Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Khởi nghiệp – Chặng đường dài cô đơn của các thủ lĩnh văn phòng

1. Tôi quyết định trở về Việt Nam mở văn phòng kiến trúc năm 30 tuổi. Kể ra thì trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Bữa chia tay bạn bè đồng nghiệp và Paris hoa lệ, tôi nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất: “… Chúc KTS Lê nhiều may mắn!”, “…Mày dũng cảm đó, chúc mày may mắn!”… Những lời chúc thổi bùng khát khao cháy bỏng trong tôi: Trở về lập nghiệp bằng chính văn phòng kiến trúc của mình tại Việt Nam, tại Hà Nội. Có lời chúc tụng, lời tâm sự của một đồng nghiệp đàn anh đã ngoại tứ tuần làm tôi nhớ mãi: “Anh cũng đã từng lập văn phòng rồi nhưng đã thất bại, giờ anh trở lại làm thuê như em thấy đó, anh chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết chúc em may mắn!”.

2. Ngày ấy quả tình tôi không để ý, mãi sau mới ngờ ngợ, trong con mắt bạn bè đồng nghiệp cái may mắn, cái rủi ro là điều trước nhất, quyết định thành bại của bất kỳ Văn phòng Kiến trúc nào tại Việt Nam, nhất là văn phòng khởi nghiệp, không phân biệt nó có năng lực gì, tầm cỡ nào! Giờ thì tôi càng thấm thía lời bạn bè đồng nghiệp ở Paris ngày ấy, tuy vẫn còn một vài điều không sao hiểu nổi!

Thấm thoát đã 5 năm từ ngày về nước khởi nghiệp. Những năm đầu tiên thật khó khăn với một loạt các vấn đề mà trước đó tôi chưa từng phải đối mặt bao giờ. Nghĩ lại có phần hối tiếc, bởi lúc đó tôi đã chưa có đủ hiểu biết về các công việc quản trị, tổ chức văn phòng kiến trúc… Nhớ lại những năm làm việc ở Pháp, dưới góc độ là một nhân viên chăm chỉ, tôi học được một số kĩ năng trong nghề – Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều chưa đủ để có thể làm một start – up đúng nghĩa. Hàng loạt các quyết định liên quan đến tổ chức một văn phòng như thuế má, đến các hợp đồng, các quyết định để có hợp đồng cũng làm tôi phải trăn trở và nhiều băn khoăn. Văn phòng hoạt động với những quyết định liên quan đến tuyển dụng, sa thải… Đó chỉ là một phần trong những khó khăn mà tôi trải qua lúc đó. Tôi đã mất ngủ, chập chờn hàng tuần trước và sau quyết định sa thải một nhân sự. Rồi khi văn phòng có những bước chuyển đổi về số lượng thì phát sinh các mâu thuẫn, cái đội nhóm buôn dưa lê bán dưa chuột hình thành và bắt đầu tạo ra những văn hóa mà tôi không mong muốn. May mắn là lúc đó lượng việc vẫn đều đặn nhưng văn phòng rơi vào trạng thái khung hoảng về hệ thống, về nhân sự, về kế toán, về quy trình… càng ngày càng rõ nét và trầm trọng thêm. Tất cả các vấn đề đó trở thành rào cản rất lớn đối với văn phòng của tôi lúc đó. Và có lẽ dấu mốc đầu tiên – quan trọng – nhất định phải vượt qua của các Start-Up là khoảng 3 năm đầu tiên.

3. Khi tìm hiểu về các mô hình văn phòng kiến trúc Việt Nam và so sánh với những gì tôi thấy ở nước Pháp, lúc đầu tôi thật sự ngỡ ngàng bởi khoảng cách về sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức hành nghề. Tuy nhiên khi tôi trao đổi với các KTS bậc thầy, cũng như các bậc đàn anh ở Việt Nam thì cũng hiểu được phần nào – Tôi nhận thấy rằng: Sự đứt gãy trong một quãng thời gian dài từ năm 54 đến năm 75 của các hoạt động hành nghề kiến trúc ở Việt Nam phần nào làm cho các thế hệ KTS sau đó gần như mất đi sự kết nối trong hành nghề với thế hệ KTS đầu tiên của Việt Nam đầy tài năng. Và từ 1975 đến tận gần đây, năm 2019 phiên bản Luật Kiến trúc đầu tiên mới được chính thức thông qua bởi Quốc hội, bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2020.

Có lẽ bởi vậy mà các văn phòng kiến trúc hiện nay thành lập thường theo kiểu tự phát và kinh nghiệm quản lý chỉ có được phần lớn từ truyền tay, truyền miệng của các KTS đàn anh, gần như không có được một hệ thống hoạt động khoa học cũng như kiến thức được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Giờ tôi hiểu hơn về lời chúc may mắn ngày đó – Hầu hết các mô hình văn phòng kiến trúc ở Việt Nam tồn tại được đúng là do may mắn. Tất nhiên tôi cũng thấy có những văn phòng có tên tuổi và uy tín, nhưng quá ít so với tổng số lượng văn phòng thiết kế nói chung ở Việt Nam.

Từ một tổ chức mô hình văn phòng thiếu chuyên nghiệp dẫn đến việc thu về hành nghề nhỏ lẻ và từ bỏ các đầu việc lớn, họ không đủ khả năng để làm trọn vẹn công việc của một văn phòng kiến trúc từ ý tưởng cho đến triển khai. Từ đó, dễ dàng hình thành những văn phòng chỉ chuyên về một việc như chỉ làm concept cho một thể loại công trình, hay chỉ triển khai lại ý tưởng của các KTS khác, và rồi những văn phòng như vậy hơn thua nhau phần lớn bởi quan hệ và giảm giá, thậm chí là phá giá. Mô hình văn phòng kiến trúc lúc này trở thành một nhà xưởng theo kiểu dây chuyền công nghiệp hơn là một văn phòng có tính sáng tác và truyền lửa nghề. Khi tôi trao đổi với nhiều anh em đồng nghiệp thì biết rằng có rất nhiều các văn phòng kiến trúc ở Việt Nam đang hoạt động như vậy. Các Công ty tư vấn nước ngoài họ đang nhận được sự tin tưởng trong những dự án lớn, những dự án trọng điểm bởi tính chuyên nghiệp trong tổ chức. Một thực trạng đáng buồn về thù lao tư vấn, một số văn phòng thì khản tiếng kêu thù lao quá thấp, không đủ chi phí… và đòi sự bình đẳng như với các tư vấn nước ngoài, thì nhiều văn phòng khác lại mạnh mẽ giảm giá, và có phần tự hào vì điều đó. Đâu đó có những hiểu nhầm về một hoạt động hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp mà tôi thấy.

Bàn về khởi nghiệp trong nghề kiến trúc

4. Ở đâu cũng vậy, thủ lĩnh Văn phòng kiến trúc nào cũng phải ngày đêm bươn chải trên hành trình lập nghiệp. Thường thì con đường đó cô đơn, mà anh vẫn phải vượt qua để tồn tại. Trên con đường ấy, anh ta phải đứng mũi chịu sào, phải chia sẻ thật nhiều để tìm hướng phát triển, để dẫn dắt đồng nghiệp cùng hướng tới một triết lý kiến trúc, một phương châm hành nghề. Sự đồng thuận nội bộ văn phòng sớm muộn sẽ tạo nên một tập thể mạnh, có văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, KTS thủ lĩnh cần điều hành văn phòng một cách khoa học, biết học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Khi ấy, văn phòng kiến trúc của anh ta có thể sẵn sàng cộng tác với những KTS, công trình sư danh tiếng và tài ba – Anh ta cũng phải cố gắng phấn đấu trở thành một nhân tố tài hoa trong số họ. Được vậy, Văn phòng kiết trúc sẽ vững bước tiếp nối con đường còn để ngỏ của các thế hệ đàn anh, sẽ bổ sung kinh nghiệm cho các văn phòng kiến trúc trẻ kế cận yên tâm lập nghiệp. Đến một giới hạn nào đó, tôi nghĩ, có lẽ sự cô đơn chỉ là bước khởi đầu mà thôi! Và bạn sẽ thấy mình thực sự may mắn khi vượt qua được chặng đường cô đơn này…

KTS Ngô Ngọc Lê
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)

The post Khởi nghiệp – Chặng đường dài cô đơn của các thủ lĩnh văn phòng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3BKq8oQ
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét