Trong giai đoạn giao thời, chuyển tiếp giữa CCHN cũ (theo Luật Xây dựng) và CCHN mới (theo Luật Kiến trúc), tháng 6-7/2021, Câu lạc bộ Kiến trúc sư Trẻ Việt Nam thông qua hệ thống CLB Kiến trúc sư Trẻ các Vùng và địa phương, đã thu thập ý kiến, câu hỏi của KTS cả nước xung quanh các vấn đề này. Diễn đàn của TCKT trân trọng giới thiệu những ý kiến được CLB tập hợp và sẽ chuyển cho các chuyên gia của Hội KTS Việt Nam sớm phản hồi.
Đa phần các ý kiến tập trung vào các vấn đề: Cơ sở pháp lý, tiến trình, công tác tổ chức thi sát hạch, làm rõ định nghĩa về hành nghề liên tục, những điểm còn bất cập, cách tính điểm CPD, quy tắc ứng xử nghề nghiệp, kể cả cách tổ chức thực hiện và chi phí…Một số ý kiến dưới dạng câu hỏi làm rõ, một số khuyến nghị hiến kế mà trong đó có những cách đặt vấn đề mang tính gợi mở cần thảo luận thêm. Một số câu hỏi có tổ chức cá nhân cụ thể nêu ra, số khác còn lại được tổng hợp từ nhiều ý kiến trùng lặp.
I. Cơ sở Pháp lý:
1. “Tổ chức xã hội nghề nghiệp về hành nghề Kiến trúc” (theo nghị định Chính phủ) và “Tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp” của Hội KTS Việt Nam (theo điều lệ Hội) giống hay khác nhau? Vì sao có liên quan đến các hoạt động tổ chức và chứng nhận tính điểm CPD của Hội KTS Việt Nam và các Hội địa phương (như TPHCM hiện nay) cùng các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong cả nước (không thuộc Hội KTS Việt Nam)?
2. Tính pháp lý của các văn bản quyết định của Hội KTS Việt Nam (triển khai Luật Kiến trúc) có được xem là “văn bản pháp quy” trong hệ thống văn bản pháp luật hay không? Nếu các cá nhân tổ chức thực hiện không đúng, thiếu sót so với 3 văn bản đã ban hành, căn cứ nào để Hội KTS Việt Nam tổ chức thanh, kiểm tra và tổ chức xử lý đối với hành vi vi phạm (về quy tắc ứng xử nghề nghiệp, về thẩm quyền tổ chức, và chất lượng kết quả sát hạch về chứng nhận điểm CPD cho KTS)?
II. Tiến trình:
1. KTS đã hết hạn CCHN cũ từ tháng 7/2020 đến nay chưa được thi sát hạch để gia hạn CCHN (do chưa có nơi nào tổ chức thi sát hạch) thì phải nhờ người khác đứng tên ký hồ sơ thiết kế từ đầu năm 2021 (trước thời gian này, CCHN cũ đã hết hạn từ tháng 7/2020 vẫn có giá trị sử dụng đến 31/12/2020 theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng). Vậy những KTS thuộc tình trạng này (rất nhiều) sẽ phải làm thủ tục cấp mới hay được làm thủ tục gia hạn?
- Nếu phải làm thủ tục cấp mới thì sẽ rất vô lý vì không phải lỗi do họ;
- Nếu gia hạn thì việc tích điểm CPD cần phải tính từ thời gian nào và cần tối thiểu bao nhiêu điểm là phù hợp?
2. Hiện nay, trong thời gian 2020 -2021, rất nhiều KTS hành nghề có chứng chỉ đã và sắp hết hạn. Đề nghị Hội KTS Việt Nam tạo điều kiện tăng cường đào tạo trực tuyến tích điểm CPD để các KTS sắp xếp công việc có thể tham dự.
(Thực tế từ tháng 6 đến nay – Hội KTS Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến đào tạo nghề nghiệp liên tục, tích điểm CPD. Ngày 17-18/9/2021, Hội sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến về những kinh nghiệm hành nghề kiến trúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm tham gia! Chi tiết đăng ký xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/hoi-kts-viet-nam-to-chuc-hoi-thao-truc-tuyen-ve-nhung-kinh-nghiem-hanh-nghe-kien-truc-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.html)
3. KTS còn hạn CCHN cũ sẽ thực hiện tích điểm CPD hàng năm. Vậy bắt đầu tích điểm CPD tính từ thời gian Luật Kiến trúc có hiệu lực (ngày 01/7/2020) đến thời điểm hết hạn CCHN cũ hay tính từ khi Hội KTS Việt Nam ban hành bộ câu hỏi phục vụ sát hạch CCHN (tháng 4/2021) đến khi hết hạn CCHN cũ?
4. Từ Luật Kiến trúc (1/7/2019) cho đến Nghị định 85 (17/7/2020), đến nay, đã 2 năm mà Thông tư hướng dẫn chưa ra đời, gây khó khăn đình trệ cho đời sống hành nghề Kiến trúc trên cả nước. Sự chậm chạp và bất cập này sẽ được Hội KTS Việt Nam và Bộ Xây dựng tháo gỡ, thúc đẩy như thế nào? Các đơn vị tổ chức sát hạch vào tháng 7 năm 2021 sẽ được sử dụng kết quả ra sao để Sở Xây dựng các địa phương cấp CCHN mới?
III. Tổ chức thi sát hạch:
1. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về việc thi sát hạch CCHN Kiến trúc (thực hiện theo Luật Kiến trúc), dự kiến thời gian nào sẽ thực hiện kỳ sát hạch đầu tiên?
(Kỳ thi sát hạch đầu tiên đã tổ chức thành công tại Hà Nội do Hội KTS Việt Nam tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Đợt thi sát hạch ngày 9-10/7/2021 của Hội KTSVN đã diễn ra thuận lợi với sự tham gia của 149 thí sinh đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cho tới Nghệ An, Thanh Hoá. Chi tiết xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/mot-ky-thi-sat-hach-dau-tien-va-dang-nho.html)
2. Tổ chức Hội KTS cấp Tỉnh – Thành là tổ chức xã hội nghề nghiệp hội tụ điều kiện tổ chức thi sát hạch, có đúng hay không? Tuy nhiên kinh phí lập phòng máy, tổ chức thi và mời Bộ Xây dựng thẩm tra về tiêu chuẩn tổ chức thi cử sẽ tốn kém. Hơn nữa, KTS các đia phương muốn thi sát hạch phải về các thành phố lớn dự thi sẽ gây khó khăn về mặt kinh phí.
IV. Hành nghề liên tục:
Trích Điều 28 khoản 3 Luật Kiến trúc: “Cá nhân có 10 năm trở lên trực tiếp hành nghề Kiến trúc…được miễn điều kiện quy định ở điểm C khoản 1 điều 28“. Đề nghị làm rõ và hướng dẫn cụ thể.
V. Tích điểm CPD:
1. Hội KTS các địa phương có được tổ chức hoạt động tích điểm CPD hay không? Điều kiện nào để Hội KTS địa phương tổ chức các hoạt động chuyên môn được công nhận tích điểm CPD?
2. Cho phép áp dụng việc KTS tự chấm điểm CPD cá nhân thông qua Bảng kê khai kết quả công việc. Các cơ quan chức năng có thể có thể kiểm tra nội dung kê khai qua các tài liệu chứng minh đi kèm.
3. Để kiểm tra việc hành nghề liên tục nên xem công trình thiết kế là một trong những tiêu chí bắt buộc.
4. Về hình thức “viết bài, viết sách báo trên Tạp chí chuyên ngành Kiến trúc” đề nghị làm rõ những nhà xuất bản, tổ chức chuyên môn nào được công nhận, các trang chuyên ngành online được công nhận, tính điểm như thế nào?
5. Về vấn đề tham luận Hội nghị Hội thảo, các tham luận được trình bày và các tham luận chỉ được đăng trong kỷ yếu có giá trị tính điểm khác nhau hay không? Làm thế nào để phân biệt Hội thảo cấp Quốc tế, cấp Ngành, cấp Hội, Viện nghiên cứu hay trường Đại học…?
6. KTS tham gia Ban Biên tập, Biên soạn nội dung, điều phối chương trình chuyên môn các Hội thảo chuyên ngành được tính điểm bằng các tham luận chính.
7. Bảng tính điểm CPD không áp dụng cho các phương án thi tuyển Kiến trúc được chọn (Nhất, Nhì, Ba) tại các cuộc thi tuyển cấp Quốc gia và Quốc tế.
8. Tham gia thi tuyển các cuộc thi Kiến trúc cấp Tỉnh – Thành hay Hội KTS Việt Nam hay Hội KTS địa phương tổ chức, có nộp bài và được xác nhận đủ tiêu chuẩn bài thi được tính điểm CPD.
9. Việc tổ chức các Hội thảo được công nhận CPD nên mở rộng nhiều chuyên môn khác nhau của xã hội để tất cả cùng tham gia, không nhất thiết phải do các đơn vị độc quyền đào tạo sát hạch. Hội thảo CPD có thể mời các đơn vị chuyên ngành Vật liệu Xây dựng, xã hội hóa, tài trợ và miễn phí tham dự cho anh em KTS.
10. Cần xây dựng các chuyên đề CPD có nội dung chất lượng, phong phú để đáp ứng nhu cầu của KTS hành nghề.
11. Việc hành nghề liên tục chứng minh qua các đồ án thực tế được các Chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt (công trình xếp hạng 1, 2, 3) thẩm tra Thiết kế khảo sát, Thiết kế Kỹ thuật Thi công nên được xác nhận điểm CPD. Và việc phát triển nghề nghiệp liên tục phải có yếu tố hành nghề thật chứ không phải chỉ Hội thảo, tọa đàm, viết sách, giảng dạy và tham luận…
12. Định nghĩa CPD (Phát triển hành nghề liên tục) không rõ ràng, bao gồm cả “liên tục” và “phát triển” nên quy định 8 lĩnh vực tích điểm chỉ đơn thuần yếu tố “phát triển nâng cao” mà không sàng lọc yếu tố “hành nghề liên tục” là không thỏa đáng. Như vậy khối KTS hàn lâm chuyên ngành Nghiên cứu dễ tích điểm nhiều hơn các KTS hành nghề, cụ thể thực tiễn tại các địa phương.
13. Một công trình phải qua kiểm tra thẩm định nhiều cấp và nhiều lần chỉnh sửa theo đúng Luật định mới được cấp phép. Vậy tính điểm CPD cho các công tác chuyên môn này như thế nào?
14. Những KTS đã có CCHN và kinh nghiệm về tuổi đời, tuổi nghề, khi tiếp tục nghiên cứu sáng tác thì không cần phải đổi CCHN nữa, muốn nâng cấp CCHN hạng cao hơn thì thực hiện theo quy trình thi của Bộ Xây dựng, còn KTS trẻ đi dự Hội thảo sẽ được tích điểm cộng vào tuổi nghề có đủ điểm làm CCHN.
15. Đề xuất xét CCHN trên tổng hợp các nội dung: Bằng Cấp + Hồ sơ năng lực + CPD
VI. Quản lý:
1. Hội KTS Việt Nam ưu tiên chi phí tham gia hội thảo CPD cho các KTS Hội viên là rất hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký tham gia, việc xuất trình thẻ Hội viên hoặc Quyết định kết nạp Hội viên Hội KTS Việt Nam cần linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho các Hội viên mất thẻ (khâu đăng ký tham gia chỉ cần Chi hội hoặc cá nhân đăng ký đã là Hội viên, Hội có thể tự tra soát để thủ tục đăng ký nhanh gọn hơn). Trong giai đoạn trước, thẻ Hội viên chưa phải dùng vào thủ tục gì nên nhiều KTS không để ý, đã bị thất lạc. Nay Hội có thể xem xét hình thức để chứng nhận lại (bằng file mềm số hóa hoặc xác nhận Hội viên theo danh sách quản lý, lưu trữ tại Hội,…).
VII. Chi phí:
1. Nhất trí việc thu phí tham gia hội thảo tích điểm CPD là cần thiết. Nhưng với số đông anh chị em KTS, chi phí tham gia vẫn hơi cao (có lẽ các KTS chưa quen với hình thức này). Hội KTS Việt Nam có thể tìm thêm các Nhà tài trợ để giảm bớt chi phí, hỗ trợ cho các KTS.
2. Phí học viên là Hội viên của Hội KTS Việt Nam và không phải Hội viên chênh nhau không đáng kể, đề nghị Hội xem xét lại.
3. Sự khác biệt tiền đăng ký học tạo sự kỳ thị giữa KTS trong và ngoài Hội KTS Việt Nam.
VIII. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp:
1. Làm thế nào để biết KTS đã và đang vi phạm ứng xử nghề nghiệp? KTS Hội viên Hội KTS Việt Nam có thể được giám sát bởi các Hội, Chi hội còn KTS ngoài Hội thì giảm sát, kiểm tra quản lý ra sao?
IX. Đề xuất hướng giải đáp:
- Hội KTS Việt Nam có thể soạn thành cẩm nang hoặc hình thành mục “Những câu hỏi thường gặp” (đăng tải trên trang thông tin điện tử của Hội) để giải đáp thắc mắc chung các vấn đề liên quan đến việc cấp CCHN, tích điểm CPD cũng như các nội dung khác của Luật Kiến trúc, giúp cộng đồng KTS cả nước nắm bắt thông tin dễ dàng và có sự thống nhất, đồng thuận.
- Hội KTS địa phương có thể kết hợp với phòng máy của Sở Xây dựng để tổ chức thi sát hạch theo chuẩn Bộ Xây dựng hay không?
- Cho phép Hội KTS địa phương được tổ chức các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục?
- Một số ý kiến khác:
+ Một chính sách, một chủ trương ra đời được sự đồng thuận của đối tượng mà chính sách chủ trương đó nhắm tới thì sẽ thành công và dễ đi vào cuộc sống. Nếu như có một vài ý kiến trái chiều thì cơ quan phát hành nên lắng nghe, cân nhắc, đừng để xảy ra tình trạng tâm phục, khẩu không phục. (KTS. Lê Minh Nguyện – Trà Vinh)
+ KTS đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia vẫn được cấp CCHN nhưng chưa rõ biết cấp mấy? Ví dụ tôi có Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia công trình hạng 1 thì CCHN có được cấp 1 hay không?
Thay lời kết
Thông qua việc ghi nhận các ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức Hội và CLB trên cả nước, nhóm biên soạn nhận thấy nhiều bất cập khi chuyển đổi theo tinh thần Luật Kiến trúc và nghị định 85. Thực tiễn cũng cho thấy sự lúng túng, cần diễn giải làm rõ các vấn đề liên thông giữa các bên hữu quan như Bộ Xây Dựng, Hội KTS Việt Nam, các Sở Xây dựng địa phương và các tổ chức nghề nghiệp xã hội khác tham gia quá trình đào tạo sát hạch… Nhiều câu hỏi khi KTS từ các địa phương nêu ra, chưa được trả lời thấu đáo, hoặc gặp hạn chế trong việc có chuyên gia nắm rõ giải đáp nhanh.
Ngoài ra, ban biên soạn cũng nhận thấy và kiến nghị sớm triển khai các quy trình tập huấn nội bộ càng nhanh càng tốt trong đội ngũ lãnh đạo Hội từ Trung Uơng đến địa phương để đạt được mặt bằng kiến thức đúng, chuẩn mực. Bên cạnh đó, các phương tiện sách, tài liệu, website, bộ hỏi đáp hay đường dây nóng cần thiết lập, phổ biến rộng rãi, truyền thông cần thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phải thừa nhận sự lúng túng và khó khăn về nguồn lực để triển khai một công tác quản lý hành nghề chuyên nghiệp theo tinh thần của Luật Kiến trúc, nhưng Hội KTS Việt Nam phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm dồn tài lực, nhân lực để triển khai đồng bộ, tiếp cận và lắng nghe các ý kiến một cách khách quan, tiếp thu và mạnh dạn điều chỉnh, kiến nghị các chi tiết chưa hợp lý để tinh thần bảo vệ nền Kiến trúc tiên tiến, hiện đại và môi trường hành nghề bình đẳng, tiến bộ, minh bạch giúp cộng đồng KTS Việt Nam được giải phóng sức sáng tạo, phát triển tính chuyên nghiệp, làm chủ sân nhà và hội nhập Quốc tế.
Cám ơn đông đảo các ý kiến từ các tổ chức cá nhân đồng nghiệp đã nhanh chóng gửi về CLB Kiến trúc sư Trẻ Việt Nam, giúp chúng tôi có nguồn thông tin phong phú để tổng hợp gửi lên các đơn vị hữu quan xem xét.
Ban biên soạn và tổng hợp: Ths. KTS Nguyễn Thu Phong, Ths. KTS Trần Trí Thông, Ths. KTS Lã Toàn Thắng, Ths. KTS Bùi Đức Huy, Ths. KTS Đỗ Thị Thanh Nga, Ths. KTS Nguyễn Huy Khanh, KTS Hoàng Phương.
Bài viết thuộc Diễn đàn: Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc và tích điểm đào tạo nghề nghiệp liên tục (CPD)
Theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Hội KTS Việt Nam được giao là đơn vị tổ chức lập, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề; xây dựng, ban hành bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) chi tiết, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc…
Từ tháng 4-7/2021, Hội KTS Việt Nam đã liên tục tổ chức các Hội thảo và chương trình nhằm tạo điều kiện cho các KTS hành nghề nâng cao kiến thức, tích điểm CPD. Sau khi ban hành Bộ câu hỏi phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức kỳ sát hạch đầu tiên vào ngày 9-10/7/2021 với 149 thí sinh tham dự đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cho tới Nghệ An, Thanh Hoá. Để làm rõ hơn về các hoạt động này, Tạp chí Kiến trúc tổ chức diễn đàn nhằm ghi nhận những ý kiến của các KTS, đồng thời chia sẻ những giải đáp của các chuyên gia thuộc Hội KTS Việt Nam.
Chi tiết diễn đàn xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tag/dien-dan-chung-chi-hanh-nghe
Diễn đàn vẫn tiếp tục nhận ý kiến trực tuyến qua website Tapchikientruc.com.vn. Trân trọng kính mời các KTS quan tâm tham gia diễn đàn bằng cách gửi email về địa chỉ info@tckt.vn
Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc
The post Tổng hợp ý kiến đóng góp và những thắc mắc về hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật Kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3jOBcem
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét