Năm 2019, Hà Nội đã được UNESCO ghi danh trong số 246 TP tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu. Các TP tham gia Mạng lưới đều cam kết đặt sáng tạo văn hoá, phát triển nguồn lực văn hoá làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững. Trò chuyện nhỏ với các tác giả tham gia Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội (do UBND TP Hà Nội, Hội KTS Việt Nam chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, đồng hành cùng UNESCO, UBND quận Hoàn Kiếm, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống tổ chức). Đó là những KTS, những nhà thiết kế trẻ đã đóng góp những ý tưởng độc đáo để xây dựng, phát triển các không gian sáng tạo Hà Nội cũng như góp phần nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hoá và sáng tạo của TP, từng bước tạo lập các cộng đồng sáng tạo…
KTS Hoàng Anh: “Những không gian linh hoạt, thích ứng sẽ là chất xúc tác hiệu quả cho phát triển sáng tạo và kết nối cộng đồng”
KTS Hoàng Anh – Công ty cổ phần kiến trúc Lập Phương – Cubic – Đơn vị Giải Nhất Hạng mục Di sản công nghiệp – Đối tượng Chuyên nghiệp
KGST hiện nay vẫn luôn là một chủ đề được thảo luận khá sôi nổi trên rất nhiều diễn đàn trong và ngoài ngành kiến trúc xây dựng. Từ khi những dự án như Zone 9, Hà Nội Creative, hay Complex01,… được hình thành, ta có thể thấy nhu cầu cần về loại hình không gian này luôn thường trực. Theo quan điểm cá nhân, KGST đang hình thành theo hình thức tự phát, dựa theo cảm quan và bài toán kinh doanh của chủ đầu tư.
Cuộc thi Thiết kế KGST Hà Nội là một làn gió mới và thực sự cần thiết, đem đến những góc nhìn đa chiều phản ánh ý tưởng, góc nhìn, tư duy lý luận của KTS, các nhà thiết kế trẻ. Đặc biệt, với hạng mục mà chúng tôi tham gia dự thi thì có thể thấy: Hiện nay, các di sản công nghiệp đang không được quan tâm và khai thác sử dụng đúng cách. Các công trình đang được quản lý về chính quyền đa số là lập các hình thức bao che và cách ly đối với xã hội, từ đó người dân cũng như các KTS khó có thể tiếp cận tới những di sản. Thêm vào đó, vì không được sử dụng nên các công trình đó bị hoang hóa nghiêm trọng.
Cubic đã đề xuất các giải pháp nhấn mạnh vào tính “linh động”. Đây là điều hết sức quan trọng trong thiết kế KGST. Việc tạo dựng những không gian linh động có tính thích ứng cao sẽ là chất xúc tác hiệu quả cho phát triển sáng tạo và kết nối cộng đồng.
Chúng tôi kỳ vọng sự quan tâm của các nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế và các cấp chính quyền, cùng nhau chung tay phát triển, nhân rộng các KGST trong thời gian tới. Chúng ta cần đề xuất những giải pháp hợp lý bảo vệ những giá trị cốt lõi của công trình, định hướng cách thức vận hành các KGST trên nền các di sản công nghiệp cũ – Đây là mấu chốt để một mô hình cải tạo di sản được hiện thực hoá, tồn tại và phát triển.
Nguyễn Văn Tú: “Tạo ra các không gian sáng tạo để gắn kết cộng đồng”
Nguyễn Văn Tú – thành viên nhóm tác giả Phương án Hỗn độn và Trật tự trên tuyến phố Hai Bà Trưng – Giải Nhất Hạng mục Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo – Bán Chuyên nghiệp
Cuộc thi đã tạo cơ hội cho em được thực hiện những ý tưởng ấp ủ của mình về các KGST, đồng thời tạo cảm hứng cho những người đam mê sáng tạo – Mỗi người sẽ tìm ra cho mình một góc nhìn mới về sáng tạo, không chỉ sáng tạo về không gian, trong lĩnh vực thiết kế, mà còn sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Cả 3 hạng mục đều hấp dẫn, có nhiều giá trị riêng để khai thác, tuy nhiên, em cảm thấy mình có thể làm tốt nhất hạng mục hạ tầng thúc đẩy sáng tạo. Chính vì thế, trong phương án dự thi, nhóm của em muốn khai thác các không gian này trong sự kết nối với hiện tại. Mối tương quan giữa “Hỗn độn và Trật tự”, giao thoa giữa cũ và mới, tương phản giữa hiện đại và cổ kính được thể hiện trong phương án sẽ tái tạo lại sự sôi động của Khu phố cổ, thu hút cư dân địa phương cũng như khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Cũng qua các giải pháp khai thác tiềm năng của tuyến phố Hai Bà Trưng, nhóm muốn tạo ra một không gian hoà hợp, bình đẳng giữa các tầng lớp và thế hệ, tạo ra sự gắn kết với cộng đồng chung của TP.
Cuộc thi đã khép lại, nhưng em và các bạn hy vọng phương án dự thi của mình sẽ đóng góp một phần động lực sáng tạo cho cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều các công trình sáng tạo phong phú hơn nữa.
KTS. Phạm Trung Hiếu: “Làm sao để hiện thực hóa những giá trị sáng tạo mà cuộc thi đem lại? ”
KTS. Phạm Trung Hiếu – Thành viên nhóm Tác giả đạt Giải Bình chọn – Hạng mục Di sản công nghiệp – Đối tượng Chuyên nghiệp
Với xu hướng phát triển môi trường làm việc đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây, sự hình thành của các mô “creative hub”, bên cạnh các mô hình hoạt động cộng đồng cũ diễn ra một cách đều đặn và phổ biến trong nhiều lĩnh vực và dần hiện đang hình thành một mạng lưới. Tuy nhiên, do đây là một xu hướng mới trong đời sống văn hóa sinh hoạt cộng đồng của thị dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nên các KGST này phát triển một cách tự phát, từ những điểm không gian len lỏi trong đô thị hay các nền tảng số.
Cuộc thi Thiết kế KGST Hà Nội được tổ chức trong khoảng thời gian này, nằm trong một loạt các hoạt động hưởng ứng việc gia nhập của TP Hà Nội vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Chính vì vậy, cuộc thi đem lại ý nghĩa rất lớn khi là một sự kiện tập trung sự trao đổi giữa những sản phẩm sáng tạo trong khuôn khổ cuộc thi. Thêm vào đó, đây là một cơ hội lớn để đưa khái niệm KGST đến với đông đảo quần chúng, để quần chúng biết đến và cùng tham gia quá trình sáng tạo mới của TP. Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội tiềm năng là những thách thức không hề nhỏ đối với ban tổ chức và ban giám khảo – Làm sao để hiện thực hóa những giá trị sáng tạo mà cuộc thi đem lại? Làm sao để đánh giá đúng những giá trị thực sự mà các đồ án đem lại cho TP? Thách thức này đòi hỏi sự sáng suốt, công bằng và vô tư trong những đánh giá chuyên môn; sự tiến bộ trong tầm nhìn về những quan điểm và giá trị mới. Và nhóm chúng tôi nghĩ rằng đó là những thách thức lớn nhất đối với ban tổ chức cuộc thi, để không tuột mất những cống hiến đầy sự sáng tạo mà các đồ án đem lại!
Chúng tôi hy vọng rằng cuộc thi sẽ mở ra cơ hội nghiên cứu sâu với những đề xuất mang tính thực tế, để các KGST không chỉ là những ý tưởng được minh họa đẹp đẽ hay sự cố gắng của những cá nhân, tổ chức nhỏ mà có sự tham gia của toàn thể cộng đồng. Dưới góc độ chuyên ngành kiến trúc và nghệ thuật, chúng tôi mong muốn được đóng góp sự sáng tạo với những nghiên cứu của mình cho TP cùng với đề án của UNESCO: Đưa TP Hà Nội từng bước trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.
Nguyễn Kiên Tố: “Vận hành không gian sáng tạo cần một cộng đồng sáng tạo”
Nguyễn Kiên Tố – Thành viên nhóm Giải Nhất Hạng mục Di sản công nghiệp– Đối tượng Bán Chuyên nghiệp
Cuộc thi Thiết kế KGST Hà Nội chính là cơ hội để kích thích trí sáng tạo của các bạn sinh viên cũng như các KTS trẻ. Họ có thể mang đến cho chúng ta nhiều đề xuất mới lạ, những ý tưởng táo bạo mà chỉ có thế hệ trẻ dám nghĩ tới, và hy vọng một vài ý tưởng độc lạ đấy lại có cơ hội trở thành hiện thực, mang lại một KGST mới đến cho người dân thủ đô.
Đầu tiên nhóm đề xuất phá dỡ một số xưởng và kho bãi cũ để đảm bảo tầm nhìn và mật độ xây dựng. Tiếp theo là giữ lại và cải tạo 5 khu nhà xưởng chính, từ đó đề xuất các KGST dựa trên lớp vỏ công trình cũ. Tiếp đến là cải tạo đường ray, toa tàu cũ, sân chuyển để tạo thành các không gian cảnh quan, đây sẽ là những hình ảnh giúp gợi lại được giá trị lịch sử của Khu nhà máy xe lửa. Sau cùng là quy hoạch lại giao thông và xanh hoá khu vực để nơi đây có thể trở thành một khu Công viên sáng tạo Công nghệ. Đây sẽ là nơi kết nối các Doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các Start-Up về Công nghệ với nhau, cũng như kết nối đến người tiêu dùng, họ có thể là sinh viên, các nhà đầu tư, khách tham quan…
Mặc dù mang bản chất sáng tạo và đa dạng nhưng các không gian loại này muốn hoạt động được cần phải có một cộng đồng vững chắc nhằm liên tục tạo ra các hoạt động, sự kiện và kịp thời đổi mới theo thị hiếu, nhu cầu của cộng đồng. Chính vì vậy, việc có một tổ chức quản lí và hoạch định các phương án hoạt động của không gian một cách xuyên suốt ngay từ đầu, đảm bảo các quy chuẩn, giảm thiểu các rủi ro là cực kì cần thiết cho sự tồn tại của các không gian sáng tạo. Về mặt này, phương án tạo dựng không gian theo kiểu Top-down trở nên hiệu quả hơn hẳn so với bottom-up. Một ví dụ điển hình của KGST hoạt động theo kiểu bottom-up chính là khu tổ hợp zone 9. Mặc dù có nhiều đột phá và tạo được sự quan tâm nhất định vào thời gian đầu nhưng việc thiếu phương án quản lí thích hợp cộng thêm các rủi ro do sự xuống cấp của không gian không được xử lí ngay từ đầu, đỉnh điểm là vụ tai nạn hỏa hoạn dẫn đến quyết định đóng cửa.
Về vị trí xây dựng các KGST, có thể mở rộng ra thêm thay vì xây dựng trên một khu đất thông thường. Với bản chất linh hoạt của mình, KGST có thể được xây dựng theo kiểu cấy ghép, “kí sinh” vào các công trình, các không gian có sẵn. Hướng tiếp cận này có thể đáp ứng được nhu cầu KGST của nhiều đối tượng trong nhiều loại hình không gian khác nhau và đem khái niệm KGST tới gần hơn với người dân.
Ngô Minh Hiếu: “Phát triển TP sáng tạo: Cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn và cộng đồng”
Ngô Minh Hiếu – Thành viên nhóm tác giả đạt Giải Hội đồng và Bình chọn – Hạng mục Di sản công nghiệp – Bán chuyên nghiệp
Trong bối cảnh Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ và được UNESCO ghi danh là một trong những TP sáng tạo của thế giới thì Cuộc thi Thiết kế KGST Hà Nội có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm ra các ý tưởng, các sáng kiến để giúp Hà Nội có thể hoàn thiện hơn mạng lưới KGST của mình. Không những vậy, cuộc thi còn là cơ hội để thu hút sự quan tâm của người dân và các nhà chuyên môn vào việc phát triển các KGST của thủ đô.
Vấn đề chính mà phương án dự thi của em đề cập là góp phần cải thiện tình trạng khủng hoảng môi trường ở Hà Nội hiện nay, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, thiếu cơ sở hạ tầng xử lý rác và thiếu các không gian xanh cho người dân.
Có điều nhóm chúng em nhận thấy vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở rác thải mà còn nằm ở ý thức, thói quen của người dân và cần phải xem xét ở gốc rễ của vấn đề – Đó là giáo dục cho cộng đồng có thói quen ứng xử thông minh về rác thải. Bởi vậy những giải pháp mà nhóm đề xuất đều xuyên suốt những mục tiêu này.
Bản thân em mong muốn các KGST ngày càng được quan tâm, không chỉ từ giới chuyên môn hay các cấp ban ngành mà còn cả sự hưởng ứng nhiệt tình và đóng góp ý tưởng từ người dân. Các loại hình KGST phát triển đa dạng hơn nữa với nội dung của được định hướng, xây dựng một cách bài bản, có nghiên cứu, có tổ chức để phù hợp với các đối tượng thụ hưởng. Song song với đó là việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của các KGST cùng với việc chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ….
Đặng Văn Quân: “Tạo lập những không gian sáng tạo là hướng đi lâu dài và phát triển bền vững”
Đặng Văn Quân – Thành viên nhóm tác giả đạt Giải Nhất và Giải Bình chọn – Hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống – Bán Chuyên nghiệp
Cụm từ “Không gian sáng tạo” là một cụm từ rất phổ biến. Tuy nhiên, các KGST hiện nay hầu như không được lâu dài, bởi đó thường là sáng kiến của các cá nhân, nhóm nhỏ, họ bị áp lực bởi nhiều yếu tố như lợi nhuận, tổ chức, vận hành, quản lý lâu dài … Như vậy, dù KGST mang tinh thần đóng góp hướng tới cộng đồng nhưng lại là vấn đề mang tính cá nhân của người sáng lập.
Trong bối cảnh đó, cuộc thi Thiết kế KGST Hà Nội là một sự kiện đánh dấu quá trình xây dựng danh hiệu “TP sáng tạo” của Hà Nội, đề xuất ý tưởng đánh thức tiềm năng từ những giá trị vốn có của TP, khai thác được lợi thế của đô thị, truyền được cảm hứng lan tỏa thông điệp về “TP sáng tạo”.
Việc khai thác những giá trị tiềm ẩn của các không gian truyền thống, chuyển hóa chúng thành những KGST là một hướng đi mang tính lâu dài. Những giá trị cốt lõi được bảo tồn, tái thiết, những yếu tố lệch lạc được loại bỏ, nạp thêm những chức năng mới, tạo ra những giá trị mới và trở thành một KGST bền vững.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/01/21A12122-2-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/01/21A12122-26-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/01/21A12122-15-380x247.jpg)
Là một trong những phương án được giải Nhất và phương án được cộng đồng yêu thích nhất, cá nhân em mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm, sớm có phương hướng và biến phương án thành hiện thực, giúp Hà Nội có thêm những KGST thiết thực trong bối cảnh của di tích lịch sử có giá trị, giúp người dân và mọi người được tiếp cận đến nghệ thuật, sáng tạo nhiều hơn nữa.
KTS Phạm thị Anh: “Không gian sáng tạo – Đưa nghệ thuật vào không gian sống”
KTS Phạm Thị Anh – Tác giả Giải Hội đồng – Hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống – Chuyên nghiệp
Là người tham dự Cuộc thi, tôi rất vui khi BTC đã tạo ra một sân chơi kích thích sự sáng tạo nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, để tạo nên những KGST lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng. Việc tìm ra những giá trị mới trong các KGST sẽ tạo nên động lực để Hà Nội trở thành điểm sáng của Mạng lưới các TP sáng tạo trên thế giới.
Trên thực tế, các KGST đang gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành, hoạt động và phát triển, chính quyền thành phố cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế, xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý… thì các KGST mới có thêm cơ hội phát triển.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/01/21A12122-11-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/01/21A12122-13-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/01/21A12122-12-380x247.jpg)
Để phát triển một TP sáng tạo giàu bản sắc văn hóa cần nhận diện đúng và khai thác những giá trị tiềm ẩn của các không gian cũ gắn với việc chuyển hóa thành KGST, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc của đô thị.
Việc phát triển các KGST trong thời gian tới có thể nói là linh hồn của TP sáng tạo mà Hà Nội đang xây dựng. Đưa nghệ thuật vào không gian sống, khiến cho cuộc sống trở nên sinh động, vui vẻ hơn là những gì mà các KGST có thể làm được và tạo sự hấp dẫn cho Hà Nội.
Thụy An
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2021)
The post Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội – Ý tưởng sáng tạo kết nối cộng đồng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3fauRqC
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét