Bảy giờ rưỡi tối thứ Tư, một ngày giữa tuần dịp cuối năm, đúng giờ bắt đầu buổi diễn Cõi Thinh Không, trước cửa Hội quán Quảng Đông xưa – nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, hàng dài các bạn trẻ vẫn kiên nhẫn xếp hàng, giữ khoảng cách làm thủ tục check-in, kiểm tra y tế để tham gia sự kiện.
Đằng sau vẻ ngoài cổ phong, sau lớp cửa gỗ sơn son dày nặng của Hội quán là một thế giới không tưởng, một vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc Đông – Tây. Mở cửa bước vào, sự vương vấn xô bồ của phố xá thủ đô lúc tan tầm lập tức khép lại. Sân khấu đã xuống đèn, yên lặng, trật tự. Khu vực khán đài được chia thành hai dãy ghế vòng cung bao lấy sân khấu mở ra một khoảng không rộng lớn – đường biên của “Cõi thinh không”.
Vỏn vẹn trong 25 phút với 5 màn kịch, vở diễn đã kịp đưa người xem chìm vào cõi mộng. Tiếng bộ gõ chiêng trống vang lên, cùng với âm thanh điện tử, đèn chớp, khói phủ tạo nên một chốn không thời gian mơ hồ, đứt gãy. Tiếp đến bộ dây với đàn bầu, bộ hơi với kèn, sáo nghe ai oán, nén thở, nhân vật Khương Linh Tá với nét vẽ mặt người trung nghĩa (mắt cánh bướm) từ từ tiến vào, khóc thương người bạn Triệu Khắc Thường đã mất, trách oán lũ gian thần, rồi hận thân mình không đủ sức cứu bạn. Đèn tắt, kèn, trống nổi lên, tiếp tiếng binh đao loạn lạc, nhân vật Tạ Ôn Đình vẻ mặt gian mãnh (mặt tròng xéo đen) từ cửa chính dần tiến vào giữa sảnh… Lúc này ẩn hiện trong bóng tối, lờ mờ di chuyển xung quanh khung cảnh là một bóng người với trang phục hiện đại, nét vẽ mặt đủ sắc đen, trắng, đỏ không rõ thiện, ác (được đặt tên là K).
Vẫn tiếng chiêng trống mỗi lúc một lớn. Rồi tiếng đàn nhị, khèn môi, Khương Linh Tá xuất hiện than trời:
“Chao ôi, binh theo như gió, mà tướng đuổi tựa mưa…
Một Ôn Đình sức mỗ đã thừa, nhưng thêm vây cánh Lôi Phong, Lôi Nhược… toán trước sau có một mình ta, gặp thế cô ba ngã
Anh hùng nào sợ thác, mà sợ thác chẳng có anh hùng…”
Nói xong liền giao đấu với Tạ Ôn Đình. Một hồi, Khương Linh Tá ngã xuống, mũ đã rơi, đầu chỉ còn chùm vải đỏ, tay quờ quạng trong không gian tìm kiếm. Tứ phía tĩnh mịch, chỉ còn tiếng ù nhạc điện tử… Bỗng kèn nổi lên, Khương Linh Tá tìm được đầu đặt lên cổ. K xuất hiện, nhìn Khương Linh Tá rồi quay mặt đầy khó khăn…Trên cổ K có vệt như máu đỏ.
Bóng tối bao phủ. Xuất hiện chỉ còn Tạ Ôn Đình và K, tiếng bộ gõ xen lẫn âm điện tử đầy hỗn mang, Tạ Ôn Đình dương dương đầu vẻ ngạo nghễ. K vật lộn xung quanh, cố gắng đối diện với Ôn Đình…Bóng tối lại dần bao phủ, Tạ Ôn Đình rời vào cánh trái.
Ánh sáng chập chờn, chỉ còn lại K chuyển động trong không gian. Tiếng bộ gõ, cùng âm nhạc điện tử, K vật lộn trong sáng tối. Trống dồn dập, K giày xéo, vật vã, rồi quỵ xuống vẻ mệt nhoài, hai mắt ửng đỏ đọng nước, lê thê rời khỏi sân khấu, tay cầm vũ khí của Ôn Đình rút ra lối cửa chính trong sự nén thở của người xem.
Cùng lúc ấy không gian tối tăm, kèn trống vang lên, và âm điện tử đầy rối loạn. Có tiếng vọng:
“Anh hỡi, anh ơi… Tiếng gà vang khắp rừng xanh… Ngọn đèn phụt tắt, mà hồn anh đâu rồi… Chao ôi, ngọn đèn phụt tắt, mà vầng trời lại hây hây… Ha ha ha”
Vở diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay của khán giả cũng là lúc đèn sáng trở lại. Người xem hít lấy một hơi thở sâu, định hình trở về thực tại.
Nếu ai có trót mê đắm loại hình diễn xuất, sân khấu đậm tính ước lệ, cường điệu hóa như Kabuki của Nhật qua những bộ phim của đạo diễn Akira Kurosawa; hay Kinh kịch của Trung Quốc với câu chuyện cảm động đầy nghiệt ngã để lưu giữ tinh hoa nghệ thuật dân tộc qua bộ phim kinh điển Bá Vương Biệt Cơ (Farewell, my Concubine)… thì phải khẳng định rằng, tuồng của Việt Nam cũng là một bộ môn nghệ thuật hấp dẫn không thua kém gì. Nếu như điện ảnh – một loại hình nghệ thuật đại chúng đương đại hấp dẫn vào hạng bậc nhất chưa có điều kiện, cơ hội làm sống dậy mạnh mẽ và lan tỏa tuồng được như những trường hợp kể trên thì chính sân khấu của “Cõi Thinh Không” là một lối dẫn hiếm hoi đáng quý, đưa người trẻ về với cội nguồn, đến với tinh hoa nghệ thuật Việt Nam.
“Cõi Thinh Không” tại 22 Hàng Buồm là lát cắt của một vở diễn dài hơn ba tiếng đồng hồ. Nội dung kịch bản được cải biên từ vở Tuồng cổ Sơn Hậu (có nghĩa “thành sau núi”), là tác phẩm Tuồng kinh điển hội tụ đầy đủ cốt tủy của môn nghệ thuật này. Sơn Hậu kể câu chuyện hư cấu về việc vua Tề già yếu, bị thái sư Tạ Thiên Lăng cùng anh em (em ruột Tạ Ôn Đình là dũng tướng số một) mưu kế chiếm ngôi. Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân,.. là phe trung thần đã có công cứu thứ hậu, dẹp gian thần, phò Hoàng tử lên ngôi. Vở diễn Cõi Thinh Không được cắt trên là trích đoạn Ôn Đình chém Tá.
Tuy buổi diễn có phần ngắn ngủi, nhưng với sự góp mặt của những gương mặt nghệ sĩ gạo cội như NSND Nguyễn Văn Thuỷ vai Tạ Ôn Đình, NSƯT Đặng Bá Tài vai Khương Linh Tá, NSƯT Nguyễn Đức Mười đảm nhiệm bộ gõ truyền thống, NSƯT Nguyễn Văn Bút với Kèn bóp, đàn bầu,… mà cái “hồn” của tuồng đã đến được với người xem. Có lẽ phải chính là được trực tiếp nghe, nhìn, được gần với tuồng đến thế mà người xem mới được thu hút, rung động, cảm thán ngay tắp lự, mới có thể thấy được hết cái hùng tráng, lộng lẫy, tinh tế sang trọng của tuồng.
Điểm đặc biệt của vở diễn là “thế giới không đường biên” mà tác phẩm đã tạo ra. Điều này trước hết phải kể đến sự làm mới sân khấu tuồng với nhân vật K được cho là đến từ tương lai (dancer Nguyễn Trung Hiếu thủ vai). Cái tên “K” ít nhiều gợi sự liên tưởng tới cái phi lý dễ dàng được chấp nhận của Franz Kafka (nhân vật Joseph K trong “Vụ án”). K đến từ đâu, tại sao lại xuất hiện ở đây, bằng cách nào, K có mối liên hệ thế nào với Tạ Ôn Đình và Khương Linh Tá…là những điều ta chưa cần phải có ngay câu trả lời, bởi diện mạo của K ngay từ khi xuất hiện có khác biệt nhưng vẫn dễ xâm nhập vào bối cảnh. Sự biểu đạt của K được thể hiện qua điệu nhảy Krumping mạnh mẽ, một thể loại nhảy múa đương đại. Điểm tương đồng, hòa quyện khi sân khấu tuồng của Việt Nam gặp gỡ với một điệu nhảy đường phố bắt nguồn từ Mỹ là ở chỗ Krumping cũng có tính cường điệu, ước lệ nhưng cũng uyển chuyển, tự do. Màn cuối Nguyễn Trung Hiếu (K) độc diễn đã mang đến nhiều kinh ngạc, ký ức, cảm xúc khó quên. Chỉ với K, vở diễn đã đưa người xem “xuyên không”, đủ cả Đông Tây kim cổ.
Thế giới không đường biên trong Cõi Thinh Không còn được cộng hưởng từ âm nhạc điện tử hòa quyện với âm nhạc truyền thống, ánh sáng sân khấu làm tăng tính đương đại trên nền không gian kiến trúc Đông Tây của Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Màn K đối thoại trong im lặng nhưng quyết liệt với Tạ Ôn Đình như đối mặt với “bản lai diện mục” của chính mình làm “giải thiêng” (désacraliser) tác phẩm, nhờ không gian sân khấu tại Hàng Buồm lại làm tăng tính thiêng cho nhân vật khi nơi đây vốn là một Hội quán người Hoa, nơi được xem như đình, chùa, miếu tự tại Việt Nam, hậu cung thờ Quan Công (Quan Vân Trường) là thánh võ vốn được ca tụng vì sự dũng mãnh và lòng trung quân ái quốc.
Vậy, K là ai và rút cuộc liên hệ thế nào với các nhân vật còn lại? “Cõi Thinh Không” có “giải cấu trúc” vở tuồng cổ không khi cuối cùng K rút khỏi sân khấu với cái nhìn thấu cảm dành cho cả hai nhân vật Tạ Ôn Đình và Khương Linh Tá, cho cả phe trung Tề và phản Tề. Đó có thể là một cái nhìn nhân văn vào thời binh đao loạn lạc, vua già yếu hoàng tử nhỏ dại thì nước suy tàn, làm tướng buộc phải chọn Vua, trung quân chưa chắc đã là ái quốc… tác phẩm mang sắc thái hậu hiện đại, không còn cấu trúc nhị phân thiện – ác, các giá trị cổ xưa bị lung lay… Hay Ôn Đình và Linh Tá cũng như “thiên thần” và “ác quỷ” trong K… Cõi Thinh Không là trong tâm trí mỗi người, nơi thiện ác phân tranh, cuối cùng ở đó chỉ còn hư vô, K mệt nhoài mở cánh cửa ra khỏi Cõi Thinh Không… Câu trả lời chờ mỗi bạn xem giải mã!
© Tạp chí Kiến trúc
Thông tin vở diễn:
- Nguyễn Quốc Hoàng Anh
- Giám đốc nghệ thuật & Nhà sản xuất âm nhạc
- Hà Nguyên Long
- Đạo diễn sân khấu & Thiết kế không gian
- Quản lý sản xuất: Lê Minh Quân
- NSND Nguyễn Văn Thuỷ: Nhân vật Tạ Ôn Đình
- NSƯT Đặng Bá Tài: Nhân vật Khương Linh Tá
- Nguyễn Trung Hiếu: Nhân vật K
- NSƯT Nguyễn Đức Mười: Bộ gõ truyền thống
- NSƯT Nguyễn Văn Bút: Kèn bóp & đàn bầu
- Nghệ sĩ Nguyễn Đức Tý: Nhị
- Nghệ sĩ Lê Duy: Sáo trúc & đàn môi.
The post Vở diễn Cõi Thinh Không – một thế giới không đường biên làm sống dậy tuồng cổ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/FKW6fnTzC
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét