Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế?

Tọa đàm “Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế” giới thiệu hai dự án Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê và Quận Nghệ thuật sông Hồng – hai phương án đã đoạt giải cao nhất của Cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo được thực hiện bởi cùng một nhóm kiến trúc sư và nhà đầu tư. Và quan trọng hơn, hai dự án cho thấy tầm nhìn và quan điểm tiên phong về kinh tế giá trị của nhóm thực hiện dự án, thể hiện qua những chia sẻ cởi mở về lý do vì sao họ lại quyết định cuộc “chơi lớn”, đó là đầu tư một cách bài bản vào không gian sáng tạo.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phó Đức Tùng (đồng điều phối tọa đàm); bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VNDirect, là chủ đầu tư tiên phong trong xu hướng đầu tư vào không gian sáng tạo, khởi đầu với hai dự án Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê và Quận Nghệ thuật sông Hồng; Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh (công ty Kiến trúc Avant) và chị Nguyễn Hà (công ty Kiến trúc arb).

Kinh tế sáng tạo – Xu thế không thể đảo ngược

Người điều phối Trương Uyên Ly trong vai trò cố vấn dự án, nhà nghiên cứu độc lập về Không gian sáng tạo đã mở đầu tọa đàm bằng bức tranh toàn cảnh nền kinh tế sáng tạo như một chuyển đổi toàn cầu, với các không gian văn hóa sáng tạo, hay không gian sáng tạo đóng một vai trò rất quan trọng trong bức tranh lớn đó.
Liên Hợp Quốc tuyên bố rất rõ ràng: “Năm 2021 là năm quốc tế về kinh tế sáng tạo cho phát triển bền vững”. Thể hiện rõ thông điệp: Kinh tế sáng tạo là hỗ trợ cho phát triển bền vững. Kinh tế sáng tạo tạo ra sự thay đổi về cấu trúc kinh tế, tiến bộ kinh tế – xã hội, tạo việc làm và đổi mới, gia tăng bình đẳng xã hội và phát triển con người bền vững). Chị Uyên Ly cho biết, ở Anh quốc, các ngành công nghiệp sáng tạo tăng trưởng gấp 05 lần so với mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế.

Ở Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa chiếm gần 3% GDP của Việt Nam tương đương mức trung bình thế giới (nghiên cứu bởi Hanoi Grapevine & Đại học Leicester, Anh quốc, 2017 – 2018). Chính phủ đang đặt mục tiêu, đến năm 2030 ngành công nghiệp sáng tạo sẽ chiếm khoảng 7% GDP. Đây là một mục tiêu khá tham vọng nhưng cũng khá tương đồng với các nước láng giềng có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển mạnh, như Indonesia với kinh tế sáng tạo đóng góp 7.4% GDP cho đất nước.

Thông qua bức tranh toàn cảnh, chúng ta nhận thấy ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo nói chung, các không gian sáng tạo nói riêng là xu hướng toàn cầu mà chúng ta không thể đảo ngược.

Tạo “cái tổ” cho sự đa dạng, chia sẻ và kết nối

Trong phần giới thiệu của mình về Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê. Kiến trúc sư Nguyễn Hà bắt đầu bằng những manh nha của cộng đồng sáng tạo Hà Nội thể hiện ở hai địa điểm là Zone 9 và Hà Nội Creative City. Zone 9 là nơi cộng đồng sáng tạo nghệ thuật tự phát cùng nhau lập nên, cùng tạo nên một không gian nền tảng cho sự sáng tạo. Đáng tiếc, Zone 9 chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Lúc đó, chưa có nhà đầu tư bài bản và một môi trường thuận lợi cho sự tồn tại của Zone 9.
Theo KTS Nguyễn Hà, Hà Nội Creative City là sơ khởi của nền kinh tế sáng tạo, đã có bước đầu hình thành chiến lược đầu tư, có các không gian cho công việc sáng tạo như các xưởng nghệ thuật, công ty quảng cáo truyền thông, không gian làm việc chung…Tuy nhiên, nền tảng cấu trúc vật chất sẵn có của toà nhà chưa thực sự phù hợp với một nền tảng sáng tạo, do công năng tòa nhà trước đó không dành cho các mục đích tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật và kết nối sáng tạo.
Tạo ra một “cái tổ”, hay một không gian sáng tạo có sức sống bên trong nó luôn là một thôi thúc bên trong của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh. Khi gặp chị Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT công ty VNDirect, được biết công ty muốn xây một toà nhà văn phòng mới, anh đã chia sẻ ý tưởng tòa nhà sáng tạo với chị, và nhận được sự thấu hiểu, chấp thuận từ phía chị. Nhận được đề bài thiết kế, bước vào cuộc chơi lớn, anh quyết định không hành động một mình. Anh tìm đến kiến trúc sư Nguyễn Hà, công ty Kiến trúc arb mời chị cùng tham gia với mình. Trong quá trình tư duy về dự án, các vấn đề dần hé lộ. Các kiến trúc sư không thể làm việc một mình trước một đề bài đòi hỏi sự hiểu biết chuyên môn về kinh tế và không gian sáng tạo, cân bằng giữa hiệu quả đầu tư và các lợi ích khó đong đếm bằng con số cụ thể. Dần dần 07 đội nhóm chuyên gia của dự án đã được hình thành: nhóm chiến lược và mô hình kinh doanh, nhóm tính toán hiệu quả đầu tư, nhóm thiết kế kiến trúc, nhóm thiết kế sinh thái cảnh quan, nhóm tư vấn kết cấu, nhóm mô hình không gian kiến trúc, nhóm cố vấn nghệ sĩ. Tổng cộng là 54 thành viên đóng góp cho việc hình thành nên bản thiết kế và mô hình kinh doanh của dự án. Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê đã không còn là một thực thể kiến trúc đơn thuần, mà đã trở thành một cấu trúc duy trì và nuôi dưỡng năng lượng sáng tạo tuôn chảy không ngừng.

Các thành tố tạo nên công trình này được chia thành ba phần chính: Cấu trúc tinh thần, cấu trúc vật lý và giá trị cốt lõi. Cấu trúc tinh thần với lõi là “Tư duy sáng tạo” gồm: Nhà đầu tư sáng tạo, thị trường sáng tạo, không gian sáng tạo, vận hành sáng tạo, chính sách sáng tạo, nội dung sáng tạo. Cấu trúc vật lý chính là toà nhà sáng tạo Trúc Khê. Sau nhiều lần thảo luận và tranh luận, nhóm dự án đã đưa ra hai giá trị cốt lõi: Creative (Sáng tạo) và Share (Chia sẻ). Bà Phạm Minh Hương đã giúp làm rõ điều này”.

Lúc đầu mình chỉ nghĩ đến một cái văn phòng và mình xây văn phòng cho công ty thôi. Mọi người cứ nghĩ tài chính là những con số, nhưng thực ra trong tài chính, nhất là nghề của mình là nghề chứng khoán đầu tư, tức là cũng phải số hoá tầm nhìn tương lai, nên trong tài chính cũng có những cái lãng mạn riêng của nó. Chỉ có điều đằng sau con số đấy, làm thế nào để mọi người nhìn thấy được. Khi mình gặp kiến trúc sư Thanh, có một lần mình được đi cùng kiến trúc sư, lúc đó hai chị em đang nói về một tòa nhà, thì mình thấy Thanh vẽ, liên tục vẽ rồi xóa, liên tục vẽ rồi xóa và nó là một quá trình liên tục mà mình thấy cái trước cái sau không khác gì nhau mấy. Mình mới hỏi Thanh: “Sao em lại phải vẽ và xóa” thì Thanh mới nói: “Đó là một quá trình tinh chỉnh để em cảm được về kích thước”. Mình mới giật mình nhận ra: hoá ra mọi thứ sáng tạo đều đến từ kết quả của một việc làm rất chăm chỉ. Chỉ có một không gian đấy thôi nhưng có lẽ bạn ấy phải vẽ đi vẽ lại, xoá đi xoá lại đến 108 cái bản vẽ. Và sau đó mình có một khái niệm hoàn toàn khác về kiến trúc sư.

Qua những nghiên cứu, khảo sát, nhóm dự án nhận ra chìa khoá thành công cho những dự án sáng tạo chính là sự “đa dạng” (diversity). Để có sự đa dạng, đầu tiên cần chấp nhận sự khác biệt. Đây chính là bài toán khó cho các kiến trúc sư của dự án, câu hỏi đặt ra: “Làm sao để tạo ra được không gian cho các ngành sáng tạo vào chung một chỗ? Làm sao để dung hòa các yếu tố thành phần trong không gian này?” “Cái tổ” cho sáng tạo, hay ngôi nhà chung này không phải và không thể là một kiến trúc chết, tức là những người vào sau này không thể phát triển tiếp nữa. Toà nhà sáng tạo phải thiết kế làm sao để các kiến trúc sư, các nhà thiết kế, các nhà làm về nghệ thuật, về kinh doanh có thể phát triển tiếp, có thể sáng tạo tiếp rất nhiều lần sau nữa. Một “cái tổ” sống. Một “cái tổ” có dòng chảy tương tục từ quá khứ đến tương lai. Và ý tưởng về tuyến “đường dạo” (pathway) đã hình thành. Một quyết định liều lĩnh nhưng xứng đáng.

Đề xuất thay đổi cách tổ chức không gian phụ trợ – hành lang, kỹ thuật phụ trợ – ở văn phòng truyền thống thành một tuyến đường dạo (pathway) “chảy” trong lòng công trình, đưa các hoạt động công cộng vào không gian mở tầng một và B1 len lỏi vào các tầng lên đến vườn cộng đồng trên mái.

Tuyến pathway này không chỉ là một con đường nơi mọi người chỉ đi qua không có tương tác mà chứa đựng các điểm dừng – nơi các hoạt động, sự tương tác, kết nối, chia sẻ diễn ra. Đó là Sân khấu cho những khởi phát Sáng tạo. Tuyến pathway cũng như là hành lang của “Trường học Athens” nơi trao đổi Ý tưởng của những bộ óc triết gia vĩ đại nhất. Còn các “điểm dừng” được thiết kế như Sân khấu ở các Amphitheater kinh điển của Hy Lạp.

25% là tỷ lệ giao thông kỹ thuật thông thường cho một dự án. Dự án này đề xuất 40% để giao thông không chỉ để trôi qua, mà là nơi dừng lại. Dừng lại để suy tưởng, dừng lại để bàn luận ý tưởng, để tiếp tục tái sáng tạo. Như kinh lạc trong một cơ thể sống, “đường dạo” là dòng chảy sự sống của tòa nhà. Khi KINH khỏe mạnh thì LẠC an yên.

Toà nhà sáng tạo Trúc Khê là thành quả của những nghiên cứu, những học tập từ thực nghiệm, từ những tính toán và con số thực. Đó là những đấu tranh nội bộ, thuyết phục, chứng minh, là sự chăm chỉ tinh chỉnh hết lần này đến lần khác. Đó là đôi chân ở mặt đất nhưng đôi mắt và tư tưởng hướng lên bầu trời.

Giá trị không được tính bằng mét vuông

“Cá nhân tôi, nhiều năm nay muốn thành phố nơi chúng ta ở thành một nơi có nhiều không gian để chúng ta có thể dừng lại, mọi người có thể làm việc cùng nhau, mọi người có thể chia sẻ, mọi người có thể cùng nhau lan toả những năng lượng tích cực và từ đó nó sẽ mang lại cho lao động của chúng ta cái đẹp. Cái lao động của chúng ta phải đẹp, thì đấy là điều kiện để cho chúng ta có những lao động đẹp. Và khi cái nguyện ấy được phát ra thì lại gặp được những người như chị Hương, có một hạnh muốn làm gì đó cho xã hội, tạo giá trị gì đó cho xã hội cho cộng đồng.” – Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ.
“Dự án rất là khác với những dự án trước đây của mình. Vì lúc nhận đề bài thì chả có đề bài gì cả.
Team cũng cãi nhau nhiều lắm, cũng phải mười mấy kiến trúc sư tham gia và phải liên tục vì thời gian cũng không có nhiều nên tất cả các bạn cứ vẽ, vẽ rất là nhiều, vẽ ngày vẽ đêm. Người này thì muốn thế này, người này thì muốn thế kia, rất là khó. Cuối cùng, khi chị Trang và chị Uyên Ly (Nguyễn Thu Trang – chuyên gia chiến lược và mô hình kinh doanh, Trương Uyên Ly, chuyên gia độc lập về không gian sáng tạo) đưa ra được một mô hình kinh doanh thì tất cả mới thấy sáng hơn. Chắc chắn là nó work rồi, nó không phải một câu chuyện viển vông nữa rồi…Lúc đấy PATHWAY (đường dẫn) là một cái keyword (từ khoá) để biết rằng chúng ta không thiết cho từng đối tượng đấy mà chúng ta thiết kế một không gian chung cho mọi người cùng “chơi”, cùng làm việc. Khi ra được keyword đấy thì nó có “đường bay” và thiết kế lúc đấy rất dễ.” – Kiến trúc sư Nguyễn Hà chia sẻ về quá trình thiết kế.
Nỗ lực của cả nhóm dự án là vậy nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi sự đồng hành của chủ đầu tư, chị Phạm Minh Hương, một chủ đầu tư không nhìn vào dự án bằng công thức tính giá trị vật lý hiện hữu mà bằng công thức kinh tế giá trị. Một công thức tính không mới trên thế giới nhưng chưa được nhiều chủ đầu tư áp dụng ở Việt Nam: “Ở Việt Nam nền kinh tế sáng tạo hiện nay chưa phát triển, là vì mọi người chưa có công thức để đo giá trị tương lai. Bản thân các nhà kinh tế học ngày xưa đã có công thức đo giá trị qua tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế và khả năng tạo ra tốc độ/đà tăng trưởng thì nó được định giá bằng giá trị. Thế thì cái toà nhà này cũng như vậy. Tòa nhà này ban đầu giá trị không được tính bằng mét vuông nhưng nó có một dòng chảy sáng tạo và cái sáng tạo đó, mỗi bước đi nó lại tạo ra một giá trị kinh tế mới. Mỗi người vào tòa nhà này mang giá trị của mình để cộng chung. Nó là một cái toà nhà sống chứ không phải một toà nhà tính theo mét vuông. Cách tư duy như thế khiến cho toà nhà rất thực tế chứ không phải viển vông.”

“Nếu tất cả các công thức kinh tế, các công thức kiếm tiền đều phải định nghĩa bằng kinh nghiệm của quá khứ hay bằng những giá trị hiện hữu nhìn được thì cái phá huỷ của tương lai cũng rất lớn. Nếu các chủ đầu tư hiểu được giá trị tương lai thì chúng ta hoàn toàn rất thực tế để có thể làm ra các toà nhà hay sản phẩm tạo ra được tiềm năng kinh tế trong tương lai mà nó không bị hạn chế bởi câu hỏi “thực tế hay viển vông”.

Từ đầu đến cuối, tọa đàm: “Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế” đã mở rộng rất nhiều câu chuyện. Từ một dự án nhỏ, nhưng khi làm rõ quá trình thực hiện có thể thấy dự án giống như một hệ sinh thái thu nhỏ của nền Kinh tế sáng tạo, đang tạo ra một dấu mốc tiên phong, tạo ra một xu thế đầu tư mới, và quan trọng hơn nữa là một tầm nhìn mới về giá trị. Giá trị nào là quan trọng, tương lai chúng ta mong muốn hướng đến là như thế nào? Và trên con đường hướng đến tương lai mong muốn, chúng ta đã và có thể gặp những vấn đề gì, và quan trọng là giải quyết chúng ra sao? Và cuối cùng, là chính chúng ta, hay ai khác, đang tạo ra một hệ sinh thái, một môi trường để cộng đồng sáng tạo có thể phát triển, để lan tỏa các giá trị hữu hình và vô hình, có được một dòng chảy luôn luôn uyển chuyển, luôn luôn linh động, luôn luôn cởi mở?… Điều phối toạ đàm, chị Trương Uyên Ly kết lại tọa đàm bằng một câu hỏi mở cho diễn giả và khán giả.

Thông tin nền tảng:

Dự án Toà nhà Sáng tạo Trúc Khê do Công ty TNHH Kiến trúc arb và Công ty Cổ phần đầu tư và kiến trúc Avant đồng chủ trì đã dành giải nhất cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội cho hạng mục Hạ tầng thúc đẩy Sáng tạo. Khu đất dự án nằm tại quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 5300 m2, tổng diện tích sàn gần 40.000m2. Đây là toà nhà không chỉ để làm việc mà còn là môi trường truyền cảm hứng, nuôi dưỡng nguồn lực con người. Điểm nhấn của toà nhà là PATHWAY: một tuyến đường “chảy” trong lòng công trình xuyên suốt từ hầm đến mái. Pathway vừa là huyết mạch giao thông, vừa là nơi tổ chức các hoạt động công cộng: lễ hội, văn hóa giao lưu, trao đổi tương tác.

Dự án Quận Nghệ thuật Sông Hồng do liên danh tư vấn thiết kế Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Kiến trúc Avant & Công ty Cổ phần Kiến trúc Quốc tế Times Mirror thực hiện, đã dành giải nhất Cuộc thi Thiết kế Không gian Sáng tạo Hà Nội, hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Quận nghệ thuật đặt tại trung tâm của khúc sông Hồng chảy qua Hà Nội, trên diện tích 5 ha. Nghệ thuật và sáng tạo là hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà cho đến không gian ngoài trời (triển lãm nghệ thuật ánh sáng, công viên, khu xưởng nghệ sĩ, khu trình diễn nghệ thuật, khu thể thao và trò chơi mạo hiểm, khu làm việc chung co-working…)

© Tạp chí Kiến trúc

The post Đầu tư vào không gian sáng tạo: Bay bổng hay thực tế? appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/harmcD7Cf
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét