Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, trong 2 năm vừa qua, đã để lại những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn và vẫn tiếp tục đe dọa sức khỏe cộng đồng, làm đình trệ các hoạt động thiết yếu như kinh tế, giáo dục, an sinh đến các hoạt động dịch vụ, giải trí… Giới chuyên gia, các nhà khoa học đã vào cuộc, tuy nhiên, cơ chế lây nhiễm vẫn chưa có sự thống nhất, còn được hiểu theo một cách rời rạc cũng như chưa có một nghiên cứu xuyên suốt và có cơ sở.
Điều này dẫn đến việc xã hội, từ các cấp lãnh đạo đến người dân đều ứng dụng các kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau, không thống nhất, chủ yếu tham khảo từ các nghiên cứu của nước ngoài hoặc kiến thức truyền miệng. Việc thiếu tính nhất quán này có thể dẫn đến các chỉ đạo, xử lý, ứng xử gây ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực chung trong công cuộc chống dịch của toàn xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ của các cấp chính quyền, Ban liên lạc Cựu sinh viên Bách Khoa (BKA), Cộng đồng Cựu sinh viên Công Chánh Phú Thọ Xây dựng Bách Khoa và Ban liên lạc Cựu sinh viên Công Chánh Phú Thọ Xây dựng Bách Khoa (BKCONS) đã cùng nhau phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa. Cụ thể như: cung cấp hàng ngàn túi thuốc F0 cho người dân, hỗ trợ sinh viên ở ký túc xá gặp khó khăn trong mùa dịch, tham gia và hỗ trợ các hoạt động cứu trợ an sinh, triển khai ATM gạo cho người dân ở các khu vực yếu thế… Tuy nhiên, là những người làm việc chuyên môn, các cựu sinh viên đều có chung một nỗi niềm dường như chưa tìm ra được sự giải đáp thỏa đáng: Hàng loạt trường hợp lây nhiễm xảy ra ở cộng đồng nhỏ trong các xóm trọ, hẻm phố nhỏ hẹp mà chưa có một cảnh báo rõ ràng về cơ chế lây nhiễm trong các không gian này. Bên cạnh đó, các trường học bị đóng cửa và chưa có một chiến lược ứng xử, khuyến nghị nào được đưa ra về cách thức mở cửa trở lại mang tính phổ quát, dễ áp dụng và có hiệu quả cao. Đây là những vấn đề mang tính cấp bách, cần phải giải quyết nhanh cho toàn xã hội vì chúng có những ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động thiết yếu như an sinh và giáo dục.
Trong bối cảnh đó, Khoa Kỹ thuật Xây dựng – Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM (Khoa KTXD) và Cộng đồng Cựu sinh viên BKCONS, với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng, có năng lực về kỹ thuật xây dựng phục vụ dân sinh và kiến thức về đô thị, nhận thấy có cơ hội hợp tác giữa nhóm có lợi ích xã hội (đại diện là BKCONS), cơ quan nghiên cứu (Khoa KTXD – FCE) và các nhà khoa học (các thầy cô và nhóm sinh viên thuộc chương trình Xây dựng Dân dụng – Công nghiệp và Hiệu quả Năng lượng của PFIEV – chương trình hợp tác với Trường Quốc gia Khoa học Ứng dụng Lyon (INSA-Lyon) và Trường Ponts ParisTech (École des Ponts ParisTech, tiền thân là Trường Cầu đường Paris). Đây chính là những điều kiện tốt nhất để xúc tiến một nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra các nhận định đúng về cơ chế lan truyền, chiến lược ứng phó… thích hợp và có thể ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch chung của cả nước.
Sau khi cân nhắc các yếu tố của vấn đề cũng như khả năng của các cá nhân, đội ngũ nghiên cứu quyết định chia thành 2 nhóm độc lập để giải quyết 2 bài toán cụ thể liên quan đến cơ chế lan truyền của virus ở 2 môi trường đặc trưng: Bài toán trong nhà (indoor) và bài toán ngoài nhà (outdoor).
- Bài toán trong nhà mô phỏng vùng lan truyền của khối không khí chứa virus COVID-19 từ một nguồn lây nhiễm phát ra trong không gian lớp học (tại vị trí trên bục giảng) và xem xét trong nhiều kịch bản khác nhau: (1) chỉ sử dụng điều hòa không khí; (2) chỉ sử dụng quạt; và (3) chỉ sử dụng quạt kết hợp thông gió tự nhiên (mở cửa) và đề xuất các giải pháp điều chỉnh tham số hành vi xã hội nhằm giảm nguy cơ lan truyền, lây nhiễm.
- Bài toán ngoài nhà chú trọng vào khả năng ảnh hưởng của nguồn lây (một căn nhà có bệnh nhân nhiễm COVID-19) đến không gian và các nhà xung quanh ở cùng một hẻm phố. Bài toán mô phỏng các trường hợp khác nhau về mô hình hẻm phố (hẻm cụt/ hẻm thông); lộ giới hẻm (lớn/ nhỏ); và tốc độ gió (mạnh/ yếu).
Ý tưởng này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các công ty này. Có thể kể đến sự giúp đỡ về phần mềm từ OneCAD (công ty đại diện của Autodesk tại Việt Nam), góp ý của chuyên gia đến từ Krugerg (công ty sản xuất thiết bị thông gió), các ý kiến đến từ các doanh nghiệp xây dựng (các công ty chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, các chuyên gia độc lập) nhằm giúp 2 nhóm nghiên cứu có được công cụ thực hiện mô hình mô phỏng chính xác và kịch bản hoàn chỉnh hơn. Các báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy nhiều thông tin có ích và mang tính hứa hẹn.
- Đối với bài toán trong nhà, kết quả nghiên cứu cho thấy các điều kiện cơ bản đảm bảo an toàn cho việc mở cửa lại trường, lớp học bao gồm: Đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa 2 người, đảm bảo thông gió tự nhiên (mở cửa sổ liên tục và sử dụng quạt gió), thời gian học liên tục tối đa 45 phút (1 tiết), có thời gian nghỉ giữa các tiết học để làm sạch không gian lớp… thì nguy cơ lan truyền/ lây nhiễm chéo có thể được kiểm soát ở cấp độ nồng độ vùng lây nhỏ hơn 10%. Như vậy, ta có các cơ sở để xem xét việc tổ chức các lớp học trở lại với các khuyến cáo cần thiết.
- Đối với bài toán ngoài nhà, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đối với nhà có bệnh nhân COVID-19 trong hẻm phố nhỏ hẹp (lộ giới khoảng 3m) thì vùng có thể bị ảnh hưởng chỉ giới hạn trong khoảng cách 4m mỗi phía trong trường hợp đứng gió do tác động pha loãng không khí tự nhiên. Trường hợp có gió, không khí sẽ bị pha loãng bởi gió và các khu vực nằm ngoài khoảng cách 4m chỉ chịu ảnh hưởng của nguồn không khí gây độc dưới 5%. Nếu điều này được kiểm chứng thực tế và có các kết quả vững chắc hơn thì việc cách ly bệnh nhân và cô lập nguồn lây trong cộng đồng trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Việc nghiên cứu cũng cho thấy, hiện nay, trong nước ta đang có khoảng cách nhất định mà chưa được kết nối giữa những nhà nghiên cứu về dịch tễ (các bác sĩ và nhà khoa học trong lĩnh vực y tế) với các chuyên gia cơ học và vật lý (các nghiên cứu sinh, nhà khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật, người có thể tìm và chứng minh cơ chế phát tán của virus theo góc nhìn vật lý). Sự phối hợp giữa các chuyên gia này có thể cho ra những nghiên cứu đa chiều, rõ ràng và tường minh hơn, tiềm năng đưa ra các biện pháp quản lý nguồn lây không chỉ đối với virus COVID-19 mà có thể mở rộng cho các loại virus lây nhiễm nguy hiểm khác (như SARS, cúm gà H5N1, sốt xuất huyết…).
Các kết quả bước đầu của nghiên cứu này tuy còn nhiều thiếu sót và còn cần phải hoàn thiện hơn nữa để có thể áp dụng vào thực tế chống dịch tại nước ta, tuy nhiên cũng đã là những thành quả đi xa hơn rất nhiều so với mong đợi ban đầu của các thành viên – vốn chỉ mong muốn tạo ra một cơ hội học tập, tìm hiểu cho các bạn sinh viên trẻ tài năng. Điều đó có được là nhờ những hỗ trợ, góp ý, phản biện của các thầy cô Khoa KTXD, các thành viên BKCONS cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn sinh viên, học viên tham gia đề tài. Khoa KTXD và các thành viên BKCONS cũng mong muốn qua dự án này tạo ra tiền lệ thúc đẩy các dự án thực tiễn, đáp ứng chủ trương của Nhà nước – khuyến khích hợp tác “3 Nhà” (Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học), để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm tốt, phục vụ lợi ích cộng đồng và xã hội.
Nghiên cứu khoa học này được thực hiện bởi nhóm gồm 8 sinh viên và học viên PFIEV (Nhóm Outdoor: Nguyễn Phước Toàn, Nguyễn Hữu Thành, Đặng Phan Trường Thịnh, Trương Công Bảo Triết. Nhóm Indoor: Lê Hoàng Nam, Trần Mạnh Hoàng, Trần Nguyễn Bảo Huy, Bùi Đào Quang Thành) dưới sự hướng dẫn của TS. Lưu Xuân Lộc và TS. KTS Lê Thị Hồng Na.
TS. Lưu Xuân Lộc, TS Lê Thị Hồng Na
Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM
© Tạp chí Kiến trúc
The post Nghiên cứu về cơ chế phát tán của Covid-19 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3rrF8nZ
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét