Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Đứt gãy văn hoá và lối mòn tư duy thiết kế

Trong bài thơ Hà Nội của thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa có đoạn thơ miêu tả cảm xúc của một cậu bé từ quê lần đầu ra thăm Hà Nội. Bài thơ này luôn được coi là một trong những bài thơ hay nhất về Hà Nội. Bài thơ vẽ lại chính xác và khái quát nhất những nét đặc sắc nhất Hà Nội. Cảnh sắc Hồ Gươm chỉ qua 4 câu thơ mà nói lên được khí phách và tinh hoa văn hiến của người Hà Nội:

Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao

Hồ Gươm là không gian thiêng liêng của người Hà Nội, với mật độ đậm đặc các di tích lịch sử quanh hồ. Tháp Bút – Đài Nghiên gắn bó với Thần Siêu (danh nho Nguyễn Văn Siêu, 1799-1872) là một điêu khắc biểu tượng (symbolic sculpture) xuất sắc trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam thời Cận đại. Cùng với Khuê Văn Các, Bút Tháp – Đài Nghiên là hai công trình nghệ thuật có tính đại diện nhất cho văn hóa của Thủ Đô Hà Nội. Nếu phải so sánh với Tháp Rùa thì rõ ràng Tháp Bút – Đài Nghiên vượt trội hơn về giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật nhưng Tháp Bút gần như vắng bóng trong những thiết kế biểu tượng liên quan tới Hà Nội. Trong bài viết này, chúng tôi thông qua hiện tượng lãng quên Tháp Bút ở Hồ Gươm để bàn luận về sự đứt gãy văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Tính biểu tượng trong điêu khắc và kiến trúc

Hình ảnh rùa đội bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám là ví dụ tiêu biểu cho một tác phẩm điêu khắc biểu tượng (symbolic sculpture) kinh điển của Việt Nam. Các đồ vật như bánh xe pháp luân – biểu tượng cho Phật giáo, cây thập tự – biểu tượng cho Thiên Chúa giáo, cuốn thư, bút lông cho Trí tuệ, cây búa cho công nghiệp, chiếc liềm cho nông nghiệp đã được các nhà điêu khắc biến thành motip trên các công trình điêu khắc biểu tượng.

Tháp Bút

Tháp Rùa và Bút Tháp là hai công trình mang tính biểu tượng rất có giá trị của Hà Nội. Nhưng những ý nghĩa biểu tượng của nó không hoàn toàn giống nhau. Tháp Rùa ban đầu có tên là tháp Bá Hộ Kim (Nguyễn Hữu Kim) vốn nguyên gốc được cho là một mộ tháp – không mang ý nghĩa biểu tượng nào. Nguyễn Hữu Kim (1832 – 1901) là một nhân vật lịch sử khá phức tạp, ông là một thương nhân giầu có, đã có cùng dân góp tiền mua áo quan, làm lễ đưa mộ cụ Hoàng Diệu về gần miếu Trung Liệt, rồi sau di ra dinh quan Đốc học1. Là một phú hộ, ông giữ chức dịch làng Tự Pháp được cử làm trung gian giữa Pháp và Việt, do có tiền và mối quan hệ nên ông đã được người Pháp cho phép xây dựng một ngôi tháp ở trên gò đất giữa Hồ Gươm vào khoảng năm 1865-1866. Về kiến trúc thì ngôi tháp không có thành tựu, dấu ấn gì đặc biệt ngoài sự kết hợp gượng ép giữa phong cách phương Tây và phương Đông. Nhận định về tháp Rùa, từ điển Địa danh lịch sử Việt Nam (NXB Văn hóa thông tin, 1998) viết: Tháp Rùa không có giá trị về mặt kiến trúc. Trước khi nổi tiếng như ngày nay, Tháp Rùa nhận nhiều tai tiếng, từ việc âm mưu ám muội của người xây tháp, cho đến việc người Pháp cho bạt nóc tháp để đặt tượng Nữ thần Tự do. Thực ra, Tháp Rùa trở thành biểu tượng nổi tiếng trước hết gắn bó với lịch sử cách mạng của Thủ đô. Năm 1947, Tháp Rùa lần đầu tiên đi vào lịch sử thiết kế Việt Nam trên phù hiệu của Trung đoàn Thủ Đô, do ông Nguyễn Văn Cốc ở phố Hàng Thiếc sáng tác2. Sự kiện cắm cờ trên Tháp Rùa của Trung đoàn Thủ Đô vào đêm 30 Tết năm Đinh Hợi thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của người Hà Nội. Có thể đó là một trong những lý do khiến Tháp Rùa trở nên ngày càng nổi tiếng.

Trái với Tháp Rùa, một công trình cùng thời ở ven Hồ Gươm là Tháp Bút mang tính chất điêu khắc biểu tượng cao, gắn bó với danh nhân Nguyễn Văn Siêu. Tháp Bút nổi tiếng ngay từ khi khánh thành (1866), là biểu tượng hiên ngang, khí phách của kẻ sĩ. Cuốn sách “Điêu khắc hoành tráng Việt Nam thế kỷ 20 -Thành tựu và vấn đề” đã không vô cớ khi chọn hình ảnh Tháp Bút của Thần Siêu ra làm bìa. Tháp Bút được xây dựng có chủ đích rõ ràng, chẳng những gắn bó với danh nhân Nguyễn Văn Siêu mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật. Tháp Bút có hình tháp đá cao năm tầng cao 28m, phía trên ngọn tháp là phần ngọn của chiếc bút lông. Cả cán và ngòi bút cao 0,9m. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên (chữ Hán: 寫青天) mang nghĩa “Viết lên trời xanh”. Bài Bút Tháp chí do Nguyễn Văn Siêu soạn, khắc trên thân tháp ở tầng thứ ba mặt nhìn về hướng Tây ghi mục đích của việc lập ngôi tháp là tuyên dương võ công của chúa Trịnh Doanh và sự trường tồn của văn hiến.

Cùng với Tháp Bút, Thần Siêu cho xây Đài Nghiên tạo thành cặp Tháp Bút-Đài Nghiên. Nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền, là một nghiên mực bằng đá xanh đẽo tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m, có ba con thiềm thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng. Hình ảnh những con cóc gắn với hình tượng thầy đồ Cóc mang ẩn dụ của kẻ sĩ gánh vác sự nghiệp văn hóa của dân tộc.

Đặc biệt trên thân của nghiên có khắc một bài minh mà tác giả lại cũng là Nguyễn Văn Siêu. Chỉ có 64 chữ Hán nhưng ý tứ rất hàm súc, lại được khắc bằng kiểu chữ lệ thư.

Tháp Bút – Đài Nghiên ngay từ khi xuất hiện đã được công chúng chào đón nhiệt liệt, có rất nhiều câu ca, bài thơ về danh thắng này. Một trong những bài thơ sớm nhất là của Trần Tuấn Khải – bài Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ. Trong bài thơ này nhắc đến Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc chứ không hề nhắc đến Tháp Rùa.

Hình Tháp Rùa nổi bật trên những poster quảng cáo du lịch Việt Nam

Lối mòn trong thiết kế mỹ thuật

Lật giở cuốn sách Mỹ thuật Thăng Long – Hà Nội (NXB Hà Nội) phần về mỹ thuật hiện đại chúng ta bắt gặp nhiều lần sự xuất hiện của Tháp Rùa. Có thể kể đến những bức tranh như Xuân Hồ Gươm (Nguyễn Tư Nghiêm, 1957), Mùa thu Hà Nội (Lê Thông, 1995), Vũ điệu chiến thắng (Duy Nhi, 2000), Hà Nội năm 1946 (Nguyễn Nghĩa Duyện, 1984)…Như đã nói ở trên, Tháp Rùa liên quan đến lịch sử cách mạng của Thủ Đô. Bức tranh Vũ điệu chiến thắng của Duy Nhi xuất hiện hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên Tháp Rùa. Hình ảnh cắm cờ trên nóc Tháp Rùa, ngay trước mũi tòa Thị chính là hành động vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ Trung Đoàn Thủ Đô. Ở bức tranh Hà Nội năm 1946 của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện có hình ảnh ba chiến sĩ và Tháp Rùa phía sau mang âm hưởng cách mạng hào hùng. Cho đến nay, đã từng có nhiều ý kiến đề xuất đập bỏ Tháp Rùa, nhưng vì đây còn là một dấu tích cách mạng nên TP vẫn quyết định để lại3.

Trong những hình ảnh thiết kế về Thủ đô Hà Nội, Tháp Rùa có tần suất được sử dụng rất cao. Tôi nhớ rằng, trong phương án thiết kế Biểu trưng cho TP Hà Nội cũng từng có người đề xuất hình ảnh Tháp Rùa. Tháp Rùa xuất hiện rất nhiều trên các áp phích quảng cáo du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Gần đây nhất là hình ảnh Tháp Rùa xuất hiện trên xe bus 2 tầng của Hà Nội City Tour. Chiếc xe bus 2 tầng được thiết kế với phong cách Pop Art trẻ trung, hiện đại. Những danh lam thắng cảnh xuất hiện trên xe có: Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành Thăng Long), Nhà Thờ Lớn, Chùa Diên Hựu, Khuê Văn Các, Cột Cờ Hà Nội và Tháp Rùa. Tháp Rùa chiếm một diện tích lớn, nổi bật, chiếm trọn đuôi của chiếc xe bus.

Trong thiết kế món quà lưu niệm, Tháp Rùa cũng xuất hiện nhiều hơn Tháp Bút. Chúng ta thấy hình ảnh Tháp Rùa được làm trên nhiều món quà lưu niệm như đĩa đồng, đĩa gốm, mô hình, bưu thiếp…Còn với Tháp Bút, hầu như chúng ta không thấy một sản phẩm nào. Có thể vì Tháp Rùa gắn với rùa thần trong sự tích của Hồ Gươm và lịch sử cách mạng nên trong rất nhiều bức tranh vẽ về không gian này, hầu như đã bỏ qua Tháp Bút.

Lý giải sự lãng quên Tháp Bút

Theo tôi liên quan đến sự đứt gãy văn hóa đã diễn ra bắt đầu từ việc bãi bỏ hoàn toàn chữ Hán trong khoa cử năm 1919, cuộc vận động Phản Phong do Tự lực Văn đoàn khởi xướng và đặc biệt do hoàn cảnh chiến tranh. Rất nhiều người như Việt để mưu sinh, tiến thân và truy cầu tri thức đã từ bỏ chữ Hán. Tú Xương từng than rằng phải: “Vứt bút lông đi, giắt bút chì!” vì “Nào có ra gì cái chữ Nho – Ông Nghè ông Cống cũng nằm co”. Cùng với phong trào phản đế phản phong, đặc biệt là cuộc chiến biên giới thập niên 80 thế kỷ 20 đã đào sâu thêm sự ngăn cách với chữ Hán. Hệ quả là ở Việt Nam bây giờ rất ít người còn đọc được sách vở trong gia phả, chữ trên hoành phi đại tự ở chùa chiền, đền miếu. Tháp Bút của Thần Siêu chẳng những mạch lạc về tạo hình, ý tứ thâm sâu, nhưng vì có một phần nội dung liên quan đến kinh điển của văn hiến phương Đông, đặc biệt của Lão giáo và Nho giáo. Thăng Long – Hà Nội tự hào là mảnh đất có văn hiến ngàn đời, là đất của tao nhân mặc khách, hội tụ và tỏa sáng bao giá trị tinh hoa của dân tộc. Vậy mà một kiệt tác thiên cổ hùng văn của Thần Siêu lại bị lãng quên. Kiệt tác Tháp Bút – Đài Nghiên xứng đáng là một thí dụ kinh điển cho sáng tạo điêu khắc biểu tượng hôm nay.

Hình ảnh chiếc xe bus city tour hai tầng có in hình Tháp Rùa

Tạm kết

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi nhận thấy sự đứt gãy văn hóa, thay đổi văn tự, cải cách khoa cử, biến đổi thời cuộc và lối mòn tư duy thiết kế đã dẫn đến những sáo mòn trong thiết kế đồ họa hiện nay. Khi Hà Nội gia nhập vào Mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO, lấy hệ thống di sản văn hiến vật thể và phi vật thể làm bệ đỡ, để phát triển lĩnh vực thiết kế, chúng ta cần tôn vinh những kiệt tác nghệ thuật trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Cùng với bia đề danh Tiến sĩ, Khuê Văn Các, Tháp Bút của danh Nho Nguyễn Văn Siêu xứng đáng là niềm tự hào cho truyền thống văn hiến của người Hà Nội. Cho đến nay, Bút Tháp – Đài Nghiên trong quần thể Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2383/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xét theo tiêu chí Bảo vật Quốc gia, thì Bút Tháp lẽ ra xứng đáng là được công nhận ngay từ đợt I. Để tôn vinh danh nhân Nguyễn Văn Siêu, Hà Nội đã lấy tên Ông để đặt tên phố, tên trường học, nhưng với kiệt tác Bút Tháp – Đài Nghiên, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội rất nên lập hồ sơ để vinh danh hạng mục này.

Trần Hậu Yên Thế


Chú thích

  1. Theo Chuyện ít người biết về Tháp Rùa Hồ Gươm: https://ift.tt/38ZBV6s
  2. Theo Chiếc phù hiệu của Trung đoàn Thủ Đô: https://ift.tt/38ZBV6s
  3. Nguyên văn trên trang thông tin của Sở Du lịch Hà Nội: Do xây dựng trong hoản cảnh như vậy nên sau cách mạng tháng 8/1945 nhân dân định phá bỏ tháp, nhưng cũng vì trên ngọn tháp này, cờ cách mạng đã được cắm ở đó nên tháp Rùa được giữ lại.

The post Đứt gãy văn hoá và lối mòn tư duy thiết kế appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/38VODTG
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét