Chiều 29/12 vừa qua, tại không gian Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, 03 vị khách mời đặc biệt – Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế – giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sĩ thị giác, nhà nghiên cứu mỹ thuật; Tiến sĩ Phạm Long – nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật độc lập và Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý – kiến trúc sư, nhà văn, nhà nghiên cứu độc lập đã có dịp bàn luận về đề tài “Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật”.
Tọa đàm “Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật” cũng đồng thời là buổi ra mắt cuốn sách “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác” của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế. Cuốn sách gồm 25 bài chuyên khảo về mỹ thuật Việt Nam từ thời sơ sử đến thế kỷ XX soi chiếu, tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu nước ngoài, cho thấy yếu tố đa dạng văn hóa trong lịch sử mỹ thuật Việt. Một cơ duyên thú vị khi cuốn sách được sử dụng làm nền tảng cho buổi tọa đàm về đa dạng văn hóa, trong không gian di sản có sự pha trộn kiến trúc Hoa – Pháp – Việt cũng đa dạng văn hóa.
Sự ra đời của cuốn “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác” đến từ khi tác giả Trần Hậu Yên Thế tìm hiểu về những bảo vật quốc gia. Anh nhận thấy các tác phẩm này mang niềm tự hào dân tộc lớn, tuy vậy chính điều đó lại cản trở người ta nhìn nhận nhiều đặc điểm, chân dung khác. Có tác phẩm bị bỏ lại trong quá trình nghiên cứu bởi nó chứa yếu tố ngoại lai, chẳng hạn như tác phẩm người đàn ông vác đèn Trung Á. Bên cạnh đó, câu chuyện sự tích Mai An Tiêm cũng là một ví dụ: bản thân Mai An Tiêm không phải người Việt mà là người nước ngoài, chính vì vậy anh không được chấp nhận, bị đày ra đảo hoang, cho tới khi Mai An Tiêm mang về quả dưa hấu. Câu chuyện ấy gợi ra một câu hỏi “Liệu có nhất thiết phải là người Việt Nam mới đóng góp cho văn hóa Việt Nam hay không?”. Văn hóa Việt Nam vốn được tạo nên bởi cả yếu tố bản địa và yếu tố ngoại lai, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu của các tri thức trước đây, yếu tố ngoại lai thường bị bỏ qua do lối suy nghĩ cố hữu.
Tác giả Trần Hậu Yên Thế nhắn nhủ: “Không nên đi tìm cái duy nhất, cái đặc biệt, cái thuần Việt vì chất Việt là kết quả của sự giao thoa tiếp biến văn hóa”. Nước ta có vị trí địa chính trị rất đặc biệt, và có thể coi là một “ngã tư đường” nơi các nền văn hóa du nhập, giao lưu và đóng góp vào nền văn hóa bản địa. Kể từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia Công ước Bảo vệ & phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; Việt Nam lại là nước có thế mạnh sức mạnh mềm do sự đa dạng văn hóa cao, vì vậy, càng cần phải tôn trọng điều đó.
Về điểm độc đáo ở từ “soi” và “từ phía khác”, Tiến sĩ Phạm Long đánh giá cuốn sách đã đặt người đọc vào một vị trí khác để soi chiếu văn hóa và là một tài liệu rất khoa học khi khảo sát nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau. Khi nhìn nghệ thuật qua con mắt mới, lý thuyết mới, ta sẽ đặt ra câu hỏi mới, từ đó tìm ra giá trị mới rồi tổng quát lên thành cách nghĩ mới, tư duy mới, sáng tạo mới. Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý cũng nhận định cuốn sách rất bổ ích cho người nhập môn khi phân tích từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm của những thời kỳ, đi kèm là những hình ảnh minh họa được in đẹp mắt. Các chất liệu văn hóa đang bị quên lãng do không có hình ảnh lưu giữ, vì vậy việc có tài liệu lưu trữ như cuốn sách là rất cần thiết.
Từ câu chuyện văn hóa xoay quanh cuốn sách “Mỹ thuật Việt: Soi từ phía khác”, ba diễn giả đi vào trọng tâm của buổi tọa đàm – Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật. Về định nghĩa “đa dạng văn hóa”, Tiến sĩ Phạm Long cắt nghĩa đây là sự tiếp nhận những nền văn hóa khác nhau, tôn trọng sự khác biệt, có thể chia sẻ, từ đó phát huy chất riêng cũng như cùng tôn vinh giá trị.
Câu chuyện được dẫn về chính không gian của buổi tọa đàm – Hội Quán Quảng Đông trước đây. Ba diễn giả đều đồng ý rằng địa điểm đặc biệt này chính là biểu trưng cho sự đa dạng văn hóa. Ban đầu là hội quán do người Trung Hoa xây nên, đến thời Pháp thuộc thì được người Pháp mượn để làm nơi giao lưu văn hóa, sau lại được người Việt biết đến là Đình Hội Quán. Đây vốn là hội quán của người Hoa nhưng trong những bức ảnh còn lưu lại về nơi này lại có những người mặc áo tứ thân; cột nhà ở đây có những chi tiết La Mã, vòm cuốn kiểu châu u bên cạnh các phù điêu về tích truyện Trung Hoa… Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 tại không gian này cũng tôn vinh sự đa dạng văn hóa và cho thấy đó là điều khơi nguồn sự sáng tạo cho mọi người.
Từ câu chuyện đa dạng văn hóa, buổi tọa đàm đặt ra câu hỏi: làm thế nào để nghiên cứu văn hóa Việt Nam mà không bị ảnh hưởng bởi văn hóa tràn vào từ bên ngoài? Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng giải pháp là giáo dục thấu đáo cho thế hệ tiếp nối; cùng với đó là phải có những văn bản giáo dục về tầm nhìn văn hóa – đây là điều hiện nay ta chưa làm được, dẫn đến nhiều khoảng trống kiến thức về văn hóa ở thế hệ tiếp tới. Nếu không ươm, không trao truyền văn hóa, thế hệ này sẽ trở thành những công dân toàn cầu nhưng không biết đến từ đâu.
Phần hỏi đáp cuối chương trình trở thành cơ hôi cho các khán giả cởi mở thể hiện suy nghĩ, quan điểm về các chủ đề trong buổi tọa đàm: chia sẻ về việc phải thay đổi cách truyền tải thông điệp văn hóa nhiều hình ảnh hơn, ít chữ đi; hay khẳng định thế hệ trẻ không thờ ơ vơi văn hóa; và cả câu chuyện bên lề về không gian 22 Hàng Buồm trước đây.
Tọa đàm “Đa dạng văn hóa – Nền tảng cho sáng tạo nghệ thuật” đã đem tới nhiều góc nhìn, tầm nhìn văn hóa mới; khẳng định sự giao thoa, đa dạng văn hóa là điều cần có để phát triển sáng tạo nghệ thuật, và để nhìn nhận văn hoá như một dòng chảy liên tục tiếp biến, thay đổi, không bị đóng khung một cách cứng nhắc. Buổi toạ đàm đã để lại dấu ấn đậm nét trong Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo, hướng công chúng tới cách nhìn nhận văn hóa, di sản và truyền thống cởi mở hơn, khơi gợi cảm hứng và sự tự tin sáng tạo.
© Tạp chí Kiến trúc
The post Soi từ phía khác để tôn vinh sự đa dạng văn hóa appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/7CpLMcqnH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét