tổn thương do bão, lũ.

Sớm thúc đẩy các kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động về nguồn nước, năng lượng trong mùa khô hạn. Chú trọng hạ tầng kỹ thuật an toàn ở các hồ chứa, đồng thời cũng phải lồng ghép quản lý, khai thác hiệu quả để dự phòng cấp nước đô thị. Tổ chức lập, công bố bản đồ vùng dễ bị tổn thương do khí hậu để cập nhật quy hoạch đô thị kịp thời, giảm các thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người. Đặc biệt là sự chung tay, quyết tâm nâng cao diện tích cây xanh trong đô thị và các khu vực ven sông, ven biển theo quy hoạch; tăng tỷ lệ trồng rừng kinh tế, tăng độ che phủ rừng. Đây cũng là những tiêu chí quan trọng của Đề án Xây dựng Đà Nẵng – thành phố mvôi trường cần đạt được.

Thứ hai, xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong cộng đồng, giáo dục, tuyên truyền ở cộng đồng, gắn với đặc điểm địa phương

Trước hết, đối với những khu vực dễ bị tổn thương do BĐKH (khu vực ven sông, ven biển, các khu vực nông nghiệp, công nghiệp ven đô thị, ….), cần xem xét thiết kế, ứng dụng các công trình, mẫu nhà cộng đồng đa năng để đảm bảo nơi trú tránh thiên tai (bão, mưa lớn, lũ,…) của cộng đồng, nhất là các khu vực huyện Hòa Vang, các quận ven biển; nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về BĐKH. Đồng thời, xây dựng, triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng năng lực dự phòng ứng phó với thiên tai, đảm bảo nhà xưởng, cơ sở vật chất có khả năng chống chịu với bão, lũ lụt, ổn định nơi ở an toàn của công nhân, người lao động; sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng dẫn lập kế hoạch ứng phó thiên tai, BĐKH tại cấp doanh nghiệp. Cần cập nhật, đổi mới chương trình, lồng ghép các nội dung về tác động và thích ứng với BĐKH trong dạy và học; phát triển hệ thống tư liệu, hình ảnh về tác động của BĐKH đối với đời sống sinh hoạt ở địa phương đó nhằm phục vụ hiệu quả, thiết thực về giáo dục, tuyên truyền.

Thứ ba, xây dựng năng lực, đầu tư nguồn lực cho các cấp, ngành chủ động ứng phó trước thiên tai, BĐKH và bảo vệ môi trường

Thiết nghĩ, cần xây dựng chính sách huy động các nguồn lực nhằm tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai đặc biệt đối với ngành y tế, trước, trong, sau thiên tai. Trong đó, tập trung xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai, thảm họa do BĐKH gây nên, đặc biệt là sau thiên tai. Đối với ngành nông nghiệp, cần chủ động cung cấp đủ và đảm bảo an toàn lương thực thực phẩm trong tình trạng thiên tai xảy ra; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong tưới tiêu, các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho cây trồng.

Ngoài ra, việc chú trọng triển khai các chương trình truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành động trong công tác quản lý và hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh hướng đến các công trình đảm bảo an toàn trước thiên tai, sử dụng năng lượng hiệu quả là một trong những yếu tố cần thiết; tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng, áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là sự phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực quản lý rủi ro về y tế và diễn tập các tình huống khẩn cấp trong bối cảnh BĐKH. Ưu tiên cho những khu vực dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cảnh báo dịch bệnh trong công tác điều hành ứng phó khẩn cấp các trường hợp thiên tai xảy ra.

Có thể nói, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045 là một bước khởi đầu quan trọng, là cơ sở nền tảng để tổ chức xây dựng, kiến thiết nên một “thành phố môi trường”, “thành phố sinh thái” trong tương lai. Các giải pháp quy hoạch đã được thực hiện nghiên cứu công phu, khoa học, tích hợp nhiều lĩnh vực, lồng ghép giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường, ứng phó với BĐKH của thành phố. Việc triển khai thực hiện Đồ án là một nhiệm vụ rất lâu dài, nhiều thách thức, cần có sự đầu tư đồng bộ, quyết tâm, phải có tính kế thừa. Và quan trọng hơn hết là cần có sự tích cực, chủ động, chung tay của các cấp, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố trong tình hình BĐKH và thích ứng với BĐKH như hiện nay. Như vậy, nền tảng, cơ sở chúng ta đã có, câu chuyện còn lại là biến mục tiêu thành hành động, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, đồng thuận, quyết tâm để dần tiệm cận đến việc thích ứng với BĐKH và xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường trong tương lai không xa.

TS.KTS Tô Văn Hùng/ Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)

Xem thêm:

The post Thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình tổ chức, thực hiện đồ án quy hoạch chung của Đà Nẵng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2SOrLRN
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét