“Kiến trúc là âm nhạc dạng băng (frozen music)” J.W von Goethe
1. Có lẽ không thật khó để nhận ra rằng, Ngôi nhà điên hay Biệt thự Hằng Nga (như tên gọi ban đầu), có một sức hút thật đặc biệt, như một danh thắng hàng đầu của xứ Đà Lạt mộng mơ hôm nay khi nhìn vào kết quả tìm kiếm trên Google. Rồi sức hút – điểm đến ấy đưa tới những trải nghiệm dài ngắn để sau cùng, đọng lại như một nơi chốn với những cảm xúc đôi khi trái ngược nhau, vốn là những yếu tố làm nên ấn tượng, sự thành công của một Tác phẩm – Không gian nghệ thuật.
Nơi đây, về cấu trúc, giống như một khu vườn cổ tích được sắp đặt tựa một mê cung huyền bí với những không gian và nhân vật huyền ảo trong thế giới truyện cổ Đông – Tây: Có những ngôi nhà quái dị và những căn phòng trong hốc cây. Có ngôi nhà nhỏ ẩn trong rừng. Có Vườn Thượng uyển và Thủy cung. Có Vườn Địa đàng và có cả Thiên đường…
Khó có thể tìm một tên gọi phù hợp cho nơi này cũng như định nghĩa thật xác đáng về loại hình nghệ thuật cụ thể nào mà tác phẩm – không gian nghệ thuật này thuộc về. Phải chăng, để kể một câu chuyện cổ tích về thiên nhiên và con người, tác giả đã sử dụng nhiều ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác nhau, pha trộn nó một cách có ý thức và cả trong vô thức, vượt qua ranh giới mong manh giữa sự pha tạp và tinh tế. Để rồi, một thứ ngôn ngữ tổng hòa mới xuất hiện, không phụ thuộc vào bất cứ một niêm luật nào cho sự quy chiếu. Với người viết những dòng này, không gian nghệ thuật kiến trúc độc đáo này được liên tưởng như một bản Giao hưởng thơ (Symphonic poem), đầy đủ cấu trúc và khúc thức, cùng chất lãng mạn và sự tưởng tượng phong phú của dòng âm nhạc lãng mạn thế kỷ 19.
2. Trước hết, nó không đơn thuần là một “quần thể kiến trúc quy hoạch” không chỉ bởi những sự phá cách trong ngôn ngữ kiến trúc: Bố cục, tỷ lệ, công năng và cả trong kỹ thuật tạo tác – Cũng không chỉ bởi nó không tuân thủ cái định nghĩa ngàn đời của Vitruvius: “Kiến trúc được tạo nên bởi: Trật tự (Taxis), Vị trí (Diathesis), Tỷ lệ (Eurytmie), Sự tương thích và sự phân phối (Oeconmia)”. Trong một khuôn viên khó có thể gọi là rộng rãi về diện tích và lý tưởng về hình thái khu đất, tác giả đã kiến tạo những không gian trong ngoài với nhiều chức năng khác nhau, theo một cách tự do nhất có thể. Từ trên cao nhìn xuống (qua không ảnh), dường như không có ở đây bóng dáng của một bản quy hoạch truyền thống với các kịch bản phát triển mật độ định sẵn. Phải chăng, do khu đất được mở rộng không hoàn toàn theo những dự tính từ trước và các phân khu chức năng ở đây cũng không hoàn toàn tuân thủ những logic thường thấy. Công trình thì đa dạng về hình thức biểu đạt, từ tổ chức không gian hình khối đến nội thất. Cũng đồng thời, không tìm thấy ở đây một phong cách kiến trúc chủ đạo nào, phỏng sinh hay thô mộc, bản địa hay quốc tế. Không có những không gian chuyển tiếp ở đây, các hành lang cầu nối không chỉ còn là những tuyến liên kết công năng mà ngoằn ngoèo, cao thấp như những mê lộ dẫn lối trong những miền tối sáng… Tất cả, dường như tạo nên một cảm giác hỗn loạn (chaos) làm đau đầu các nhà phê bình kiến trúc.
3. Thật tĩnh tâm để chiêm nghiệm mới có thể nhận thấy dường như tất cả mọi vật thể, không gian phi kiến trúc hỗn loạn ấy lại được kiểm soát tiết chế sắp đặt bởi bàn tay vô hình của một sự Sáng tạo đậm chất Độc đáo làm nên một Thương hiệu cá nhân (Signature). Ta có thể thấy ở đây những không gian thuần túy kiến trúc như ngôi nhà rông, căn biệt thự; thuần túy hội họa như những bức tranh treo và các bức bích họa; thuần túy điêu khắc như khu vườn tượng hay các mảng phù điêu… Nhưng cũng lại thấy ở đây nhiều sự lồng ghép để tạo thành những không gian kích thích sự khám phá. Mọi ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác nhau lại được cộng hưởng, cộng sinh để tạo nên một thứ ngôn ngữ duy nhất nhằm biểu đạt được những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Và cũng thật ấn tượng với cách tác giả pha trộn màu của các loại hình nghệ thuật với nhau bằng những thủ pháp tinh diệu của mình. Có tả chân và ẩn dụ. Kiến trúc, Điêu khắc và Hội họa – Những nghệ thuật tạo hình với đường nét, mảng khối, màu sắc… xuất hiện theo lớp lang phân cảnh của Điện ảnh và Sân khấu, theo vần điệu tiết tấu của Thi ca và m nhạc. Tất cả mang hơi thở của nghệ thuật biểu cảm hiện đại, ấn tượng bằng trực giác và ảo giác.
4. Thông điệp lớn nhất mà ta có thể cảm nhận được từ không gian nghệ thuật này là về Mẹ Thiên nhiên và Con người như một chủ đề xuyên suốt. Từ những câu chuyện cổ tích xuyên không đến những triết thuyết sâu xa về nhân quả, với những cách kể chuyện ngược xuôi – xuôi ngược về thái độ ứng xử với thiên nhiên từ khi con người đặt chân lên Vườn Địa đàng, để vừa kiến tạo nhưng cũng là tàn phá nó rồi lại mơ về Thiên đường. Ta có thể được trải nghiệm các không gian – chủ đề này với đủ mọi cung bậc cảm xúc của hỉ nộ ái ố theo nghĩa chân thật nhất, cho mọi lứa tuổi. Và cây đời, như biểu tượng của thiên nhiên, hiển hiện ở khắp mọi nơi, được thể hiện bằng cây trồng và vật liệu, thật giả xen kẽ, từ khóm hoa nhỏ lung linh hiên nhà đến những con đường bằng rễ cây bê tông ngang dọc chằng chịt. Các khoảng trống – xanh lúc len lỏi, nhỏ hẹp trong ngoài công trình, lúc phô diễn như một không gian vườn thoáng đạt cùng cỏ cây hoa lá và lúc lại rậm rì trong một khoảnh rừng nguyên sinh. Cao trào của tính ẩn dụ chính là những căn phòng cổ tích năm châu được tọa lạc trong các hốc cây xù xì khổng lồ bị đốn ngang. Những kiến, những ong, rồi gấu, đại bàng, chuột túi và trái bầu cùng tạo ra những không gian cổ tích trong miền ký ức. Phải chăng, con người vẫn phải tiếp tục kiến tạo không gian sống của mình trong những điều kiện khắc nghiệt nhất sau cơn đại hồng thủy do chính mình gây nên và để làm sống lại những hoài niệm ngày xưa!?
5. “Dấn thân” là một từ mà người viết đã dùng để khắc họa tính cách của KTS Đặng Việt Nga trong một bài viết từ hơn hai chục năm trước về các hiện tượng kiến trúc Việt Nam. Và hôm nay nó lại thật đúng khi nói về Chị và Công trình – Nghệ thuật – Cuộc đời của chị. Tròn ba chục năm trước, khi đang ở độ chín của sự nghiệp, Chị bỏ lại tất cả để bắt đầu dấn thân vào sáng tạo Tác phẩm – Không gian nghệ thuật có một không hai và không có điểm kết thúc này, mà có lẽ bản thân Chị cũng không hình dung rằng nó thật sự là công trình – tác phẩm – câu chuyện sống động suốt 30 năm và vẫn tiếp tục được kể. Ở đây, Chị có thể tìm thấy mình trong những không gian cổ tích cho tuổi thơ và cho cả người lớn, có thể tìm lại những miền đất xa xôi mình từng sống, từng đến trong đời thực và trong sách vở. Ở đây, Chị có thể không chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ thuần túy kiến trúc, vốn đã được đào tạo chính quy và bài bản, mà còn thỏa sức biểu đạt bằng ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác, vốn được ngấm trong từng mạch máu của mình. Cũng ở đây, Chị dấn thân để sẵn sàng chấp nhận mọi sự khen chê từ em bé hồn nhiên đến nhà phê bình khó tính, từ du khách hiếu kỳ đến những người mong kiếm tìm những trải nghiệm đích thực. Không gian cổ tích của Chị mở cửa cho mọi người. Và cuối cùng, cũng ở đây, người Kiến trúc sư – Nghệ sỹ không còn bị ràng buộc bởi những khuôn phép ngặt nghèo, khô cứng và khắc nghiệt của những người hành nghề kiến trúc. Phải chăng, một thông điệp được Chị gửi gắm ở đây: “Hãy tiếp tục sáng tạo ngay cả khi cây nguồn bị chặt đứt mọi cành lá!”.
6. Nhân kỷ niệm ngày 30 năm khởi tạo Biệt thự Hằng Nga – Ngôi nhà Điên, Nhà xuất bản Thế giới vừa cho ra mắt một ấn phẩm trang trọng, đầy đặn, công phu và bắt mắt, được viết bằng bốn thứ tiếng của KTS. TS Trần Trọng Chi giới thiệu về công trình này. Viết về một tác phẩm nghệ thuật không gian đa ngôn ngữ sắc màu lại hơi có chất “điên điên” này quả thật là một việc không đơn giản. Viết làm sao để người đọc không những được thấy mà còn được hiểu và cảm nhận, khám phá ra từ cái thực đến cái ảo ở đây. Vốn là một người bạn tâm giao lâu năm của tác giả công trình, KTS Trần Trọng Chi chọn cách làm vai trò của một người kể chuyện – hướng dẫn du khách, đồng thời, từng bước, từng bước hé lộ những ẩn ý sâu xa của tác giả… Không sa đà vào mô tả hay hướng dẫn tham quan hoặc quá lạm dụng ngôn ngữ hàn lâm, câu chuyện được kể một cách nhẹ nhàng, các không gian được dẫn dắt theo những điểm dừng, trọng tâm và có chủ ý trong 10 phần của cuốn sách, từ Đà Lạt – bối cảnh chung đến từng địa danh vốn khơi gợi trí tò mò trong toàn quần thể công trình, để rồi, sau những dòng cảm nhận của những người – đến – trước, câu chuyện được kết thúc bởi 3 phần khắc họa chân dung – cuộc đời tác giả. Bằng nền tảng vững chắc về kiến thức văn hóa nghệ thuật nói chung cộng với sự đồng cảm – tri âm – thấu hiểu tác giả và tác phẩm, cùng với cách trình bày chuyên nghiệp của cuốn sách, người kể chuyện – hướng dẫn Trần Trọng Chi đã đem lại cho người đọc một trải nghiệm đầy đủ theo từng cung bậc cảm xúc trong hành trình khám phá khu vườn cổ tích này.
… Hôm nay, trong tiết nắng hanh vàng mùa Đông Hà Nội, cầm trên tay cuốn sách giới thiệu về Ngôi nhà – khu vườn của KTS Đặng Việt Nga, một người Chị đồng môn thuộc thế hệ trước ở Trường Đại học Kiến trúc Matxcơva mà tôi hằng ngưỡng mộ, chợt lại nhớ tới hai lần khám phá nơi này, cách nhau hai chục năm. Để rồi, chậm rãi, cảm nhận nó, tác phẩm – không gian nghệ thuật này như đang thưởng thức một Bản Giao hưởng thơ Symphonic poem dân gian đương đại.
KTS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)
The post Bản giao hưởng thơ về một không gian cổ tích appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://bit.ly/3oayfql
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét