Thời gian vừa qua, Tạp chí Kiến trúc đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các KTS, bạn đọc xoay quanh việc Cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc và Đào tạo nghề nghiệp liên tục (tích điểm CPD). Nhằm giải đáp thắc mắc cho các KTS và bạn đọc yêu quý, Tạp chí Kiến trúc đã tổng hợp các câu hỏi và gửi đến các chuyên gia phụ trách lĩnh vực Luật Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam. Trân trọng gửi tới bạn đọc giải đáp từ TS. KTS. Phạm Khánh Toàn – Giám đốc Trung tâm Phát triển hành nghề kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam về vấn đề này.
Câu hỏi số 1: “Tổ chức xã hội nghề nghiệp về hành nghề Kiến trúc” (theo nghị định Chính phủ) và “Tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp” của Hội KTS Việt Nam (theo điều lệ Hội) giống hay khác nhau? Vì sao có liên quan đến các hoạt động tổ chức và chứng nhận tính điểm CPD của Hội KTS Việt Nam và các Hội địa phương (như TP Hồ Chí Minh hiện nay) cùng các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong cả nước (không thuộc Hội KTS Việt Nam)?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Trong Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Kiến trúc sư Việt Nam, được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 20/7/2021, tại Điều 2. Tôn chỉ, mục đích có ghi rõ: “Hội Kiến trúc sư Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của kiến trúc sư cả nước”. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tham gia thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Luật Kiến trúc, Nghị định 85 và các văn bản pháp luật liên quan khác.
Câu hỏi số 2: Tính pháp lý của các văn bản quyết định của Hội KTS Việt Nam (triển khai Luật Kiến trúc) có được xem là “văn bản pháp quy” trong hệ thống văn bản pháp luật hay không? Nếu các cá nhân tổ chức thực hiện không đúng, thiếu sót so với 3 văn bản đã ban hành, căn cứ nào để Hội KTS Việt Nam tổ chức thanh, kiểm tra và tổ chức xử lý đối với hành vi vi phạm (về quy tắc ứng xử nghề nghiệp, về thẩm quyền tổ chức, và chất lượng kết quả sát hạch về chứng nhận điểm CPD cho KTS)?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Các văn bản mà Hội Kiến trúc sư ban hành theo nhiệm vụ được giao theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 là văn bản pháp quy trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam, nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 85.
Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ban hành 03 văn bản:
- Quyết định số 01/QĐ-KTSVN, ngày 12/01/2021 về việc ban hành “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề”
- Quyết định số 04/QĐ-KTSVN, ngày 12/01/2021 về việc ban hành “Quy định chi tiết Bảng tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục đối với câc hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề”
- Quyết định số 18/QĐ-KTSVN, ngày 06/4/2021 về việc ban hành “Quy định Chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, Bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc”
Các vi phạm liên quan đến các Quyết định này của Hội KTS Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến việc cấp/gia hạn/thu hồi/cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo Luật Kiến trúc của các Sở Xây dựng/Quy hoạch Kiến trúc đối với kiến trúc sư vi phạm.
Câu hỏi số 3: Làm thế nào để biết KTS đã và đang vi phạm ứng xử nghề nghiệp? KTS Hội viên Hội KTS Việt Nam có thể được giám sát bởi các Hội, Chi hội còn KTS ngoài Hội thì giảm sát, kiểm tra quản lý ra sao?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Các vi phạm ứng xử nghề nghiệp được phát hiện thông qua các tranh chấp, thanh kiểm tra, tố cáo tố giác… Các vi phạm này được xử lý ở cấp hội, chi hội cơ sở. Sau đó báo cáo lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Hội KTSVN sẽ thành lập hội đồng xem xét giải trình của các bên liên quan và ra kết luận. Kết luận sẽ được gửi đến cơ quan chuyên môn chính quyền địa phương (Sở Quy hoạch Kiến trúc của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng của các tỉnh/thành phố còn lại) xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc để có quyết định cuối cùng liệu có cấp/gia hạn/thu hồi/cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc hay không.
Câu hỏi số 4: Xin hỏi, có thể chia sẻ cụ thể hơn về phương thức tích lũy điểm CPD phục vụ gia hạn Chứng chỉ hành nghề kiến trúc? Cụ thể tại các chương trình đào tạo nghề nghiệp liên tục do Hội KTS Việt Nam tổ chức trong thời gian qua? KTS có được tích lũy sẵn điểm CPD cho nhiều năm hay không và nếu có thì quy định số điểm tối đa được tích trong 1 năm như thế nào? Tích lũy điểm CPD có được nợ hay không, nếu có thì trong bao lâu?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Như chúng ta đã biết, Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Ngày 17/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2020/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Theo Điều 24 của Nghị định, Hội Kiến trúc sư Việt Nam được giao xây dựng, ban hành bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục chi tiết đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề. Ngày 12/01/2021, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ra Quyết định số 04/QĐ-KTSVN về việc ban hành “Quy định chi tiết Bảng tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề”, kèm theo Phụ lục 1, 2 và 3. Nói cho ngắn gọn, có tất cả 9 sự kiện phát triển nghề nghiệp liên tục (gọi tắt là CPD) bao gồm: Đào tạo, hội thảo, tham quan khảo sát, viết bài báo, viết chuyên luận, tham gia khoá học sau đại học, tham gia giảng dạy đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, đoạt giải thưởng quốc gia và quốc tế. Trong đó 02 sự kiện CPD đầu tiên lại được phân chia theo các nội dung khác nhau: Nghiên cứu lý luận, thiết kế bền vững, phổ biến pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng.
Theo Nghị định 85, mỗi kiến trúc sư hành nghề cần tích lũy tối thiểu là 04 điểm phát triển nghề nghiệp liên tục một năm. Các kiến trúc sư hành nghề trên 60 tuổi đạt tối thiểu là 02 điểm phát triển nghề nghiệp liên tục một năm. Có 03 nhóm loại đơn vị: tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc là được giao tổ chức hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục cho kiến trúc sư hành nghề. Cá nhân đạt vượt mức yêu cầu thì được chuyển điểm CPD sang năm kế tiếp, nếu chưa đạt mức yêu cầu thì phải hoàn thành điểm CPD còn thiếu trong năm kế tiếp. Như vậy các kiến trúc sư hành nghề yêu cầu phải luôn tự đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức về pháp luật, chuyên môn và kinh nghiệp hành nghề hàng năm, chỉ được bù điểm CPD còn thiếu trong năm tiếp theo (và không hơn).
Câu hỏi số 5: Ông có thể chia sẻ thông tin về các đơn vị hiện nay được phép tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc và quy trình để xin cấp chứng chỉ hành nghề?
KTS. Phạm Khánh Toàn: Cho đến nay có 10 đơn vị được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện tổ chức thi sách hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, đó là:
- Hội Kiến trúc sư Việt Nam
- Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam
- Đại học Kiến trúc Hà Nội
- Đại học Xây dựng Hà Nội
- Viện Kiến trúc Quốc gia
- Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị
- Đại học Xây dựng Miền Trung
- Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Xây dựng Miền Tây
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc tuân theo Điều 27, khoản 1 và được chi tiết hoá tại Quyết định số 1186a/QĐ-BXD, ngày 07/9/2020 của Bộ Xây dựng về công bố các thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực kiến trúc và bao gồm:
- Đơn để nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo mẫu
- Ảnh cá nhân
- Bằng đại học phù hợp
- Các quyết định phân công công việc và khối lượng công việc hoàn thành có xác nhận
- Kết quả sát hạch đạt yêu cầu còn hiệu lực
(các bạn đọc kỹ các văn bản pháp luật này để có được chi tiết hơn)
Trong bộ hồ sơ này, mục 5 chính là do 10 đơn vị nêu ở trên tổ chức thực hiện trên toàn đất nước Việt Nam. Theo Điều 25 của Nghị định 85, Hội Kiến trúc sư Việt Nam được giao xây dựng, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trên thực tế, ngày 06/4/2021, Hội KTS Việt Nam đã ra Quyết định số 18/QĐ-KTSVN về việc ban hành “Quy định Chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, Bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc”, làm cơ sở để 10 đơn vị nêu trên tổ chức thực hiện.
Câu hỏi số 6: Đối với những người đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc trước thời điểm Luật kiến trúc và Nghị định 85 có hiệu lực nhưng chưa hết hạn thì cần lưu ý gì khi tích lũy điểm CPD?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Trước khi có Luật Kiến trúc 2019 thì chưa có thuật ngữ chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Theo pháp luật về xây dựng chỉ có chứng chỉ hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc công trình, thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình. Các kiến trúc sư hành nghề thuộc đối tượng này sẽ tuân theo Điều 33. Điều khoản chuyển tiếp của Nghị định 85, theo đó khi chứng chỉ hoạt động xây dựng hết thời hạn sử dụng thì được gia hạn theo pháp luật về kiến trúc khi đảm bảo các quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp quy định tại Nghị định 85 này. Kể từ tháng 7/2020, khi Luật Kiến trúc có hiệu lực, mỗi năm mỗi kiến trúc sư cần tích đủ 04 điểm CPD (đối với KTS trên 60 tuổi thì là 02 điểm) và không vi phạm các qui định trong Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của các kiến trúc sư hành nghề, ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-KTSVN ngày 12/01/2021 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khi có thông báo vi phạm của Hội KTSVN (nếu có). Tuy nhiên Luật Kiến trúc và Nghị định 85 không nhắc đến thời gian hết hạn của các chứng chỉ hoạt động xây dựng cũ. Việc đó các Sở chuyên ngành của các tỉnh/thành phố sẽ xem xét khi sử lý hồ sơ xin gia hạn chuyển đổi sang chứng chỉ hành nghề kiến trúc bằng cách kiểm tra các hoạt động nghề nghiệp sau thời điểm hết hạn. Theo pháp luật về xây dựng, các chứng chỉ hoạt động xây dựng sau 03 tháng hết hạn mà không thực hiện các thủ tục gia hạn thì cá nhân hoạt động xây dựng theo chứng chỉ đó sẽ phải lập bộ hồ sơ mới và thi sát hạch cấp mới từ đầu.
Những kiến trúc sư mới được gia hạn hoặc cấp mới chứng chỉ hoạt động xây dựng theo pháp luật về xây dựng ngay trước tháng 7/2020, sẽ hết hạn muộn nhất vào năm 2025 cũng sẽ phải tuân thủ Luật Kiến trúc về phát triển nghề nghiệp liên tục, mỗi năm tích đủ 04 điểm CPD theo qui định như nêu ở trên.
Câu hỏi số 7: Hiện nay, đối với những KTS đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc hết hạn trước khi Luật kiến trúc và Nghị định 85 có hiệu lực thì cần làm các thủ tục nào để gia hạn? Quy định tích điểm CPD cho các đối tượng này được tính như thế nào? Trong trường hợp những đối tượng này không muốn làm thủ tục gia hạn thì có thể đăng ký thi mới như cấp chứng chỉ lần đầu không?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Như trên đã trình bày, những KTS có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc công trình và thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình theo pháp luật về xây dựng muốn được gia hạn chuyển đổi sang chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo pháp luật về kiến trúc sẽ tuân theo Điều 33 của Nghị định 85: Cần tích đủ điểm CPD và không vi phạm các qui định trong Quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề. Các kiến trúc sư cần thực hiện theo Quyết định số 1186a/QĐ-BXD, ngày 07/9/2020 của Bộ Xây dựng về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và hồ sơ nộp tại Sở quản lý chuyên ngành bao gồm những thành phần sau:
- Đơn đề nghị gia hạn (theo mẫu)
- Ảnh cá nhân
- Chứng chỉ (chứng nhận) tham gia hoạt động phát triển nghề nghiệp (mỗi năm 04 điểm CPD, đối với người trên 60 tuổi là 02 điểm CPD)
- Chứng chỉ hành nghề cũ.
Về quy định tính điểm CPD, sẽ được áp dụng như đã trình bày ở trên.
Kiến trúc sư hành nghề không muốn làm thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề khi họ cảm thấy không đủ điều kiện làm điều đó, vì nhiều năm không tham gia hành nghề, không tham gia các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục, cảm thấy năng lực giảm sút… thì đều có thể ôn tập và đăng ký thi cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu.
Câu hỏi số 8: Nếu tốt nghiệp KTS chuyên ngành quy hoạch, nội thất hoặc cảnh quan nhưng quá trình hành nghề thực tiễn lại tích lũy kinh nghiệm về chuyên ngành kiến trúc thì có thể được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc không? Có hình thức chuyển đổi hay có giải pháp hỗ trợ nào cho các đối tượng này?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Câu trả lời là không, vì Luật Kiến trúc quy định rất rõ tại Điều 28. Điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc là chứng chỉ hành nghề kiến trúc chỉ dành cho những người có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc và mặc dù các kiến trúc sư có thể cung cấp các dịch vụ về: thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan, thiết kế nội thất. Và giải pháp là phải học bổ sung các môn mà kiến trúc sư phải trải qua trong trường đại học để đủ tín chỉ và đủ điều kiện tốt nghiệp là kiến trúc sư, nếu một trường đại học đào tạo kiến trúc sư có chương trình đào tạo như vậy.
Câu hỏi số 9: Hiện nay chứng chỉ hành nghề kiến trúc không phân hạng I,II,III như trước, vậy có những bất tiện nào cho KTS khi sử dụng hay không? Những người có chứng chỉ cũ có phân hạng nhưng chưa hết hạn thì có cần phải làm chuyển đổi sang chứng chỉ mới hay không?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Việc chứng chỉ hành nghề kiến trúc không phân hạng I, II, III như trong chứng chỉ hoạt động xây dựng trước đây sẽ tạo điều kiện tham gia thị trường cung cấp dịch vụ kiến trúc một cách bình đẳng đối với tất cả các kiến trúc sư theo năng lực thực thụ của họ. Chứng chỉ hành nghề có vai trò như một thị thực giúp cho kiến trúc sư bước vào thị trường. Còn năng lực cụ thể của kiến trúc sư hành nghề sẽ được chủ đầu tư kiểm tra kỹ càng vì lợi ích của công trình đầu tư của mình thông qua các qui định hồ sơ đấu thầu, và các biện pháp kiểm tra riêng. Như vậy theo cơ chế thị trường mỗi kiến trúc sư hành nghề sẽ cung cấp dịch vụ kiến trúc với năng lực phù hợp với công trình kiến trúc đảm nhận, thay vì dựa vào chứng chỉ phân cấp cao – thấp mang tính thủ tục hành chính.
Câu hỏi số 10: Trích Điều 28 khoản 3 Luật Kiến trúc: “Cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều này”. Đề nghị làm rõ và hướng dẫn cụ thể.
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Có thể được hiểu là 02 đối tượng:
- Cán bộ công chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ và địa phương trong lĩnh vực kiến trúc.
- Cán bộ giảng dạy đại học và sau đại học tại các trường đào tạo đại học trong lĩnh vực kiến trúc.
Các đối tượng này, nếu có thời gian làm việc liên tục 10 năm trở lên sẽ được miễn thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Câu hỏi số 11: Hội KTS các địa phương có được tổ chức hoạt động tích điểm CPD hay không? Điều kiện nào để Hội KTS địa phương tổ chức các hoạt động chuyên môn được công nhận tích điểm CPD?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Trong Luật Kiến trúc, tại Điều 23. Phát triển nghề nghiệp liên tục có qui định: “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này và đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề.”
Như vậy Hội KTS các địa phương nếu được thành lập và quản lý bởi cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương (Bộ, ngành trung ương và các tỉnh/thành phố) sẽ có đủ điều kiện tổ chức các hoạt động và đánh giá tích điểm CPD.
(Tham khảo các Hội KTS địa phương được tổ chức sát hạch tại câu hỏi số 5)
Câu hỏi số 12: Về hình thức “viết bài, viết sách báo trên Tạp chí chuyên ngành Kiến trúc” đề nghị làm rõ những nhà xuất bản, tổ chức chuyên môn nào được công nhận, các trang chuyên ngành online được công nhận, tính điểm như thế nào?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Các cơ quan cấp trên như tại Điều 23 của Luật Kiến trúc của các tạp chí, tổ chức chuyên môn chuyên ngành kiến trúc sẽ là cơ quan đánh giá và cấp điểm CPD. Các tạp chí, nhà xuất bản thuộc Bộ cũng sẽ là cơ quan đánh giá và cấp điểm CPD. Việc cấp điểm CPD thực hiện theo Quyết định số 04/QĐ-KTSVN, ngày 12/01/2021 của Hội KTS VN.
Chi tiết xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/dien-dan/hoi-kts-viet-nam-ban-hanh-quy-dinh-tinh-diem-phat-trien-nghe-nghiep-lien-tuc-cpd-cua-kts-hanh-nghe.html
Câu hỏi số 13: Về vấn đề tham luận Hội nghị Hội thảo, các tham luận được trình bày và các tham luận chỉ được đăng trong kỷ yếu có giá trị tính điểm khác nhau hay không? Làm thế nào để phân biệt Hội thảo cấp Quốc tế, cấp Ngành, cấp Hội, Viện nghiên cứu hay trường Đại học…?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Việc tính điểm CPD dựa vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tổ chức các sự kiện CPD để đảm bảo tư cách pháp nhân và Bảng tính điểm CPD do Hội KTS VN ban hành theo Quyết định số 04/QĐ-KTSVN ngày 12/01/2021.
Chi tiết xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/dien-dan/hoi-kts-viet-nam-ban-hanh-quy-dinh-tinh-diem-phat-trien-nghe-nghiep-lien-tuc-cpd-cua-kts-hanh-nghe.html
Câu hỏi số 14: Một công trình phải qua kiểm tra thẩm định nhiều cấp và nhiều lần chỉnh sửa theo đúng Luật định mới được cấp phép. Vậy tính điểm CPD cho các công tác chuyên môn này như thế nào?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Công trình thiết kế của kiến trúc sư hành nghề bản thân không thuộc đối tượng được tính điểm CPD. Chỉ khi nào công trình đoạt giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế hoặc đưa vào nghiên cứu, soạn bải giảng … thì mới đủ điều kiện tính điểm CPD theo Bảng tính điểm CPD của Hội KTS VN.
Câu hỏi số 15: Có một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức các chương trình đào tạo nghề nghiệp liên tục hiện nay chưa chú trọng vào việc đánh giá hiệu quả tiếp thu của học viên tham dự mà đều cấp chứng nhận tích lũy điểm cho tất cả các học viên, vậy Hội KTS Việt Nam có quan điểm như thế nào về việc này?
TS. KTS. Phạm Khánh Toàn: Hiện nay chưa có quy định phải đánh giá hiệu quả tiếp thu của học viên tham dự chương trình CPD trước khi cấp chứng nhận tích luỹ điểm, chủ yếu dựa vào cơ quan tổ chức đánh giá và chịu trách nhiệm. Như ở các nước, học viên thường hoàn thành trả lời các câu hỏi về các chuyên đề tiếp thu, thể hiện nhận thức và quan điểm của mình về bài trình bày, trước khi nhận được chứng chỉ điểm CPD. Hội KTS Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa vào việc theo dõi đánh giá sự tham gia nghiêm túc của các học viên, thông qua điểm danh từng kiến trúc sư cho vào lớp học đầu giờ theo danh sách đăng ký, theo dõi quá trình ngồi nghe và giao lưu tương tác với học viên. Những học viên tham gia không đủ thời lượng sẽ không đạt yêu cầu nhận chứng chỉ điểm CPD. Theo quan điểm của Hội, Hội phải lấy nội dung chủ đề, phương pháp trình bày của diễn giả là những việc cần chú trọng trước khi đánh giá học viên. Học viên chắc chắn sẽ theo dõi đến phút cuối các chủ đề mà họ quan tâm cho công tác hành nghề kiến trúc của mình và Hội KTS Việt Nam sẽ luôn phấn đấu như vậy cho các chương trình CPD của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ.
Bài viết thuộc Diễn đàn: Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc và tích điểm đào tạo nghề nghiệp liên tục (CPD)
Theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Hội KTS Việt Nam được giao là đơn vị tổ chức lập, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề; xây dựng, ban hành bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) chi tiết, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc…
Từ tháng 4-7/2021, Hội KTS Việt Nam đã liên tục tổ chức các Hội thảo và chương trình nhằm tạo điều kiện cho các KTS hành nghề nâng cao kiến thức, tích điểm CPD. Sau khi ban hành Bộ câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức kỳ sát hạch đầu tiên vào ngày 9-10/7/2021 với 149 thí sinh tham dự đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cho tới Nghệ An, Thanh Hoá. Để làm rõ hơn về các hoạt động này, Tạp chí Kiến trúc tổ chức diễn đàn nhằm ghi nhận những ý kiến của các KTS, đồng thời chia sẻ những giải đáp của các chuyên gia thuộc Hội KTS Việt Nam.
Chi tiết diễn đàn xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tag/dien-dan-chung-chi-hanh-nghe
Diễn đàn vẫn tiếp tục nhận ý kiến trực tuyến qua website Tapchikientruc.com.vn. Trân trọng kính mời các KTS quan tâm tham gia diễn đàn!
Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc
The post “Tháo gỡ” các vấn đề liên quan đến Cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc và Đào tạo nghề nghiệp liên tục (tích điểm CPD) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3nSjWYg
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét