Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Đàn Đó Concert – Sự cộng hưởng đặc biệt

Đàn Đó là tên của nhóm nghệ sỹ, đồng thời cũng là tên của một nhạc cụ trong bộ nhạc cụ mang sắc nâu mộc mạc của Tre và Đất mà nhóm nghệ sỹ tự chế tác, ấy vậy mà có thể kể những câu chuyện muôn màu. Mang câu chuyện Đàn Đó đến với Không gian Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm trong khuôn khổ Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo vào tối 26/12/2021, nhóm nghệ sĩ – nghệ nhân chế tác Đàn Đó đã tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt giữa âm hưởng bản địa và đương đại.

Đàn Đó, ngỡ là cái tên mang ý nghĩa ẩn dụ nào đó, hóa lại đơn sơ, giản dị như chính nguồn gốc của nó. Đàn Đó là chiếc đàn chế tác từ tre, với hình thức trông giống cái đó bắt cá của người nông dân, vì thế nên gọi là Đàn Đó.

Câu chuyện của ba nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự bắt đầu từ chiếc Đàn Đó mà họ tự chế tác ra 10 năm trước. Chiếc đàn Đó bằng tre mở ra cho họ một hành trình thực hành nghệ thuật kì thú: từ chiếc đàn Đó rồi có thêm đàn Niêu, trống Lăn, chiêng Đó… – các nhạc cụ được chế tác chủ yếu từ Tre và Đất – hai nguyên liệu đậm chất bản địa, và âm thanh chúng phát ra cũng mang màu sắc bản địa không thể lẫn đi đâu.

Hành trình nghệ thuật kì thú bắt đầu từ cây đàn Đó
Hành trình nghệ thuật kì thú bắt đầu từ cây đàn Đó

Hành trình của họ, có thể nói, đã đẩy sáng tạo nghệ thuật lên mức vượt ngưỡng – công chúng không đòi hỏi người nhạc sỹ phải biết chế tác nhạc cụ của mình, và trong khi nhiều nghệ sĩ thường mô phỏng âm thanh cuộc sống trên các nhạc cụ có sẵn, những nghệ sĩ Đàn Đó lại tự tạo ra bộ nhạc cụ của riêng mình để tạo ra âm thanh họ mong muốn.

Đến với Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, nhóm Đàn Đó muốn lan toả những giá trị họ đã Tìm và Thấy trong 10 năm thực hành nghệ thuật: “tìm” một hướng đi, một con đường, một cách tư duy mới; đồng thời, “thấy” di sản cha ông để lại để suy ngẫm và tìm cách lưu giữ chúng. Đặc biệt, sức sáng tạo Đàn Đó thể hiện trong sự kiện lần này thậm chí còn ấn tượng hơn nữa khi lần đầu Đàn Đó kết hợp cùng thanh âm đương đại của cặp đôi Limebocx và tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc.

Thành công của sự kết hợp ấy có lẽ ta đều đã nhận thấy – cả khán phòng tĩnh lặng không một tiếng động, choáng ngợp bởi những thanh âm kì diệu từ chiếc Đàn Đó đơn sơ. Mỗi khúc ca là một câu chuyện trên hành trình của nhóm Đàn Đó – câu chuyện gắn với sự ra đời của chính nhạc cụ trong bài, câu chuyện về mối lương duyên gặp gỡ, về sự kết hợp mới mẻ trong âm nhạc. Nhóm Đàn Đó đã đưa khán giả lên chuyến trải nghiệm âm nhạc đa sắc: từ những âm thanh nhẹ nhàng, trong sáng đến hùng hồn, vang dội và cả dí dỏm, duyên dáng.

Mở đầu với Đón Đó – bản hòa ca trong trẻo của ba chiếc đàn Đó, nhóm nghệ sĩ gửi gắm năng lượng tích cực tới toàn thể khán giả. Có lẽ đã rất lâu rồi mọi người mới được thưởng thức một sự kiện nhạc sống, và cũng rất lâu mọi người mới được lắng nghe những âm thanh từ tự nhiên trong sáng đến vậy.

Ba chiếc đàn Đó hòa ca trầm bổng trong tiết mục đầu tiên - Đón Đó
Ba chiếc đàn Đó hòa ca trầm bổng trong tiết mục đầu tiên – Đón Đó

Ca khúc thứ hai mang một cái tên khá lạ – Thi-iu. Tên bài hát cũng chính là tên nhạc cụ chủ đạo trong bài – cây sáo Thiu. Theo diễn giải của nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, ca khúc nói về một nỗi buồn, nỗi nhớ một người, nhưng trong nỗi buồn ấy lại có tình yêu và niềm yêu đời – dù buồn “thiu” nhưng trong thiu lại có “iu”.

Đi Đó – câu chuyện thứ ba tại Đàn Đó Concert là khúc ca tựa như cuộc hành trình “đi đó” trắc trở trên miền cao. Khác với âm thanh trong sáng, nhẹ nhàng từ “tre” của hai tác phẩm trước, Đi Đó có thêm chút âm thanh của “đất” với bộ ba trống Lãng – trống Lợn – trống Thanh cùng trống Chum nên có phần mạnh mẽ, dồn dập hơn.

Sáo trúc và đàn môi gặp gỡ của guitar bass và beatbox trong Theo Đó
Sáo trúc và đàn môi gặp gỡ của guitar bass và beatbox trong Theo Đó

Ở hai tác phẩm kế tiếp, nhóm Đàn Đó làm khán giả bất ngờ hơn nữa khi kết hợp chất liệu âm nhạc của mình với cặp nghệ sĩ trẻ Limebócx. Người nghe được chứng kiến Đàn Đó góp tiếng đàn môi, sáo trúc vào Hồ Tây – bản hit làm nên tên tuổi Limebocx để tạo nên Theo Đó. Tiếp theo, hai nghệ sĩ Limebócx góp tiếng guitar bass, tiếng beatbox và loopstation hiện đại vào bộ Đàn Đó để tạo nên Được Đó – tác phẩm mang năng lượng bùng nổ nhất buổi biểu diễn.

Câu chuyện tiếp theo mà Đàn Đó gửi gắm nói về mối lương duyên gặp gỡ giữa Đàn Đó và nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc. Đối với nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, anh và nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc dường như có sự giao cảm với nhau về âm nhạc: họ có cùng chung khát vọng tìm cho âm nhạc bản địa cũng như jazz Việt Nam một ngôn ngữ riêng. Tác phẩm Nên Bạn là sự giao duyên giữa hai người bạn tri kỉ, giữa sáo trúc Việt Nam và saxophone phương Tây.

Nên Bạn kể mối lương duyên gặp gỡ giữa hai nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh và Quyền Thiện Đắc
Nên Bạn kể mối lương duyên gặp gỡ giữa hai nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh và Quyền Thiện Đắc

Kết thúc buổi biểu diễn là lúc cả 06 nghệ sĩ cùng góp mặt trong một tiết mục với tựa đề Đón, đưa cảm xúc của cả khán phòng lên cao trào một lần cuối. Tác phẩm mở đầu với tiếng Trống Chum trầm hùng vang khắp không gian, rồi dẫn dắt bởi tiếng Đàn Tính và sáo trúc, làm dày thêm bằng nhịp beatbox và guitar bass, đẩy đến cao trào với tiếng solo soprano sax réo rắt. Tất cả các nhạc cụ tạo nên sự hòa âm hoàn hảo, kết hợp vừa vặn với nhau để tôn lên nét đẹp của từng nhạc cụ.

09 tác phẩm mà nhóm Đàn Đó mang tới sân khấu Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo hầu hết là các tác phẩm hoàn toàn mới mà nhóm chuẩn bị cho buổi biểu diễn lần này. Nói về lý do mời nhóm Đàn Đó đến với Không gian Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết âm hưởng bản địa rõ nét trong thực hành nghệ thuật của Đàn Đó hoàn toàn phù hợp với chất bản địa mà ông muốn tôn vinh trong không gian này. Đồng thời, ông bày tỏ sự ấn tượng với cách thức sáng tạo của Đàn Đó – họ không bảo tồn văn hóa đã có, mà đã sáng tạo ra truyền thống mới. Sáng tạo nghệ thuật của Đàn Đó là dòng chảy hoàn toàn mới lấy cảm hứng từ truyền thống, tôn vinh xúc cảm với văn hóa bản địa – đây là điều không phải nghệ sĩ nào cũng làm được.

Từ trái qua: Nhóm Limebócx, nhóm nghệ sĩ Đàn Đó, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, chị Bùi Thanh Hương, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, đại diện Ban tổ chức, cùng giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Nghệ thuật Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo.
Từ trái qua: Nhóm Limebócx, nhóm nghệ sĩ Đàn Đó, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, chị Bùi Thanh Hương, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, đại diện Ban tổ chức, cùng giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Nghệ thuật Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo.

Phía sau sân khấu, nhóm Đàn Đó là những người nghệ sĩ chỉnh chu, cầu toàn với từng nốt nhạc, từng nhịp điệu trong buổi tập dượt; là những người thợ thủ công miệt mài chế tác nhạc cụ đến mức ăn ngủ tại lab. Điều ấn tượng nhất mà tôi cảm nhận được về hành trình của Đàn Đó là cách họ – những người lớn – say mê khám phá, tìm tòi âm nhạc với nét hồn nhiên như cách những đứa trẻ khám phá thế giới xung quanh. Có nghệ sĩ đã từng nói: khi làm nghệ thuật hay làm bất cứ việc gì khác, hãy luôn giữ sự hồn nhiên và làm như lần đầu tiên bạn làm việc đó. Lắng nghe chia sẻ về hành trình kì thú bắt đầu từ chiếc Đàn Đó, có thể thấy, sự hồn nhiên đã dẫn lối họ đi tìm những thanh âm mới, gìn giữ chất nhạc và sức sáng tạo dồi dào trên chặng đường âm nhạc.

© Tạp chí Kiến trúc

The post Đàn Đó Concert – Sự cộng hưởng đặc biệt appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/xLaqS8FNH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Khơi dòng cho di sản trong cuộc sống đương đại

Ngày 25/12/2021 trong khuôn khổ Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo đã diễn ra tọa đàm: “Di sản đô thị – Duy trì và phát triển tiếp nối”. Tọa đàm vinh dự có sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính; Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm; và Kiến trúc sư Di sản Nguyễn Hoàng Phương – Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.

Tọa đàm được hình thành với 03 mục đích chính: Truyền tải công việc mà các kiến trúc sư về lĩnh vực di sản đã làm trong thời gian qua; Giới thiệu để cộng đồng hiểu tầm quan trọng của các di sản mà chúng ta phải gìn giữ; Tài sản kế thừa do thế hệ trước để lại cần được gìn giữ và phát huy như thế nào?

Tọa đàm: “Di sản đô thị – Duy trì và phát triển tiếp nối” được chia thành ba phần. Phần một: “Di sản đô thị – Khải lược sự tiếp nối” được dẫn dắt bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. Phần hai: Vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản được trình bày bởi Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm. Phần 3: Trùng tu khu phố cổ – Hồi sinh những không gian cũ được trình bày bởi Kiến trúc sư Di sản Nguyễn Hoàng Phương – Ban Quản lý phố cổ Hà Nội.
Trong phần đầu tiên của tọa đàm, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã cắt nghĩa các khái niệm: Di tích, di sản đô thị và cách ứng xử đúng với các di sản đô thị. Giáo sư cũng đưa ra quan điểm rõ ràng trong việc phải làm cho các di sản vừa sống vừa phát triển trong đời sống đương đại.
Đô thị là đỉnh cao của nền văn minh cộng cư. Đô thị di sản tồn tại trong thời gian dài. Đô thị trong lịch sử đều sở hữu tài sản – di sản của quá khứ dù lớn dù nhỏ. Mỗi đô thị chỉ có thể duy trì, giữ lại, bảo lưu và củng cố được diện mạo riêng, tâm hồn riêng và bản sắc riêng, cái tôi của mình khi đô thị ấy giữ được dĩ vãng vật chất và dĩ vãng tinh thần của mình. Đặc biệt, nếu đô thị ấy duy trì được dòng chảy tự nhiên, phát triển đô thị không đứt quãng, không gián đoạn vì lý do này hay lý do khác mà cuộc đời đô thị luôn xảy ra. Nếu cuộc đời các đô thị duy trì được dòng chảy, thậm chí trong thời đại phát triển cấp tốc, nhanh như chúng ta hiện tại mà vẫn giữ được dòng chảy tự nhiên trong sự sàng lọc tự nhiên thì nghĩa là đô thị ấy mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh các đô thị rất khốc liệt.

Hà Nội là đô thị sở hữu di sản, gồm: khu phố cổ, khu Pháp thuộc, Hà Nội cổ với các làng cổ… Công trình kiến trúc cổ của người Việt không to tát, hoành tráng. Nghệ thuật tạo cảnh Việt Nam dung hoà, ứng xử mềm mại, khai thác tối đa, phát huy cái tự nhiên và cái của mình một cách nhuần nhị. Cái đẹp của Hà Nội chính trong sự nhuần nhị, hoà quyện giữa khu phố tây và ta, hài hoà với nền cảnh quan thiên nhiên với nền là các làng cổ và các dòng sông.

Di sản trong các đô thị giống như các sinh thể, chúng có đời sống riêng. Vì vậy chúng ta nên ứng xử đúng đắn với các di sản này, khơi dòng cho di sản, trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại. Không nên “thắt ca-rô”cuộc sống và dòng chảy. Không nên coi di sản là hiện vật đóng khung trong bảo tàng. Lấy ví dụ cụ thể như Hội quán 22 Hàng Buồm là công trình hiện hữu trong quá khứ của sự cộng sinh của các cộng đồng khác nhau, hiện thân của sự cộng sinh về văn hoá. Cách chúng ta chuyển đổi giá trị sử dụng một cách đúng đắn, văn minh như ngày hôm nay, chính là bảo tồn sự cộng sinh văn hoá, đồng thời khơi nguồn cho sự cộng sinh ấy tiếp diễn trong cuộc sống đương đại.

Trong hai phần tiếp theo của tọa đàm, THS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm đã nêu lên vai trò của chính quyền và cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn di sản. Quận Hoàn Kiếm được biết đến với kiến trúc chuyên biệt, mang lợi thế về quy hoạch. Quận hướng tới tu bổ các di tích bị bỏ sót, bỏ quên, chuyển đổi thành không gian văn hoá, sáng tạo cộng đồng. Một mặt giảm mật độ dân cư, mặt khác tạo ra không gian sinh hoạt chung cho khu vực đó.

KTS Di sản Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ các thông tin hết sức hữu ích về công tác “Trùng tu khu phố cổ – Hồi sinh những không gian cũ” bằng những công trình đã tôn tạo thành công trong những năm gần đây. Các công trình: Khu phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông, số nhà 50 Đào Duy Từ, Hội quán Phúc Kiến và mới nhất là Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm trở thành Trung tâm văn hoá nghệ thuật. Đối với công trình 22 Hàng Buồm, nhóm tu tạo ngoài nghiên cứu kiến trúc, còn nghiên cứu chức năng để công trình không bị “đóng khung” như bảo tàng. May mắn khi dự án vừa hoàn thành thì có Tạp chí Kiến trúc và các nghệ sĩ vào làm đầy không gian bằng những triển lãm, những tọa đàm và sự kiện biểu diễn đặc sắc.
Ở phần cuối của tọa đàm, các khách mời và khán giả tham gia sôi nổi chia sẻ cảm nhận và quan điểm của mình khi đến với Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Chứng kiến một công trình di sản kiến trúc được ứng xử văn minh, được bảo tồn và trao cho đời sống mới nhưng không mất đi bản sắc, cái tôi của mình, nhiều khán giả đã chia sẻ sự “ngạc nhiên, choáng ngợp” và “thán phục”. Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm từng là địa điểm kết nối, giao thoa của văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật Đông Tây. Nay được hồi sinh, khơi dòng chảy cuộc sống mới trong cơ thể đô thị Hà Nội sống động; trở thành không gian sáng tạo cởi mở, khơi gợi cảm hứng sáng tác cho cá nhân và cộng đồng bản địa. Hy vọng các công trình di sản tiếp sau đây sẽ nhận được ứng xử đúng đắn như công trình Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Xem thêm các hình ảnh về buổi tọa đàm:

© Tạp chí Kiến trúc

The post Khơi dòng cho di sản trong cuộc sống đương đại appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/slNBP6qK5
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Vở diễn Cõi Thinh Không – một thế giới không đường biên làm sống dậy tuồng cổ

Bảy giờ rưỡi tối thứ Tư, một ngày giữa tuần dịp cuối năm, đúng giờ bắt đầu buổi diễn Cõi Thinh Không, trước cửa Hội quán Quảng Đông xưa – nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, hàng dài các bạn trẻ vẫn kiên nhẫn xếp hàng, giữ khoảng cách làm thủ tục check-in, kiểm tra y tế để tham gia sự kiện.

Đằng sau vẻ ngoài cổ phong, sau lớp cửa gỗ sơn son dày nặng của Hội quán là một thế giới không tưởng, một vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc Đông – Tây. Mở cửa bước vào, sự vương vấn xô bồ của phố xá thủ đô lúc tan tầm lập tức khép lại. Sân khấu đã xuống đèn, yên lặng, trật tự. Khu vực khán đài được chia thành hai dãy ghế vòng cung bao lấy sân khấu mở ra một khoảng không rộng lớn – đường biên của “Cõi thinh không”.

Vỏn vẹn trong 25 phút với 5 màn kịch, vở diễn đã kịp đưa người xem chìm vào cõi mộng. Tiếng bộ gõ chiêng trống vang lên, cùng với âm thanh điện tử, đèn chớp, khói phủ tạo nên một chốn không thời gian mơ hồ, đứt gãy. Tiếp đến bộ dây với đàn bầu, bộ hơi với kèn, sáo nghe ai oán, nén thở, nhân vật Khương Linh Tá với nét vẽ mặt người trung nghĩa (mắt cánh bướm) từ từ tiến vào, khóc thương người bạn Triệu Khắc Thường đã mất, trách oán lũ gian thần, rồi hận thân mình không đủ sức cứu bạn. Đèn tắt, kèn, trống nổi lên, tiếp tiếng binh đao loạn lạc, nhân vật Tạ Ôn Đình vẻ mặt gian mãnh (mặt tròng xéo đen) từ cửa chính dần tiến vào giữa sảnh… Lúc này ẩn hiện trong bóng tối, lờ mờ di chuyển xung quanh khung cảnh là một bóng người với trang phục hiện đại, nét vẽ mặt đủ sắc đen, trắng, đỏ không rõ thiện, ác (được đặt tên là K).

Vẫn tiếng chiêng trống mỗi lúc một lớn. Rồi tiếng đàn nhị, khèn môi, Khương Linh Tá xuất hiện than trời:

“Chao ôi, binh theo như gió, mà tướng đuổi tựa mưa…
Một Ôn Đình sức mỗ đã thừa, nhưng thêm vây cánh Lôi Phong, Lôi Nhược… toán trước sau có một mình ta, gặp thế cô ba ngã
Anh hùng nào sợ thác, mà sợ thác chẳng có anh hùng…”

Nói xong liền giao đấu với Tạ Ôn Đình. Một hồi, Khương Linh Tá ngã xuống, mũ đã rơi, đầu chỉ còn chùm vải đỏ, tay quờ quạng trong không gian tìm kiếm. Tứ phía tĩnh mịch, chỉ còn tiếng ù nhạc điện tử… Bỗng kèn nổi lên, Khương Linh Tá tìm được đầu đặt lên cổ. K xuất hiện, nhìn Khương Linh Tá rồi quay mặt đầy khó khăn…Trên cổ K có vệt như máu đỏ.

Bóng tối bao phủ. Xuất hiện chỉ còn Tạ Ôn Đình và K, tiếng bộ gõ xen lẫn âm điện tử đầy hỗn mang, Tạ Ôn Đình dương dương đầu vẻ ngạo nghễ. K vật lộn xung quanh, cố gắng đối diện với Ôn Đình…Bóng tối lại dần bao phủ, Tạ Ôn Đình rời vào cánh trái.

Ánh sáng chập chờn, chỉ còn lại K chuyển động trong không gian. Tiếng bộ gõ, cùng âm nhạc điện tử, K vật lộn trong sáng tối. Trống dồn dập, K giày xéo, vật vã, rồi quỵ xuống vẻ mệt nhoài, hai mắt ửng đỏ đọng nước, lê thê rời khỏi sân khấu, tay cầm vũ khí của Ôn Đình rút ra lối cửa chính trong sự nén thở của người xem.

Cùng lúc ấy không gian tối tăm, kèn trống vang lên, và âm điện tử đầy rối loạn. Có tiếng vọng:

“Anh hỡi, anh ơi… Tiếng gà vang khắp rừng xanh… Ngọn đèn phụt tắt, mà hồn anh đâu rồi… Chao ôi, ngọn đèn phụt tắt, mà vầng trời lại hây hây… Ha ha ha”

Vở diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay của khán giả cũng là lúc đèn sáng trở lại. Người xem hít lấy một hơi thở sâu, định hình trở về thực tại.

Nếu ai có trót mê đắm loại hình diễn xuất, sân khấu đậm tính ước lệ, cường điệu hóa như Kabuki của Nhật qua những bộ phim của đạo diễn Akira Kurosawa; hay Kinh kịch của Trung Quốc với câu chuyện cảm động đầy nghiệt ngã để lưu giữ tinh hoa nghệ thuật dân tộc qua bộ phim kinh điển Bá Vương Biệt Cơ (Farewell, my Concubine)… thì phải khẳng định rằng, tuồng của Việt Nam cũng là một bộ môn nghệ thuật hấp dẫn không thua kém gì. Nếu như điện ảnh – một loại hình nghệ thuật đại chúng đương đại hấp dẫn vào hạng bậc nhất chưa có điều kiện, cơ hội làm sống dậy mạnh mẽ và lan tỏa tuồng được như những trường hợp kể trên thì chính sân khấu của “Cõi Thinh Không” là một lối dẫn hiếm hoi đáng quý, đưa người trẻ về với cội nguồn, đến với tinh hoa nghệ thuật Việt Nam.

“Cõi Thinh Không” tại 22 Hàng Buồm là lát cắt của một vở diễn dài hơn ba tiếng đồng hồ. Nội dung kịch bản được cải biên từ vở Tuồng cổ Sơn Hậu (có nghĩa “thành sau núi”), là tác phẩm Tuồng kinh điển hội tụ đầy đủ cốt tủy của môn nghệ thuật này. Sơn Hậu kể câu chuyện hư cấu về việc vua Tề già yếu, bị thái sư Tạ Thiên Lăng cùng anh em (em ruột Tạ Ôn Đình là dũng tướng số một) mưu kế chiếm ngôi. Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân,.. là phe trung thần đã có công cứu thứ hậu, dẹp gian thần, phò Hoàng tử lên ngôi. Vở diễn Cõi Thinh Không được cắt trên là trích đoạn Ôn Đình chém Tá.

Tuy buổi diễn có phần ngắn ngủi, nhưng với sự góp mặt của những gương mặt nghệ sĩ gạo cội như NSND Nguyễn Văn Thuỷ vai Tạ Ôn Đình, NSƯT Đặng Bá Tài vai Khương Linh Tá, NSƯT Nguyễn Đức Mười đảm nhiệm bộ gõ truyền thống, NSƯT Nguyễn Văn Bút với Kèn bóp, đàn bầu,… mà cái “hồn” của tuồng đã đến được với người xem. Có lẽ phải chính là được trực tiếp nghe, nhìn, được gần với tuồng đến thế mà người xem mới được thu hút, rung động, cảm thán ngay tắp lự, mới có thể thấy được hết cái hùng tráng, lộng lẫy, tinh tế sang trọng của tuồng.

Điểm đặc biệt của vở diễn là “thế giới không đường biên” mà tác phẩm đã tạo ra. Điều này trước hết phải kể đến sự làm mới sân khấu tuồng với nhân vật K được cho là đến từ tương lai (dancer Nguyễn Trung Hiếu thủ vai). Cái tên “K” ít nhiều gợi sự liên tưởng tới cái phi lý dễ dàng được chấp nhận của Franz Kafka (nhân vật Joseph K trong “Vụ án”). K đến từ đâu, tại sao lại xuất hiện ở đây, bằng cách nào, K có mối liên hệ thế nào với Tạ Ôn Đình và Khương Linh Tá…là những điều ta chưa cần phải có ngay câu trả lời, bởi diện mạo của K ngay từ khi xuất hiện có khác biệt nhưng vẫn dễ xâm nhập vào bối cảnh. Sự biểu đạt của K được thể hiện qua điệu nhảy Krumping mạnh mẽ, một thể loại nhảy múa đương đại. Điểm tương đồng, hòa quyện khi sân khấu tuồng của Việt Nam gặp gỡ với một điệu nhảy đường phố bắt nguồn từ Mỹ là ở chỗ Krumping cũng có tính cường điệu, ước lệ nhưng cũng uyển chuyển, tự do. Màn cuối Nguyễn Trung Hiếu (K) độc diễn đã mang đến nhiều kinh ngạc, ký ức, cảm xúc khó quên. Chỉ với K, vở diễn đã đưa người xem “xuyên không”, đủ cả Đông Tây kim cổ.

Thế giới không đường biên trong Cõi Thinh Không còn được cộng hưởng từ âm nhạc điện tử hòa quyện với âm nhạc truyền thống, ánh sáng sân khấu làm tăng tính đương đại trên nền không gian kiến trúc Đông Tây của Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Màn K đối thoại trong im lặng nhưng quyết liệt với Tạ Ôn Đình như đối mặt với “bản lai diện mục” của chính mình làm “giải thiêng” (désacraliser) tác phẩm, nhờ không gian sân khấu tại Hàng Buồm lại làm tăng tính thiêng cho nhân vật khi nơi đây vốn là một Hội quán người Hoa, nơi được xem như đình, chùa, miếu tự tại Việt Nam, hậu cung thờ Quan Công (Quan Vân Trường) là thánh võ vốn được ca tụng vì sự dũng mãnh và lòng trung quân ái quốc.

https://youtu.be/t9uImqffkK4

Vậy, K là ai và rút cuộc liên hệ thế nào với các nhân vật còn lại? “Cõi Thinh Không” có “giải cấu trúc” vở tuồng cổ không khi cuối cùng K rút khỏi sân khấu với cái nhìn thấu cảm dành cho cả hai nhân vật Tạ Ôn Đình và Khương Linh Tá, cho cả phe trung Tề và phản Tề. Đó có thể là một cái nhìn nhân văn vào thời binh đao loạn lạc, vua già yếu hoàng tử nhỏ dại thì nước suy tàn, làm tướng buộc phải chọn Vua, trung quân chưa chắc đã là ái quốc… tác phẩm mang sắc thái hậu hiện đại, không còn cấu trúc nhị phân thiện – ác, các giá trị cổ xưa bị lung lay… Hay Ôn Đình và Linh Tá cũng như “thiên thần” và “ác quỷ” trong K… Cõi Thinh Không là trong tâm trí mỗi người, nơi thiện ác phân tranh, cuối cùng ở đó chỉ còn hư vô, K mệt nhoài mở cánh cửa ra khỏi Cõi Thinh Không… Câu trả lời chờ mỗi bạn xem giải mã!

© Tạp chí Kiến trúc


Thông tin vở diễn:

  • Nguyễn Quốc Hoàng Anh
  • Giám đốc nghệ thuật & Nhà sản xuất âm nhạc
  • Hà Nguyên Long
  • Đạo diễn sân khấu & Thiết kế không gian
  • Quản lý sản xuất: Lê Minh Quân
  • NSND Nguyễn Văn Thuỷ: Nhân vật Tạ Ôn Đình
  • NSƯT Đặng Bá Tài: Nhân vật Khương Linh Tá
  • Nguyễn Trung Hiếu: Nhân vật K
  • NSƯT Nguyễn Đức Mười: Bộ gõ truyền thống
  • NSƯT Nguyễn Văn Bút: Kèn bóp & đàn bầu
  • Nghệ sĩ Nguyễn Đức Tý: Nhị
  • Nghệ sĩ Lê Duy: Sáo trúc & đàn môi.

The post Vở diễn Cõi Thinh Không – một thế giới không đường biên làm sống dậy tuồng cổ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/FKW6fnTzC
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Bàn về công nghiệp văn hóa trong phát triển kiến trúc Việt Nam

Trên thế giới, thuật ngữ “Công nghiệp Văn hóa” (The culture industry) đã xuất hiện rất sớm, từ những năm giữa thế kỷ 20. Nó được đề cập trong cuốn sách của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer trong cuốn sách “Phép biện chứng của sự khai sáng” (Dialectic of Enlightenment): “Văn hóa thống trị bởi các hàng hóa được sản xuất bởi công nghiệp văn hóa và các hàng hóa này trong khi nhằm đến mục đích là những hàng hóa mang tính dân chủ, cá nhân và đa dạng hóa, trên thực tế lại có tính chuyên chế, hòa đồng và tiêu chuẩn cao… Chữ “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm”. Đến năm 1982, UNESCO đưa ra khái niệm: “Công nghiệp Văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp thương mại, tức trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”. Đồng thời UNESCO cũng đưa ra quan niệm: “Công nghiệp văn hóa” là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ”[1]

Ở Việt Nam, ngay từ thời đất nước giành độc lập, đã luôn coi trọng vấn đề văn hóa như là nền tảng để phát triển xã hội. Về mặt thể hiện trong đường lối, thuật ngữ công nghiệp văn hóa bắt đầu được đề cập từ 2014 tại Nghị quyết số 33/NQ-TW Đảng khóa XI: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới…; đổi mới, hòan thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”. Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) xác định: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ của thế giới” [2].

Về phía Chính phủ, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016. Trong đó đã xác định: Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa – “Trở thành những ngành dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam”[3]. Tại Quyết định này cũng xác định công nghiệp văn hóa gồm 13 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biễu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa.

Cầu Vàng – Điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với khu du lịch Bà Nà – Đà Nẵng

Vậy thì, những điểm mạnh chính để công nghiệp văn hóa nói chung ở nước ta có thể dựa vào, khai thác là gì? Một là, nền văn hóa nước ta so với khu vực và thế giới khá giàu có về tích lũy, độc đáo và đa dạng; hai là, Con người Việt Nam thông minh, có khả năng sáng tạo dồi dào; ba là, Lịch sử phát triển thể hiện sự thích ứng cao cũng như sẵn sàng làm mới; bốn là sự đoàn kết đồng lòng, kiên định và cần cù; năm là, Sự hội nhập được xác định là tất yếu trong môi trường công nghiệp văn hóa trên thế giới đã phát triển định hình rõ; sáu là, Đường lối chủ trương chính sách; bảy là sự khát khao và sẵn sàng của toàn cộng đồng và giới chuyên môn. Tuy nhiên, ta cũng có thể nhìn thấy những điểm yếu cơ bản: Cơ chế quản trị của nước ta chưa cập nhật thuận lợi và tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa; sự yếu kém về nhân lực chuyên lĩnh vực được đào tạo chuẩn hướng và bài bản; mức độ mơ hồ về khái niệm và nội dung công nghiệp văn hóa còn khá phổ cập ở tất cả mọi đối tượng từ cấp quản lý đến lực lượng thực hành; mạng lưới kết nối và tinh thần hợp tác đồng bộ còn cách xa yêu cầu thực tiễn; thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa còn bấp bênh không dễ tạo lập ổn định; kinh phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư tạo nền tảng, cú hích cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa là bài toán nhiều khó khăn.

Từ đó, cũng có thể nhìn thấy các thách thức cơ bản của phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay là: hành động chưa kịp thời, đúng lúc của chính quyền các cấp và đối tác; thiếu hụt kỹ năng và kinh nghiệm, cần một thời gian rất dài mới bù đắp được; cách tiếp cận thị trường ở trình độ thấp, không đồng đều; thiết chế chưa đồng nhất, thông suốt; nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế chưa xác lập rõ ràng; sự trì bế về phát triển kinh tế kéo theo. Về mặt cơ hội, cần nhìn rõ và tận dụng tối đa, mọi nơi mọi lúc, đó là: Thị trường nội địa và quốc tế rất rộng lớn và tiềm năng; Nhà nước, Chính phủ đang quyết tâm hành động kiến tạo, đột phá để phát triển; các luật định đã khép kín dần các lĩnh vực và phạm vi cần có, tạo nền tảng ngày càng rõ ràng; đổi mới đang là một yêu cầu, động lực tất yếu của mọi cấp – ngành, trong đó có lĩnh vực văn hóa; các tổ hợp và mạng lưới chuyên sâu về văn hóa đang hình thành mạnh và rộng; sự nhập cuộc đầy khát khao, trăn trở, chủ động của mọi tầng lớp trong cộng đồng; sự giao thoa quốc tế về nhân lực và phương cách đều rộng mở; định vị các ngành công nghiệp văn hóa đã khá rõ ràng và đầy đủ, vừa tạo tính tự chủ độc lập, vừa tạo sự dung hòa để phát triển.

Tháp Bitexco với ngôn ngữ kiến trúc độc đáo làm phố “cũ” Sài Gòn trở nên quyến rũ đặc biệt

Kiến trúc là một ngành nghệ thuật mang tính ứng dụng cao, được xác định đứng thứ 2 các ngành cần triển khai trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vậy hành động ngành nên và cần diễn ra như thế nào? Thời gian qua đã chứng minh, đây là một vấn đề rất hóc búa. Những thành công phần nào đó bước đầu, biểu hiện rõ nhất về phía người trực tiếp thực hiện vẫn là những cá nhân, hội nhóm tự phát là chính. Hầu như chưa có những chương trình vạch ra và kết nối thực hiện đồng bộ xuyên suốt từ các tổ chức chính thống, ngay cả từ các hội nghề nghiệp. Đây là điều chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận và tìm cách đổi mới, thóat khỏi bảo thủ trì trệ. Chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ, bắt đầu của chính những người “tay cuốc, tay cày” trong lĩnh vực này, đồng thời, đề xuất về cơ chế chính sách để công nghiệp hóa, hiện đại hóa “lao động nghệ thuật” để Kiến trúc phát huy được sức mạnh tối đa trong phát triển công nghiệp văn hóa – Hướng tới thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực kiến trúc:

  • Kiến trúc gắn với thuộc tính con người và xã hội: Cũng như Văn hóa nói chung, Kiến trúc là một thuộc tính cơ bản của nhân loại, do nhân loại cùng nhau hun đúc tạo nên. Tại mỗi quốc gia dân tộc, do đặc tính nhiều mặt khác nhau, nên đã hình thành các vùng kiến trúc khác nhau. Kiến trúc, sau khi con người tạo ra thì quay lại phục vụ chính con người. Vậy là Kiến trúc luôn gắn kết máu thịt và luôn thuộc về con người. Vậy tại sao hiện nay ở nước ta, tầng lớp nhân dân mơ hồ, xem nhẹ Kiến trúc lại chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng gia tăng? – Bởi vì xã hội và con người đang phát triển cùng khoa học kỹ thuật theo ngày giờ, trong lúc đó nhiều lĩnh vực cốt lõi của văn hóa trong đó có Kiến trúc vẫn chủ quan, tìm an toàn an ủi trong giữ gìn bản sắc truyền thống, sợ sáng tạo làm mới. Kiến trúc quá khứ lúc đó dần dần không thuộc về con người đương đại nữa mà trở nên xa lạ. Xa lạ thì không thể trở thành nền tảng động lực để “bay” lên được. Vấn đề này rất rõ ở sự tôn sùng dòng “Kiến trúc Pháp thuộc” hiện tại ở nước ta chẳng hạn, một loại hình mà bản thân người sáng tạo ra nó đã xếp vào quá khứ hàng trăm năm! Tất nhiên, kiểu nệ cổ này không phải chỉ có ở lĩnh vực Kiến trúc, một loại hình tưởng là dễ hội nhập thời đại nhất như âm nhạc: Sự thừa nhận của giới chính thống làm âm nhạc hàn lâm ở ta hiện nay vẫn là dòng nhạc giao hưởng, dòng dân ca cổ truyền không được mai một, dòng nhạc cách mạng hòanh tráng hào hùng. Còn những dòng Pop, Rock, Jazz… hay những dòng dân gian biến điệu vẫn chỉ được xem là hàng “chợ” tạp nham. Trong lúc đó, đại bộ phận thanh niên lại nhập tâm sâu sắc và theo đuổi thưởng thức dòng nhạc này. Nhạc Trịnh Công Sơn, một dòng có bản sắc dân tộc, được gắn với giọng ca Khánh Ly, ai hát khác Khánh Ly cơ bản là hỏng. Rồi đến lúc xuất hiện Hà Lê, một người du học Anh về mang theo một các hát pha trộn chất đương đại Châu Âu thời thượng vào, hát phá cách, thì xã hội bừng tỉnh, hóa ra nhạc Trịnh còn có những các biểu hiện khác không kém thành công. Hay nói về Mỹ thuật, có một sự kiện cũng làm xôn xao cộng đồng vừa qua, đó là cách làm “không gian nghệ thuật” đường Phùng Hưng – Hà Nội. Khi tác phẩm nghệ thuật cộng đồng làm mới các vòm cầu đường sắt cũ kỹ được Giám tuyển Thế Sơn và nhóm hoạ sĩ quốc tế trình bày xong, từ một con phố ngủ yên trầm lặng trong lòng thành phố, Phùng Hưng bỗng thức dậy tươi vui, đầy năng lượng sống mới, cuốn hút hàng vạn lượt người nô nức đến chiêm ngưỡng và “check in”. Một cách làm công nghiệp văn hóa hiệu quả lại hé lộ, mang đến bài học “Hãy gần gũi với con người!” thật sinh động. Còn rất nhiều trực quan sinh động nữa về vấn đề này có thể đưa ra mổ xẻ có thể đi đến một điều suy tư: Văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có Kiến trúc cần phải vận động theo thời cuộc. Bản sắc truyền thống không thể là một cái gì bất biến, cứ mang ra mài giũa để làm nguyên liệu cố hữu. Con người đương đại đã nhập cuộc đương đại, vì vậy mỗi ngành cũng cần phải tỉnh táo đổi mới, tiếp biến thật mạnh mẽ để tồn tại và phát triển – Công nghiệp văn hóa trong Kiến trúc chính là hướng đi đó.
  • Kiến trúc phục vụ con người, thích ứng từng giai đoạn phát triển: Trước đây, khi Liên Xô và các nước XHCN đưa mô hình văn hóa ở là “tiểu khu nhà ở dạng tập thể cao tầng đô thị” vào thiết kế xây dựng hàng loạt ở Việt Nam, người Việt nô nức bỏ những ngôi nhà dân gian quen thuộc chuyển về đó, ở với tinh thần “đời sống mới đầy kỳ vọng tương lai”. Một thời gian rất dài, khi xã hội phát triển theo hướng kinh tế kế hoạch tầng bậc, mô hình này rất thành công, đã giải quyết được an sinh quốc dân cho hàng triệu người. Văn hóa ở của cộng đồng người Việt thời đó đã thay đổi cơ bản. Thời kỳ đổi mới, tinh thần Kiến trúc vì cộng đồng có nhiều thay đổi theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi tiện nghi đời sống. Những mô hình kiến trúc tại các nước phát triển, được các nhà đầu tư đồng loạt cho du nhập. Khi triển khai mô hình này Việt Nam, được hầu hết cộng đồng chấp nhận, gom góp để đầu tư chuyển đổi môi trường ngụ cư từ những căn phòng tập thể lý tưởng ngày xưa sang đó. Văn hóa mới về ở thực sự đổi thay, thể hiện tính tiến bộ hơn hẳn, hợp với nhu cầu, trạng thái thời đại. Cũng xin lưu ý rằng, văn hóa ở kiểu mới này có nội địa thích ứng về bản sắc, nhưng cốt lõi vẫn là mô hình công nghiệp văn hóa phổ cập của thế giới văn minh. Vậy thì muốn luôn đóng vai trò chủ động nhập cuộc, Kiến trúc không thể “khoanh vùng – đóng khung – yên vị”, mà rõ ràng phải tự vận hành, thu nạp, rèn giũa để thích nghi. Chính vậy, công nghiệp văn hóa là một hướng đi cách mạng đột phá sáng tạo cần theo đuổi. Lĩnh vực Kiến trúc hòan toàn hội đủ điều kiện trở thành một mũi tiên phong trong thực hiện cuộc cách mạng này.
  • Vai trò “trực tiếp sản xuất” với phát triển công nghiệp văn hóa kiến trúc: Khi Kiến trúc trở thành một mặt trận xây dựng ngành công nghiệp văn hóa của nước nhà, mỗi người làm Kiến trúc phải đóng vai trò như là một mũi xung kích. Đây chính là một sự hiển nhiên. Nhưng, phải nhìn thấy rõ ràng, những thành tựu sản phẩm văn hóa Kiến trúc nước ta vừa qua là còn khá mờ nhạt, do đó tiếng vang trong lòng nhân dân cũng thường ngắn ngủi và nông cạn. Tại sao như vậy thì ai cũng dường như nhìn thấy, dù mơ hồ ở mức khác nhau. Đã có rất nhiều chương lý luận phê bình dày dặn phân tích, tìm vấn đề. Nhưng có lẽ xuất phát điểm lớn nhất là một bộ phận quan trọng “trực tiếp sản xuất” chưa thực dấn thân, bắt kịp hơi thở cuộc sống, cảm nhận sự khốc liệt gian nan. Vì tại mặt trận này, cần phải tích lũy một nền kiến thức từ học tập sách vở, phải có những kinh nghiệm nghiên cứu mang tính chuyên sâu về khoa học và kỹ thuật, phải có sự đầu tư dài hạn và kiên trì. Người nghệ sĩ trên mặt trận này không thể tùy tâm sáng tạo theo tự cảm riêng, mà còn cần chiến lược, bài bản, đối diện với sự đòi hỏi – xung đột. Phần nữa, đích cuối cùng phải tạo ra được sản phẩm có hiệu quả về kinh tế, đủ sức tái tạo lao động và đóng góp cho phát triển xã hội. Điều này chính là mục tiêu không thể thiếu khi phát triển mỗi ngành nghệ thuật theo hướng công nghiệp văn hóa, trên cơ sở Văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực. Gần đây đã có những thành công hứa hẹn tươi sáng về cách làm này, những công trình do KTS Việt Nam thiết kế đã sánh bước với những nền kiến trúc phát triển cao, đầy hiệu quả như Nhật Bản, Malaisia, Trung Quốc, Hàn quốc… Các tác phẩm của Võ Trọng Nghĩa, Hòang Thúc Hào… chiếm giải cao liên tục trong những cuộc thi lớn quốc tế, thời gian rất dài… Đó là những người làm nghề tràn nhiệt huyết, say sưa sáng tạo cống hiến, luôn tìm ra điều mới, cách làm mới, liên tục đổi thay để được cộng đồng chấp nhận một cách bền vững. Như vậy, về mặt công nghiệp hóa mà nói, người chiến sĩ nghệ sĩ phải làm sao để sức lan tỏa của mình rộng, sâu và dài hạn, không ai làm thay được.
  • Vấn đề học tập và hợp tác quốc tế: Điều này lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại (…). Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam”[4], “Văn hóa của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”[5]. Việc vận dụng và triển khai thực sự còn rất ít bài bản và chưa thành hệ thống, dẫn hướng ở các ngành nghệ thuật, trong đó có Kiến trúc. Việc thực hành của giới nghệ thuật còn mang tính tự phát nhiều hơn. Điều đó dẫn đến hiệu quả cụ thể và khả năng kiểm soát nội dung, hiệu suất còn rất hạn chế. Trong sự hợp tác học hỏi này, ở khía cạnh tổng phổ điều hành chung, tính khư khư giữ gìn bản sắc của chúng ta còn rất nặng, trong lúc đó hồn cốt truyền thống lại đóng khung, ít bổ sung, đổi mới. Do đó khả năng lan tỏa ảnh hưởng và khả năng được chấp nhận, nhân lên như là ý nghĩa “công nghiệp” khó xảy ra. Việc nhân rộng, lan tỏa và sinh lợi về kinh tế ở đó (hai đặc điểm rất quan trọng của công nghiệp văn hóa) hầu như chưa nhiều cơ hội thành công. Đây là một hạn chế mang tính nguy cơ, ảnh hưởng đến sự phát triển. Trong khi đó, sự vươn mình của các cá nhân nghệ sĩ tự do, hoặc tổ hợp tư nhân hiệu quả toàn diện trong các hoạt động này lại tốt hơn. Sự ảnh hưởng cần có về Kiến trúc từ nước ngoài vào Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế và chậm trễ, sự làm mới Kiến trúc Việt Nam để “mang chuông đi đánh nước người” cũng trong tình trạng như vậy, đặc biệt là khu vực Nhà nước. Ta chưa đúc rút học được nhiều cái hay, cái tiến bộ một cách cốt lõi. Việc nghiên cứu toàn diện cũng chưa thành hệ thống, chưa có địa chỉ cụ thể phụ trách. Vì vậy, sự tiếp thu kịp thời, bài bản chưa được vận hành đồng bộ và thường xuyên. Cần có vận động của cả hệ thống và nhiều phía, những cá nhân riêng lẻ chỉ tạo nên những tiếng chuông ngân đơn điệu, với tinh thần “một cây làm chẳng nên non”.
  • Khai thác di sản và nền tảng có sẵn: Một trong những điều có thể thấy rõ nữa là sự lãng phí trong khai thác văn hóa về Kiến trúc có sẵn, tìm cơ hội tạo lập không gian văn hóa sáng tạo ở khắp mọi vùng miền Việt Nam, nhất là tại các TP lớn. Trên thế giới có thể thấy hiệu quả của sự đánh thức này lớn đến mức độ nào. Như TP Detroit bang Michigan-Hoa Kỳ đang vào thời kỳ điêu tàn, dân số giảm nhanh chóng, khách du lịch xóa điểm đến hấp dẫn một thời. Vậy mà chỉ cần một cách làm kiến trúc văn hóa không tiêu tốn nhiều chi phí: Khôi phục và làm mới hoạt động của quảng trường trung tâm, lập tức tình hình được cải thiện, thành phố trở lại sống động, níu kéo người dân quay về định cư rất lớn, lượng khách du lich đột biến tăng trở lại. Hoặc như sự khôi phục dòng sông Hàn ở thủ đô Seoul – Hàn Quốc đã làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến đó hàng năm không ít… Đó chính là những cách phát triển công nghiệp văn hóa với vai trò nổi bật của Kiến trúc, rất hiện thực và hiệu quả.
Những khu nhà ở cao tầng xây hàng “loạt” – Một cách phát triển theo hướng công nghiệp

Ở nước ta, ngay tại Hà Nội và TP HCM, việc triển khai khai thác nền tảng này còn rất chừng mực và rất kém hiệu quả. Tại Hà Nội, một thời gian rất dài cho đến nay, các không gian văn hóa sẵn có trong thành phố, các di tích lịch sử văn hóa, các khoảng trống đô thị có thể khai thác, các làng nghề truyền thống, các chương trình di dời nhà máy gắn với tái tạo khai thác không gian văn hóa sáng tạo… vẫn còn là những mảnh đất hoang trống hoặc làm theo kiểu được chăng hay chớ. Khả năng tự cân bằng và sinh lợi góp phần phát triển kinh tế hầu hết còn rất xa vời. TP HCM thì việc khai thác các không gian công cộng hiện hữu tốt hơn, có những chương trình rất thành công như việc thiết kế tạo lập và khai thác đường hoa Nguyễn Huệ vào tết Nguyên đán hàng năm, hay hệ thống công viên mở tự do không hàng rào… nhưng về tổng quan mà nói, việc phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực này vẫn còn mờ nhạt, kém hiệu quả. Tại các đô thị khác và các vùng nông thôn, bức tranh này càng ảm đạm. Trong khi đó tiềm năng, thế mạnh của nước ta nằm trong tốp đầu hấp dẫn của Đông Nam Á, chưa nói là có chỗ đứng đàng hòang trên thế giới.

Phòng trưng bày hiện vật – Tuần Lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021

Kết quả đến nay là vậy, thực tế hiện tại đang như vậy! Liệu theo con đường nào để công nghiệp văn hóa về Kiến trúc tại Việt Nam thực sự và thực chất phát triển trong những năm tới? Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là cần đổi mới cách làm. Thay vì cách làm từ trên xuống thì nên là cách làm bắt đầu từ dưới lên. Nghĩa là trước đây Chính phủ, Ban Bộ ngành đề ra quy định, chế tài rồi dưới ráp vào thực hiện. Thì nay nên để người “lao động trong lĩnh vực”, từng tổ chức thực hành trong lĩnh vực, lực lượng thực chất gắn với “hơi thở cuộc sống”, tự phát hiện, tự nghiên cứu, đề xuất những mô hình thích hợp để trên phê duyệt thực hiện. Từ kế hoạch chương trình tổng quan, phải chọn những chương trình trọng tâm thích ứng theo thời gian, từ những chương trình được chọn phải làm thử để rút kinh nghiệm trên cơ sở có thể chấp nhận thất bại để tìm kiếm thành công; cơ chế định rõ cho các cấp, các ngành và phải đồng bộ, lấy hiệu quả nền tảng tinh thần – Động lực phát triển đi đôi với hiệu quả kinh tế tự sản tự tiêu và góp được cho tích lũy phát triển xã hội; kiên quyết xoá bỏ bao cấp… Một yếu tố quan trọng nữa là cần tạo điều kiện để huy động được sức mạnh chất xám của các hội Chính trị, Chính trị – xã hội – nghề nghiệp, xã hội – nghề nghiệp mà lĩnh vực Kiến trúc là Hội KTS Việt Nam, các Hội liên quan khác tham gia không phải chỉ với vai trò phản biện, tham khảo mà phải đóng vai trò tổng hợp, đề xuất là kênh chính thống, tham gia soạn thảo chính sách, và đặc biệt là thẩm tra, thẩm định, sát hạch, cấp phép đi đôi với tập huấn đào tạo phát triển. Hội chính là nơi nắm được sâu rộng nhất tình cảnh, tâm tư nguyện vọng, mức độ trí tuệ của người lao động trực tiếp trong lĩnh vực, từ đó, đi đến tạo lập những mô hình công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực Kiến trúc thích dụng, hiệu quả và bền vững nhất. Mỗi con người lao động trực tiếp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng phải thay đổi cách nghĩ cách làm bị động cố hữu trước đây. Phải tự cứu mình, tự gia nhập thị trường bằng tự thân vận động và tìm giải pháp thích ứng. Tự sáng tạo và đề xuất sáng tạo trên cơ sở tìm khả năng cân bằng hiệu quả kinh tế theo đúng hướng, cùng cộng đồng bình đẳng phát triển văn hóa Kiến trúc công nghiệp. Như vậy, có thể tóm lược một cách hình tượng là, nền văn hóa nói chung đi từ nguyên thể “trí thức văn hóa” sang “công nghiệp văn hóa” trong nhận thức và vận hành, trong lĩnh vực Kiến trúc đó là “bản ngã riêng” sang “kết nối hòa đồng”. Mọi ngành nghệ thuật, đi theo con đường công nghiệp văn hóa cần tạo lập con đường riêng của mình trong “bản giao hưởng” phát triển chung. Như vậy sự thành công và hiệu quả thực sự, nhất định sẽ đơm hoa kết trái đầy đặn và bền sâu.

Phố cổ Hội An được khai thác nhuần nhuyễn trong hoạt động du lịch

TS. KTS. Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)


Tài liệu tham khảo:
[1] Unesco – Các ngành công nghiệp văn hóa – Tâm điểm của văn hóa tương lai – http//portal.unesco.org/culture/en/ev
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, NXB Chính trị Quốc gia – sự thật, Hà Nội 2021 – tr145.
[3] Thủ tướng Chính phủ, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016.
[4][5] Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Hành chính, 2011

The post Bàn về công nghiệp văn hóa trong phát triển kiến trúc Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/y9erHGn5d
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế?

Tọa đàm “Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế” giới thiệu hai dự án Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê và Quận Nghệ thuật sông Hồng – hai phương án đã đoạt giải cao nhất của Cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo được thực hiện bởi cùng một nhóm kiến trúc sư và nhà đầu tư. Và quan trọng hơn, hai dự án cho thấy tầm nhìn và quan điểm tiên phong về kinh tế giá trị của nhóm thực hiện dự án, thể hiện qua những chia sẻ cởi mở về lý do vì sao họ lại quyết định cuộc “chơi lớn”, đó là đầu tư một cách bài bản vào không gian sáng tạo.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phó Đức Tùng (đồng điều phối tọa đàm); bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VNDirect, là chủ đầu tư tiên phong trong xu hướng đầu tư vào không gian sáng tạo, khởi đầu với hai dự án Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê và Quận Nghệ thuật sông Hồng; Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh (công ty Kiến trúc Avant) và chị Nguyễn Hà (công ty Kiến trúc arb).

Kinh tế sáng tạo – Xu thế không thể đảo ngược

Người điều phối Trương Uyên Ly trong vai trò cố vấn dự án, nhà nghiên cứu độc lập về Không gian sáng tạo đã mở đầu tọa đàm bằng bức tranh toàn cảnh nền kinh tế sáng tạo như một chuyển đổi toàn cầu, với các không gian văn hóa sáng tạo, hay không gian sáng tạo đóng một vai trò rất quan trọng trong bức tranh lớn đó.
Liên Hợp Quốc tuyên bố rất rõ ràng: “Năm 2021 là năm quốc tế về kinh tế sáng tạo cho phát triển bền vững”. Thể hiện rõ thông điệp: Kinh tế sáng tạo là hỗ trợ cho phát triển bền vững. Kinh tế sáng tạo tạo ra sự thay đổi về cấu trúc kinh tế, tiến bộ kinh tế – xã hội, tạo việc làm và đổi mới, gia tăng bình đẳng xã hội và phát triển con người bền vững). Chị Uyên Ly cho biết, ở Anh quốc, các ngành công nghiệp sáng tạo tăng trưởng gấp 05 lần so với mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế.

Ở Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa chiếm gần 3% GDP của Việt Nam tương đương mức trung bình thế giới (nghiên cứu bởi Hanoi Grapevine & Đại học Leicester, Anh quốc, 2017 – 2018). Chính phủ đang đặt mục tiêu, đến năm 2030 ngành công nghiệp sáng tạo sẽ chiếm khoảng 7% GDP. Đây là một mục tiêu khá tham vọng nhưng cũng khá tương đồng với các nước láng giềng có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển mạnh, như Indonesia với kinh tế sáng tạo đóng góp 7.4% GDP cho đất nước.

Thông qua bức tranh toàn cảnh, chúng ta nhận thấy ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo nói chung, các không gian sáng tạo nói riêng là xu hướng toàn cầu mà chúng ta không thể đảo ngược.

Tạo “cái tổ” cho sự đa dạng, chia sẻ và kết nối

Trong phần giới thiệu của mình về Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê. Kiến trúc sư Nguyễn Hà bắt đầu bằng những manh nha của cộng đồng sáng tạo Hà Nội thể hiện ở hai địa điểm là Zone 9 và Hà Nội Creative City. Zone 9 là nơi cộng đồng sáng tạo nghệ thuật tự phát cùng nhau lập nên, cùng tạo nên một không gian nền tảng cho sự sáng tạo. Đáng tiếc, Zone 9 chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Lúc đó, chưa có nhà đầu tư bài bản và một môi trường thuận lợi cho sự tồn tại của Zone 9.
Theo KTS Nguyễn Hà, Hà Nội Creative City là sơ khởi của nền kinh tế sáng tạo, đã có bước đầu hình thành chiến lược đầu tư, có các không gian cho công việc sáng tạo như các xưởng nghệ thuật, công ty quảng cáo truyền thông, không gian làm việc chung…Tuy nhiên, nền tảng cấu trúc vật chất sẵn có của toà nhà chưa thực sự phù hợp với một nền tảng sáng tạo, do công năng tòa nhà trước đó không dành cho các mục đích tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật và kết nối sáng tạo.
Tạo ra một “cái tổ”, hay một không gian sáng tạo có sức sống bên trong nó luôn là một thôi thúc bên trong của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh. Khi gặp chị Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT công ty VNDirect, được biết công ty muốn xây một toà nhà văn phòng mới, anh đã chia sẻ ý tưởng tòa nhà sáng tạo với chị, và nhận được sự thấu hiểu, chấp thuận từ phía chị. Nhận được đề bài thiết kế, bước vào cuộc chơi lớn, anh quyết định không hành động một mình. Anh tìm đến kiến trúc sư Nguyễn Hà, công ty Kiến trúc arb mời chị cùng tham gia với mình. Trong quá trình tư duy về dự án, các vấn đề dần hé lộ. Các kiến trúc sư không thể làm việc một mình trước một đề bài đòi hỏi sự hiểu biết chuyên môn về kinh tế và không gian sáng tạo, cân bằng giữa hiệu quả đầu tư và các lợi ích khó đong đếm bằng con số cụ thể. Dần dần 07 đội nhóm chuyên gia của dự án đã được hình thành: nhóm chiến lược và mô hình kinh doanh, nhóm tính toán hiệu quả đầu tư, nhóm thiết kế kiến trúc, nhóm thiết kế sinh thái cảnh quan, nhóm tư vấn kết cấu, nhóm mô hình không gian kiến trúc, nhóm cố vấn nghệ sĩ. Tổng cộng là 54 thành viên đóng góp cho việc hình thành nên bản thiết kế và mô hình kinh doanh của dự án. Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê đã không còn là một thực thể kiến trúc đơn thuần, mà đã trở thành một cấu trúc duy trì và nuôi dưỡng năng lượng sáng tạo tuôn chảy không ngừng.

Các thành tố tạo nên công trình này được chia thành ba phần chính: Cấu trúc tinh thần, cấu trúc vật lý và giá trị cốt lõi. Cấu trúc tinh thần với lõi là “Tư duy sáng tạo” gồm: Nhà đầu tư sáng tạo, thị trường sáng tạo, không gian sáng tạo, vận hành sáng tạo, chính sách sáng tạo, nội dung sáng tạo. Cấu trúc vật lý chính là toà nhà sáng tạo Trúc Khê. Sau nhiều lần thảo luận và tranh luận, nhóm dự án đã đưa ra hai giá trị cốt lõi: Creative (Sáng tạo) và Share (Chia sẻ). Bà Phạm Minh Hương đã giúp làm rõ điều này”.

Lúc đầu mình chỉ nghĩ đến một cái văn phòng và mình xây văn phòng cho công ty thôi. Mọi người cứ nghĩ tài chính là những con số, nhưng thực ra trong tài chính, nhất là nghề của mình là nghề chứng khoán đầu tư, tức là cũng phải số hoá tầm nhìn tương lai, nên trong tài chính cũng có những cái lãng mạn riêng của nó. Chỉ có điều đằng sau con số đấy, làm thế nào để mọi người nhìn thấy được. Khi mình gặp kiến trúc sư Thanh, có một lần mình được đi cùng kiến trúc sư, lúc đó hai chị em đang nói về một tòa nhà, thì mình thấy Thanh vẽ, liên tục vẽ rồi xóa, liên tục vẽ rồi xóa và nó là một quá trình liên tục mà mình thấy cái trước cái sau không khác gì nhau mấy. Mình mới hỏi Thanh: “Sao em lại phải vẽ và xóa” thì Thanh mới nói: “Đó là một quá trình tinh chỉnh để em cảm được về kích thước”. Mình mới giật mình nhận ra: hoá ra mọi thứ sáng tạo đều đến từ kết quả của một việc làm rất chăm chỉ. Chỉ có một không gian đấy thôi nhưng có lẽ bạn ấy phải vẽ đi vẽ lại, xoá đi xoá lại đến 108 cái bản vẽ. Và sau đó mình có một khái niệm hoàn toàn khác về kiến trúc sư.

Qua những nghiên cứu, khảo sát, nhóm dự án nhận ra chìa khoá thành công cho những dự án sáng tạo chính là sự “đa dạng” (diversity). Để có sự đa dạng, đầu tiên cần chấp nhận sự khác biệt. Đây chính là bài toán khó cho các kiến trúc sư của dự án, câu hỏi đặt ra: “Làm sao để tạo ra được không gian cho các ngành sáng tạo vào chung một chỗ? Làm sao để dung hòa các yếu tố thành phần trong không gian này?” “Cái tổ” cho sáng tạo, hay ngôi nhà chung này không phải và không thể là một kiến trúc chết, tức là những người vào sau này không thể phát triển tiếp nữa. Toà nhà sáng tạo phải thiết kế làm sao để các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, các nhà làm về nghệ thuật, về kinh doanh có thể phát triển tiếp, có thể sáng tạo tiếp rất nhiều lần sau nữa. Một “cái tổ” sống. Một “cái tổ” có dòng chảy tương tục từ quá khứ đến tương lai. Và ý tưởng về tuyến “đường dạo” (pathway) đã hình thành. Một quyết định liều lĩnh nhưng xứng đáng.

Đề xuất thay đổi cách tổ chức không gian phụ trợ – hành lang, kỹ thuật phụ trợ – ở văn phòng truyền thống thành một tuyến đường dạo (pathway) “chảy” trong lòng công trình, đưa các hoạt động công cộng vào không gian mở tầng một và B1 len lỏi vào các tầng lên đến vườn cộng đồng trên mái.

Tuyến pathway này không chỉ là một con đường nơi mọi người chỉ đi qua không có tương tác mà chứa đựng các điểm dừng – nơi các hoạt động, sự tương tác, kết nối, chia sẻ diễn ra. Đó là Sân khấu cho những khởi phát Sáng tạo. Tuyến pathway cũng như là hành lang của “Trường học Athens” nơi trao đổi Ý tưởng của những bộ óc triết gia vĩ đại nhất. Còn các “điểm dừng” được thiết kế như Sân khấu ở các Amphitheater kinh điển của Hy Lạp.

25% là tỷ lệ giao thông kỹ thuật thông thường cho một dự án. Dự án này đề xuất 40% để giao thông không chỉ để trôi qua, mà là nơi dừng lại. Dừng lại để suy tưởng, dừng lại để bàn luận ý tưởng, để tiếp tục tái sáng tạo. Như kinh lạc trong một cơ thể sống, “đường dạo” là dòng chảy sự sống của tòa nhà. Khi KINH khỏe mạnh thì LẠC an yên.

Toà nhà sáng tạo Trúc Khê là thành quả của những nghiên cứu, những học tập từ thực nghiệm, từ những tính toán và con số thực. Đó là những đấu tranh nội bộ, thuyết phục, chứng minh, là sự chăm chỉ tinh chỉnh hết lần này đến lần khác. Đó là đôi chân ở mặt đất nhưng đôi mắt và tư tưởng hướng lên bầu trời.

Giá trị không được tính bằng mét vuông

“Cá nhân tôi, nhiều năm nay muốn thành phố nơi chúng ta ở thành một nơi có nhiều không gian để chúng ta có thể dừng lại, mọi người có thể làm việc cùng nhau, mọi người có thể chia sẻ, mọi người có thể cùng nhau lan toả những năng lượng tích cực và từ đó nó sẽ mang lại cho lao động của chúng ta cái đẹp. Cái lao động của chúng ta phải đẹp, thì đấy là điều kiện để cho chúng ta có những lao động đẹp. Và khi cái nguyện ấy được phát ra thì lại gặp được những người như chị Hương, có một hạnh muốn làm gì đó cho xã hội, tạo giá trị gì đó cho xã hội cho cộng đồng.” – Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ.
“Dự án rất là khác với những dự án trước đây của mình. Vì lúc nhận đề bài thì chả có đề bài gì cả.
Team cũng cãi nhau nhiều lắm, cũng phải mười mấy kiến trúc sư tham gia và phải liên tục vì thời gian cũng không có nhiều nên tất cả các bạn cứ vẽ, vẽ rất là nhiều, vẽ ngày vẽ đêm. Người này thì muốn thế này, người này thì muốn thế kia, rất là khó. Cuối cùng, khi chị Trang và chị Uyên Ly (Nguyễn Thu Trang – chuyên gia chiến lược và mô hình kinh doanh, Trương Uyên Ly, chuyên gia độc lập về không gian sáng tạo) đưa ra được một mô hình kinh doanh thì tất cả mới thấy sáng hơn. Chắc chắn là nó work rồi, nó không phải một câu chuyện viển vông nữa rồi…Lúc đấy PATHWAY (đường dẫn) là một cái keyword (từ khoá) để biết rằng chúng ta không thiết cho từng đối tượng đấy mà chúng ta thiết kế một không gian chung cho mọi người cùng “chơi”, cùng làm việc. Khi ra được keyword đấy thì nó có “đường bay” và thiết kế lúc đấy rất dễ.” – Kiến trúc sư Nguyễn Hà chia sẻ về quá trình thiết kế.
Nỗ lực của cả nhóm dự án là vậy nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi sự đồng hành của chủ đầu tư, chị Phạm Minh Hương, một chủ đầu tư không nhìn vào dự án bằng công thức tính giá trị vật lý hiện hữu mà bằng công thức kinh tế giá trị. Một công thức tính không mới trên thế giới nhưng chưa được nhiều chủ đầu tư áp dụng ở Việt Nam: “Ở Việt Nam nền kinh tế sáng tạo hiện nay chưa phát triển, là vì mọi người chưa có công thức để đo giá trị tương lai. Bản thân các nhà kinh tế học ngày xưa đã có công thức đo giá trị qua tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế và khả năng tạo ra tốc độ/đà tăng trưởng thì nó được định giá bằng giá trị. Thế thì cái toà nhà này cũng như vậy. Tòa nhà này ban đầu giá trị không được tính bằng mét vuông nhưng nó có một dòng chảy sáng tạo và cái sáng tạo đó, mỗi bước đi nó lại tạo ra một giá trị kinh tế mới. Mỗi người vào tòa nhà này mang giá trị của mình để cộng chung. Nó là một cái toà nhà sống chứ không phải một toà nhà tính theo mét vuông. Cách tư duy như thế khiến cho toà nhà rất thực tế chứ không phải viển vông.”

“Nếu tất cả các công thức kinh tế, các công thức kiếm tiền đều phải định nghĩa bằng kinh nghiệm của quá khứ hay bằng những giá trị hiện hữu nhìn được thì cái phá huỷ của tương lai cũng rất lớn. Nếu các chủ đầu tư hiểu được giá trị tương lai thì chúng ta hoàn toàn rất thực tế để có thể làm ra các toà nhà hay sản phẩm tạo ra được tiềm năng kinh tế trong tương lai mà nó không bị hạn chế bởi câu hỏi “thực tế hay viển vông”.

Từ đầu đến cuối, tọa đàm: “Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế” đã mở rộng rất nhiều câu chuyện. Từ một dự án nhỏ, nhưng khi làm rõ quá trình thực hiện có thể thấy dự án giống như một hệ sinh thái thu nhỏ của nền Kinh tế sáng tạo, đang tạo ra một dấu mốc tiên phong, tạo ra một xu thế đầu tư mới, và quan trọng hơn nữa là một tầm nhìn mới về giá trị. Giá trị nào là quan trọng, tương lai chúng ta mong muốn hướng đến là như thế nào? Và trên con đường hướng đến tương lai mong muốn, chúng ta đã và có thể gặp những vấn đề gì, và quan trọng là giải quyết chúng ra sao? Và cuối cùng, là chính chúng ta, hay ai khác, đang tạo ra một hệ sinh thái, một môi trường để cộng đồng sáng tạo có thể phát triển, để lan tỏa các giá trị hữu hình và vô hình, có được một dòng chảy luôn luôn uyển chuyển, luôn luôn linh động, luôn luôn cởi mở?… Điều phối toạ đàm, chị Trương Uyên Ly kết lại tọa đàm bằng một câu hỏi mở cho diễn giả và khán giả.

Thông tin nền tảng:

Dự án Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê do Công ty TNHH Kiến trúc arb và Công ty Cổ phần đầu tư và kiến trúc Avant đồng chủ trì đã dành giải nhất cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội cho hạng mục Hạ tầng thúc đẩy Sáng tạo. Khu đất dự án nằm tại quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 5300 m2, tổng diện tích sàn gần 40.000m2. Đây là toà nhà không chỉ để làm việc mà còn là môi trường truyền cảm hứng, nuôi dưỡng nguồn lực con người. Điểm nhấn của toà nhà là PATHWAY: một tuyến đường “chảy” trong lòng công trình xuyên suốt từ hầm đến mái. Pathway vừa là huyết mạch giao thông, vừa là nơi tổ chức các hoạt động công cộng: lễ hội, văn hóa giao lưu, trao đổi tương tác.

Dự án Quận Nghệ thuật Sông Hồng do liên danh tư vấn thiết kế Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Kiến trúc Avant & Công ty Cổ phần Kiến trúc Quốc tế Times Mirror thực hiện, đã dành giải nhất Cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội, hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Quận nghệ thuật đặt tại trung tâm của khúc sông Hồng chảy qua Hà Nội, trên diện tích 5 ha. Nghệ thuật và sáng tạo là hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà cho đến không gian ngoài trời (triển lãm nghệ thuật ánh sáng, công viên, khu xưởng nghệ sĩ, khu trình diễn nghệ thuật, khu thể thao và trò chơi mạo hiểm, khu làm việc chung co-working…)

© Tạp chí Kiến trúc

The post Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế? appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/harmcD7Cf
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Soi từ phía khác để tôn vinh sự đa dạng văn hóa

Chiều 29/12 vừa qua, tại không gian Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, 03 vị khách mời đặc biệt – Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế – giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sĩ thị giác, nhà nghiên cứu mỹ thuật; Tiến sĩ Phạm Long – nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật độc lập và Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý – kiến trúc sư, nhà văn, nhà nghiên cứu độc lập đã có dịp bàn luận về đề tài “Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật”.

Tọa đàm “Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật” cũng đồng thời là buổi ra mắt cuốn sách “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác” của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế. Cuốn sách gồm 25 bài chuyên khảo về mỹ thuật Việt Nam từ thời sơ sử đến thế kỷ XX soi chiếu, tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu nước ngoài, cho thấy yếu tố đa dạng văn hóa trong lịch sử mỹ thuật Việt. Một cơ duyên thú vị khi cuốn sách được sử dụng làm nền tảng cho buổi tọa đàm về đa dạng văn hóa, trong không gian di sản có sự pha trộn kiến trúc Hoa – Pháp – Việt cũng đa dạng văn hóa.

Ba diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm
Ba diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm

Sự ra đời của cuốn “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác” đến từ khi tác giả Trần Hậu Yên Thế tìm hiểu về những bảo vật quốc gia. Anh nhận thấy các tác phẩm này mang niềm tự hào dân tộc lớn, tuy vậy chính điều đó lại cản trở người ta nhìn nhận nhiều đặc điểm, chân dung khác. Có tác phẩm bị bỏ lại trong quá trình nghiên cứu bởi nó chứa yếu tố ngoại lai, chẳng hạn như tác phẩm người đàn ông vác đèn Trung Á. Bên cạnh đó, câu chuyện sự tích Mai An Tiêm cũng là một ví dụ: bản thân Mai An Tiêm không phải người Việt mà là người nước ngoài, chính vì vậy anh không được chấp nhận, bị đày ra đảo hoang, cho tới khi Mai An Tiêm mang về quả dưa hấu. Câu chuyện ấy gợi ra một câu hỏi “Liệu có nhất thiết phải là người Việt Nam mới đóng góp cho văn hóa Việt Nam hay không?”. Văn hóa Việt Nam vốn được tạo nên bởi cả yếu tố bản địa và yếu tố ngoại lai, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu của các tri thức trước đây, yếu tố ngoại lai thường bị bỏ qua do lối suy nghĩ cố hữu.

Tác giả Trần Hậu Yên Thế nhắn nhủ: “Không nên đi tìm cái duy nhất, cái đặc biệt, cái thuần Việt vì chất Việt là kết quả của sự giao thoa tiếp biến văn hóa”. Nước ta có vị trí địa chính trị rất đặc biệt, và có thể coi là một “ngã tư đường” nơi các nền văn hóa du nhập, giao lưu và đóng góp vào nền văn hóa bản địa. Kể từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia Công ước Bảo vệ & phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; Việt Nam lại là nước có thế mạnh sức mạnh mềm do sự đa dạng văn hóa cao, vì vậy, càng cần phải tôn trọng điều đó.

Tác giả Trần Hậu Yên Thế kí tặng cuốn sách Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác
Tác giả Trần Hậu Yên Thế kí tặng cuốn sách Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác

Về điểm độc đáo ở từ “soi” và “từ phía khác”, Tiến sĩ Phạm Long đánh giá cuốn sách đã đặt người đọc vào một vị trí khác để soi chiếu văn hóa và là một tài liệu rất khoa học khi khảo sát nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau. Khi nhìn nghệ thuật qua con mắt mới, lý thuyết mới, ta sẽ đặt ra câu hỏi mới, từ đó tìm ra giá trị mới rồi tổng quát lên thành cách nghĩ mới, tư duy mới, sáng tạo mới. Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý cũng nhận định cuốn sách rất bổ ích cho người nhập môn khi phân tích từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm của những thời kỳ, đi kèm là những hình ảnh minh họa được in đẹp mắt. Các chất liệu văn hóa đang bị quên lãng do không có hình ảnh lưu giữ, vì vậy việc có tài liệu lưu trữ như cuốn sách là rất cần thiết.

Tiến sĩ Phạm Long và Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý
Tiến sĩ Phạm Long và Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý

Từ câu chuyện văn hóa xoay quanh cuốn sách “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác”, ba diễn giả đi vào trọng tâm của buổi tọa đàm – Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật. Về định nghĩa “đa dạng văn hóa”, Tiến sĩ Phạm Long cắt nghĩa đây là sự tiếp nhận những nền văn hóa khác nhau, tôn trọng sự khác biệt, có thể chia sẻ, từ đó phát huy chất riêng cũng như cùng tôn vinh giá trị.

Câu chuyện được dẫn về chính không gian của buổi tọa đàm – Hội Quán Quảng Đông trước đây. Ba diễn giả đều đồng ý rằng địa điểm đặc biệt này chính là biểu trưng cho sự đa dạng văn hóa. Ban đầu là hội quán do người Trung Hoa xây nên, đến thời Pháp thuộc thì được người Pháp mượn để làm nơi giao lưu văn hóa, sau lại được người Việt biết đến là Đình Hội Quán. Đây vốn là hội quán của người Hoa nhưng trong những bức ảnh còn lưu lại về nơi này lại có những người mặc áo tứ thân; cột nhà ở đây có những chi tiết La Mã, vòm cuốn kiểu châu u bên cạnh các phù điêu về tích truyện Trung Hoa… Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 tại không gian này cũng tôn vinh sự đa dạng văn hóa và cho thấy đó là điều khơi nguồn sự sáng tạo cho mọi người.

Từ câu chuyện đa dạng văn hóa, buổi tọa đàm đặt ra câu hỏi: làm thế nào để nghiên cứu văn hóa Việt Nam mà không bị ảnh hưởng bởi văn hóa tràn vào từ bên ngoài? Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng giải pháp là giáo dục thấu đáo cho thế hệ tiếp nối; cùng với đó là phải có những văn bản giáo dục về tầm nhìn văn hóa – đây là điều hiện nay ta chưa làm được, dẫn đến nhiều khoảng trống kiến thức về văn hóa ở thế hệ tiếp tới. Nếu không ươm, không trao truyền văn hóa, thế hệ này sẽ trở thành những công dân toàn cầu nhưng không biết đến từ đâu.

Các khán giả cùng tham gia chia sẻ, bản luận
Các khán giả cùng tham gia chia sẻ, bản luận

Phần hỏi đáp cuối chương trình trở thành cơ hôi cho các khán giả cởi mở thể hiện suy nghĩ, quan điểm về các chủ đề trong buổi tọa đàm: chia sẻ về việc phải thay đổi cách truyền tải thông điệp văn hóa nhiều hình ảnh hơn, ít chữ đi; hay khẳng định thế hệ trẻ không thờ ơ vơi văn hóa; và cả câu chuyện bên lề về không gian 22 Hàng Buồm trước đây.


Tọa đàm “Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật” đã đem tới nhiều góc nhìn, tầm nhìn văn hóa mới; khẳng định sự giao thoa, đa dạng văn hóa là điều cần có để phát triển sáng tạo nghệ thuật, và để nhìn nhận văn hoá như một dòng chảy liên tục tiếp biến, thay đổi, không bị đóng khung một cách cứng nhắc. Buổi toạ đàm đã để lại dấu ấn đậm nét trong Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, hướng công chúng tới cách nhìn nhận văn hóa, di sản và truyền thống cởi mở hơn, khơi gợi cảm hứng và sự tự tin sáng tạo.

© Tạp chí Kiến trúc

The post Soi từ phía khác để tôn vinh sự đa dạng văn hóa appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/7CpLMcqnH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//