KTS Nguyễn Công Hiệp sinh năm 1986 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp ngành Kiến trúc Công trình – Đại học Kiến trúc Hà Nội và hiện nay là Giảng viên bộ môn Lịch sử kiến trúc – Khoa Kiến trúc – ĐH Kiến trúc Hà Nội. Nhiều năm miệt mài với ước mơ xây dựng Thư viện của giới KTS, cho đến nay CA’ Library (tiền thân là Thư viện 303 – còn gọi là Thư viện CA’) do anh thành lập đã trở thành một trong những thư viện cộng đồng sách kiến trúc đầu tiên của giới KTS xây dựng theo mô hình kết nối mở và nhận được nhiều sự quan tâm, biết đến của cộng đồng kiến trúc, với hơn 4000 đầu sách và tạp chí về kiến trúc, nghệ thuật. …
PV: Chào anh, là người tiên phong trong việc xây dựng các Thư viện Kiến trúc – Nghệ thuật kết nối mở cho KTS, anh có thể chia sẻ những hoạt động chính của CA’ Library trong thời gian qua?
KTS Nguyễn Công Hiệp: Như bạn đã biết, thời gian qua, CA’ Library đã là một phần và gắn với những hoạt động của Agohub, một cộng đồng kiến trúc – xây dựng với nhiều hoạt động tích cực và sáng tạo. Thư viện đã không ngừng tìm kiếm hợp tác trong và ngoài nước. Hiện tại CA’ Library là thành viên thứ 12 của Vietnam Local Library Network – Mạng lưới các thư viện địa phương tại Việt Nam. Thư viện đã liên kết, hỗ trợ nhiều đơn vị xây dựng giá sách, thư viện của riêng mình; cho mượn sách dài hạn ở nhiều điểm như: Phòng đọc Khoa Kiến trúc – ĐH Kiến trúc Hà Nội, Thư viện Heritage Space, Trung tâm thông tin TOTO, 282 Factory, CUA Library, Viện UAI – ĐH Xây dựng, … CA’ Library cũng hỗ trợ các đơn vị, CLB sinh viên thực hiện nhiều triển lãm kiến trúc có chất lượng tốt về chuyên môn như Triển lãm KTS Tadao Ando, Triển lãm “40 nhà ở của Le Corbusier”, Triển lãm “Unorthodox 87-92”, Triển lãm “Diễn họa phục vụ giảng dạy Lịch sử Kiến trúc – KTS. Đoàn Khắc Tình” … cũng như tích cực tham gia giới thiệu thư viện tại các triển lãm: Triển lãm các ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam lần thứ I, Triển lãm We Do, Triển lãm Hanoi Architects, Play time Festival Ho Chi Minh City 2018. Tính đến nay, Thư viện đã tổ chức và tham gia tổ chức trên 130 sự kiện, hoạt động chuyên ngành kiến trúc, nghệ thuật (Talks, chiếu phim, workshop,…) thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.
PV: Chắc hẳn, anh đã ấp ủ ý tưởng này từ rất lâu?
KTS Nguyễn Công Hiệp: Lâu chứ, bắt đầu từ thời sinh viên (SV) đấy. Năm 2006, khi là SV năm thứ 2, tôi đi thực tập ở văn phòng thiết kế của một Thầy giáo trong trường. Thầy có tiếng là người quý trọng sách và có rất nhiều sách. Khi đó, SV ít có cơ hội được tiếp xúc với các đầu sách quý hiếm. Hơn nữa, đa phần sách kiến trúc rất đắt và không dễ mua, nhiều cuốn xuất bản đã khá lâu, không còn trên thị trường. Chính vì thế, khi nhận được khoản tiền hỗ trợ thực tập sinh đầu tiên, tôi quyết định dành hết để đi mua sách kiến trúc với mong muốn bắt đầu xây dựng những tư liệu chuyên ngành đầu tiên cho riêng mình.
Và ngay lúc đó, tôi đã nảy ra ý định tạo một diễn đàn trực tuyến để các SV khác có thể chia sẻ những cuốn sách kiến trúc mà mình có cho người cần. Cũng có một số bạn bè đăng ký mượn sách, tuy nhiên mô hình đó chỉ duy trì ở quy mô nhỏ với vài người bạn học tham gia.
Sau 5 năm ra trường, tôi đã có một giá sách chuyên ngành đáng kể, đủ để thôi thúc ý tưởng tiếp tục chia sẻ sách một cách nghiêm túc với mọi người. Tôi tin rằng việc chia sẻ sách cũng như tri thức về nghề kiến trúc sẽ giúp các bạn SV, các KTS trẻ tiếp cận được nguồn tài liệu chất lượng cao, có thêm động lực để sáng tạo và làm nghề khi chưa có nhiều điều kiện kinh tế để xây dựng tủ sách của riêng mình.
Ý tưởng xây dựng thư viện kiến trúc của tôi đã bắt đầu như thế. Trong tương lai, CA’ Library có thể hoạt động theo hướng vận động nhiều cá nhân, văn phòng thiết kế tại các thành phố, địa phương khác có thể cùng tham gia xây dựng các điểm thư viện, kết nối các thư viện lại với nhau thành một mạng lưới toàn quốc, sách có thể luân chuyển giữa các thư viện giống như hệ thống liên kết thư viện của các trường Đại học hay các thư viện công ở các nước phát triển.
Tuy hiện giờ còn cách mục tiêu này tương đối xa, nhưng cũng đã có những dấu hiệu đáng mừng khi ý tưởng của tôi được nhiều văn phòng thiết kế ủng hộ, giúp đỡ thành lập các thư viện công cộng hoặc thư viện nội bộ của đơn vị mình như Trung tâm thông tin TOTO, thư viện X-hub (Lixil), thư viện C-box (DCCD), thư viện VNCC, thư viện AA, tủ sách kiến trúc TA, A-Lib, CUA Library,…
PV: Anh có thể kể với bạn đọc TCKT về thư viện đầu tiên được tổ chức và vận hành thế nào không?
KTS Nguyễn Công Hiệp: Tôi cứ tích luỹ dần những đầu sách quý từ lúc còn SV. Mãi đến đầu năm 2014, thư viện đầu tiên mới được mở nhờ vào sự ủng hộ của bác tôi. Bà cho mượn một căn hộ tập thể và tôi bắt đầu làm một phòng đọc nhỏ – Thư viện đầu tiên đã ra đời với tên gọi: 303 Library hay Thư viện 303, lấy theo số phòng căn tập thể đó.
Thư viện 303 ban đầu ra mắt với hình thức là một phòng đọc mở với diện tích vô cùng khiêm tốn, chỉ hơn 15 m2, có thể mở rộng thêm 3m2 ban công ngăn cách bởi 1 vách kính gập trượt. Chúng tôi thiết lập một văn hóa hoàn toàn tự giác trong sử dụng và mượn trả sách. Thư viện không có người trực, mọi người tới tự lấy sách, sắp xếp chỗ ngồi đọc tại chỗ, có 1 tập giấy để đăng ký mượn, mượn thì tự ghi vào, trả thì tự gạch tên đi. Đôi lúc thư viện không có người mở cửa thì bạn đọc đành gửi lại sách ở quán trà đá của bác gái trông xe dưới tầng 1. Việc này vẫn tiếp tục được duy trì tới tận bây giờ dù đã chuyển sang địa điểm mới với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn rất nhiều.
Trong 4 năm đầu hoạt động, dù với diện tích rất nhỏ, 303 vẫn tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện chia sẻ chuyên môn cũng như chiếu phim kiến trúc. Mỗi lần có sự kiện như vậy, tất cả bàn được chuyển ra ngoài hành lang chung của tầng, vách kính gập trượt được đẩy hết về một bên tường để nới rộng không gian, một màn chiếu rộng 3m05, đúng bằng khổ ngang phòng treo ở tận phía ngoài lan can ban công được kéo xuống và máy chiếu được bật từ phía tường cửa vào cách đó 6m. Không gian hơn 18m2 đó luôn chật cứng người, nhiều buổi phải xuống quán trà đá mượn thêm ghế băng thấp lên để ngồi. Kỷ lục có buổi đếm được tới 50 người trong phòng và cũng không hiếm những buổi nhiều bạn phải đứng hóng ở ngoài cửa. Thậm chí có buổi số người tới quá đông, ở cửa cũng không còn chỗ đứng nhưng mọi người cũng không bỏ về mà đứng rải khắp cầu thang từ tầng 1 lên tới tầng 3 để trò chuyện với nhau.
PV: Để xây dựng được Thư viện CA’ với quy mô như hiện nay, chắc anh đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi thư viện mở cửa miễn phí, nghĩa là anh gần như không thu được lợi nhuận nào từ việc cho mượn sách. Anh có thể chia sẻ thêm về những khó khăn này?
KTS Nguyễn Công Hiệp: Tất nhiên là khó khăn rồi, 5 năm đầu thư viện hoạt động hoàn toàn miễn phí, toàn bộ tiền mua sách, vận hành phòng đọc, quản lý đầu sách … đều trở thành mối quan tâm hàng đầu của cá nhân tôi.
May mắn sau đó, khoảng 3 năm trước, KTS Nguyễn Tuấn Anh có ý tưởng thành lập AGOhub đã hỗ trợ mặt bằng và mời thư viện 303 chuyển về cùng hoạt động để xây dựng một cộng đồng về Kiến trúc – Xây dựng. Tuy việc chuyển đổi này cũng khiến tôi gặp nhiều khó khăn về chi phí và thiết kế, nhưng với sự ủng hộ chung tay từ nhiều cá nhân và văn phòng kiến trúc bằng nhiều hình thức thì thư viện mới đã nhanh chóng được hoàn thành. Địa điểm mới rộng rãi hơn trước thuận lợi cho bạn đọc tới sử dụng không gian tại chỗ cũng như tổ chức các buổi tọa đàm, chiếu phim, workshop vừa và nhỏ. Hai năm trở lại đây, thư viện cũng có thu thêm phí với hình thức mượn sách về nhà, chỉ cần đăng ký thành viên và đóng một khoản phí thành viên theo năm, khoản phí này có hỗ trợ giảm 50% đối với những thành viên dưới 25 tuổi và trên 60 tuổi. Và để làm rõ tính chất là một thư viện được xây dựng bởi cộng đồng kiến trúc, nghệ thuật và cho chính cộng đồng cùng thụ hưởng, thư viện đã được đổi tên thành CA’ Library – viết tắt của Collaborative Art&Architecture-Library (Thư viện cộng đồng Kiến trúc & Nghệ thuật CA’). Từ khi mở ra, số lượng sách của thư viện cũng dần tăng lên.
PV: Trong những năm qua, việc xây dựng thư viện cộng đồng cho giới KTS quá nhiều khó khăn. Vậy động lực gì giúp anh vượt qua và thực hiện ước mơ của mình?
KTS Nguyễn Công Hiệp: Có câu nói rằng: “Càng chia sẻ thì bạn sẽ càng nhận lại được nhiều hơn”. Qua 7 năm hoạt động, Thư viện 303 hay Thư viện CA’ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, nhận được nhiều tình cảm trong cộng đồng kiến trúc và nghệ thuật. Tôi được thường xuyên tiếp xúc với các bạn sinh viên, KTS trẻ rất tích cực và say sưa với nghề. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên được tiếp xúc, học hỏi từ các KTS đàn chú, đàn anh đi trước, những người mang trong mình nhiều trách nhiệm đối với giới.
Để có được địa điểm, cơ sở vật chất và số lượng đầu sách như ngày hôm nay cũng nhờ cả cộng đồng giới nghề cùng chung tay góp sức rất nhiều bạn bè, tổ chức đóng góp sách, tặng hoặc cho thư viện mượn để chia sẻ với mọi người. Sau một số bài báo, phóng sự ngắn giới thiệu về thư viện thì cũng có nhiều cá nhân, gia đình tìm tới để liên hệ trao tặng sách, trong nhiều trường hợp rất đáng nhớ như:
- Gia đình của cố KTS. Nguyễn Ngọc Ngoạn (thuộc những thế hệ KTS đầu tiên của VN) đã trao tặng lại các sách kiến trúc do KTS để lại kèm theo cả những bản thảo cuốn sách do tự tay KTS đánh máy nhưng chưa được xuất bản;
- Cố KTS Mai Thế Nguyên đã về Việt Nam và trao tặng toàn bộ tủ sách kiến trúc của mình cho thư viện trước khi quay lại NaUy để chữa trị bệnh ung thư và mất tại đó. Ông hành nghề KTS hơn 40 năm tại NaUy, tham gia thiết kế rất nhiều công trình lớn quan trọng tại NaUy trong đó có Hoàng cung NaUy (Oslo). Sau khi về nước, ông tiếp tục viết sách và tham gia cố vấn chuyên môn cho nhiều văn phòng thiết kế tại Hà Nội.
Còn rất nhiều bạn bè, anh em KTS đã không hề tiếc công sức, tiền bạc sưu tầm sách trong nhiều năm mà trao tặng lại hết các sách chuyên ngành cho thư viện. Mỗi lần đón nhận sách như vậy, tôi rất xúc động và đồng thời cũng cảm nhận rõ trách nhiệm của thư viện cần hoạt động ngày càng tốt hơn nữa, đưa sách đến được tay nhiều bạn đọc hơn để không phụ sự tin tưởng của mọi người.
Ngoài ra, Thư viện CA’ cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ bằng những cách khác như: Ủng hộ bằng tiền, bằng sách, bằng hiện vật như cái ghế, chậu cây, bằng ủng hộ đăng ký thành viên, tham gia tình nguyện viên đóng góp công sức, hay nhiều khi chỉ đơn giản bằng việc nhấn 1 nút Like trên mạng xã hội. Trong một cuộc thi ảnh của NXB Taschen, thư viện nhờ sự hỗ trợ bầu chọn của cộng đồng đã dành giải nhất trị giá $5000 quy đổi bằng sách… Tôi thực sự biết ơn và trân trọng sự ghi nhận, tình cảm của mọi người dành cho thư viện và cho cá nhân tôi.
PV: Bước qua giai đoạn khó khăn đầu tiên, anh có thể cho biết về định hướng phát triển của Thư viện trong thời gian sắp tới?
KTS Nguyễn Công Hiệp: CA’ Library sẽ tiếp tục hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình quản lý; tiếp tục bổ sung những đầu sách chất lượng, cập nhật và thiết thực với nhu cầu của KTS hành nghề cũng như hữu ích đối với việc học tập của sinh viên Kiến trúc; tiếp tục vai trò kết nối các CLB sinh viên của các trường đào tạo Kiến trúc, phối hợp tổ chức thêm nhiều hoạt động chuyên môn có chất lượng. Trong tương lai CA’ cũng hướng tới chuyển đổi kết hợp thư viện vật lý với thư viện số, tìm giải pháp để có thể phục vụ độc giả khắp cả nước; thúc đẩy việc hình thành mạng lưới các thư viện chuyên ngành Kiến trúc tại Việt Nam. Thư viện cũng định hướng gia tăng các sản phẩm đầu ra mang cả tính học thuật lẫn thực hành như các dự án nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản sách, xây dựng các khóa đào tạo hay phát động các cuộc thi thiết kế, các dự án kiến trúc cộng đồng thực tế. Trước mắt, trong thời gian chịu ảnh hưởng chung bởi dịch Covid 19, thư viện cũng tăng cường các hoạt động trực tuyến và có hình thức hỗ trợ độc giả mượn sách từ xa. Đây cũng là khoảng thời gian để CA’ có sự nhìn lại để tiếp tục hoàn thiện, phục vụ bạn đọc tốt hơn trong tương lai.
PV: Rất cảm ơn chia sẻ của anh. Chúc anh sẽ sớm thực hiện được mục tiêu xây dựng thư viện kết nối kiến trúc trên cả nước.!
Hạ An (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)
The post Trò chuyện cùng KTS Nguyễn Công Hiệp: Từ phòng đọc nhỏ đến giấc mơ thư viện kết nối sách trên cả nước appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3BYt0OS
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét