Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Chiếu sáng trang trí trong kiến trúc: một phần của thiết kế ngoại thất – cảnh quan công trình

Với cuộc sống sôi động của đô thị về đêm, vấn đề chiếu sáng là một phần trong thiết kế Ngoại thất – Cảnh quan và ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành nhu cầu thiết yếu cho các không gian đường phố, quảng trường hay công viên… Đây cũng là động lực thúc đẩy cho xu hướng tạo sáng một cách sáng tạo của các vùng ngoại ô, địa phương quanh các khu đô thị.

Vấn đề chiếu sáng công trình, đô thị, các khu ngoại ô, trước đây cũng đã được nghiên cứu, song thật sự chưa được ứng dụng phù hợp giữa kiến trúc và cảnh quan. Hầu như mới chỉ được chú trọng trong việc chiếu sáng giao thông cho tuyến phố hoặc bố trí cho các công trình trọng điểm, chủ yếu là những không gian giải trí. Nguyên nhân một phần do các thiết bị chiếu sáng được sản xuất bằng vật liệu hoặc công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng, trong khi cần phải tiết kiệm năng lượng cho tương lai. Điều này vô tình dẫn đến việc tạo ra nhiều khoảng thiếu sáng cho không gian kiến trúc vào đêm.

(Ảnh do tác giả cung cấp)
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Bên cạnh đó, về vai trò thiết kế kiến trúc, cũng phải nhìn nhận là chúng ta chưa chú trọng chiếu sáng đô thị, nhu cầu sử dụng nhiều khi không được tính tới, Các không gian vườn hoa, vui chơi buồn cô quạnh từ sẩm tối tới đêm, nhiều thiết bị tạo sáng chỉ mang tính chỉ đường, còn yếu tố thẩm mỹ chưa được chạm tới. Một vài năm trước, thiết kế cảnh quan vườn hoa cũng đã thử nghiệm các nhóm đèn trang trí dạng pháo hoa ban đêm, ban ngày lại là các con “quái vật khổng lồ”, các phần đế của thiết bị thật xấu xí và bất cập. Các cây đèn rọi đường, công viên được sáng tạo hoa văn diêm dúa,… song cũng chỉ đáp ứng nhu cầu chiếu sáng đơn giản, không cá tính… Do vậy, ý tưởng chiếu sáng đô thị vẫn còn là những công việc dở dang.

(Ảnh do tác giả cung cấp)
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Với các công trình kiến trúc, việc chiếu sáng khi tối trời và buổi đêm không chỉ còn là yếu tố bảo vệ mà cần đưa lên tầm thẩm mỹ kiến trúc. Ánh sáng lung linh, màu sắc làm dịu đi màn đêm tối thui, ngôi nhà trở nên huyền ảo, đẹp đẽ, một vẻ đẹp khác lạ vào ban ngày.

Nhớ lại cách đây vài thập kỷ, việc trang trí một vài cái đèn chiếu sáng trên bề mặt công trình còn rất hiếm thấy, thì nay đã có nhiều nơi quan điểm chiếu sáng được nghiên cứu nghiêm túc. Trước tiên là toà nhà cao tầng sử dụng chiếu sáng bằng đèn LED, sau dần đại đa số đã có thiết kế chiếu sáng theo nhiều kịch bản: Chạy chữ – chạy hình, vì công trình cao tầng nên không thể không có đèn báo hiệu nóc mái, vì vậy các kỹ năng chiếu sáng công trình được thay đổi, phát triển phù hợp hơn.

Đến đây, xin trở lại thêm vài đánh giá nhận diện về ánh sáng trên các đường phố Hà Nội.

Tại Hà Nội hiện nay cũng đã xuất hiện nhiều công trình mới xây dựng đã được chú ý phần chiếu sáng, chiếu sáng trang trí ngoại thất. Một ngôi nhà được làm đẹp không chỉ phần kiến trúc, mà còn là không gian ngoại thất cảnh quan, đó là cây xanh, hoa lá, là các chi tiết bổ trợ: Tường rào – cổng vào buổi sáng, là đèn chiếu sáng, đèn chiếu sáng trang trí khi vắng ánh sáng ban ngày.

(Ảnh do tác giả cung cấp)
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Chiếu sáng ngoại thất – cảnh quan sẽ còn là chiếu sáng soi rọi công trình, trang hoàng cho công trình lung linh, tạo hình ảnh sống động hơn. Ngày nay có nhiều thiết bị và các giải pháp để tạo ra hiệu quả thị giác ánh sáng cho kiến trúc.

Thực trạng qua khảo sát cho thấy, yếu tố chiếu sáng vào ban đêm và tối chưa được “đồng đều” và còn tạo thành các vùng tối sáng không đều. Ánh sáng có chỗ chưa hài hoà, có nơi bị mờ nhạt, bị thời tiết chi phối. Trời mưa, trời ẩm, mùa đông, mùa hạ,… Màu sắc tương phản hay hài hoà hoặc làm ảnh hưởng tới cảnh quan.

Cũng qua quan sát của tác giả ở một số tuyến đường chính cho thấy, đại đa số công trình đều đồng nhất một kiểu chiếu hắt soi rọi công trình từ dưới lên mà chưa có độ “sáng tác” cho mỗi công trình một phong cách để phong phú hơn như một “cuộc chơi về ánh sáng”. Đó là dùng ánh sáng, sáng tạo thêm cho kiến trúc vẻ đẹp “xuyên màn đêm” chứ không phải bị “ngược sáng” làm biến dạng công trình như trò chơi “Trung thu” thường gặp.

(Ảnh do tác giả cung cấp)
(Ảnh do tác giả cung cấp)

Việc nghiên cứu soi rọi cho sân vườn, cây, công trình sẽ rất nên phải cầu kỳ hơn chiếu sáng thông thường; nếu đưa ra các giải pháp chưa chuẩn, rất có thể tạo hiệu quả thị giác bị vi sai, khiến công trình trở nên bị hụt hẫng vào buổi tối.

Nhà thiết kế cảnh quan cũng nên có sự tương tác giữa chiếu sáng cho công trình và bên chiếu sáng cho đường phố, sự kết hợp giữa chủ đầu tư công trình và cơ quan quản lý đô thị (bộ phận nghiên cứu chiếu sáng đường phố)

Việc tạo nguồn sáng vào công trình không còn là cá nhân mà còn là sự cộng sinh giữa các công trình với nhau điều tiết độ sáng, tia sáng từ phố, đường tới công trình (công trình có nhu cầu được soi rọi), công trình tới công trình, nhằm tránh ảnh hưởng tới độ yên tĩnh không gian cho không gian tư nhân khác.

Độ chiếu sáng còn như một nét thư pháp được tạo ra từ ý đồ thiết kế của các chuyên gia tư vấn theo chuyên đề, theo xu thế, theo cấu tạo riêng của từng ngôi nhà, cũng có thể hiểu là sự nhận diện của từng đơn vị kiến trúc.

Chúng ta nghiên cứu cảnh quan – chiếu sáng dựa vào yếu tố thị giác mà phân loại theo:

  • Theo vùng không gian đường phố – chiếu sáng trang trí tuyến đường vườn hoa;
  • Theo màu, biến đổi theo thương hiệu: rất hợp cho các công trình cao tầng đô thị;
  • Chiếu sáng còn là các banner, poster quảng cáo: khu thương mại, phố đi bộ, mức độ ngắm nhìn được tự do, không bị hạn chế; cần tránh việc một màn hình led nổi lên thiếu chiếu sáng khác xung quanh làm tổn thương người tham gia giao thông, rất khó chịu;
  • Chiếu sáng bằng thiết bị tốt, xịn, dùng lazer sáng tạo trang trí;
  • Chiếu sáng mặt nhà khác các biển quảng cáo, trang trí các tiệm, cửa hàng;
  • Chiếu sáng đan xen lối đi, công trình, đèn trang trí:
    • Pha chiếu
    • Trang trí vệt sáng trên công trình là: Đèn áp tường, đèn lazer, vệt lazer tạo thành một line sáng.
    • Phương án triển khai: Trên đường đi, trên công trình, tổng thể quảng trường, các vị trí quét sáng như mảng, line, hình quét, chiếu sáng cơ bản có quét rọi.

Với các công nghệ và thiết bị hiện đại bây giờ, việc tổ chức cảnh quan chiếu sáng cho công trình kiến trúc – các không gian cây, cảnh quảng trường rất phong phú với:

  • Ánh sáng tia lazer, chùm quét trên mặt nhà;
  • Ánh sáng tạo hình ảnh lồng ghép vào công trình tạo thêm một cảnh quan lung linh đặc sắc;
  • Ánh sáng tia – chùm do đèn, thiết bị đèn tạo hiệu quả hình ảnh khối, không gian cho vườn, khu vui chơi, còn tạo cảnh quan bổ trợ cho không gian chính.
    VD: trong vườn, trên cây, tạo hình cây – quả – thú vật,… ;

Một số hình ảnh phố đi bộ vào ban tối (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tuy nhiên, trong thực tế đã và đang còn một vài nơi chưa được hài hoà về bố cục chiếu sáng và vị trí ánh sáng. Đôi khi ánh sáng còn là hiệu quả đem lại từ các màn hình LED mang thông điệp, thông tin được nghiên cứu đặt tại quảng trường, các điểm giao thông, hoặc trên công trình thương mại, khi lắp đặt phải có nghiên cứu kỹ về hình thức, điểm thu hút thị giác sao cho an toàn (cho người tham gia giao thông, chống loá cho các công trình gần xung quanh,…). Nếu không chú ý nghiên cứu kỹ, hậu quả sẽ lớn hơn hiệu quả thông tin.

VD: Bảng thông tin LED đoạn đầu dốc lối lên Bảo tàng lịch sử Việt Nam tới đường đi Trần Quang Khải, rất loá, để đúng điểm quay đầu xe, gây bất lợi giao thông.

Một ví dụ khác: Màn hình LED quảng cáo được đặt trên toà nhà Vinmex Khương Thượng, quá to, quá sáng sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới chốt đèn giao thông của nút giao thông quan trọng…

Đại đa số hiện nay, các công trình cao tầng đã có chú ý tới ánh sáng đô thị cho các tòa nhà; còn các công trình thấp tầng thì chưa, các không gian quán hàng được trang bị tự phát, chưa chủ động theo một style – “Tự do theo hệ thống, theo phong cách”. Có thể thay đổi hình thức cho từng không gian để tạo nét đặc trưng dấu ấn cho kiến trúc đường phố về đêm.

Việc bố trí ánh sáng soi rọi công trình về ban tối, ngoài bảo vệ an ninh còn tạo cho phố một bộ mặt rất ảo, không có không gian đường phố nào giống nhau, đây chính là sự khác biệt phong phú dựa trên nguyên tắc thiết kế phục vụ của từng không gian – hay bề mặt ngoại thất của kiến trúc các công trình khác nhau, tạo ra cảnh quan khác nhau, trong khi phần chính – phần cứng nhắc vẫn được duy trì, đó là hệ thống chiếu sáng công cộng.

Chiếu sáng và ánh sáng công trình phải là một khía cạnh nghiên cứu rất hay của cảnh quan – ngoại thất.

KTS Cao Xuân Hoàng
Bộ môn Cơ sở Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
© Tạp chí Kiến trúc

The post Chiếu sáng trang trí trong kiến trúc: một phần của thiết kế ngoại thất – cảnh quan công trình appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3hsV59k
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét