Đó là một trong những phát biểu nổi bật của TS. KTS. José-Luis Cortès (Mexico), tân Chủ tịch Liên hiệp Hội KTS Thế giới UIA (nhiệm kỳ 2021 – 2023) vừa được bầu tại Đại hội KTS Thế giới lần thứ 27 (UIA 2021) diễn ra từ ngày 18 – 22/7/2021 vừa qua tại Rio de Janeiro, Brazil theo hình thức trực tuyến. Với sự tham gia của hơn 85.000 người tham dự từ 190 quốc gia trên khắp thế giới. Đây là năm đầu tiên đại hội được tổ chức dưới hình thức này.
Đại hội KTS Thế giới là sự kiện lớn nhất thế giới về kiến trúc và đô thị, được tổ chức bởi Liên minh KTS Quốc tế (UIA) từ năm 1948, Đại hội KTS Thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Brazil. Đây là nơi gặp gỡ đặc biệt của các chuyên gia và các nhà lãnh đạo để cùng trao đổi về tương lai ngành Kiến trúc, các lĩnh vực liên quan trong sự phát triển của các thành phố trong tương lai.
Đại hội KTS thế giới lần thứ 27 quy tụ những tên tuổi nổi bật nhất trong lĩnh vực kiến trúc và đô thị để cùng tổng hợp, phân tích bức tranh toàn cảnh toàn cầu và các vấn đề địa phương, đặc biệt là các vấn đề y tế công cộng, cùng đưa ra các đề xuất và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, vì một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Trong 6 ngày diễn ra đại hội đã có nhiều hoạt động hấp dẫn với sự tham gia của 20 diễn giả chính, 12 phiên họp, 30 toạ đàm và nhiều nội dung nghiên cứu khác. Đặc biệt, tại ngày cuối diễn ra đại hội 22/7/2021 đã diễn ra lễ một số nội dung như Lễ trao Giải thưởng UIA và Huy chương vàng UIA 2021; Lễ Chuyển giao lá cờ của Đại hội KTS Thế giới, danh hiệu Thủ đô Kiến trúc Thế giới 2023 và chọn ra Thủ đô Kiến trúc Thế giới 2026. Cũng trong kỳ đại hội lần này, Hội đồng Liên minh KTS Quốc tế đã bầu TS. KTS. José-Luis Cortès (Mexico) làm Chủ tịch của UIA nhiệm kỳ 2021-2023.
Sérgio Magalhães – Chủ tịch, Ủy ban điều hành Đại hội KTS Thế giới lần thứ 27 chia sẻ : “Đại hội KTS Thế giới lần này đã để lại những giá trị rất lớn, trong đó có nhận thức về thành phố tốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, văn hóa, kinh tế và công nghệ. Các KTS và các nhà quy hoạch đô thị ngày nay cần những nền giáo dục và thế giới quan đa ngành và nhân văn. Và UIA 2021 đã có thể thúc đẩy điều này: Chúng tôi đã gieo một hạt giống rất quan trọng cho việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.”
Đôi nét về Tân chủ tịch UIA (nhiệm kỳ 2021 – 2023) – TS. KTS. José-Luis Cortès (Mexico):
TS. KTS José-Luis Cortès tốt nghiệp Học viện Công nghệ Monterrey, Mexico, lấy bằng sau đại học về Quy hoạch đô thị ở Copenhagen, Đan Mạch và tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Hoa Kỳ. Ông là Chủ tịch trước đây của Liên đoàn các trường đại học kiến trúc của Cộng hòa Mexico (FCARM) (2017-2018) và hiện là Thành viên Hội đồng UIA cho Khu vực III.
Ông dạy quy hoạch đô thị tại Đại học Autónoma Metropolitana Campus Xochimilc và tại Đại học Iberoamerica, nơi ông đứng đầu Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng ở Ấn Độ, Nhật Bản và Thụy Điển. José-Luis Cortés đã thực hiện các dự án kiến trúc và quy hoạch đô thị cho nhiều trung tâm thành phố lịch sử và là tác giả của nhiều ấn phẩm về nhà ở và quy hoạch đô thị. Ông đã nhận được danh hiệu danh dự chính thức từ chính phủ Tây Ban Nha và Nhật Bản.
TS. José-Luis Cortès nhiệt thành tin tưởng rằng: “UIA có thể và nên chứng minh cho xã hội thấy rằng kiến trúc tốt có tiềm năng cải thiện chất lượng cuộc sống, và, việc thiết kế các TP lành mạnh, bền vững, an toàn, hòa nhập, bình đẳng, đa dạng, nhân văn và xinh đẹp sẽ mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người”.
Thành phố Copenhagen (Đan Mạch) giành được danh hiệu Thủ đô Kiến trúc Thế giới 2023 và trở thành đơn vị đăng cai Đại hội Kiến trúc sư Thế giới lần thứ 28
Thành phố Copenhagen đã chính thức được Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay chỉ định là Thủ đô Kiến trúc Thế giới vào năm 2023, theo khuyến nghị của Đại hội đồng Liên minh Kiến trúc sư Quốc tế ( UIA). “Danh hiệu Thủ đô Kiến trúc Thế giới được trao cho Rio de Janeiro 4 năm trước đã chứng tỏ sự thành công thực sự, nó nhấn mạnh vai trò quan trọng của quy hoạch đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch”, Chủ tịch UNESCO lưu ý và nói thêm rằng “Copenhagen sẽ xây dựng tiếp nối dựa trên những thành tựu của Rio, bằng cách tiếp tục thể hiện con đường nào trong kiến trúc và văn hóa có thể ứng phó với những thách thức của thời đại chúng ta, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường.” Với tư cách là Thủ đô Kiến trúc Thế giới vào năm 2023, Copenhagen sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Kiến trúc sư Thế giới lần thứ 28 với một loạt các sự kiện và chương trình lớn, lấy chủ đề “Tương lai bền vững – Không để ai phía sau”.
Sau Copenhagen, Barcelona (Tây Ban Nha) được vinh danh là Thủ đô Kiến trúc Thế giới vào năm 2026
Sau Copenhagen và Rio de Janeiro, Barcelona đã trở thành Thủ đô Kiến trúc thế Thế giới 2026 do UIA và UNESCO bình chọn. Trước đó, Barcelona và Bắc Kinh đều là ứng cử viên cho danh hiệu Thủ đô Kiến trúc Thế giới2026, nhưng thành phố đã chiến thắng đấu thầu với tên gọi “Một hôm nay, một ngày mai”, khám phá cách tiếp cận của thành phố đối với tính bền vững và tương lai của môi trường xây dựng.
Kết quả giải thưởng UIA 2021 của Liên hiệp Hội KTS Thế giới
Tại đại hội lần này, Liên hiệp Hội KTS Thế giới đã trao tặng Huy chương vàng và năm giải thưởng khác cho những KTS xuất sắc, có nhiều đóng góp với nền kiến trúc thế giới trong những năm gần đây.
Huy chương vàng Giải thưởng UIA 2021
Được trao tặng cho Cố KTS người Brazil – Paulo Mendes da Rocha, ông đã qua đời vào ngày 23/5/2021 vì bệnh ung thư phổi. Những công trình vượt thời gian của ông đã để lại rất nhiều dấu ấn trong lĩnh vực kiến trúc. Ban giám khảo đánh giá cao sự táo bạo của Mendes da Rocha, bởi những tác phẩm của ông đã nâng kiến trúc lên một tầm cao mới của kĩ thuật. Đồng thời, tác phẩm của ông cũng mang đậm sự toàn vẹn về mặt cá nhân cũng như xã hội, được phản ánh qua những nét căn bản thuộc về nền tảng văn hóa quê hương ông.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2021/09/21A08053-3-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2021/09/21A08053-4-380x247.jpg)
Giải Robert Matthew về thiết kế bền vững và nhân văn – KTS Francis Kéré
Ban giám khảo trao giải thưởng này cho KTS người Burkina Faso – Francis Kéré, vì đã hiện thực hóa được tầm nhìn tưởng như quá không tưởng và thực dụng. Việc sử dụng các kĩ thuật xây dựng địa phương một cách sáng tạo và sự nhạy cảm đối với văn hóa và cộng đồng minh chứng cho sự tôn trọng của ông đối với những giá trị nền tảng cũng như kiến trúc bền vững cho con người.
Giải Jean Tschumi về phản biện kiến trúc – KTS Doğan Kuban
Giải thưởng được trao tặng cho Nhà sử học kiến trúc, chuyên gia bảo tồn người Thổ Nhĩ Kì – Doğan Kuban, một “người khổng lồ thầm lặng” trong lĩnh vực học thuật kiến trúc, bảo tồn và khôi phục. Những công trình của ông tập trung vào di sản kiến trúc phong phú ở Istanbul, Kazakhstan, và Turkmenistan. Trong suốt cuộc đời của mình, Kuban đã sáng tác ra hơn 70 tác phẩm góp phần giới thiệu sự hoành tráng và phức tạp của kiến trúc khu vực Thổ Nhĩ Kì, Hồi giáo, và Anatolia đến với thế giới. Ông đã tạo ra một nguồn tài nguyên vô giá, truyền cảm hứng cho vô số học giả cũng như kiến trúc sư tương lai.
Giải Auguste Perret về ứng dụng công nghệ – KTS Anupama Kundoo và KTS Rudy Ricciotti
Đây là lần đầu tiên hội đồng giám khảo trao giải thưởng này cho hai KTS người Ấn Độ – Anupama Kundoo (Vì sự đổi mới của bà trong việc sử dụng kĩ thuật xây dựng địa phương, tìm nguồn cung ứng vật liệu, cũng như những quy KTS người Pháp – Rudy Ricciotti cho khả năng sử dụng bê tông thuần thục và sự linh hoạt đáng kinh ngạc về kiểu dáng, gợi nhớ đến chính Auguste Perret.
Giải Patrick Abercrombie cho Quy hoạch và Thiết kế đô thị – KTS Joan Busquets I Grau
Hội đồng giám khảo quyết định trao giải này cho Nhà quy hoạch, KTS kiêm GS người Tây Ban Nha – Joan Busquets I Grau để ghi nhận tác động xã hội trên quy mô toàn cầu của công trình của ông, đặc biệt là tầm nhìn trong dự án tái tạo đô thị ở vùng Trung tâm cũ của quê hương ông, Barcelona, trong những năm cuối thập niên 80. Đến tận ngày nay, đây vẫn được coi là một dự án xuất sắc, tạo ảnh hưởng đặc biệt lâu dài cho lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng như truyền cảm hứng cho những nhà quy hoạch và thiết kế đô thị của thế hệ tương lai.
Giải Vassilis Sgoutas cho việc áp dụng kiến trúc vào cải thiện đời sống ở các vùng miền có đời sống thấp
Giải thưởng này được trao cho 3 nhóm KTS:
- Cặp vợ chồng người Úc – KTS David Kaunitz và KTS Ka Wai Yeung nhận giải cho sự tận tâm của họ dành cho thiết kế sáng tạo và công trình bền vững, dự án được thực hiện với sự tham gia của người dân địa phương.
- KTS người Nam Phi – KTS Nadia Tromp, được trao giải vì ý thức sâu sắc về cộng đồng dựa trên những giải pháp thiết kế đơn giản và thiết thực, tạo ra những giá trị giúp nâng cao phẩm giá con người cũng như thúc đẩy sự gắn kết tập thể.
- KTS người Trung Quốc – KTS Jiansong Lu, người có cách tiếp cận thực tiễn và thanh lịch đối với những công nghệ kiến trúc hiện đại, đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người tộc Huayao, Trung Quốc, một dân tộc thiểu số sống ở vùng núi Xuefeng thuộc địa phận tỉnh Hồ Nam.
Giải Danh dự
Ngoài 6 giải thưởng lớn, ban giám khảo trao hai giải Danh dự cho KTS người Ấn Độ – Brinda Somaya, người đã áp dụng triết lý “KTS có vai trò như người giám hộ” cho các công trình kiến trúc, bảo tồn và trùng tu của bà; và nhóm KTS người Ba Lan – Biuro Projektów Lewicki Łatak, đã tạo ra không gian đảm bảo lợi ích cho cả những người khuyết tật một cách vừa chu đáo vừa thiết thực.
Thu Vân (Tổng hợp)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)
The post Đại hội Kiến trúc sư Thế giới lần thứ 27: “Kiến trúc góp phần xây dựng thế giới tốt đẹp hơn” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3CapLEo
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét