Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Quá trình hội nhập với thế giới của Kiến trúc Việt Nam sau 1975

Sau năm 1975, một chương mới được mở ra với nền kiến trúc Việt Nam, các KTS người Việt lần đầu tiên được làm chủ không gian hành nghề trên toàn bộ quốc gia của mình và tiến ra thế giới với vị thế đại diện cho nước Việt Nam duy nhất. Chặng đường gần nửa thế kỷ, từ những năm tháng hàn gắn vết thương chiến tranh đến thời kỳ hội nhập quốc tế, vượt qua nhiều thách thức, nền kiến trúc Việt Nam đã có được vị trí nhất định trên bản đồ kiến trúc thế giới. Trong tiến trình đó, những KTS luôn giữ vai trò trọng yếu, thậm chí có thể nói là tiên phong. Bắt đầu từ những đồ án trên giấy thập kỷ 70,80 đến những công trình thực tế trong thế kỷ 21 được vinh danh qua vô số giải thưởng quốc tế, họ đã góp phần không nhỏ cho việc nâng cao hình ảnh Việt Nam và hé mở con đường tương lai của kiến trúc nước nhà ở kỷ nguyên mới.

1. Giai đoạn hàn gắn và tái thiết 1976-1986

Một điểm đặc biệt của giai đoạn hậu chiến là các KTS trẻ đóng vai trò chính trong nền kiến trúc Việt Nam. Những gián đoạn trong đào tạo ở miền Bắc hai thập niên 40, 50 cùng với việc nhiều tên tuổi gạo cội miền Nam không còn hành nghề trong nước sau 1975 đã làm cho lực lượng KTS thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, trọng trách được đặt lên vai lớp trẻ. Đây là thời điểm vươn lên ghi dấu ấn của thế hệ KTS thứ 2 và thứ 3, đang trong đô tuổi 30, 40 đầy sức sống. Họ không chỉ trình làng những tác phẩm thực tế tốt ở trong nước mà còn góp phần đưa kiến trúc Việt Nam hội nhập với quốc tế.

Sau năm 1975, tình hình đất nước vẫn còn chưa yên bình với hai cuộc xung đột biên giới. Hơn thế nữa, mô hình quản lý tập trung quá cứng nhắc trong nước cùng với tác động từ chính sách cấm vận của phương Tây làm cho kinh tế xã hội Việt Nam rất khó khăn. Vì vậy, dù các công trình dân sinh được xây dựng khá nhiều, nhưng đa số tập trung vào yêu cầu đáp ứng công năng cơ bản nhất và thường áp dụng các thiết kế điển hình cho phù hợp với nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Cơ hội thể nghiệm những ý tưởng độc đáo, đa dạng và bay bổng của các KTS không có nhiều.

Trước tình hình đó, nhiều KTS trẻ gửi gắm những giấc mơ sáng tạo của mình vào các đồ án dự thi quốc tế. Trong bối cảnh đất nước còn khá khép kín, đối với các KTS trẻ đang khao khát tìm tòi cái mới, tham dự các cuộc thi quốc tế là một trong những con đường hiếm hoi để giao lưu học hỏi từ đồng nghiệp nước ngoài. Các cuộc thi này giúp KTS Việt Nam nhìn nhận rõ trình độ của mình so với thế giới và rèn luyện nâng cao tay nghề để tránh lạc hậu.

Ngay từ những năm đầu tham gia, các KTS thế hệ mới của nước Việt Nam thống nhất đã đạt được những giải cao, đi đầu là những gương mặt rất trẻ, có người còn chưa ra trường. Nổi bật là thành công trong các năm 1979 và 1985, các KTS Việt Nam đạt những giải cao nhất: Cuộc thi kiến trúc về nhà ở nông thôn “Archis 79-Habitation Rural” tổ chức ở Paris năm 1979, ba trong số năm giải cao nhất đã thuộc về các đồ án của Việt Nam gồm: “Nhà ở nông thôn, đơn vị cân bằng sinh thái” (nhóm KTS Nguyễn Luận, Trần Quang Trung), “Làng nổi Đồng Tháp Mười” (nhóm KTS Bùi Quang Ngân, Nguyễn Ngọc Bình, Đặng Bá Cầu), “ Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm Căn – Cà Mau” (sinh viên kiến trúc Nguyễn Văn Tất). Tiếp đó, năm 1985 đồ án “Nhà ở Làng hoa Ngọc Hà” (nhóm KTS Nguyễn Hoàng Hà, Lê Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn) đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Nhà ở cho ngày mai” dành cho KTS dưới 35 tuổi do UIA và UNESCO đồng tổ chức. Ngoài ra, trong nhiều cuộc thi khác, KTS trẻ Việt Nam cũng ghi những dấu ấn nhất định với các đồ án như “Khôi phục kinh thành Huế” (giải thưởng cuộc thi của UIA cho sinh viên) của nhóm sinh viên Vũ Hoàng Hạc,Trần Đức Phú, Phạm Ngọc Kỳ; “Lớp học nổi trên đồng bằng Sông Cửu Long” của KTS Võ Thành Lân…

Những giải thưởng do KTS trẻ đạt được từ năm 1975 đến 1986 tập trung nhiều vào giải quyết những vấn đề căn bản của Việt Nam hậu chiến – Đó là kiến trúc nông thôn, nhà ở và khôi phục đô thị. Các đồ án đạt giải cao đều có cách nhìn sáng tạo nhưng thực tiễn, phù hợp với văn hóa lối sống và điều kiện kinh tế kỹ thuật địa phương. Mặc dù chỉ là những đồ án ý tưởng nhưng đã thể hiện rằng: KTS Việt Nam thế hệ mới không chỉ có một nền tảng chuyên môn tốt, hiểu biết sâu về văn hóa lối sống của người Việt mà mỗi người còn quan tâm đến các vấn đề cấp bách của đất nước, có trách nhiệm với xã hội. Thành công của họ đã truyền cảm hứng, tiếp thêm tự tin cho đồng nghiệp cùng lứa và các thế hệ tiếp theo, đặc biệt là chỉ ra một con đường đúng đắn trong hành nghề là hướng tới việc nâng cao chất lượng không gian sống gắn với sinh kế của người dân.

2. Giai đoạn chuyển đổi, từ 1986 đến 2000

Chính sách Đổi mới đã tạo ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển của đất nước cũng như ngành kiến trúc và giới KTS. Nhu cầu xây dựng lớn do kinh tế phát triển, đô thị hóa nhanh khiến cho giới kiến trúc có nhiều cơ hội làm việc và thoải mái thể hiện ý tưởng hơn trước đây. Mặc dù vậy, trong cả giai đoạn này chỉ có duy nhất một công trình đã xây dựng được ghi nhận ở giải thưởng quốc tế. Có lẽ những KTS đã quá bận rộn với việc hành nghề mà quên mất việc nhìn nhận mình qua giao lưu với bên ngoài. Vì vậy, các đồ án ý tưởng vẫn tiếp tục chiếm số lượng gần như tuyệt đối trong việc đại diện cho Việt Nam ở các giải thưởng quốc tế.

Đồ án Giải nhất Cuộc thi quốc tế “Archis79 – Habitation Ruaral’’, do tổ chức ACCT của Liên hiệp quốc và UIA tổ chức – Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm căn – Cà mau”

Được khích lệ từ những thành công trong giại đoạn trước, đồng thời việc gửi bài thi ra nước ngoài sau năm 1986 dễ dàng hơn nhờ chính sách mở cửa, KTS trẻ rất tích cực đưa các đồ án của mình tham dự các cuộc thi quốc tế. Cho đến hết thập kỷ 90, đấu trường chính để KTS Việt Nam thể hiện là các liên hoan kiến trúc định kỳ dạng Biennale và các cuộc thi của UIA. Nổi bật nhất đầu thời đổi mới là nhóm các KTS: Vũ Văn Tân, Nguyễn Bắc Vũ, Lê thị Kim Dung, Vũ Anh Tuấn. Họ đã đạt huy chương vàng Interarch-87 ở Bulgaria với đồ án “Tồn tại hay không tồn tại” – Tổ chức môi trường ở cho vùng di tích địa đạo Vĩnh Linh. Cùng năm 1987, họ nhận giải Nhất Biennale kiến trúc ở Ba lan cho đồ án “Không gian Alibaba – Tôn vinh di sản kiến trúc đô thị Hà Nội 36 phố phường…

Interarch ở Bulgaria trở thành nơi phát lộ của nhiều tài năng Việt Nam 10 năm đầu đổi mới. Trong hai kỳ Interarch 94 và 97, tuy không có vị trí cao như những năm trước nhưng các KTS trẻ Việt Nam tiếp tục có các đồ án đạt giải là: “Hồ Gươm- Hà Nội” (nhóm KTS Lê Thị Kim Dung và cộng sự), “Trả lại cho đất những gì của đất” – Cải tạo làng cổ Bát Tràng (nhóm KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự), “ Tiếng gọi nơi hoang dã” – Chỉnh trang không gian lăng Hoàng Cao Khải ở Ấp Thái Hà, và “Bảo tàng Yên Tử” của KTS Hoàng Minh.

Cũng thông qua Interarch, sau sự thành công với những “tác phẩm” trên giấy, KTS Việt Nam lần đầu tiên có tác phẩm thực tế đạt giải quốc tế – Đó là công trình Làng SOS Hà Nội của KTS Vũ Hoàng Hạc, lúc đó mới ngoài 30 tuổi – Huy chương vàng tại Interarch-91. Trong công trình này, KTS Vũ Hoàng Hạc đã thể hiện ý tưởng đầy nhân văn về một ngôi làng có tỷ lệ không gian hài hòa, thân thiện với trẻ em, các ngôi nhà trong làng sử dụng vật liệu gạch đỏ bản địa, ngôn ngữ tạo hình vừa hiện đại vừa đậm bản sắc dân tộc. Quần thể làng SOS đã chứng minh rằng KTS trẻ Việt Nam không chỉ mạnh về ý tưởng mà năng lực thực tiễn còn có thể đạt đến trình độ chung của thế giới nếu có những điều kiện hành nghề tốt.

Những giải thưởng đạt được trong giai đoạn này đều liên quan đến vấn đề di sản và bản sắc. Những KTS trẻ tuy mơ mộng nhưng rất nhạy bén và trăn trở về những vấn đề lớn của kiến trúc nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong giai đoạn chuyển đổi: Đó là nguy cơ mai một của di sản trong quá trình phát triển đô thị, là sự giằng co giữa việc giữ gìn bản sắc và quốc tế hóa khi hôi nhập. Điều đó cho thấy KTS trẻ Việt Nam cuối thế kỷ 20 hiểu rõ những gì đất nước sẽ phải đương đầu cũng như trách nhiệm họ cần gánh vác. Họ cũng nhận ra rằng con đường hành nghề và hội nhập quốc tế của họ trong kỷ nguyên mới để thành công mà không bị hòa tan dường như khó tách rời được bệ đỡ từ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên sự khan hiếm công trình thực tế dự thi và đạt giải quốc tế giai đoạn này, dù cơ hội giao lưu rất nhiều, cho thấy một phần giới KTS Việt Nam dường như sa vào trạng thái vừa chủ quan vừa tụt hậu trong hành nghề trước thềm thế kỷ 21.

Nhà ga T1 sân bay Nội Bài (2001 – KTS Lương Anh Dũng, Thân Hồng Linh)

3. Giai đoạn toàn cầu hóa với những thách thức và hy vọng

Những năm đầu thế kỷ 21, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng hơn, vị thế của KTS người Việt bị suy giảm đáng kể ở thị trường trong nước, đặc biệt yếu thế trước các KTS nước ngoài trong những dự án trung bình và lớn. Các công ty thiết kế nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày một nhiều và chiến thắng trong hầu hết các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc quan trọng. Kể từ sau khi Nhà ga hàng không T1 Nội Bài ở Hà Nội được hoàn thành năm 2001 cho đến nay, hầu như không còn một công trình lớn tầm cỡ quốc gia nào đã và đang xây dựng được chủ trì thiết kế bởi KTS người Việt. Những công trình mang tính biểu trưng nổi bật hiện nay như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội, Tháp Bitexco, Landmark 81, Trung tâm hành chính Đà Nẵng… đều do người nước ngoài thiết kế. Hệ quả là nền kiến trúc Việt Nam đang phần nào bị định hình từ bên ngoài. Nguyên nhân một mặt do KTS Việt Nam ban đầu thiếu kinh nghiệm thiết kế các công trình phức tạp, quy mô lớn, công trình siêu cao tầng cũng như ít tiếp xúc với các công nghệ xây dựng, kỹ thuật công trình tiên tiến trên thế giới sau nhiều năm làm việc trong một thị trường khép kín, có phần lạc hậu, thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, bị chi phối bởi những quan hệ “sân sau” và ít có công trình được đầu tư cao. Nghiêm trọng hơn, tâm lý “sính ngoại” trong khách hàng người Việt cũng là một phần lý do chính dẫn đến sự thu hẹp phạm vi hành nghề của KTS bản địa.

Giải thưởng quốc tế vì vậy, không chỉ là phương tiện hội nhập mà lúc này còn trở thành một vũ khí sắc bén để các KTS trẻ Việt Nam chiến đấu nâng cao vị thế của mình trong mắt khách hàng nội địa. Giống như cha ông đương đầu với lực lượng quân sự ngoai xâm hùng mạnh bằng cách trở về với nông thôn và chiến tranh nhân dân, không ít KTS trẻ Việt Nam hiện nay đã quay lại với vật liệu địa phương và kinh nghiệm dân gian, tái sinh chúng dưới hình thức mới cũng như hướng đến những vấn đề xã hội nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với những đồng nghiệp nước ngoài trên đấu trường quốc tế. Nhiều người đã thành công, nhận được sự thừa nhận đầu tiên ở tầm quốc tế bằng con đường này ngay từ khi còn ở trong lứa tuổi 30,40 như các KTS: Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hòa Hiệp…

Cho đến nay, mỗi năm có hàng chục tác phẩm của KTS trẻ cũng như sinh viên kiến trúc Việt Nam được vinh danh bởi các tổ chức UIA, Arcasia, Green good design, World Architecture festival, BCI… cũng như các đơn vị truyền thông kiến trúc uy tín FuturArc, Archdaily, Architecture Record, Dezeen… Bước ra từ những cuộc thi thời trẻ một số gương mặt tiêu biểu đã trưởng thành và giành giải thưởng cao mang tính toàn cầu gồm: KTS Nguyễn Hòa Hiệp, người Việt đầu tiên đạt giải Công trình của năm tại World Architecture festival (2014) cho “Nhà Nguyện”; KTS Hoàng Thúc Hào người Việt đầu tiên đạt 2 giải lớn Sia-Getz (2016) và giải UIA Vassilis Sgoutas (2017) cho các tác phẩm vì cộng đồng; Văn phòng KTS Võ Trọng Nghĩa, văn phòng Việt đầu tiên đạt giải KTS của năm trong Dezeen award (2019)…

Giải thưởng quốc tế trong giai đoạn này không còn chỉ là những đồ án trên giấy mà tuyệt đại đa số là công trình đã được xây dựng. Hơn thế nữa, những tác phẩm đạt giải hầu hết hướng tới giải quyết những vấn đề nóng ở Việt Nam và toàn cầu ngày nay như: Xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các cộng đồng yếm thế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đối phó với thiên tai và biến đổi khí hậu… Điều đó cho thấy trách nhiệm xã hội cao, khả năng thích nghi tốt, sự trưởng thành về chuyên môn vượt bậc và hướng đi đúng đắn của những KTS trẻ. Những tác phẩm đó cũng chứng minh thế hệ trẻ nói riêng và KTS Việt Nam nói chung có đủ khả năng tạo ra những công trình đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh mục giải thưởng thì KTS Việt Nam chưa có những công trình quy mô trung bình đạt vị trí cao, càng không có công trình lớn được ghi nhận. Bởi vậy, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa của giới nghề để san lấp khoảng trống đó, thực sự đạt tới đẳng cấp ngang với mặt bằng chung của thế giới.

Nhà quốc hội Việt Nam (2015 – Công ty GMP)

4. Kết luận

Kể từ ngày thống nhất đến nay, có thể nói, nền kiến trúc Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Các thế hệ KTS nước nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, góp phần tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh vươn lên trở hành một trong những nền kinh tế năng động, giàu sức sống nhất khu vực và thế giới.

Trung tâm hội nghị Quốc gia

Trong tiến trình đó, các KTS trẻ đóng vai trò không nhỏ. Bằng sức trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm và những suy nghĩ táo bạo khi tham gia các giải thưởng quốc tế họ đã đi đầu giúp nền kiến trúc và xã hội Việt Nam hội nhập với thế giới. Những giải thưởng mà thế hệ trẻ đạt được qua các thời kỳ cho thấy: Các KTS trẻ đã thể hiện quan điểm làm nghề rất đúng đắn, tích cực vừa có ích cho đất nước vừa không tách rời xu hướng thế giới – Đó là luôn chú trọng giải quyết các vấn đề nóng của xã hội, hướng đến lợi ích của của người dân, tôn trọng và biết dựa vào những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác phẩm của họ phần nào chỉ ra phương thức hội nhập quốc tế dựa trên việc học hỏi phát huy yếu tố Việt một cách sáng tạo.

Bamboo Wing (2010 – KTS Võ Trọng Nghĩa)

Chặng đường sắp tới tiếp tục đặt ra cho giới kiến trúc nhiều thách thức không nhỏ trong và cả ngoài nước, đòi hỏi mỗi cá nhân cũng như Hội KTS Việt Nam “nhập cuộc” với những nỗ lực trong chuyên môn, thể hiện trách nhiệm xã hội, đấu tranh không mệt mỏi để làm nghề một cách vững vàng, hiệu quả, xây dựng được nền kiến trúc Việt Nam tiến bộ ngang bằng với thế giới và đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng quốc gia lớn mạnh. Các KTS trẻ chắc chắn sẽ tiếp tục đi tiên phong trên con đường này.

TS.KTS Trương Ngọc Lân
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)


Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Tấn Vạn (2018), Kiến trúc Việt Nam 70 năm đồng hành cùng đất nước, Tạp chí Kiến trúc 3-2018;
  2. Trương Ngọc Lân (2016), Die geschichte der modernen architektur in Vietnam, Arch Plus 226-2016, Germany;
  3. Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (2012), Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc, Nhà xuất bản Xây Dựng. Hà Nội;
  4. Trần Trọng Chi, Nguyễn Luận, Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Quốc Thông (2010), Nửa thế kỷ Kiến trúc Việt Nam, Hội kiến trúc sư Việt Nam;
  5. Đặng Thái Hoàng (1999), Kiến trúc Hà Nội thế kỷ 19-20, Nhà xuất bản Hà Nội;
  6. Ngô Huy Quỳnh (tái bản năm 2013), Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nhà xuất bản Xây dựng. Hà Nội.

The post Quá trình hội nhập với thế giới của Kiến trúc Việt Nam sau 1975 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3hLzx8j
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét