Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Kiến trúc, tuổi trẻ và sáng tạo, đột phá

1. “Tài không đợi tuổi” là câu thành ngữ vốn không xa lạ khi nói về những tài năng sớm được phát hiện khi tuổi đời còn trẻ và rất trẻ. Những thần đồng có ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, nổi tiếng và phổ biến với những phát minh sáng chế, toán học, vật lý… và thậm chí cả trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Trong nghệ thuật, nơi mà đỉnh cao sáng tạo là kết quả của năng khiếu bẩm sinh đã để lại cho nhân loại những kiệt tác bởi những tác giả với tuổi đời còn rất trẻ. Những thần đồng trong thi ca, hội họa, điêu khắc và âm nhạc…vốn là những hiện tượng mà các nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn tiếp tục tìm hiểu và tìm cách giải mã. Trong đó, tiêu điểm thường được tập trung vào sự sáng tạo đột phá của tác phẩm so với thời đại và sự khởi đầu mang tính dấu ấn trong cả sự nghiệp của tác giả sau này.

KTS trẻ theo định nghĩa bất thành văn của Hội KTS Việt nam là những KTS dưới 35 tuổi

Kiến trúc, như một loài hình nghệ thuật tạo tác, bên cạnh những năng khiếu về nghệ thuật, thẩm mỹ, cảm nhận không gian, tỷ lệ, trí tưởng tượng…lại rất cần những kỹ năng có được qua đào tạo. Để một tác phẩm kiến trúc được ra đời, có quá nhiều yếu tố tác động và ràng buộc mà đơn giản nhất phải được xuất phát từ một yêu cầu, đầu bài hay đơn đặt hàng. Phải chăng, vì vậy khó có thể kiếm tìm những KTS thần đồng ở lứa tuổi trước ngưỡng cửa trường – dạy – kiến trúc. Thông thường, các tài năng kiến trúc được phát hiện trong trường từ những bài tập thiết kế nhanh, loại hình kiến trúc nhỏ rồi những cuộc thi ý tưởng trong nước và quốc tế. Nhưng có lẽ, công trình đầu tiên bộc lộ sức sáng tạo của một KTS tương lai lại chính là đồ án tốt nghiệp của một sinh viên (SV) “thiếu – năm phút” sẽ nhận bằng KTS. GS N.A. Guxev, một KTS nổi tiếng của Liên Xô cũ chuyên về kiến trúc trường đại học và công trình thể thao, khi hướng dẫn đồ án tốt nghiệp đã nói với chúng tôi: “Đồ án tốt nghiệp sẽ là công trình mà các bạn được thỏa sức trẻ để sáng tạo nhất, không bị ràng buộc bởi những gì nghiệt ngã ngoài kia, miễn là nó có thể vận hành và đứng được”.

Biệt thự Schwob, La Chaux-de-Fond, Thụy Sỹ

2. Le Corbusier vĩ đại (1887-1965) bắt đầu sự nghiệp đồ sộ của mình bằng các công trình biệt thự ở quê hương La Chaux-de-Fond, Thụy Sỹ (villas Fallet, Jacquemet và Stotzer) năm ông mới 18 tuổi, khi đang còn là SV tự học, dưới sự hướng dẫn của GS R. Chapallaz. Bảy năm sau, với những trải nghiệm tu nghiệp tại các văn phòng của các KTS nổi tiếng ở Paris (KTS Auguste Perret) và Berlin (KTS Peter Behrens), Le Corbusier đã thực hiện độc lập 2 biệt thự rất đáng ghi nhớ của mình, đó là “Maison Blanche” (Ngôi nhà Trắng) cho chính cha mẹ ông và ngôi biệt thự hoành tráng Favre-Jacob ở ngôi làng cạnh đó. Nếu như ở những công trình đầu tiên, chàng thanh niên đang vào nghề ngay lập tức gây được sự chú ý bởi cách tiếp cận với địa hình sườn dốc tự nhiên cạnh rừng và sử dụng tài tình ngôn ngữ kiến trúc bản địa, thì ở hai công trình sau, người KTS trẻ đã phát triển cách tiếp cận đó để đưa ra những giải pháp sáng tạo độc đáo, tạo nên sự khác biệt rõ rệt so với những công trình mang phong cách truyền thống xung quanh. Cũng ở đây, các không gian mở bên trong tạo nên các mặt bằng linh hoạt (ở Maison Blanche) và sử dụng không gian sân trong để lấy ánh sáng tối đa (ở biệt thự Favre-Jacot) chính là những tiền đề quan trọng để Le Corbusier phát triển cho những công trình biệt thự nổi tiếng sau này của ông. Năm 29 tuổi (1916), Le Corbusie nhận thiết kế biệt thự Schwob cũng ở La Chaux-de-Fond, Thụy Sỹ, một công trình rất ấn tượng về cấu trúc không gian, sử dụng khung bê tông cốt thép chèn gạch, tạo những khối mang hình thức hình học thuần túy, kiệm lời trên các giải pháp mặt đứng…Đây chính là những điều ông đã nghiền ngẫm trong suốt thời gian tu nghiệp và khảo sát thực tế, để rồi, cùng với mô hình nhà Dom-Ino trước đó, minh họa cho những ý tưởng kiến trúc cơ bản của Le Corbusier, được áp dụng trong hầu hết các tác phẩm của ông trong suốt những năm sau này, khi ông chính thức sử dụng bút danh Le Corbusier vào năm 1920 (Trước đó ông dùng tên thật là Charles-Eduard Janneret). Năm 1922, KTS 35 tuổi Le Corbusier cùng người anh họ Pierre Janneret mở Văn phòng KTS ở Paris. Cũng năm này, ông đề xuất ý tưởng Thành phố Đương đại (Ville Contemporaine) một TP kiểu mẫu cho 3 triệu dân ở Paris với những quan điểm cách tân táo bạo về quy hoạch đô thị (cấu trúc lõi cao tầng, giao thông, không gian xanh…). Và ở tuổi 35, Le Corbusier xuất bản cuốn sách đầu tiên, nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của mình – Hướng tới một nền Kiến trúc (Vers une Architecture – Toward an Architecture) tập hợp những bài viết mang tính triết luận của mình đã đăng trên tờ L’Esprit Nouveau trong các năm 1920-1922. Trong đó, ông đã trình bày những ý tưởng của mình, như một tuyên ngôn, cho tương lai của kiến trúc, bao gồm cả câu châm ngôn nổi tiếng nhất “Ngôi nhà là cỗ máy để sống”.

Thành phố Đương đại (Ville Contemporaine)

3. Chủ nghĩa kiến tạo (constructivism) ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử kiến trúc không chỉ của nước Nga Xô viết những năm 20 -30 thế kỷ trước mà còn của cả nền kiến trúc thế giới bởi tính tiên phong, cách tân và táo bạo. Trong số những gương mặt đại diện quan trọng của trào lưu này có thể nhắc đến V. Tatlin và I. Leonidov, những người thiết kế các công trình như những tuyên ngôn về cái MỚI bằng sức trẻ đầy bản lĩnh của mình. Vladimir Tatlin (1885-1953) là một nghệ sỹ đa tài trong nhiều lĩnh vực như hội họa, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng…Trong kiến trúc, ông để lại (gần như) duy nhất một tác phẩm là Tượng đài Đệ tam Quốc tế hay còn thường được gọi là Tháp Tatlin (St. Peterburg 1919) lại chỉ là mô hình thiết kế không được đưa ra xây dựng, nhưng chính công trình này lại trở thành biểu tượng của Chủ nghĩa kiến tạo Nga, được ghi nhận trên thế giới. Là một công trình tượng đài hoành tráng (cao 400m), dự án tòa tháp là sự kết hợp của hai cấu trúc: Bên ngoài, hình xoắn ốc nghiêng bằng kim loại bao quanh các tòa nhà với các hình dạng hình học khác nhau được kết nối hài hòa theo trục đứng ở bên trong. Được coi là sự khởi đầu cho một kiểu cấu trúc không gian mới, kết hợp giữa hình thức sáng tạo thuần túy với hình thức thực dụng, mô hình Tháp Tatlin đã hiện diện tại nhiều thánh đường kiến trúc trên thế giới.

Tượng đài Đệ tam Quốc tế

Đến với constructivism từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Ivan Leonidov (1902-1959) nhanh chóng trở thành một hiện tượng kiến trúc nước Nga Xô viết bằng những đồ án dự thi nổi tiếng của mình, bắt đầu từ chính đồ án tốt nghiệp Viện Thư viện học mang tên Lê Nin ở Matxcova (1927). Đồ án thiết kế là một tổ hợp không gian đa dạng với hai khối lớn tương phản cùng được đặt trên phần đế rộng, tròn và phẳng: Khối hình cầu – khán phòng 4.000 chỗ và kho lưu trữ sách cao vút dạng tháp. Các tòa nhà thấp tầng chạy dài từ trung tâm thẳng ra ba phía cùng hệ cáp treo – giá đỡ tạo nên một sự cân bằng vừa tĩnh vừa động hoàn hảo. Sau khi được trưng bày tại Triển lãm Kiến trúc đương đại lần thứ nhất ở Matxcova năm 1927, đồ án thiết kế Viện Thư viện học nhanh chóng gây được ấn tượng rất lớn đối công chúng và giới chuyên môn của Nga và quốc tế. Nó được coi là cương lĩnh sáng tạo – tuyên ngôn của KTS và của cả nền kiến trúc Xô Viết cuối những năm 20 của thế kỷ trước. Như một KTS lỗi lạc không gặp thời, hầu hết các công trình của I. Leonidov đều chỉ là các đồ án dự thi đoạt giải nhưng không được đưa ra xây dựng. Mặc dù vậy, các ý tưởng táo bạo của ông vẫn tiếp tục có sức lan tỏa trong cuộc sống kiến trúc đương đại, vẫn tiếp tục được ngưỡng mộ bởi những đường nét của chúng hiện đại đến mức khó tin. Le Corbusier đã gọi Leonidov là “Nhà thơ và niềm hi vọng của chủ nghĩa kiến tạo Nga”.

4. Khi thành lập Mikou Design Studio vào năm 2005, hai chị em song sinh Salwa và Selma Mikou mới tốt nghiệp School of Architecture Paris la Villette được 5 năm nhưng cũng đã tu nghiệp 4, 5 năm ở những Văn phòng KTS danh tiếng bậc nhất thế giới mà họ đã trúng tuyển: Renzo Piano (Selma) và Jean Nouvel (Salwa). Mặc dù trong thời gian được làm việc, học hỏi với các bậc thày kiến trúc, trực tiếp tham gia nhiều dự án quốc tế tầm cỡ về quy hoach, nhà ở, bảo tàng, cao ốc văn phòng…nhưng dường như hai KTS trẻ đã ấp ủ một ước mơ hướng tới kiến trúc bền vững, tham gia những khóa học ngắn hạn về môi trường và quy hoạch, thiết kế bền vững. Mikou Design Studio trong một thời gian ngắn đã gặt hái được không ít những thành quả, hợp đồng và giải thưởng… nhưng thật sự gây ấn tượng là chuỗi các công trình trường học theo xu hướng kiến trúc xanh – bền vững, vốn còn khá mới mẻ với kiến trúc trường học ở châu Âu đầu thập niên 2000. Đó là các trường Bailly ở St Denis (thiết kế năm 2006) độc đáo về mầu sắc và hệ thống mái đón ánh sáng và gió tự nhiên; Trường THPT Jean Lurcat gần Paris (2008) có cách tiếp cận hài hòa với đia hình tự nhiên và kiến trúc bản địa, xử lý đa dạng các chuỗi hình khối theo chức năng; Trường phổ thông và khối cao đẳng trong Đại học Ratzburg (2009, phương án giải 3) táo bạo khi phủ xanh toàn bộ mái các nhà học; Docks school ở St Ouen (2010) được coi là một giải pháp hoàn hảo về bền vững năng lượng với hệ thống mái là các tấm pin mặt trời phủ trên các dãy nhà học, giảng đường, phòng thí nghiệm, hiệu bộ với các không gian linh hoạt nhưng chặt chẽ. Nổi bật hơn cả, và cũng được coi là tuyên ngôn thiết kế trường học bền vững của hai chị em nhà Mikou chính là công trình Trường học ở Bobgny, ngoại ô Paris, nơi Mikou Design Studio dành giải Nhất cuộc thi thiết kế năm 2009, xây dựng hoàn chỉnh năm 2012. Với đối tượng sử dụng là học sinh tiểu học và mẫu giáo lớn, các tác giả coi trọng việc xử lý các không gian chơi của học sinh trong điều kiện khuôn viên hạn chế bằng hệ thống các sân chơi – sky garden trên mái, hiên xanh mở rộng (terrace) tại các tầng và sân trong ở tầng 1. Các khối học và chức năng được bố cục trong các tòa nhà giật cấp, thấp dần về phía Nam, tạo điều kiện đón ánh nắng tối đa vào các lớp học và sân trong, được bao quanh bởi chính các khối nhà theo đường cong hình ô voan. Với những công trình trường học tiêu biểu của mình, năm 2011, Salwa và Selma Mikou đã lọt vào Top 40 KTS dưới 40, Giải thưởng của Trung tâm châu Âu (The European Centre) dành tặng cho 40 KTS trẻ (dưới 40 tuổi) tại châu Âu, tiên phong sáng tạo nhất của năm.

Viện Thư viện học mang tên Lê nin, Matxcova (Đồ án)

5. Ba câu chuyện trên đây ở những không gian và thời gian khác nhau về những KTS với tầm vóc và vai trò khác nhau nhưng lại là những ví dụ đáng để suy ngẫm về những sáng tạo mang tính đột phá trong sự nghiệp hành nghề khi họ còn rất trẻ. Tuổi trẻ là nguồn năng lượng thúc đẩy những ý tưởng táo bạo với sự can đảm nghề nghiệp, dường như vốn có nhiều khi người ta còn trẻ. Nhìn lại dòng chảy lịch sử kiến trúc Việt Nam, ta tự hào đã có văn phòng KTS người Việt Nam đầu tiên của bộ ba Luyện – Tiếp – Đức (Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức), những KTS trẻ tài năng, tốt nghiệp khoa Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; Chúng ta có KTS Ngô Viết Thụ, đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 28 tuổi, thiết kế Dinh Độc Lập năm 35 tuổi; Đồ án tốt nghiệp của SV Nguyễn Trực Luyện được trưng bày tại Triển lãm sinh viên kiến trúc ở Paris và lưu giữ trang trọng trong Phòng truyền thống của Trường Đại học Kiến trúc Matxcova danh tiếng …

Bobgny School, Paris (Sân trong)
Bobgny School, Paris (Toàn cảnh)

Ngày nay, Việt Nam sở hữu một thế hệ KTS trẻ tài năng, năng động, tự tin và chuyên nghiệp, nắm vững công nghệ, có khả năng hội nhập rất cao. Những “hiện tượng” như Hoàng Thúc Hào từ thập niên 90, Võ Trọng Nghĩa thập niên 2000 được tiếp bước bởi những Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Minh, Đoàn Thanh Hà… với tuổi trẻ của mình đã khẳng định vị trí trong nền kiến trúc Việt Nam đương đại, đem lại niềm tự hào cho mỗi chúng ta.

Và, hãy đừng bỏ lỡ sức sáng tạo tuổi trẻ – Bởi, như một câu cách ngôn đã nói: “Kinh nghiệm có thể tìm thấy ở ngày mai, nhưng Tuổi trẻ thì không!”.

KTS.TS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dominicque Lyon (1999) LE CORBUSIER vivant, Telleri
2. Curtis, William J.R. (1994) Le Corbusier: Ideas and Forms, Phaidon,
3. Khan-Magomedov S.O (2003) Constructivism – Khái niệm định hình, Stroyizdat (Bản tiếng Nga)
4. https://ift.tt/2Xdz0F6

The post Kiến trúc, tuổi trẻ và sáng tạo, đột phá appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3E9djGR
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét