Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Chuyển đổi các nhà máy cũ tại Hà Nội

Từ cơ sở hạ tầng “công nghiệp chế tạo” thành cơ sở hạ tầng “công nghiệp sáng tạo” và “hạ tầng xã hội” một chiến lược “bản lề” cần được tích hợp trong “Điều chỉnh tổng thể QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050”

Điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội đến 2030 – Tầm nhìn đến 2050 (Điều chỉnh QHC Hà Nội) là cơ hội để chúng ta nhìn lại các vấn đề của Thủ đô, tiềm năng mới cho sự phát triển toàn diện và bền vững; đồng thời cũng là cơ hội để đổi mới tư duy, điều chỉnh và hoàn thiện, bắt kịp xu hướng toàn cầu, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ của thế giới – Đồ án QHC sau khi được điều chỉnh sẽ là một khung pháp lý căn bản vừa để quản lý, vừa là đòn bẩy để giải phóng các năng lượng dồi dào trong xã hội, đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho Hà Nội trong 10 và 30 năm tới. Bài báo nêu vấn đề về “Phát triển hạ tầng cho công nghiệp văn hoá trên cơ sở khai thác các cơ sở công nghiệp cũ tại Hà Nội” – Và xin được nhấn mạnh: Đây là cơ hội tuyệt vời để giúp Hà Nội đồng thời đạt được nhiều mục tiêu phát triển trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững.

Nội thất không gian sản xuất của Nhà máy Bia Hà Nội – rất phù hợp cho các không gian sự kiện văn hoá trong nhà

Hà Nội – cơ hội và thách thức cho một TP sáng tạo và đáng sống

Ô nhiễm không khí và thiếu Không gian công cộng

Mặc dù là Thủ đô, là đô thị lớn thứ hai của cả nước, có mức độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm đi đầu cả nước, nhưng Hà Nội vẫn “mất điểm” do 2 vấn đề cơ bản liên quan đến “chất lượng cuộc sống” – Đó là ô nhiễm không khí và thiếu không gian công cộng (KGCC).

Ô nhiễm không khí trên mức cho phép là tình trạng khá thường xuyên ở Hà Nội, rất có hại cho sức khoẻ con người. Mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn cao hơn so với các TP lớn của Việt Nam, và cũng luôn ở mức cao hơn nhiều so với các TP khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Điều này về lâu dài sẽ ảnh hướng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, suy giảm tính hấp dẫn đối với du khách nước ngoài và khả năng hội nhập quốc tế của TP.

Nguyên nhân chính có thể kể đến tình trạng quá tải các phương tiện giao thông cơ giới (7 triệu xe hai bánh và 1 triệu ô tô cá nhân); ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Và một nguyên nhân gián tiếp chính là năng lực quản lý thực thi quy hoạch và các chính sách phát triển đô thị kém hiệu quả, khiến chủ trương giãn dân, giảm tải và áp lực hạ tầng nội đô Hà Nội nhiều năm không thực hiện được. Nhiều nhà máy cũ sau khi di chuyển ra ngoài lại biến thành các khu đô thị mật độ siêu cao như Royal city, Times city, làm tăng tải đột biến cho hạ tầng và môi trường nội thành Hà Nội.

Vấn đề thứ hai của Hà Nội là tình trạng thiếu các KGCC, không gian cây xanh, mặt nước, được xem là một hạ tầng xã hội cơ bản của các TP, và đặc biệt quan trọng đối với các “TP đáng sống” (livable city). Theo số liệu khảo sát năm 2010 thuộc Đồ án Quy hoạch hệ thống Cây xanh, công viên và hồ Hà Nội, diện tích bình quân đất công viên cây xanh chỉ đạt 1.58m2/người, giảm so với năm 2000 là 2.17m2/người. Chỉ tiêu này chỉ đạt hơn 22% so với yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (7m2/người – không tính các KG CVCX trong khu đô thị) và chỉ đạt 17,5% so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO là 9m2/người.

Một khảo sát về vai trò của KGCC trong đời sống người dân Hà Nội được PPWG (Nhóm hành động vì sự tham gia của người dân) tháng 8/2020 cho thấy: Hơn 92% số người được hỏi cho rằng KGCC quan trọng đối với cuộc sống của họ, 28.89% cho rằng nó thực sự rất quan trọng. Mặc dù vậy, hơn 80% đều cảm thấy thiếu các KGCC, 28.14% cho là quá thiếu.

Giải quyết hai vấn đề trên không đơn giản, nhất là trong bối cảnh một đô thị đất chật người đông, với nền kinh tế thị trường năng động. Nhưng nếu không có những can thiệp toàn diện và quyết liệt, của Chính quyền thì vấn đề sẽ chỉ ngày một trầm trọng hơn.

Một ý tưởng bảo tồn và chuyển đổi Nhà máy thuốc lá Thăng Long thành KGVHST Thăng Long – Phương án cuộc thi TK KGST HN

Chủ trương, chính sách và thực hiện di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 64) ngày 22/04/2003 phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; theo đó, ngày 17/06/2003 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 74/2003/QĐ-UB để thực hiện chỉ đạo trên Những năm tiếp theo, chủ trương này đã được khẳng định trong một loạt các cơ sở pháp lý quan trọng gồm: QH Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến 2020 và tầm nhìn 2050 (phê duyệt ngày 05/5/2008), QHC Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 (phê duyệt ngày 26 /7/2011); Luật Thủ đô (có hiệu lực năm 2012); Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của TTCP ban hành kế hoạch triển khai Luật Thủ đô, và Quyết định QĐ 130/QĐ-TTg năm 2015 ban hành “Biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội” nhằm mục tiêu xoá bỏ các nguồn gây ô nhiễm do công nghiệp, giảm mức độ tập trung dân cư, giảm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội vốn đã quá tải ở Thủ đô lâu nay.

Mặc dù đã có những cơ sở pháp lý rất mạnh mẽ như trên nhưng thực tiễn di dời các cơ sở chức năng nói chung, và cụ thể là các cơ sở sản xuất công nghiệp nói riêng có 2 thực tế bất cập:

  • Tiến độ di dời thực tế rất chậm chạp, do thiếu các cơ chế chính sách thực hiện. Cho đến cuối năm 2019, danh mục các cơ sở công nghiệp cần di dời tại Hà Nội vẫn còn gần 100 cơ sở.
  • Nếu có di dời thì việc chuyển đổi mục đích không theo đúng với QĐ130 của Thủ tướng Chính phủ, điều 3, nêu rõ: “Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”. Hầu hết các nhà máy cũ nếu di dời thì đều được chuyển đổi thành các khu đô thị mới mật độ cao, các chung cư thương mại cao tầng, đi ngược hoàn toàn với Điều 3 nói trên: Nhà máy Cơ khí Hà Nội thành Royal City, Nhà máy Dệt 8-3 thành Times City, Nhà máy cơ khí 120 ở 609 Trương Định thành Nam Đô Complex, Nhà máy Bánh kẹo Tràng An thành Tràng An Complex. Khảo sát của PPWG năm 2020 cho thấy: 19/21 nhà máy tại quận Hai Bà

Trưng sau di dời đã chuyển thành tổ hợp chung cư thương mại – chiếm tới 84% quỹ đất.

Bản đồ phân bố 92 nhà máy tại Hà Nội trong danh sách di dời 2019 (Nguồn: Tác giả)

Hà Nội và chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá

Ngày 22/11/2018, Thành Ủy Hà Nội đã Ban hành (kèm theo Quyết định số 15-QĐ/BCĐ của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Thành ủy) Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đề án đã khẳng định: “Phát triển công nghiệp văn hóa là một lựa chọn hợp lý, vừa bắt kịp trào lưu tiên tiến nhất của thế giới, vừa phù hợp nhất với điều kiện nội lực của Thủ đô, phát huy tiềm năng, thế mạnh to lớn của Hà Nội”. Việc từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội là nhiệm vụ chính trị cấp thiết của Hà Nội.

Hà Nội gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO

Với thế mạnh là TP giàu truyền thống văn hoá, nơi tập trung đông đảo những người tham gia các hoạt động văn hoá, nhà khoa học của cả nước, tháng 10-2019, Hà Nội đã chính thức ghi danh vào Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Đây là sự khẳng định những tiềm năng to lớn của TP trong việc phát triển công nghiệp văn hoá, các ngành công nghiệp sáng tạo, đồng thời cũng là điều kiện để TP tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển đô thị, tập trung các chương trình giáo dục và các sự kiện văn hóa…

Trên đây là các vấn đề, cả cũ và mới, đặt ra cho Hà Nội, mà việc xem xét chuyển đổi các nhà máy cũ một cách sáng suốt sẽ là chìa khoá tháo gỡ cùng một lúc nhiều câu hỏi hóc búa trên.

Các nhà máy cũ tại Hà Nội – Cơ hội chuyển đổi thành các cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hoá và KGCC

Khảo sát 92 Nhà máy

Căn cứ theo danh mục các nhà máy thuộc diện cần di dời do sản xuất gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch được rà soát và chốt lại vào cuối năm 2019, sẽ có 92 nhà máy, cơ sở SXCN cần được chuyển ra khỏi 5 quận nội thành. Nếu tính cả các cơ sở SX nhỏ lẻ không còn hoạt động hay bỏ hoang, thì con số còn lớn hơn rất nhiều. Điều đáng chú ý và đặc biệt quan trọng là các nhà máy trên, nếu được chuyển đổi sang mục đích sử dụng công cộng (trong đó có thể là các không gian văn hóa – sáng tạo) thì sẽ cải thiện đáng kể chỉ số KGCC cho Hà Nội, đặc biệt trên khía cạnh “tiếp cận” và đây có lẽ là những cơ hội cuối cùng, duy nhất để cải thiện KGCC trong khu vực nội thành Hà Nội, đã và đang quá tải.

Các nhà máy sau khi di dời có tiềm năng đặc biệt để trở thành cơ sở hạ tầng của Công nghiệp – Văn hoá

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9,10/2020 bởi các chuyên gia thuộc “Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống” đã rà soát tất cả 92 nhà máy, và khảo sát sâu 10 nhà máy lựa chọn, nhằm đánh giá tổng thể vị trí, quy mô, hiện trạng cơ sở vật chất, hiện trạng sản xuất, hiện trạng quản lý, và cả các giá trị lịch sử, di sản, ký ức; từ đó đánh giá tiềm năng và cơ hội chuyển đổi thành các không gian văn hoá – sáng tạo, KGCC, chính là cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp hóa cho Hà Nội. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy:

  • Các CSCN thuộc diện di dời này có tình trạng khá đa dạng về vị trí, quy mô đất đai, loại hình doanh nghiệp, tình trạng sản xuất kinh doanh, tình trạng cơ sở vật chất, nhà xưởng, cũng như các giá trị về kiến trúc và lịch sử của chúng;
  • Một số nhà máy có quỹ không gian và kiến trúc còn nguyên vẹn và rất giá trị, thậm chí là những công trình kiến trúc hiện đại nhất và đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc (dựa trên quan điểm mỹ học của Chủ nghĩa hiện đại) trong thời điểm được xây dựng. Điển hình như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội, nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy Dệt kim Đông Xuân;
  • -Nhiều nhà máy đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp ở Hà Nội, đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử, đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội… và trở thành những dấu ấn về ký ức và hình ảnh TP.

Theo ngôn ngữ chuyên môn, nhiều nhà máy có thể được xem là “Di sản Công nghiệp”, hay những “công trình kiến trúc có giá trị” cần được đưa vào đanh sách bảo vệ theo Luật Di sản, Luật Kiến trúc và các công cụ cần thiết khác.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Chuyển đổi thành Trung tâm TMDV gắn với Ga Gia Lâm, kết hợp không gian văn hoá sáng tạo (Ý tưởng Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội)

Các nhà máy sau khi di dời có tiềm năng đặc biệt để trở thành cơ sở hạ tầng của công nghiệp văn hóa

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không gian văn hoá – sáng tạo là một loại hình CSHT vật chất và không gian thiết yếu để ngành CNVH, ngành Kinh tế sáng tạo có thể phát triển.

(1) KGST cần cho phép sự đa dạng, linh hoạt, và có quy mô và phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng văn nghệ sĩ, nhà khởi nghiệp, các nhóm trong giới sáng tạo; đồng thời cũng cần thu hút được đa dạng công chúng đến với địa điểm, tạo ra điểm gặp gỡ cung-cầu của thị trường.

Các nhà máy cũ: Rất phù hợp và đáp ứng tốt đặc điểm này. Nhà máy thường là một quần thể rộng lớn với công trình và không gian trống giữa chúng. Các nhà xưởng thường là những không gian lớn, hoặc siêu lớn, có thể được ngăn, chia, phân vùng một cách linh hoạt, tiện lợi, hoặc có thể sử dụng chung như một không gian lớn trong nhà, rất phù hợp cho các sự kiện thu hút đông người như triển lãm, biểu diễn, trình diễn. Nói chung các nhà máy cũ có thể thích ứng với nhiều kịch bản khai thác sử dụng khác nhau mà các toà nhà office building khó có thể đáp ứng được.

(2) KGST cần có thuộc tính văn hoá và có khả năng kích thích sáng tạo: Cần kích thích trí tưởng tượng, tạo không khí sáng tạo, đáp ứng nhu cầu về tạo dấu ấn cá nhân mới mẻ của người sáng tạo. Những không gian có đặc tính văn hoá, chứa yếu tố lịch sử, di sản, tạo “cảm thức nơi chốn” sẽ đặc biệt phù hợp cho những người làm sáng tạo.

Các nhà máy cũ: Là các không gian lịch sử và thường chứa những kiến trúc có giá trị di sản (tính văn hóa), hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng thông thường, giúp khơi gợi những ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng sáng tạo.

(3) KGST cần có giá thuê hợp lý, tiết kiệm chi phí: Cần cho phép thiết lập, sửa chữa, trang trí nhanh, dễ dàng, tiết kiệm chi phí, giá thuê rẻ, phù hợp với những nhóm, cá nhân đang bắt đầu những thử nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp.

Các nhà máy: Thường có kiến trúc đẹp theo lối giản dị, khung công trình bề thế, hạ tầng kỹ thuật cơ bản đã có, chi tiết công nghiệp sẵn có để tận dụng ngay trong cả sử dụng và trang trí mà không mất nhiều chi phí. Ngoài ra, điều kiện ban đầu giản dị của không gian là hạ tầng, là cơ sở làm nổi bật các sản phẩm/ hoạt động sáng tạo.

(4) KGST cần dễ tiếp cận với cộng đồng: Như là những vườn ươm cho nền kinh tế sáng tạo, giúp giới sáng tạo tiếp cận công chúng và thị trường, các KGST cần dễ dàng tiếp cận bởi cộng đồng, nó nên được kết hợp với các công trình CC, KGCC. Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy giáo dục và trải nghiệm sáng tạo, giúp hình thành nền văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Dễ tiếp cận không nhất thiết phải ở mặt đường, nhưng các vị trí trong nội đô sẽ là lý tưởng nhất cho các KGST.

Nhà máy cũ ở Hà Nội: Thường nằm vị trí trung tâm đô thị, trung tâm khu dân cư, rất dễ kết nối với công chúng, dễ dàng đem những sản phẩm sáng tạo đến với cộng đồng.

Như vậy, thông qua các nhà máy cũ (cần di dời), Hà Nội có thể chuyển đổi cơ sở hạ tầng công nghiệp sản xuất (chế tạo) sang cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghiệp sáng tạo (phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá như chỉ đạo của Thành uỷ). Việc đầu tiên, tối quan trọng là cần khẳng định một lần nữa (theo QĐ 130/QĐ-TTg năm 2015) các nhà máy cũ cần được chuyển thành các không gian có mục đích sử dụng công cộng. Từ đó, chúng có thể được cải tạo thành một, một số, hoặc tất cả các chức năng như:

  • KG vui chơi, hoạt động thể chất cho người dân như vườn hoa, công viên, quảng trường (hạ tầng xã hội);
  • KG văn hoá giáo dục như các câu lạc bộ, cung thanh thiếu niên, thư viện (hạ tầng văn hoá);
  • KG sáng tạo (tập hợp các xưởng, studio, workshop, trưng bày sản phẩm thu công, mỹ nghệ, hội hoạ …) dành cho các nhóm sáng tạo, các start-up (hạ tầng công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo);
  • KG bảo tồn, bảo tàng, vừa giữ lại các di sản, các công trình công nghiệp có giá trị, vừa giới thiệu về lịch sử nhà máy, lịch sử ngành, lịch sử Hà Nội và các yếu tố di sản lịch sử liên quan khác;
  • Và các mục đích công cộng khác.

Các nhà máy cũ sẽ mang một sứ mệnh mới, một vai trò và chức năng mới. Việc này không đòi hỏi sự phá huỷ các kết cấu hiện có, mà cơ bản là cải tạo, chỉnh sửa và tái sử dụng thích nghi. Đây sẽ là một chuyển đổi thông minh, đơn giản và hiệu quả nhất, giúp Hà Nội đồng thời đạt được nhiều mục tiêu: TP phát triển bền vững, TP đáng sống, TP sáng tạo, TP lịch sử và bản sắc…

Sơ đồ mục tiêu và cơ hội khi chuyển đổi các nhà máy cũ sang mục đích sử dụng công cộng (nguồn: tác giả)

Những kiến nghị chính sách về đề xuất chuyển đổi các nhà máy cũ thành CSHT cho CNVH cần được xem xét trong quá trình triển khai điều chỉnh QHC xây dựng thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050

Theo Nghị quyết Thành uỷ, CNVH sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội. Cũng như bất cứ lĩnh vực phát triển nào, CNVH cần cơ sở hạ tầng để phát triển. Đó là hệ thống các không gian – địa điểm cần thiết cho quá trình sáng tạo và sản xuất các giá trị văn hoá mới, được giới thiệu và trao đổi với công chúng trong nước và quốc tế như cách mà thị trường sản xuất và trao đổi hàng hoá vẫn vận hành. Một cách đơn giản, đó là những không gian mà những người nghệ sĩ, những nhà thiết kế, lực lượng sáng tạo, khởi nghiệp cần để hoạt động, sáng tạo, và tiếp cận công chúng – Đó chính là các Không gian Văn hoá – Sáng tạo kết hợp KGCC.

(1) Đề xuất đầu tiên là cần xác định hệ thống CSHT của ngành CNVH trong Điều chỉnh QHC Hà Nội lần này.

Phần cơ bản của hệ thống CSHT CNVH chính là mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo ở Thủ đô, lý tưởng nhất là được phân bố theo cấp độ từ cấp TP, đến cấp quận (trong tương lai, nếu hệ thống này phát triển đến được cấp độ cơ sở như phường, khu dân cư thì càng tốt). Hệ thống này cần đa dạng các loại hình sẽ phù hợp với sự đa dạng vốn có và tất yếu của xã hội, tạo nên “Hệ sinh thái văn hoá – sáng tạo” rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng lực lượng sáng tạo cho Hà Nội lâu dài, qua nhiều thế hệ. Cụ thể, cần có quy hoạch (phân bố về mặt không gian) các địa điểm có chức năng không gian văn hóa – sáng tạo công cộng trong QHC. Quỹ đất cho các không gian văn hóa – sáng tạo công cộng này ở đâu ra thì cần phải rà soát và cân đối.

(2) Rà soát các nhà máy cũ thuộc danh mục di dời để xem xét chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ công nghiệp sang hạ tầng công nghiệp văn hóa.

Đầu tiên, Hà Nội cần khẩn trương tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá các cơ sở công nghiệp cũ tại Hà Nội dưới góc độ “Di sản” và “Kiến trúc có giá trị” theo Luật Di sản và Luật Kiến trúc (bao gồm các đối tượng có kế hoạch di dời hoặc không), từ đó sớm lập được “Danh mục các công trình kiến trúc công nghiệp có giá trị” cho Hà Nội, để có cơ sở quản lý và khai thác phù hợp. Các kiến trúc công nghiệp có giá trị sẽ rất phù hợp với giải pháp tái sử dụng thích nghi theo hướng biến thành các không gian văn hóa – sáng tạo công cộng.

Song song, cần rà soát đánh giá tổng thể cho hơn 100 nhà máy cũ ở Thủ đô theo các tiêu chí và tính phù hợp cho việc chuyển đổi thành các KGVH-ST, KGCC, Hạ tầng xã hội khác nhau, để lựa chọn các nhà máy tiến hành chuyển đổi (có thể theo thứ tự ưu tiên khác nhau) và mô hình chuyển đổi phù hợp. Với mức tập trung dân số và mật độ xây dựng qúa cao tại khu vực nội thành, thì các nhà máy cũ này là những cơ hội hiếm hoi cuối cùng cho các mục tiêu xã hội, trong đó có KGVH-ST, KGCC.

Công tác rà soát và xem xét chuyển đổi quỹ đất các nhà máy cũ thành KGCC cần được thực hiện ở cấp TP. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện rất cần có sự tham gia của chính quyền các quận, huyện. Do vậy, những chính sách liên quan tới việc phân cấp quản lý, thực hiện quy hoạch cần Chính quyền các quận, huyện lập những kế hoạch hành động cụ thể để phát triển KGCC nói chung, không gian sáng tạo nói riêng, trong đó, quỹ đất nhà máy cũ chuyển đổi ở địa phương cần được xem là một nguồn tiềm năng và quan trọng hàng đầu.

Việc chuyển đổi các nhà máy cũ đang thuộc sở hữu tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hoặc doanh nghiệp nhà nước thành các hạ tầng công ích là một trong những vướng mắc quan trọng cản trở quá trình chuyển đổi này. Vì vậy, cần có những chính sách về quy hoạch – xây dựng đủ mạnh, đi kèm với đó là các chính sách khuyến khích, ưu đãi ví dụ như chính sách về ưu tiên vay vốn đầu tư, ưu đãi thuế cho các dự án chuyển đổi sang các công trình công ích nhằm đảm bảo rằng: Chuyển đổi các nhà máy cũ thành KGCC phục vụ cộng đồng là phương án khả thi và mang lại lợi ích nhất cho các bên tham gia.

(3) Xác định các dự án chiến lược CSHT CNVH

Xem xét chọn 3 đến 5 nhà máy cũ (hoặc điạ điểm) để thực hiện chuyển đổi thành không gian văn hóa sáng tạo – KGCC; các dự án này nên được xác định địa điểm trong QHC, làm cơ sở để cụ thể hoá trong QHPK và triển khai sau đó. Có thể xem xét chọn: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nhà máy Dệt kim Đông xuân, nhà máy Thuốc lá Thăng Long, nhà máy Bia Hà Nội… Mỗi nhà máy có thể có phương án chuyển đổi riêng, được cụ thể hoá ở bước sau.

(4) Cần nghiên cứu và làm rõ nét nội hàm của khái niệm “Cơ sở hạ tầng cho CN Văn hoá” thể hiện trong QHC và để quản lý sau này

Bản chất, đây là một dạng sử dụng đất hỗn hợp, vừa mang ý nghĩa xã hội, vừa mang ý nghĩa kinh tế. Nó nằm giữa các chức năng sinh lời (như nhà ở thương mại, trung tâm thương mại) và các chức năng xã hội phi lợi nhuận thuần túy (như trường học công, thư viện). Nó có khả năng tự chủ về thu – chi, nhưng không thể cạnh tranh với các chung cư thương mại, cao ốc văn phòng hay siêu thị; nhưng nó lại quyết định sự phát triển lâu dài và bền vững cho TP. Vì vậy, TP cần ưu tiên quỹ đất cho chức năng CSHT CNVH này. Tuỳ vào mô hình vận hành và khai thác về sau, có thể cần những hỗ trợ khác của TP, nhưng điều đầu tiên cần khẳng định là phải ưu tiên giữ quỹ đất cho mục đích này.

(5) Tổng kiểm kê quỹ đất, không gian hoang hoá, chưa sử dụng, trong đô thị (kể cả đất công, đất của doanh nghiệp, đất tư nhân);

Rà soát quy hoạch và thực tế triển khai đầu tư các quỹ đất này theo quy hoạch. Nếu trong vòng 5 năm mà các Chủ đầu tư/ chủ sở hữu đất không có kế hoạch hoặc không đủ điều kiện thực hiện, thì đưa vào Danh mục khuyến khích phát triển không gian văn hóa sáng tạo ngắn hạn (5 – 10 năm). TP có thể công bố danh mục các không gian tiềm năng này, và là trung gian kết nối chủ quản lý đất với các nhà đầu tư, để thực hiện các hợp đồng thuê không gian 5 – 10 dưới sự bảo trợ của nhà nước.

(6) Xây dựng các cơ sở pháp lý cho việc hình thành các dự án bất động sản Xã hội và các doanh nghiệp BĐS vì mục đích xã hội (social real estate entities), gọi tắt là DN BĐS-XH

Khác với các DN BĐS thương mại thực hiện đầu tư vì mục đích lợi nhuận, các DN BĐS XH hoạt động như các NPO, phát triển quỹ bất động sản phục vụ các mục đích xã hội, trong đó có các không gian văn hóa – sáng tạo, KGCC, nhà ở xã hội, hay các dự án vì mục đích xã hội khác. Tạo điều kiện cho các DN BĐS XH đầu tư phát triển các không gian văn hóa sáng tạo trên cơ sở khai thác các địa điểm thuộc danh mục khuyến khích phát triển không gian văn hóa sáng tạo ngắn hạn và bảo trợ cho các DN BĐS XH được đảm bảo hợp đồng thuê đất ổn định trong 5 – 10 năm để thực hiện các dự án đầu tư không gian văn hóa – sáng tạo, đủ để thu hồi vốn đầu tư. Việc này cũng giúp nâng cao hiệu quả khai thác đất đô thị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ đất, đồng thời hoạt hoá môi trường kinh doanh văn hoá sáng tạo. Hỗ trợ các khâu (mắt xích) trung gian trong quá trình kiến tạo không gian sáng tạo.

Mô hình doanh nghiệp này thực ra đã xuất hiện ở Hà Nội, hoạt động khá hiệu quả và năng động với các dự án như Hanoi Creative City, hay Dự án Complex 01, hoặc Dự án 282 Factory. Xu hướng hiện nay có rất nhiều các start-up trẻ quan tâm và mong muốn thực hiện các dự án như thế này, vừa để có chỗ thực hành sáng tạo cho chính mình, vừa cung cấp không gian cho các đối tác, đồng nghiệp, cùng phường, hội.

PGS.TS.KTS. Phạm Thuý Loan
TS.KTS Trương Ngọc Lân
Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2021)

The post Chuyển đổi các nhà máy cũ tại Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3FYptCV
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét