Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

“Quy hoạch và gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng”: Cần đổi mới và kết nối sự tham gia của cộng đồng

Đó là một phần quan trọng của cuốn sách “Quy hoạch và gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng” (Nhà xuất bản Xây dựng) mà PGS.TS. Phạm Hùng Cường, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa cho ra mắt trong năm 2021. Tạp chí Kiến trúc có trao đổi với tác giả xung quanh nội dung này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên (PV): Thưa PGS.TS. Phạm Hùng Cường, ông có thể cho biết vì sao ông chọn ra mắt cuốn sách vào thời điểm này, khi Chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển sang giai đoạn cần đổi mới – kết nối và sự tham gia của cộng đồng?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Có nhiều lý do thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Trước hết là từ các kết quả nghiên cứu về nông thôn truyền thống gần đây thông qua các đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước mà tôi tham gia; qua nghiên cứu của nhóm nghiên cứu “Bảo tồn di sản làng xã truyền thống Việt Nam” mà tôi đã thiết lập hoạt động hơn 10 năm nay. Kết quả nghiên cứu đó đã cho thấy những giá trị văn hóa đặc sắc ở khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) thể hiện trong các làng xã truyền thống. Tiếp đó, quá trình tham gia lập đồ án Quy hoạch nông thôn trong thực tiễn cũng cho thấy nhiều vấn đề rất cần được bàn luận, trong đó có việc cấp thiết phải gìn giữ các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa đang mai một. Bên cạnh đó, Luật Kiến trúc được công bố năm 2019 đã có các điều khoản quy định cần gìn giữ bản sắc văn hóa kiến trúc cũng là một động lực quan trọng để tôi viết và cho ra mắt cuốn sách này với mong muốn đóng góp cho công tác tư vấn thiết kế quy hoạch và công tác quản lý phát triển xây dựng nông thôn.

PV: Chủ đề của cuốn sách đúng là một vấn đề hết sức quan trọng và “nóng”. Công tác quy hoạch nông thôn thời gian qua dường như mới chú ý đến các khía cạnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều nơi mới coi công tác quy hoạch như một yếu tố cần có để công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới” mà chưa quan tâm đến chất lượng quy hoạch. Đặc biệt vai trò thực sự của đồ án quy hoạch trong gìn giữ các giá trị văn hóa chưa được quan tâm, nông thôn đang bị “bê tông hóa”, mất dần đi bản sắc. Vậy trong cuốn sách này, khía cạnh “văn hóa” và “bản sắc văn hóa” trong công tác quy hoạch đã được nhìn nhận và định hướng thế nào, thưa ông?.

PGS.TS Phạm Hùng Cường

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Trước hết là phải nhìn nhận đúng giá trị và, tính riêng biệt trong văn hóa để tạo nên bản sắc. Nếu không sẽ bỏ qua các giá trị hoặc sai lệch về cách gìn giữ các giá trị văn hóa đó.

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy các giá trị văn hóa của làng xã truyền thống, nơi cư trú chủ yếu của dân cư nông thôn vùng ĐBSH là một tổng hòa không tách rời giữa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Với khía cạnh vật thể, đó là văn hóa của việc xây dựng nên một môi trường cư trú nông thôn có tính bền vững hàng trăm, hàng ngàn năm; từ kiến trúc nhà ở, tổ chức khuôn viên hộ ở đến thiết kế công trình, sử dụng vật liệu đến tổ chức giao thông, tạo địa hình, đến thoát nước, tổ chức không gian cảnh quan… Chúng hài hòa với các quan niệm sống nượng tựa vào tự nhiên, lối sống cộng đồng, tự quản, với nền sản xuất nông nghiệp nhỏ nhưng rất coi trọng môi trường sinh thái… Thuật ngữ “bản sắc văn hóa” cũng khẳng định những giá trị này là tiêu biểu và chỉ có ở các làng xã truyền thống vùng ĐBSH. Tuy nhiên, từ phương pháp nhận diện và đánh giá này có thể áp dụng cho các vùng nông thôn khác ở nước ta.

Nhận diện đúng sẽ cho chúng ta một quan điểm đúng, đầy đủ hơn về việc gìn giữ giá trị văn hóa trong các làng xã truyền thống – Không chỉ là gìn giữ những công trình kiến trúc đã được công nhận là di tích như đình, chùa, miếu hiện nay.

Trong cuốn sách, nội dung “Bản sắc văn hóa trong làng xã vùng ĐBSH” tôi đã làm rõ vấn đề này.

PV: Những giá trị văn hóa của làng xã truyền thống vùng ĐBSH là rất phong phú, người ta vẫn nói đó là “cái nôi văn hóa ” của người Việt. Tuy nhiên, nhu cầu của cuộc sống hiện đại với tác động của quá trình đô thị hóa… cũng đặt ra vấn đề về sự thay đổi của các làng xã truyền thống. Vậy việc gìn giữ các bản sắc văn hóa đó cũng sẽ trở thành những thách thức không nhỏ. Xin ông cho biết về điều này?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Thực sự là thách thức! Cuộc sống hiện đại đang diễn ra ở nông thôn. Chúng ta không thể bảo tồn nguyên gốc cho tất cả các giá trị, nhất là khi nó đang tồn tại và phải chuyển đổi phù hợp với cuộc sống, nhiều công trình là “di tích sống”, trong khi nhiều công trình mong muốn gìn giữ lại chưa phải là Di tích theo luật Di sản văn hóa

Vì vậy, cuốn sách của tôi đã dành một phần quan trọng để nói về chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản cộng đồng trong làng xã truyền thống”.

Tại chương này đã đưa ra quan điểm về “Bảo tồn thích ứng” (để bảo tồn các di sản “sống” trong làng xã, nhất là đối với các di sản chưa được công nhận, do cộng đồng đang gìn giữ là chủ yếu); quan điểm về chuyển tiếp (chấp nhận các giá trị bổ sung, những giá trị tích hợp); đưa ra những nguyên tắc bảo tồn với các nhóm giá trị khác nhau, từ cấu trúc làng, không gian cảnh quan đến công trình; chú trọng đến bảo tồn các công trình và không gian đặc trưng như cổng làng, ao làng, cầu, quán, điếm, cây cổ thụ, nhà cổ, không gian đình, chùa… mà công tác quy hoạch xây dựng có thể đóng góp. Đồng thời, tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong gìn giữ các giá trị văn hóa của di sản ở làng xã.

PV: Chắc chắn việc này sẽ gặp những khó khăn trong công tác bảo tồn, ví dụ như vấn đề kinh phí tu bổ, tôn tạo…?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Đó thực sự là vấn đề khó khăn, làng xã nhiều di sản nhỏ, phân tán. Trong cuốn sách, tôi muốn làm rõ một số mô hình phát triển kinh tế nông thôn từ tiềm năng văn hóa. Khai thác được hiệu quả từ tiềm năng văn hóa sẽ thúc đẩy việc gìn giữ giá trị văn hóa, tạo nguồn thu từ chính tiềm năng đó để quay lại phục vụ bảo tồn.

Trong các mô hình phát triển du lịch nông thôn hiện nay, ngoài các hoạt động như thăm quan di sản, trải nghiệm tại làng nghề, du lịch nông nghiệp… thì việc xây dựng mô hình “Làng nghề- du lịch” và “Làng di sản – du lịch” theo hướng đồng bộ, được đầu tư bài bản trong phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các không gian du lịch, có hiệu quả kinh tế từ du lịch là mô hình gợi mở để thiết lập. Tại những mô hình làng du lịch này, nhất là các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa, bản sắc văn hóa mới có cơ hội được bảo tồn lâu dài và tỏa sáng.

Bìa Sách “Quy hoạch và gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng” PGS.TS Phạm Hùng Cường

PV: Vậy còn những làng xã không có điều kiện để phát triển thành làng du lịch thì cách bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Đối với những làng xã đó, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn sẽ phát huy vai trò. Đây chính là vấn đề trọng tâm mà cuốn sách muốn hướng tới. Về quan điểm chung, phải xác định công tác quy hoạch xây dựng có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Thông qua những khuôn khổ của các văn bản luật về công tác quy hoạch, thông qua các quy định quản lý trong đồ án quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn… chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu này.

Cụ thể trong cuốn sách đã đề xuất những nội dung có thể đưa vào đồ án quy hoạch. Đó là việc đánh giá hiện trạng đầy đủ về di sản và đặc trưng cảnh quan; đề xuất các chỉ tiêu bổ sung, nhất là cây xanh, mặt nước; đề xuất các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông có liên quan đến gìn giữ đất của các hạng mục di sản. Quy hoạch giao thông theo hướng thiết lập các kết nối hạ tầng xanh, xây dựng đường bao thôn, gìn giữ ao hồ, tạo lập sinh thái bền vững qua việc trồng cây xanh, quy định kiến trúc nhà ở, khoảng lùi tới công trình tôn giáo tín ngưỡng…

PV: Với những khu vực cần phát triển mới, có cần tạo đặc trưng hay gắn kết với khu vực làng xã cũ không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Rất cần, cái mới và cũ phải có sự hài hòa. Tôi đã đề xuất các dạng tổ chức không gian ở khu dân cư mới có sự hài hòa với cảnh quan chung, từ cách tổ chúc không gian đường, khoảng lùi, cách trồng cây xanh…như vậy quy hoạch khu dân cư mới có thể xây 3,4 tầng vẫn có thể có được những bóng dáng chuyển tiếp đặc trưng hình thái, hình ảnh của các không gian đường làng, ngõ xóm truyền thống.

PV: Thưa ông, trong cuốn sách, có phần viết riêng về việc thiết kế cải tạo cảnh quan và gìn giữ bản sắc văn hóa. Đây có phải phần việc quan trọng của công tác quy hoạch nông thôn?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Thực ra, hiện nay việc thiết kế cải tạo cảnh quan nông thôn chưa phải là công việc bắt buộc triển khai trong các đồ án quy hoạch. Ngay tại Hà Nôi, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cũng mới ưu tiên được làm cho khu vực dân cư mới, khu vực dân cư cũ chỉ có định hướng trong đồ án quy hoạch chung xã. Tôi viết phần này với hy vọng không chỉ các nhà tư vấn quy hoạch mà người dân, chính quyền có một hình dung cách làm gìn giữ, tôn tạo cảnh quan để có thể vận dụng khi xây dựng các công trình đó tại làng xã, trong các dự án xây dựng.

Điều cuốn sách muốn truyền tải là các đặc trưng cảnh quan góp phần tạo bản sắc không phải là ở những dự án to lớn mà ở việc gìn giữ những đặc trưng dù nhỏ bé nhất. Ví như một bức tường gạch rêu phong, một cái giếng đang bỏ hoang, một cổng làng ít người qua lại, một gốc đa rậm rạp, một quán nghỉ chân đang bỏ hoang trên cánh đồng …đều có thể tôn tạo và mang lại một sức sống mới, giá trị sử dụng và giá trị tinh thần mới, kế thừa và chuyển tiếp các giá trị văn hóa.

Các hình vẽ, hình ảnh minh họa trong cuốn sách chương này rất nhiều. Đó cũng là mong muốn kể cả người dân khi xem cũng có thể hình dung được cách làm, cách vận dụng cho địa phương mình.

PV: Ông đã nhấn mạnh đến công tác Quản lý và thực hiện quy hoạch do sự tham gia của cộng đồng, phải chăng đó cũng là cách nhấn mạnh vai trò của cộng đồng đối với gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới?

PGS.TS Phạm Hùng Cường: Trước khi trông đợi một chính sách vĩ mô toàn diện của Nhà nước đầu tư cho các làng xã thì thực tế qua xây dựng nông thôn mới, nguồn lực, ý thức, sự đóng góp vật chất xây dựng nông thôn để gìn giữ các di tích, dấu ấn lịch sử văn hoá vẫn quyết định chính ở địa phương, ở cộng đồng và từng người dân.

Khơi dậy được một tinh thần, ý thức quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa, có sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn; có sự quan tâm của chính quyền; có sự tham gia của cộng đồng với đồ án quy hoạch và dự án phát triển của địa phương sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.

PV: Xin cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ được phổ biến nhiều hơn, đặc biệt là ở những vùng dân cư nông thôn mới, đóng góp cho sự phát triển giàu đẹp, giàu bản sắc văn hóa ở nông thôn nước ta trong giai đoạn tới.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)

The post “Quy hoạch và gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng”: Cần đổi mới và kết nối sự tham gia của cộng đồng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3s21SLT
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét