Bạn KTS đồng nghiệp trẻ thân mến!
Ngày đó, tôi cùng lứa tuổi 25 với Bạn, vừa tốt nghiệp văn bằng KTS, với một trời hoài bão nghề nghiệp. Và dù rất nhiều thứ còn hết sức mù mờ thì chỉ có một thứ luôn rõ ràng: Đó là ước mơ một ngày trở thành tác giả của những công trình kiến trúc được mọi người nhắc nhở!
Chuyện đã 40 năm trước rồi đó Bạn !
Tuổi trẻ sôi nổi và lo lắng đi tìm chính mình
Dù tốt nghiệp với điểm 10 quý hiếm và một giải thưởng quốc tế làm vốn, nhưng bao trùm lên tôi là một cảm giác lo lắng, bất an về năng lực bản thân. Tôi tự cảm thấy mình còn lơ ngơ quá với một hồ sơ thiết kế thi công chuyên nghiệp mà tôi được tiếp xúc (trong hốt hoảng) ở 2 tuần thực tập công trường của chàng sinh viên kiến trúc năm cuối.
Và may mắn, tôi được giữ lại trường làm trợ giảng. May là vì tôi được “bám váy mẹ” (ý nói thêm được mấy năm ở trường kiến trúc) để… “bòn” thêm kiến thức, kinh nghiệm nghề từ các Thầy già ở trường, mong bớt cảm giác hụt hẫng về kỹ năng làm nghề; và có cơ hội học nâng cao để thêm phần vững chãi. Quả tình, các Thầy già ở trường đều là những Thầy từng có các văn phòng thiết kế tên tuổi ở Sài Gòn trước 1975. Hấp dẫn nhất là những công trình nổi tiếng của các Thầy còn đầy ra đó, tha hồ mà đến tận nơi, nhìn tận mắt. Nhưng những văn phòng thiết kế lừng lẫy một thời của các Thầy thì giờ chỉ được nghe các Thầy …hồi tưởng, chỉ trải nghiệm trong… tưởng tượng, thay vì được vào làm thiết kế thực tập (như ở các công ty tư vấn kiến trúc bình thường hiện nay).
Thế rồi, gần 10 năm ở trường Kiến trúc, vừa làm trợ giảng rồi giảng viên, vừa làm thư ký Khoa kiến trúc, tôi vẫn đau đáu chuyện làm nghề. Khi đó, không có khái niệm KTS hay văn phòng KTS làm tư vụ. Chỉ những viện thiết kế trong hệ thống nhà nước đảm nhận tất cả công việc thiết kế, quy hoạch (với cách quản lý cứng nhắc thời bao cấp). May mắn, trong chính sách “tháo gỡ” của thời kỳ tiền “Đổi mới” , trường Kiến trúc và Hội KTS TPHCM hình thành được Xưởng thiết kế làm chỗ dựa pháp lý (đóng dấu) cho KTS làm nghề tư vụ.
Dù vẫn không ngơi công việc thiết kế, nhưng chỉ bằng quỹ thời gian phụ, còn 27 tiết thời gian chính mỗi tuần, tôi đã “mài” hết ở trường. Thời gian phụ làm việc ở “văn phòng thiết kế” riêng thường là từ 9 giờ tối tới nửa đêm hàng ngày, một mình cày cục với một, hai bạn sinh viên bu quanh một mặt bàn duy nhất ở nhà! – Tôi biết chắc rằng mình còn cách rất xa hình ảnh văn phòng chuyên nghiệp của các Thầy mình xưa kia và vẫn thèm lắm giấc mơ được trải nghiệm công việc trong văn phòng của một KTS bậc thầy nào đó, năm xưa.
Nhiều công trình thiết kế tôi hoàn thành trong giai đoạn đó, nhưng 9/10 không triển khai thi công được vì sự xơ cứng, chậm chạp của thời kỳ bao cấp. Cơ hội để va chạm thực tế thi công gần như bằng không. Tính chuyên nghiệp của KTS và hệ thống sản xuất thiếu sự thử thách, lhông biết chất lượng thật sự của công trình mình thiết kế ra sao.
Mười năm trôi qua, đến năm 1989, tôi vẫn mang danh KTS, vẫn thiết kế, vẫn đi dạy và vẫn không định vị được mình đứng ở đâu trong thực chất của nghề KTS chuyên nghiệp. Âu lo càng lớn khi những thông tin kiến trúc từ nền kinh tế thị trường nước ngoài bắt đầu xuất hiện. Cảm giác có lỗi với các lớp SV kiến trúc lớn dần. Cho đến khi tôi quyết định rời trường trong sự tiếc nuối đối với nghề nhà giáo mình yêu thích, bởi thật khó mà “truyền lửa” khi mình vẫn còn chưa đủ trải nghiệm.
Đến lúc đó, tôi đã chậm khoảng 10 năm so với thế hệ KTS của Bạn trẻ trong điều kiện bây giờ! Chưa kể các bạn còn hơn hẳn lứa chúng tôi ngày đó nhờ ở kỹ năng thể hiện thần kỳ của “ông thần đèn” computer. Nhưng, nếu các bạn từ chối trải nghiệm, vẫn “một người một ngựa” như chúng tôi lúc xưa (vì không có điều kiện), thì thật là một sự mất mát đáng tiếc vì đã từ chối cơ hội “đứng trên vai người khác”. Thực tế là để tự xoay sở thử sai, tôi đã mất 15 năm kế tiếp mới đủ tự tin có được công ty tư vấn của riêng mình. Mãi sau này tôi mới biết, KTS đoàn ở các nước phát triển có chính sách bắt buộc thế hệ KTS trẻ phải “đứng trên vai” người đi trước. Ngược lại, cũng có chính sách buộc thế hệ KTS đi trước “đưa vai” ra bằng chính sách thực tập – Và, nhờ vậy, họ chắc chắn có lứa kế thừa đáng tin cậy chỉ từ khoảng 5, 7 năm!
Tôi đang ganh tỵ với lứa các bạn trẻ đó (!), so với tuổi trẻ thế hệ tôi. Nhưng trên tất cả là mừng, vì Luật kiến trúc mới đang cho giới KTS chúng ta cơ hội thay đổi. Có điều, sự thay đổi – cuộc sinh nở nào cũng phải có một giai đoạn vật vã cần thiết.
…Thiết lập văn phòng thiết kế và tin vào công việc KTS
Rồi Bạn bước vào tuổi 35, tuổi tôi mới bắt đầu làm văn phòng thiết kế.
Ở tuổi này và bây giờ, các bạn thường đã định hình mô hình kinh tế khá ổn định trong nghề nghiệp rồi. Người thì giữ vai KTS chuyên sâu trong công ty thiết kế, địa ốc lớn; người làm “design and build” cùng bạn bè hay đối tác; người thì đã ổn định một công ty hay firm thiết kế riêng (dùng dấu của pháp nhân công ty khác)… Nói chung là chuyện “làm ăn” bằng nghề nghiệp thì tương đối ổn hoặc tốt. Tuổi đó, tôi mới bắt đầu được vùng vẫy và choáng ngộp trước nhiều thay đổi mới lạ của thời kỳ đất nước mới mở cửa, mới bắt đầu làm nghề bằng doanh nghiệp riêng: Văn phòng (rồi công ty) thiết kế thi công cải tạo kiến trúc nội thất. Công việc không thể gọi là tốt mà là rất, rất tốt! Tiến trình hoàn thành mỗi công trình ngắn, chủ động xoay sở và vừa ý chủ đầu tư (vì thường “khá…giống” với những sketch phối cảnh vẽ tay, gợi nhiều hơn tả !) Lợi nhuận vì vậy rất tốt. Chỉ nội bộ thì luôn luôn mâu thuẫn giữa sự thuận tay của thi công (mà lợi nhuận lớn) và cầu toàn của thiết kế (nhưng thu nhập nhỏ xíu!). Chủ đầu tư thì chỉ cần phê duyệt trên sketch phối cảnh vẽ tay, không có cơ sở và bộ phận thẩm định chi tiết. Vì vậy khó nhận định tính khách quan của thiết kế có toàn tâm vì quyền lợi khách hàng hay không?
Khoảng năm 1993, khi Bộ Xây dựng ban hành thông tư không cho phép đơn vị vừa thi công, vừa thiết kế thì một lần nữa tôi chọn chia tay công ty đang làm ăn phát đạt để tạo dựng công ty tư vấn thiết kế độc lập. Tất cả không vì kinh tế mà có sự khao khát được làm công việc thiết kế nghiêm túc. Mà “nghiêm túc” thực sự là thế nào thì quả thật tới lúc đó, tôi vẫn chỉ mơ hồ hình dung qua yêu cầu gắt gao của những khách hàng nước ngoài thời kỳ đầu của “Đổi mới” ở một TP lớn trung tâm. Trong thâm tâm, tôi cũng thực lòng tri ân những trải nghiệm hành nghề thực tế với một KTS nước ngoài trong công ty liên danh thiết kế, dù chỉ làm thiết kế nội thất và chỉ ngót nghét được 4 năm.
Trước khi bước vào ngưỡng tuổi 45, tôi đã nếm được vị ngọt lẫn thách thức của giấc mơ “văn phòng kiến trúc” từ vỏn vẹn 3 nhân sự, dần lên 7,9,15…và hơn 30 người. Và quan trọng là vẫn chưa yên tâm về khái niệm chất lượng hành nghề chuyên nghiệp, vẫn chỉ đủ xoay sở chi phí, không của để dành mà thiết kế phí vẫn thường bị chê cao! Tôi vẫn làm nghề chân thành và trung thực, dù thường khi mang tiếng “chảnh” – Trong khi một hợp đồng thiết kế mình cố làm rõ nội dung chất lượng, sự bình đẳng trách nhiệm đôi bên trong 17 trang giấy thì bị chối từ, không bằng một hợp đồng chung chung 2 trang A4. Thì ra, ứng xử chân thành chưa đủ, mà còn đừng cực đoan với môi trường làm nghề khác nhau ở mỗi một thời điểm, nơi chốn, thói quen. Khi uy tín của trải nghiệm cá nhân, thành tích qua các giải thưởng kiến trúc…không vượt qua được kỹ năng “biểu diễn” trước chủ đầu tư (CĐT), thì cũng phải biết ứng xử khéo léo để tồn tại. Phải biết tôn trọng CĐT, vì là người quyết định tối hậu sự tiến triển của công việc và sự ra đời của công trình kiến trúc. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất (và là thảm hoạ), như một KTS bậc thầy đã nói, phải tránh để CĐT làm đồng tác giả của công trình!
Thời gian này, tôi dần phải làm việc chậm lại, cân nhắc nhiều hơn, và nhận ra: KTS, kể cả rất có năng lực, cũng không phải là KTS của mọi CĐT. Thành công mà mình có được, 50% là biết và dám từ chối những công việc, những CĐT không thuận với bản chất chuyên môn và quan niệm làm nghề của mình. Theo đó, đôi khi phải chấp nhận sự khó khăn trong cân đối để nuôi dưỡng bộ máy làm việc của chính mình. Giai đoạn đó tôi nhận ra một điều: Làm nghề để nuôi mình và cộng sự không khó – Làm nghề để nuôi dưỡng nghề khó hơn. Và làm nghề để đóng góp giá trị tích cực vào giới nghề và nền kiến trúc mới là khó nhất. Phàm bất cứ ai cũng có tham vọng làm được những điều khó nhất.
Giới KTS chắc cũng không ngoại lệ, phải không Bạn?
Tuổi nghề càng chín tới, càng giảm tốc trên đường chạy?
Nghe như là nghịch lý, nhưng đó là sự thật. Sự thật làm bối rối cho chính cả người trong cuộc. Nhưng có lẽ là bình thường cho lứa làm nghề bước qua tuổi 45, lứa tuổi mà có thể quyết định rất nhanh chóng những gì thuộc về kinh nghiệm, thói quen qua những thành công trong quá khứ. Nhưng trong sáng tạo, kinh nghiệm lại là con dao hai lưỡi: Vừa hứa hẹn kết quả an toàn, vừa là sức ỳ trong tìm tòi, sáng tạo và chấp nhận thử thách với ý tưởng mới. Tôi cũng đã dần nhận ra: Công trình kiến trúc giàu “giá trị tác phẩm” thường phải là kết quả hun đúc từ một môi trường sinh thái, một nơi chốn với từng đối tượng con người cụ thể – KTS chỉ là “bà đỡ” của ý tưởng, sự hoài thai và sinh nở của một công trình, giúp công trình “mọc lên” cường tráng. Đúng vậy, tôi hay thích dùng từ “mọc lên” – Bởi từ này thể hiện một năng lượng sống của chính công trình kiến trúc, khác với từ “vẽ ra”, phản ánh sự chủ quan, hãnh tiến của KTS thiết kế, thường sản sinh những công trình hình thức hào nhoáng nhưng cứng nhắc, thụ động.
Và cũng bắt đầu vào tuổi này, tôi dần làm quen với việc ngưỡng mộ thực sự các tài năng của SV và KTS trẻ tuổi. Nhiều khi họ làm tôi nể trọng một cách thích thú qua các cuộc chấm thi, qua các giải thưởng quốc tế danh giá. Và đôi lúc đau lòng khi một số trong họ đã quá vội vàng, hợm hĩnh tự chia cách với bản chất cao quý của nghề nghiệp, chia cách với môi trường sinh hoạt còn nhiều khó khăn trở ngại của cộng đồng các KTS đồng nghiệp.
Tôi cũng dần thấm thía với câu châm ngôn “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhiều người”. Nhân nói điều này, tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân rất nhiều KTS tâm huyết, đã hơn 20 năm kiên trì vận động cho một bộ luật về hành nghề KTS chuyên nghiệp, đã được thể hiện căn bản trong Luật Kiến trúc vừa mới ban hành.
Làm nghề tuổi 60 và hơn nữa…
Tôi từng quan niệm “Hạnh phúc tuyệt vời là được sống và sống được bằng nghề nghiệp mình yêu thích mỗi ngày”. Hạnh phúc thay, nghề KTS là một nghề có nhiều khả năng như thế, là nghề không có tuổi hưu khi điều kiện sức khoẻ còn cho phép. . Vì đó là một trong những nghề có loại giá trị bản chất “ông đồ” theo quan niệm “ông đồ già, con hát trẻ”. Tính chất truyền nghề kiến trúc theo từ dân gian là “lò” đào tạo, đến một lứa tuổi nghề nhất định sẽ có nhu cầu bản năng là muốn “nhả tơ” truyền nghề. Các KTS đàn anh chắc hẳn cũng có phương thức “nhả tơ” thật là đa dạng, để tuỳ thể trạng của từng học trò mà có hiệu quả “vỡ lòng” phù hợp. Các thầy có đủ loại tính chất công việc, chất lượng môi trường, quy mô thử thách để lớp trẻ học trò thao dượt.
Ngược lại, sức trẻ và kỹ năng nghề nghiệp hiện đại của những người trẻ luôn góp năng lượng tươi mới cho công việc, đảm bảo sự chuyển tiếp thế hệ vững chãi cho các bước phát triển nhân lực của nền kiến trúc nói chung.
Nghĩ vậy, nên niềm hạnh phúc nghề nghiệp, bất chấp môi trường làm nghề còn nhiều bất cập, tôi vẫn cảm nhận mỗi ngày.
Nhân thêm một mùa Hội trại KTS trẻ toàn quốc, xin mang niềm hạnh phúc đó chia sẻ cùng Bạn trẻ KTS đồng nghiệp.
Chúc Bạn thêm nhiều bước đi vững chãi, chân cứng đá mềm!
KTS Nguyễn Văn Tất
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)
The post Chút tâm tình với những đồng nghiệp trẻ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3yMgyjp
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét