Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Dịch bệnh: Khởi nguồn của chủ nghĩa hiện đại

Chủ Nghĩa Hiện Đại có thể xem là một trong những trào lưu lạc quan nhất trong lịch sử kiến trúc, được xây dựng dựa trên những quan niệm về sự không tưởng, sự cách tân và sự hình dung lại về cách con người sẽ sống, làm việc và tương tác. Triết lý của Chủ Nghĩa Hiện Đại vẫn thống trị phần lớn các diễn ngôn về kiến trúc ngày nay, ngay cả khi các điều kiện phát sinh ra Chủ Nghĩa Hiện Đại đã thay đổi hoàn toàn sau 100 năm.

Rất ít được nhắc tới ngày nay, nhưng một trong những điều kiện khởi nguyên của Chủ Nghĩa Hiện Đại chính là dịch bệnh. Nghe thật kì lạ, nhưng đúng vậy, dịch bệnh, cùng với công nghệ mới, vật liệu mới và sự chuyển đổi hệ hình kinh tế chính trị đã góp phần hiện đại hóa kiến trúc.

Vào đầu thế kỷ 20, các kiến trúc sư và nhà phê bình không chỉ thảo luận những mối quan tâm chuyên môn điển hình, như kết cấu hoặc công năng, họ còn nói rất nhiều về bệnh lao. Đơn giản, đó là nguyên nhân tử vong của 1/7 dân số thế giới, và là nỗi ám ảnh lớn của nhân loại. Vào cuối thế kỉ 19, 70-90% công dân các đô thị ở châu Âu và Mỹ mắc khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis.

Ngôi nhà sức khỏe – KTS Richard Neutra

Viện Điều Dưỡng – Một hình thái kiến trúc mới

Các hiểu biết y học tiến bộ về bệnh lao đã tạo ra nhu cầu thành lập các cơ sở chuyên biệt để chữa trị những người mắc bệnh. Hermann Brehmer, một bác sĩ người Đức, tin rằng bệnh lao sẽ bớt lây lan nếu môi trường trở nên tốt hơn. Do đó, ông đã tiến hành xây dựng viện điều dưỡng đầu tiên trên thế giới vào năm 1854 tại Görbersdorf, một vùng núi ở độ độ cao 650 mét so với mực nước biển. Sự thành công của nó đã khiến phong trào xây dựng viện điều dưỡng lan rộng và nhanh ra khắp châu Âu.

Hy vọng phục hồi tốt nhất của bệnh nhân lao là được sống ở một nơi có nhiều không khí trong lành, ánh sáng mặt trời, được nghỉ ngơi và được cung cấp thực phẩm bổ dưỡng. Tiêu chuẩn chăm sóc bệnh lao chủ yếu là việc cải thiện môi trường sống – và thiết kế của các viện điều dưỡng góp phần không nhỏ vào quy trình chữa trị.

Các yếu tố kiến trúc của các viện điều dưỡng ở Châu Âu như mái bằng, hàng hiên rộng bọc kính, các mảng tường sơn trắng, không đi kèm vật trang trí, đường nét sạch sẽ…dần trở nên quen thuộc với người dân. Đối với những bệnh nhân phải trải qua hàng nhiều năm trời trong viện điều dưỡng để có thể chữa trị dứt điểm bệnh lao, họ xem chúng như tiêu chuẩn mới và tốt đẹp hơn kiến trúc của thời đại tối tăm trước đó. Sức hấp dẫn của mái bằng, là tạo ra thêm không gian ngoài trời, bổ sung diện tích sử dụng để tắm nắng – một liệu trình được đặt tên là heliotherapy để tiêu diệt vi khuẩn lao, đã lan ra toàn cầu.

Viện điều dưỡng chính là phòng thí nghiệm của kiến trúc hiện đại.

Dịch bệnh và Kiến trúc tiên phong

Phần lớn kiến trúc hiện đại sơ kỳ có thể được hiểu là hệ quả của nỗi sợ hãi bệnh tật, với mục đích loại bỏ những ổ ẩn náu của vi khuẩn.

Năm 1925, kiến trúc sư người Thụy Sĩ Le Corbusier đã mơ về một thành phố nơi mọi ngôi nhà của người dân đều được quét vôi trắng và đảm bảo vệ sinh. Ông viết: “Không còn những góc tối, bẩn thỉu nữa. Tất cả mọi thứ được hiển thị như nó là. Sau đó mới đến sự sạch sẽ từ bên trong…. ”

Le Corbusier đã nâng Villa Savoye lên khỏi mặt đất ẩm ướt để tránh ô nhiễm. Biệt thự siêu hình hộp của Adolf Loos ở Prague, từ năm 1930, có một không gian riêng để cách ly những đứa trẻ bị bệnh. Sự khắc khổ công nghiệp hóa của Ludwig Mies van der Rohe hay Marcel Breuer rõ ràng là 1 thứ thẩm mĩ của bệnh viện. Đồ nội thất bằng inox do các kiến trúc sư cha đẻ của Chủ Nghĩa Hiện Đại thiết kế thoạt đầu là dành riêng cho các viện điều dưỡng.

Khi thiết kế nhà ở công nhân, các kiến trúc sư lừng lẫy như Bruno Taut và Peter Behrens đã lấy cảm hứng từ viện điều dưỡng. Tại khu đất Weissenhof ở Stuttgart, được xây dựng cho triển lãm Deutscher Werkbund năm 1927, Behrens đã thiết kế một khu chung cư “lấy cảm hứng trực tiếp từ mô hình của viện điều dưỡng và cung cấp cho mọi người thuê một sân hiên hướng Nam ngoài trời”(trích từ trong cuốn sách “Light, Air and Openess” của Paul Overy)

Richard Neutra, kiến trúc sư nổi danh của California, người bản thân từng phải chữa trị bệnh lao trong 1 năm, đã thiết kế Ngôi Nhà Sức Khỏe/Health House ở Los Angeles với mục đích chính là nhằm ngăn ngừa bệnh lao và thúc đẩy cho 1 lối sống mới.

Đến tận ngày nay, đây vẫn là một tác phẩm kiến trúc hiện đại sơ kì rất đáng để tham quan.

“Bệnh lao đã giúp hiện đại hóa kiến trúc”, giáo sư Beatriz Colomina, đại học Princeton, đã viết trong cuốn “X-Ray Architecture”.

Viện điều dưỡng bệnh lao, Paimio Kts: Alvar Aalto
Ý tưởng thiết kế phòng bệnh KTS Alvar Aalto (ảnh trái), Ban công rộng cho bệnh nhân tiếp xúc với nắng gió (ảnh phải)

Chủ nghĩa hiện đại và viện điều dưỡng “hội tụ” tại dự án viện điều dưỡng Paimio, do kiến trúc sư Alvar Aalto hoàn thành ở tây nam Phần Lan vào năm 1932. Tòa nhà bảy tầng có ban công ở cuối các dãy phòng bệnh, vì vậy những bệnh nhân yếu hơn không phải đi xa để tắm nắng. Những bệnh nhân khỏe hơn sẽ đón nắng và không khí trong lành trên sân thượng. Pamio có tất cả những dấu ấn hình thức của những gì chúng ta biết đến là kiến trúc hiện đại, như cửa sổ băng ngang bao quanh mặt tiền, các phòng sáng màu và sân thượng rộng với lan can hệt như tàu du lịch.

Không phải ngẫu nhiên mà Paimio được xây dựng giữa khu rừng với cửa sổ ngoại cỡ để bệnh nhân có thể nhìn ra bên ngoài quanh năm. Các viện điều dưỡng xa xôi giúp bệnh nhân tránh xa những thành phố đông đúc, bẩn thỉu, và cung cấp cho họ sự tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên – một trọng tâm khác của các kiến trúc sư theo đuổi Chủ Nghĩa Hiện Đại.

Thiên nhiên như một liệu pháp chữa bệnh, đấy chính là ý tưởng khởi đầu cho việc mang không gian ngoài trời vào trong.

Những lựa chọn về chất liệu và thiết kế của Aalto không chỉ mang tính thời trang về mặt thẩm mỹ. Aalto cho rằng: “Mục đích chính của tòa nhà là hoạt động như một công cụ y tế. Bệnh lao là một trong những mối quan tâm sức khỏe cấp bách nhất đầu thế kỷ 20; mỗi yếu tố của Paimio được hình thành để thúc đẩy sự phục hồi sau bệnh tật.” “Thiết kế phòng được xác định dựa trên tình trạng của bệnh nhân, những người nằm bất động trên giường vì suy kiệt,” Aalto giải thích. “Màu sắc của trần nhà được chọn để tạo sự yên tĩnh, các nguồn sáng không làm chói mắt bệnh nhân, hệ thống sưởi đặt dưới chân của bệnh nhân”.

Tại Pamio, bản thân kiến trúc đã là liều thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm.

Điều trị bằng kiến trúc

Vào năm 1943, Streptomycin, kháng sinh chống lại bệnh lao được tìm ra. Đến những năm 1950, tất cả các viện điều dưỡng trên thế giới bắt đầu đóng cửa. Nên có thể nói, trogn suốt 100 năm, bệnh lao không được điều trị bằng thuốc men, mà bằng kiến trúc.

Nhà dịch tễ học người Anh Thomas McKeown đã thừa nhận rằng “điều trị bằng streptomycin làm giảm 51% số ca tử vong kể từ khi nó được giới thiệu (1948–71) …”.Tuy nhiên, ông phát hiện tỷ lệ tử vong do bệnh lao ở Anh và xứ Wales đã giảm 90 đến 95% trước khi streptomycin được phổ biến rộng rãi, và rằng sự đóng góp của kháng sinh vào việc giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao thực sự là rất nhỏ. McKeown giải thích sự giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm cốt yếu là do các yếu tố dinh dưỡng tốt hơn, vệ sinh tốt hơn, và mức sống được cải thiện. McKeown, người được coi là cha đẻ của y học xã hội, đã luôn cho rằng, thuốc và vắc-xin không phải là giải pháp duy nhất. Theo đó, các nỗ lực và nguồn lực cần chủ yếu hướng vào việc cải thiện mức sống của người dân ở các nước có trình độ phát triển thấp, tập trung hướng tới cải thiện môi trường sống của họ bằng cách cung cấp nước sạch, vệ sinh, nhà ở tốt hơn, giáo dục, an toàn và công bằng, và tiếp cận với chăm sóc y tế.

Trên thực tế, nhiều ý tưởng được các kiến trúc sư cha đẻ của Chủ Nghĩa Hiện Đại đề xuất không xuất phát từ lý thuyết kiến trúc, chúng đến từ các bác sĩ, y tá và các nhà dịch tễ học. Và một lần nữa, khi đối mặt với dịch bệnh quy mô toàn cầu như Covid-19, kiến trúc sư cần học lại bài học lịch sử này, là lắng nghe những quan điểm sâu sắc của các nhà dịch tễ học như McKeown để có thể cải tạo môi trường sống và các đô thị mạnh mẽ hơn, nhằm gia tăng khả năng ứng biến với dịch bệnh.

KTS Sơn Đặng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)

The post Dịch bệnh: Khởi nguồn của chủ nghĩa hiện đại appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://bit.ly/3HescIK
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét